Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Gặp Trần Đĩnh “Đèn cù” ở Sài Gòn


Trần Đĩnh. Ảnh: HM
Trần Đĩnh. Ảnh: HM
Năm ngoái (6-2014) thăm DC, Huy Đức tặng cuốn “Đèn Cù” (tập 1) có chữ ký của Osin hẳn hoi, mình đọc lê thê, ngày này qua ngày khác, mỗi ngày vài trang. Ở vảo cái tuổi lẩn thẩn, có chỗ đọc đi rồi đọc lại cứ như đèn cù, mãi không hết cuốn sách. Về VN chơi dài dài, “Đèn cù” tập 1 vẫn chưa đọc đến trang cuối.

Nhớ chương 30 có một câu mà ông Lê Đức Thọ nói với Trần Đĩnh một năm trước khi bị bắt: Cậu không làm sao cả, tớ nói cậu có ghi đây, nếu cậu làm sao thì cứ viết thư chất vấn tớ tại sao người cộng sản lại nói năng bất nhất?
Nhưng rồi cụ vẫn bị “kiểm điểm”. Như đã viết trong Đèn Cù, người hỏi cung là Lê Công Tuấn “có một cái cười đầy gia công” làm mình rất phục khoản chữ nghĩa của nhà báo dạn dày.
Hồi đi học phổ thông và sau này lớn lên, tôi từng tin rằng người cộng sản không thể nói năng bất nhất. Và cũng nghĩ người cộng sản chân thành không thể gia công nụ cười như các nàng chiêu đãi viên Singapore.
Đọc “Đèn cù” và nghĩ, giá hôm nào được gặp tác giả. Hôm vừa rồi vào Sài Gòn, được anh Xang Hứng chuyên viết còm dính đến sex rủ đi ăn trưa với cụ Trần Đĩnh. “Đèn cù” cũng có đôi dòng tình dục dù không phải để câu views.

Quán ăn được chọn là ngôi nhà cũ của họa sỹ Lưu Công Nhân nổi tiếng về tranh nude. Nghe nói ngôi nhà này nằm trên góc đường XXX, do bà vợ của họa sỹ do kinh doanh buôn bán mà mua được, chẳng liên quan nhiều đến tranh vẽ của người chồng.
Ngôi nhà của Lưu Công Nhân nay được cho thuê thành quán ăn, có món lạ như u bò (bò VN kéo cày nên có u), lẩu bò, khá ngon.
Tới phòng ăn nhỏ cho 6 người ở tầng 1, thấy một bác cỡ tuổi ngoài 80 nhưng vẫn khỏe mạnh và cười rất hiền. Xang Hứng nói nhỏ, đây là nha sỹ Phan Thế Vấn, từng trồng cho anh ấy hai cái răng hồi sơ tán vẫn tốt đến bây giờ. Đây cũng là kho sử của Việt Nam thế kỷ 20.
Thấy Xang Hứng giới thiệu, bác rất vui và bảo, ngày nào tớ cũng đọc HM blog, bài mới nhất là bài về Công đoàn cầm cu. Bác thích blog ở sự ôn hòa, các còm sỹ vui vẻ, comment có chất lượng, không quá khích.
Bác sỹ Phan Thế Vấn. Ảnh: HM
Bác sỹ Phan Thế Vấn. Ảnh: HM
Một lúc sau cụ Trần Đĩnh đến, dáng đi vẫn nhanh nhẹn, tóc bạc phơ, mắt kính râm như vẫn thấy trên mạng. Vừa chào hỏi, cụ chỉ ngay cái góc phòng ăn, đây là chỗ từng là nhà vệ sinh của họa sỹ Lưu Công Nhân. Cụ còn bảo, chỗ này còn có giá sách để họa sỹ vừa thực hiện một trong “tứ khoái” vừa xem sách.
Hồi họa sỹ ở Khâm Thiên (Hà Nội), nhà vệ sinh tập thể, phải xếp hàng dài với nắm giấy báo trên tay đợi đến lượt để vào một nơi mà chỉ có thể nôn ọe. Khi vào Sài Gòn, cố họa sỹ thấy cái WC sạch bóng, thơm lừng, rất lạ. Ai tới cụ cũng khoe, và cụ Trần Đĩnh thăm, thay vì tiếp khách, họa sỹ lôi tuột vào toilet, của tớ đó, thích không, thơm không.
Ở tuổi 85, cụ Trần Đĩnh vẫn nhớ khá chi tiết mọi chuyện, tên người, địa danh, giọng đều đều với sự minh mẫn và hóm hỉnh lạ thường. Gặp người rồi có thể tin hơn những gì chính họ viết thành sách.
Nghe giới thiệu mới biết hai cụ Trần Đĩnh và bác sỹ Phan Thế Vấn là bạn đồng niên, chơi với nhau xuyên thế kỷ, cùng số phận long đong vì dám nói những gì họ nghĩ.
Cả nhóm ngồi rất vui, các cụ thi nhau kể chuyện ngày xưa, từ làm báo tới nghề nha sỹ. Cánh trẻ U60 chỉ ngồi há mồm nghe. Các cụ kể nhiều nhưng mình chẳng…nhớ hết, với lại entry này chỉ cho phép 1500 chữ.
Bác Phan Thế Vấn bảo, chữa răng thì ít tiền, nhổ răng nhiều tiền hơn nên có nha sỹ vô lương tâm thích khuyên bệnh nhân nhổ răng. Nhổ xong rồi sẽ làm răng giả, răng bên cạnh lung lay lại nhổ tiếp cho tới khi hết cả hàm răng. Nghe quen quen như nền chính trị “giết nhầm còn hơn bỏ sót”, chỗ nào cũng thấy “thế lực thù địch”.
Hỏi sao bác Trần Đĩnh lại đặt tên sách là Đèn cù. Đơn giản thôi, nước mình như cái đèn cù, tít mù nó lại vòng quanh, vòng quanh nó lại tít mù. Đang là bạn lại thành thù, đang là thù nay thành bạn, sáng đúng chiều sai mai lại đúng, chả là đèn cù chứ là cái gì. Cứ xem Việt-Trung-Mỹ chơi với nhau là đủ hiểu triết lý đèn cù của người Trung Quốc cách đây hàng ngàn năm.
Nghe mình kể mỗi lần qua Hàng Trống đều dừng lại chụp ảnh gốc cây đa trong tòa soạn báo Nhân Dân, cụ Trần Đĩnh cười cười cũng nhiều kỷ niệm dưới gốc cây. Người ta dắt tay đi dạo và làm thơ lãng mạng. Còn cụ, hồi mới đi “kiểm điểm” về, ngồi chơi vui đùa với con dưới gốc cây đa, ông Lê Điền TBT Báo ND đi qua bảo, Trần Đĩnh thế này là không được, đi giáo dục về mà vẫn cười chứng tỏ không biết ăn năn hối lỗi. Lẽ ra phải buồn và đau khổ, phải hòa đồng quần chúng để họ giúp cho tiến bộ.
Thật thú vị, ngồi cạnh cụ Trần Đĩnh là nhà sưu tập tranh Đỗ Huy Bắc, con trai của cụ Lê Điền.  Anh Bắc sở hữu bộ tranh nude của Lưu Công Nhân từng mang đi triển lãm. Giá như Lê Điền tỉnh dậy và thấy đứa con mình mua tranh cởi truồng về treo thì hẳn phát điên, một thứ văn hóa đồi trụy đưa biết bao nghệ sỹ vào vòng lao lý hay tài năng bị ruồng bỏ.
Đỗ Huy Bắc. Ảnh: HM
Đỗ Huy Bắc. Ảnh: HM
Nghe nói dạo này anh Bắc chuyển sang kinh doanh rượu. Trước khi về anh còn tặng cụ Trần Đĩnh hai chai vang. Anh kể, lúc sắp mất, cụ có vẻ hối hận về những việc đã qua, chẳng hiểu là anh chuyển thông điệp tới cụ Trần Đĩnh hay cả bác sỹ Vấn.
Gần xong bữa một dị nhân tuổi anh Cua xuất hiện, tóc dài gần vai, đen, chả hiểu nhuộm hay tự nhiên. Anh Xang Hứng giới thiệu đó là công tử Lưu Quốc Bình, con trai họa sỹ Lưu Công Nhân.
Anh Bình có khiếu kể chuyện hài hước rất vui, thỉnh thoảng văng lung tung, lôi cả chuyện làm “chim bồ câu đưa thư” tới các người tình cho cha. Họa sỹ mất đi để lại cho các con ít “lương khô”. Hóa ra, cố họa sỹ “tặng” các con một sưu tập tranh rất lớn mà sau khi mất càng có giá. Khi thiếu tiền, anh Bình lại gọi anh Bắc đến xem có rước cái nào về làm bộ sưu tập cho đủ.
Hai bậc cao niên đều nhận xét, anh Bình giống hệt Lưu Công Nhân, từ vóc dáng đến ăn nói, kể cả văng lung tung. Cụ Đĩnh còn kề, họa sỹ chớm bệnh Parkinson, khi thăm thấy hai tay của người họa sỹ tài hoa cứ rung liên tục, nói lắp bắp, rồi bảo gặp Đĩnh xúc động quá, không nói được.
Anh Bình kể, khi họa sỹ sắp mất, anh có lo cho một chỗ trong nghĩa trang Tp Đà Lạt, nhưng cụ gạt phắt, hãy để tao nằm riêng một chỗ, thèm gì nằm với cái bọn…khác. Thế là phải lo một nơi mà họa sỹ có thể yên tĩnh một mình như khi còn sống từng biệt tích cả năm với Hội An.
Bữa trưa kéo dài gần 3 tiếng mà không dứt chuyện. Đến lúc phải về, mình xin phép chụp vài pô ảnh làm kỷ niệm, cả nhóm rất vui đứng ở cái góc từng có cái lavabo của cố họa sỹ Lưu Công Nhân.
Rồi hẹn lần sau ngồi lâu hơn, kể nhiều chuyện hơn. Hai cụ nắm tay chặt và dặn, Hiệu Minh cố viết nhiều cho cánh già đọc, niềm vui nho nhỏ mỗi ngày. Vâng ạ, Tổng Cua sẽ viết.
Chợt nhớ lời Lê Đức Thọ nói với Trần Đĩnh, người cộng sản không thể tiền hậu bất nhất. Tuy không phải là người cộng sản nhưng Cua Times sẽ không để mang tiếng dối trá. Vì thế bạn đọc có entry này, như trên giá sách nhà HM, có rượu đủ loại, có sách, có tượng đài lung linh, có chính trị và báo chí, từ họa sỹ đến còm sỹ hang Cua chuyên sex, có chuyện kéo từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21. Cũng là lời cảm ơn hai cụ Trần Đĩnh và Phan Thế Vấn, hai anh em Xang Hứng, các anh Đỗ Huy Bắc và Lưu Quốc Bình đã có cuộc gặp thú vị tại góc đường XXX. Cảm ơn còm sỹ Xang Hứng đã chiêu đãi bữa ăn rât ngon với những người thật đặc biệt và những câu chuyện phía sau lúc trà dư tửu hậu.
HM. 31-7-2015
Đèn cù trên giá sách nhà HM. Ảnh; HM
Đèn cù trên giá sách nhà HM. Ảnh; HM
Góc từng là nhà vs của hs. Lưu Công Nhân. Ảnh: Lương Cường - iPhone.
Góc từng là nhà vs của hs. Lưu Công Nhân. Ảnh: Lương Cường – iPhone.
Hai cụ Thế Vấn và Trần Đĩnh - bạn đồng niên. Ảnh: HM
Hai cụ Thế Vấn và Trần Đĩnh – bạn đồng niên. Ảnh: HM
Group Pics. Ảnh: HM
Group Pics. Ảnh: HM
Xem thêm.
Vài cảm nhận về đọc Đèn cù (Xôi Thịt)
Đèn Cù trên mạng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: