Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Đến thư mời cũng ghi là “Mật” thì còn gì để công khai


Tác giả: Xuân Hải
.
KD: Vẫn có công khai chứ. Công khai chữ “MẬT” còn gì?  :D
———–
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường phát biểu tại phiên họp sáng 12.8 (Ảnh: Xuân Hải)
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã nói như vậy khi cho ý kiến vào dự án Luật tiếp cận thông tin lần đầu tiên được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến sáng 12.8.
.
Đến giấy mời đi họp cũng ghi chữ Mật
.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, đây là lần đầu tiên, dự án Luật tiếp cận thông tin được Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Dự Luật Tiếp cận thông tin ra đời nhằm đảm bảo quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp ghi nhận.
Cho ý kiến vào dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng đối với quy định đề cập quyền từ chối cung cấp thông tin (điều 20), dự luật rất mâu thuẫn với quyền tiếp cận thông tin của người dân. “Vì mới chỉ nói đến “có thể” ảnh hưởng đến an ninh hay đời tư thôi thì anh đã từ chối cung cấp thông tin rồi, vậy cái gì cũng lạm dụng nói là “có thể” để từ chối cung cấp thông tin như vậy thì quản lý thế nào. Quy định về trả lời tôi cũng không hiểu cơ quan trả lời thì trả lời đến mức độ nào. Thực tế tài liệu ghi mật tràn lan, thậm chí có thư mời đi họp cũng ghi chữ Mật” – Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng chính việc quy định chưa cụ thể, rõ ràng cũng gây khó cho người được yêu cầu cung cấp thông tin vì chỉ cần từ chối với lý do không phù hợp cũng có thể bị khởi kiện.
“Thông tin nào mật và mật đến khi nào để người ta biết còn trả lời chứ. Luật muốn mở ra cho người ta tiếp cận nhưng quy định chưa rõ. Ví dụ tình hình sức khoẻ của đồng chí Nguyễn Bá Thanh như thế nào, khi nào về nước thì cứ cung cấp bình thường chứ có gì đâu mà bí mật. Chính bí mật của mình làm phức tạp thêm tình hình. Do đó cần rà soát hết lại, phải rõ cái nào được cung cấp và không cung cấp thì luật ra mới khả thi” – Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Thực tế tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế. Luật này ra đời nhằm điều chỉnh được thực tế đó trên tinh thần Hiến pháp 2013. Do đó, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, những gì hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân phải ghi cụ thể trong luật.
“Luật này ra đời nhằm mở ra quyền tiếp cận thông tin của công dân, tạo thuận lợi cho người dân. Đến thư mời đi họp cũng ghi Mật như anh Sơn nói thì còn gì để công khai. Do đó cần có danh mục những loại thông tin không được cung cấp và thể hiện trong luật”, ông Lý nói.
Thông tin nào thì được cung cấp?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH Ksor Phước cho rằng thông tin cung cấp là thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và đang nắm giữ chứ không bao gồm thông tin cơ quan đó đang có do nơi khác đưa đến, nghe có vẻ thuận nhưng thực tế không phải vậy.
Cơ quan nhà nước có thể không tạo ra thông tin nhưng lại có điều kiện nắm thông tin, đặc biệt là thông tin gốc thì người dân yêu cầu có cung cấp không? Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cho rằng quy định Văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội chỉ cung cấp thông tin hoạt động của đoàn là quá hẹp. Vì họ có cả thông tin chương trình kỳ họp, kết quả kỳ họp Quốc hội. Không để một người đến Văn phòng đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau hỏi lại bảo người ta về Văn phòng Quốc hội để có thông tin.
Ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá- Giáo dục- Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH nhấn mạnh, luật cần làm rõ thông tin nào cần phải cung cấp và ai cung cấp vì nếu đặt vấn đề không chính xác sẽ dẫn đến mâu thuẫn ngay trong luật.
“Dự thảo nói thông tin do cơ quan nhà nước tạo ra và nắm giữ, nhưng mở rộng ra một chút là thông tin do cơ quan nhà nước nắm giữ mà không phải do mình tạo ra là mâu thuẫn ngay. Ví dụ thông tin của đơn vị nào đó nếu không cung cấp cho cơ quan Nhà nước thì bí mật của người ta, còn khi cung cấp lại công khai nên có thể họ đối phó bằng cách không cung cấp”, ông Thi đặt vấn đề.
Cũng theo ông Đào Trọng Thi, nếu không xác định cụ thể thì sẽ tạo sự bất bình đẳng: “Tại sao học phí của trường công lập thì phải công bố còn tư thục thì không cung cấp mặc dù bản chất như nhau? Viện phí và các khoản tài chính của doanh nghiệp cũng vậy”. Do đó ông Thi đề nghị phải xác định loại thông tin gì liên quan đến lợi ích của người dân, cộng đồng, nhà nước thì phải cung cấp cho dù tạo ra từ nguồn nào, kể cả thuộc Nhà nước và không thuộc Nhà nước.
———–

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: