Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Chuyện giải tỏa cho ông Nguyễn Hữu Đang


Thái Kế Toại
Ông Nguyễn Hữu Đang thời trẻ

Khi ông Đang ra tù năm 1973 ông vẫn còn bị quản chế 5 năm. Theo tiền lệ thời gian đó Bộ Công an phải nuôi ông mỗi tháng 15 đồng, cũng tạm đủ ăn. Sau đời sống khó khăn số tiền đó không đủ nuôi ông, công an Thái Bình xin thêm, Bộ giải quyết cho 50 đồng nhưng hàng tháng phải cho người trực tiếp lên đơn vị tôi lĩnh về.
Bắt đầu đổi mới, tôi được giao nhiệm vụ tham mưu cho cấp trên xem xét xử lý vụ Nhân Văn – Giai Phẩm.
Đầu tiên là phải đọc lại toàn bộ hồ sơ vụ án. Đó là một công việc nan giải vì hồ sơ của vụ án này nhiều hàng mét khối. Giấy tờ đã lưu trữ hàng ba chục năm, bản viết tay nhiều, bản đánh máy thì lèm nhèm. Tôi vừa làm công tác lãnh đạo đơn vị vừa tranh thủ đọc các tập hồ sơ cơ bản. Một cán bộ là anh Dương Thanh Hưởng giúp cho tôi. Khi đọc hồ sơ tôi hiểu được bản chất vụ án, phát hiện ra một số tình tiết mà một số bài báo, bản tổng kết sau này đã viết khác đi.
Việc thứ hai là phải rà soát lại toàn bộ nhân sự cùng quan hệ nhóm, quan hệ xã hội, tâm tư, sáng tác, thái độ chính trị của những văn nghệ sỹ đã tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm.
Việc thứ ba là đánh giá thái độ của các chính phủ, các cơ quan văn hóa, các đài phát thanh, truyền hình, báo chí các nước, các tổ chức quốc tế quan tâm đến vấn đề Nhân Văn- Giai Phẩm này.
Kết quả là tôi đã đề xuất cần thực hiện nhanh các biện pháp giải tỏa cho những văn nghệ sỹ đã tham gia nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm. Đó là biện pháp công tác tích cực nhất góp phần tháo bớt căng thẳng dư luận xã hội và văn nghệ sỹ, góp phần làm cho việc lợi dụng sự kiện Nhân Văn – Giai Phẩm theo chiều hướng tiêu cực giảm đi. Đầu tiên là khôi phục ngay hội tịch cho những người đã bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật. Thứ hai là cấp lương hưu cho hai ông Nguyễn Hữu Đang và Phùng Cung sau khi đi tù về không có lương, chỉnh lương hưu cho những người đã có lương nhưng quá thấp như Trần Duy, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm. Thứ ba là bình thường hóa việc in tác phẩm trên báo, xuất bản sách của các ông ở các nhà xuất bản. Thứ tư là dỡ bỏ những rào cản đối với nghề nghiệp, đời sống con cái các ông.
Nói thêm là cùng với số văn nghệ sỹ tham gia Nhân Văn – Giai Phẩm còn có một số văn nghệ sỹ khác cũng bị ngừng in bài, in sách trong một thời gian dài như Nguyễn Dậu, Hồ Dzếnh, Vũ Trọng Phụng, Hà Minh Tuân, Hoàng Tiến, Hoàng Yến, Trần Huyền Trân, Hoàng Công Khanh…
Do nhiệt tình của Ban Văn hóa Văn nghệ Trung ương và các Ban, Ngành khác công việc được tiến hành nhanh chóng.
Riêng ông Nguyễn Hữu Đang do thân phận đặc biệt của ông cần được giải quyết ngay. Tôi trực tiếp đi Thái Bình. Hội ý với anh Hội Phó Giám đốc phụ trách an ninh, anh Tuất Trưởng phòng nghiệp vụ, anh Tý trinh sát xong, không dùng xe con, tôi nhờ anh Tý lấy xe máy đèo tôi xuống Trường cấp hai Vũ Công. Tôi ở lại làm việc với ông Đang, đêm ngủ ở nhà ông Hiệu trưởng ngay gần nhà ông Đang. Gọi là nhà chứ đó trước là căn bếp của trường trong buổi sơ khai, sau trường có bếp tập thể to hơn để lại cho ông Đang ở nhờ. Sau khi tôi về giải tỏa cho ông, ông Phùng Quán, nghệ sỹ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán mới về thăm ông được. Khung cảnh và cuộc sống của ông đúng như Phùng Quán đã kể trong bài viết Người tổ chức Lễ Độc lập 2-9. Gầm giường ọp ẹp của ông đầy vỏ chai rượu, vỏ bao thuốc lá ngoại ông nhặt từ Hà Nội để trao đổi với bọn trẻ con cóc nhái làm thức ăn. Ông có một đống tất cũ đã rách cũng xin từ Hà Nội sửa lại để đi. Lại còn một chiếc vại nữa xin nước gạo của nhà bếp để lắng lại rồi gạn lấy phần bột để nấu cháo mà ông gọi là xúp. Rau thì ông trồng lấy trên vạt đất nhỏ trên bờ ao. Với mấy thứ đó ông cho là tự đủ dinh dưỡng, cũng không cần chợ búa.
Ông vẫn để dành được số tiền trợ cấp ít ỏi của công an chi mua thóc lúc đang mùa, bán lại vào lúc giáp hạt để sinh lời. Có lúc ông đã có hàng tấn thóc. Nhưng con cháu ông nghèo khó luôn luôn nhòm ngó tìm cách vay mượn của ông rồi ăn quỵt. Trong thư viết cho tôi ông gọi họ là lũ giòi bọ, lưu manh. Ông thích nói về tư tưởng của Lão Trang, triết học an nhiên tự tại thuận theo quy luật tạo hóa. Ông cũng không tỏ ra ân oán với vụ án mà ông chịu 15 năm tù giam, 5 năm quản chế sau mãn hạn tù. Tôi biết ông đã trải qua những trại giam khắc nghiệt như Phong Quang Lào Cai, Quyết Tiến Hà Giang nhưng ông chỉ nói đến việc lần ông bị tạm giam ở Nam Định do sang thăm người bạn tù bị một thanh niên 18 tuổi cưỡi trên lưng, bắt ông làm chó cắn gâu gâu.
Trở về công an Thái Bình tôi trao đổi mấy việc theo tinh thần chỉ đạo của Bộ như sau:
Ông Đang đang là một công dân bình thường cần phải đối xử với ông bình thường như những công dân khác. Không thể tiếp tục thực hiện biện pháp quản chế như cũ. Phải làm hộ khẩu cho ông, cấp chứng minh thư cho ông. Ông được tự do đi lại mà không cần có giấy phép của công an mới được ra khỏi đất Thái Bình. Bạn bè, người thân từ xa về thăm ông không phải trình báo xin phép. Ông được đọc và mượn sách báo tại Thư viện của tỉnh, có thể giúp cho công tác biên soạn lịch sử cách mạng của tỉnh.
Về Hà Nội tôi báo cáo với Bộ trưởng cần đề nghị Bộ Lao động Thương binh Xã hội làm lương hưu cho ông Đang chứ không tiếp tục dùng tiền nghiệp vụ nuôi ông nữa. Vì ông độc thân, không có nhà cửa chỉ còn anh em con cháu ruột ở Hà Nội nên bố trí cấp nhà cho ông và cho ông chuyển lên sống ở Hà Nội. Việc xếp lương hưu tiến hành tương đối nhanh, ông được hưởng mức trợ cấp như chuyên viên bậc 5 tương đương Vụ trưởng. Đối với một người như ông Đang số tiền lĩnh hàng tháng đó rất là có ý nghĩa và cũng là rất lớn so với số tiền công an nuôi ông. Trong khi làm lương hưu cho ông Đang xảy ra một chuyện. Ông cứ khăng khăng đòi trợ cấp đặc biệt một lần. Ông cũng tính với tôi trong thời gian chờ làm thủ tục ông đã thiệt hại 1.400.000 đồng. Những năm tháng trở về sống như thế đã làm cho ông tính toán như một người nông dân thực thụ.
Việc cấp nhà và chuyển lên Hà Nội thì lâu hơn nhưng cũng xong vào đầu những năm 90 với sự giúp thêm của ông Trần Quốc Hương, người đàn em của ông Đang thời Văn Hóa cứu quốc, ông Phan Diễn là cháu của ông Phan Khôi. Căn hộ ông được cấp ở cùng Khu nhà tập thể Hội Sân khấu đường Liễu Giai nhưng ông đã bán đi dọn về ở cùng người cháu tên Hà con ông anh ruột tại Khu tập thể nhà máy bánh mỳ Nghĩa Đô.
Ông Đang bắt đầu viết và đăng báo trở lại. Vaì bài báo về đời sống điện ảnh Hà Nội trước 1945, Việc tổ chức ngày Lễ Độc lập 2-9-1945, hoạt động của Hội truyền bá quốc ngữ… một truyện ngắn về người yêu của ông ở Hà Nội Chiếc vòng Xơ men. Các báo cũng có bài viết và ảnh về ông.
Tôi nhớ trong thời gian chờ đợi làm thủ tục ông lên Hà Nội hay đạp chiếc xe đạp mi ni lại chỗ tôi. Người đương thời Hà Nội không thể biết được ông già bé nhỏ vẻ mặt khắc khổ, dáng điệu nhếch nhác đạp chiếc xe mi ni kia lại là Nguyễn Hữu Đang một thời nổi tiếng ở thành phố. Tôi đã trả lại cho ông bức ảnh giấy lụa còn rất đẹp về Kỳ đài Lễ Độc lập 2-9-1945 Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập. Ông Đang đứng trên lễ đài phía ngoài cùng bên phải. Một lần ông bị sưng bàn chân trái. Tôi đề nghị Bệnh viện 198 của Bộ Công an chữa cho ông. Ông Giám đốc Hoàng Tuấn mừng lắm nhận lời ngay vì mấy khi có dịp chữa bệnh cho con người đặc biệt đó.
Trước khi vào viện anh em tôi đưa ông ra ăn phở Nam Ngư đang có tiếng. Mấy bà bán nước chè ngỡ ngàng khi ông nói chuyện phở ngày xưa. Ngày xưa Hà Nội không có phở gà như bây giờ. Chỉ có phở bò, phở chín, phở tái, phở nạm, phở gầu, phở nước trong, phở nước đục… Họ cũng không thể biết rằng Nam Ngư là cái quán phở thời trước ông vẫn ăn, căn nhà cũ ông ở cũng ngay gần đây ngoài phố Yết Kiêu.
Có lần tôi hỏi ông việc bối trí quay phim ngày 2-9-1945 ông bảo có đặt hiệu ảnh Hưng Ký ở Hàng Trống quay phim nhưng sau họ báo là phim bị hỏng, chỉ còn ít ảnh. Do bận nhiều việc to lớn hơn nên không ai nghĩ đến việc này. Ông cho biết hình như Đội biệt kích Con nai của người Mỹ cũng chịu trách nhiệm bảo vệ kỳ đài ngày 2-9 có thể có máy quay. Sau này khi Điện ảnh Công an làm bộ phim Điệp viên nhảy dù về nhóm các ông Lê Giản, Hoàng Đình Giong, Nguyễn Văn Ngọc, Trần Hiệu, Nông Văn Hoạt được Đồng minh thả dù xuống miền Bắc Việt Nam đầu 1945 liên lạc với Việt Minh đánh phát xít Nhật chúng tôi được Hội hữu nghị Mỹ Việt tặng một cuốn băng video có những thước phim quay về hoạt động của Đội Con nai ở chiến khu Việt Bắc. Tuy vậy đấy mới chỉ là giả thiết. Cho đến giờ người quay những thước phim nhựa cực kỳ quý giá về ngày lễ Độc lập 2-9-1945 vẫn còn là một ẩn số.
Ngày 20-11-1992 hai người em kết nghĩa là thi sỹ Phùng Cung và thi sỹ Phùng Quán tổ chức cho ông Lễ mừng thọ 80 tuổi tại nhà ông Phùng Quán ven hồ Tây. Hàng trăm người đủ các thế hệ già trẻ của văn nghệ sỹ Hà Nội, những người bạn cũ, ông Vũ Tú Nam Tổng thư ký Hội Nhà văn đã đến dự. Trong lời tâm sự ông nói:
Tôi không thể nói hết được sự cảm động của tôi trước cử chỉ thân ái, ân cần của các bạn đối với tôi hôm nay. Đúng là việc may mắn lớn mà trước đây tôi không thể nào nghĩ tới, không thể nào tưởng tượng được.
Sau khi ông Đang yên vị ở Hà Nội tôi chuyển sang phụ trách Điện ảnh Công an, một công việc thuần túy quản lý nghệ thuật ít có dịp gặp lại ông. Sau nhiều năm, có một lần trong dịp kỷ niệm gì đó của Hội Nhà văn ở Cung Hữu nghị Việt Xô tôi thấy ông đứng với các ông Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam… Tôi đi lại chào và bắt tay các ông. Ông Đang đã già, thần sắc ngơ ngác. Ông bắt tay mà hình như không nhận ra tôi…

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: