Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Chính phủ và giới quân sự Mỹ bất đồng về Biển Ðông


31-07-2015
Bản đồ khu vực Trường Sa đang tranh chấp mà Trung Quốc xây dựng 7 bãi đá ngầm thành 7 đảo nhân tạo quân sự cỡ lớn. (Hình: CIA-NASA)
WASHINGTON, DC (NV) – Một số tướng lãnh Hải Quân bất đồng với chính phủ của Tổng Thống Barack Obama về vấn đề tuần tra khu vực Trường Sa trên Biển Ðông mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền.
Theo tạp chí thời sự chính trị Politico, các nhà lãnh đạo chính trị và các tướng lãnh tranh luận về việc có nên cho tầu chiến hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang hối hả xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa.
Giới chỉ huy quân sự thì muốn cho tàu chiến chạy vào bên trong 12 hải lý để thực thi quyền tự do hải hành trên vùng biển quốc tế, nhưng các giới chức chính trị lại muốn hành xử cân bằng trong mối quan hệ tế nhị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ngũ Giác Ðài nhiều lần tuyên bố có quyền bay trên không phận hay chiến hạm của Hoa Kỳ di chuyển bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo mà Trung Quốc dự trù mang các loại võ khí dữ dằn tới đây.
Người ta không biết đích xác những gì Hải Quân Mỹ đã làm hay đang làm tại vùng biển Trường Sa, nhưng các tướng lãnh và dân cử diều hâu muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến Bắc Kinh là Hoa Kỳ không công nhận lời tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Theo họ, nếu không làm như thế có nghĩa là Hoa Kỳ ngầm chấp nhận chủ trương bá quyền bành trướng của Trung Quốc, uy hiếp các nước nhỏ phía Nam và gây mất ổn định khu vực. Các nước như Nhật, Việt Nam và Philippines bị đe dọa nghiêm trọng và trực tiếp.
“Chúng ta giới hạn Hải Quân không được hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo ở Trường Sa mà một lỗi lầm nghiêm trọng hiểu như công nhận thực trạng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc,” Thượng Nghị Sĩ John McCain (Cộng Hòa-Arizona), chủ tịch Ủy Ban Quân Vụ Thượng Viện, nói với Politico.
Một số nguồn tin nội bộ trong chính phủ Hoa Kỳ và giới quân sự nhìn nhận trong riêng tư là có sự khác biệt ý kiến, nhưng không muốn nêu tên trên mặt báo về các quan điểm khác nhau giữa chính phủ và các tướng lãnh Hải Quân.
Các tranh luận nội bộ của Mỹ diễn ra trước khi Ngoại Trưởng John Kerry du hành tới Malaysia tham dự cuộc họp của ASEAN và các đối tác về an ninh khu vực.
Vào Tháng Chín này thì Tổng Thống Barack Obama tiếp Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Tòa Bạch Ốc mà một trong những vấn đề được nêu ra sẽ bao gồm cả các căng thẳng ở Biển Ðông.
Hoạt động xây dựng của Trung Quốc trên Biển Ðông không những tạo căng thẳng an ninh giữa các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng đến an ninh và hoạt động kinh tế toàn cầu, nhất là khi Bắc Kinh tuyên bố thiết lập Vùng Nhận Diện Phòng Không (ADIZ) trên Biển Ðông.
Hơn $5,000 tỷ hàng hóa các loại được chuyển vận qua Biển Ðông mỗi năm. Nếu hải lộ này bị cấm cản, nền kinh tế toàn cầu khó tránh khỏi khủng hoảng nghiêm trọng.
Trung Quốc từng nộp tại Ủy Hội Quốc Tế Về Luật Biển (UNCLOS) tấm bản đồ Biển Ðông với chín vạch chủ quyền, mà người ta thường gọi là “đường lưỡi bò,” bao gồm đến 90% diện tích vùng biển này, lấn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và Philippines. Việt Nam và các nước khác trong khu vực đã phản bác.
Nếu Biển Ðông với “đường lưỡi bò” trở thành “ao nhà” của Trung Quốc thì hậu quả khủng khiếp của nó thế nào đã từng được phân tích nhiều thời gian gần đây trên các diễn đàn thời sự chính trị quốc tế.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: