Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Chân dung nhà văn thời kỹ thuật số


Một tác phẩm được xét có tính văn học hình thành trên mạng, thế giới ảo là gì? Phải chăng, tác phẩm đó phải kết cấu mới, nội dung hấp dẫn, ngắn dài không áp đặt và “phi tuyến tính”, “cộng hưởng” các thể loại? Có những thành tố này do tính chất “blog-web” đặc trưng của nó: viết xuất phát và theo cảm hứng chứ không phải từ đơn đặt hàng? Viết để bày tỏ, bộc lộ chính mình. Ít kiểm soát cảm xúc, các ngần ngại, tương phản trước các “barie” rào chắn ngôn ngữ?
Điều thú vị nhất của văn chương trên blog là có thể bạn sẽ phát hiện ra những gương mặt “mới toe”, chưa từng xuất hiện nhưng những gì họ viết ra đã là những tác phẩm thật sự. Một tác phẩm tự định danh theo kiểu “cái anh có” (cảm xúc, hứng khởi trong hồn) mà chưa bao giờ đòi hỏi cách phải tiếp nhận “cần có anh” (dư luận phải dọn đường quan tâm, báo chí điểm sách, không bị áp tải trước sức ép người đọc). Nhà văn đầu tiên hình thành được tên tuổi mình trong giới trẻ Việt Nam trên blog-web phải nói đến Trần Thu Trang với tác phẩm Phải lấy người như anh. Cô nổi tiếng trong giới “giang hồ vắng chủ” này khi những trang web văn chương cá nhân chỉ mới bắt đầu được quan tâm xuất hiện lác đác cá nhân, và blog mới là khái niệm ảo, ít người biết. Tôi đùa cõi “giang hồ vắng chủ” là thế. Người viết lúc bấy giờ cô đơn thật chứ chưa phải “độc cô cầu bại”. Trần Thu Trang đã viết những trang đầu tiên thuộc thế hệ 8x và chỉ có thế hệ 8x đọc. Nhưng giới trẻ vốn tinh nhạy. Họ là những con “sâu mạng” ăn lá “web”. Cái tên Trần Thu Trang được chuyền đi rất nhanh. Phải lấy người như anh và một tác phẩm khác của Trang sau đó đã được nhà xuất bản X. xuất bản chính thức thì giới phê bình mới biết. Tôi không thích cuốn này lắm nhưng cần phải nhắc đến nó vì thành tích đầu tiên của người viết trẻ VN “cắm cột mốc” lên “biên giới ảo”! Bởi lẽ sau Trang, “giang hồ” dậy sóng với nhiều tác giả tài năng hơn.
Nhà văn trang Hạ với blog của mình bắt đầu “chinh chiến” giới “võ lâm” với tác phẩm dịch Xin lỗi, em chỉ là con đĩ! Ngay lập tức total page view của blog này tăng lên theo cấp số nhân mỗi lần post lên những chương mới của bản dịch. Cũng công bố thêm một chi tiết thú vị khi Trang Hạ dịch cuốn sách này cô đang là phóng viên thường trú báo Tiền Phong tại Đài Bắc. Blog đã kết nối “xuyên biên giới” khiến cho những blogger đọc cô cứ ngỡ đang ở Hà Nội vậy! Phải ghi nhận thêm vai trò nhà báo của cô khá nhanh nhạy. Nhiều phóng sự, những thân phận, mảnh đời xa xứ được cô đề cập trên blog này nóng hổi làm rơi lệ người đọc. Vì những lý do đó blog này đã trở thành một trong những blog có số lượng page view khá lớn (nếu không muốn nói là nhất Việt Nam trong hàng Văn chương) là hơn hai triệu lượt truy cập. Nhưng vào tháng 8.2007 một sự cố diễn ra, các hắc-cơ đã đánh thủng hàng rào page-view của cô: Từ hai triệu lượt trở thành con số âm! Thế mới biết giang hồ “dậy sóng” cỡ nào!
Nhiều blog khác với những thể nghiệm tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ được giang hồ blogger biết như các blogger lấy thẳng tên các nhà văn, nhà thơ trẻ như: Nguyễn Vĩnh Tiến, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Nguyệt Phạm, Thanh Xuân – BooBooTM (hai nhà thơ của nhóm Ngựa Trời), Nguyễn Hữu Hồng Minh, Trương Quế Chi, Lê Thiếu Nhơn (Ký giả hè phố), Phan An, Đỗ Trí Dũng (Bulldog), Từ Nữ Triệu Vương (Mari Sến), Lê Nguyệt Minh, Cấn Vân Khánh, Ngô Thị Hạnh, Lê Anh Hoài (Búpbê bằng bột), Trần Nguyên Anh, Trần Tuấn (Cửu Vạn), Hoa Ngõ Hạnh (Hổ Phụ Tử), Hà Kin, Bùi Thanh Tuấn, Đinh Lê Vũ, Cao Hải Hà, Ngô Thị Thanh Vân… Những thể nghiệm thơ, truyện có phần táo bạo, dứt bỏ những khuôn mẫu, cách viết truyền thống. Một cái khác, cái mới chờ nhận định của các nhà phê bình bởi chưa hề “nháng nhác thấy”, “nhang nhác giống” với tất cả những gì là quan niệm tác phẩm mà bạn đã được đọc từ trước đến nay. Bởi như tôi đã viết ở trên, những yếu tố cấu thành tác phẩm đã tự “vuột ra”, “phóng ra” đầu tiên trong một nhận thức, viết cho mình, viết chơi, không phải để chăm chăm công bố và in ấn. Tâm thế viết và trạng thái sáng tạo độc lập ấy đã cho ra đời một tác phẩm thực thụ đúng nghĩa của nó.
Thể nghiệm thơ hấp dẫn các blogger không kém. Với BlogVăn (POET) của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh mới đây khi anh đưa ra khuynh hướng thể nghiệm thơ “Bề Mặt” và “Lộn Trái” với những tác phẩm tiêu biểu lập tức đã được blog Cô Gái Đồ Long dẫn nguồn lại gây “luận chiến” và “tranh cãi” về thơ thể nghiệm không ít. Hàng trăm comments của hàng trăm blogger đổ về cho biết quan niệm của họ về những nhánh, những dòng thơ thể nghiệm hiện đại. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh cho biết: “Hiện nay hầu hết các độc giả đang quay lưng lại với thơ. Không thể trách bạn dọc mà các nhà thơ nên tự trách mình. Bởi lẽ thế giới viết của họ quá nghèo nàn. Phần lớn vẫn “èo oặt”, “à ơi”, “ví dầu”… bỏ quên hay đang “tuột dốc” nhiều vấn đề “nóng bỏng” của nhịp sống hiện đại. Thơ cần những cuộc giải phóng ngôn từ, cấu trúc hình thức, và diễn giải nội tâm. Là những “bề mặt” trần trụi, hỗn mang vô cảm cần được “lộn trái” đúng nghĩa để đem lại những hơi thở mới, cảm xúc mới “giải hóa” tâm hồn đang xơ cứng, cằn cỗi của chúng ta…”.
Di Li cũng là một minh chứng cho quan niệm trên. Cô tên thật là Diệu Linh và đã từng đoạt giải nhiều cuộc thi truyện ngắn. Blog Di Li ghép tên của bút hiệu cô. Di Li chọn hướng viết thể nghiệm truyện ma, truyện kinh dị gây cảm giác mạnh, “sốc lớn” cho người đọc và bước đầu cô cũng đã gặt hái được nhiều thành công. Với cách viết truyện hơi hướm “đường rừng”, “một bóng trắng đột ngột xuất hiện”, “cô gái rú lên”, “hồi sau sẽ rõ” này các nhà văn Phạm Cao Củng, Thế Lữ đã thể nghiệm từ những năm 1930 nhưng từ lâu không còn thấy xuất hiện trong văn cảnh văn học Việt Nam hiện đại nữa. Trở lại cùng Di Li nên là những bước khích lệ.
Đặng Thiều Quang là một gương mặt “sáng giá” khác. Blog của Quang có một lượng truy cập khá lớn. Mỗi ngày hơn 500 lượt vào. Hiện nay chỉ số lượng truy cập đã gần 50 ngàn lượt. Trên blog anh đã viết được nhiều truyện ngắn và hai tiểu thuyết nổi tiếng làĐảo Cát Trắng, Chờ Tuyết Rơi. -“Tôi viết tới đâu post lên blog tới đó. Sự mong đợi của người đọc là cảm hứng để tôi viết tiếp” – Quang cho biết. Tuy nhiên, phải thấy chính sự đáng ứng cho bạn đọc cũng trở thành một áp lực. Nhiều đêm đến tận 2-3 giờ sáng nếu tinh ý bạn vẫn biết nhà văn trẻ vẫn đang lọ mọ viết, lướt phím. Thái độ trân trọng bạn đọc đã giúp anh vượt qua những thử thách để hoàn thành vai trò một nhà văn với những tác phẩm mới. Được biết, những cuốn sách của Đặng Thiều Quang đã được công ty sách Bách Việt đặt vấn đề mua bản quyền xuất bản. Hiện thủ tục, giấy phép, trình bày, vẽ bìa sách đã xong, chỉ chờ ngày ra mắt tác phẩm với báo chí. Từ những trang viết “ảo” trên giấy khởi vọng cho miền vui “thực” với những trang giấy còn thơm mùi mực in là đều không hẳn Quang mà rất nhiều nhà văn trẻ mơ ước. Gần đây những truyện ngắn của một blog “bí ẩn” có cái tên Mai Crimson, một giọng văn nữ trẻ 25 tuổi, viết những trang viết sâu xoáy vào nội tâm người đọc, gây những cảm xúc “bùng nổ” đột ngột làm người yêu văn chương hy vọng.
Ở góc độ dịch thuật và phê bình, bạn trẻ văn chương quan tâm đến blog Nhị Linh của dịch giả, nhà nghiên cứu văn học trẻ Cao Việt Dũng, Cao Đăng của nhà văn, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng và blog Trần Ngọc Hiếu, nhà phê bình trẻ ĐH Sư Phạm Hà Nội. Trên những blog của thường xuyên đăng tải những bài dịch, bài viết, bình luận, khảo cứu “nóng bỏng” hơi thở tâm huyết với nghệ thuật – đời sống văn chương. Trần Tiễn Cao Đăng sau những tác phẩm dịch thành công, anh đang khởi động viết một tiểu thuyết Hậu Hiện đại và cho biết sẽ thao tác từng phần “mở” trên blog cho các bạn đọc tiện theo dõi.
Kết thúc bài viết này, tôi muốn nói đến một nhà văn nữ trẻ khác, xuất hiện và hình thành phong cách văn chương của mình từ blog là Hà Kin với tiểu thuyết Chuyện tình NewYork vừa xuất bản. Khác với Trần Thu Trang, người vẫn được xem là thế hệ đầu tiên của văn chương blog – web, theo tôi Hà Kin viết thú vị và kết cấu tác phẩm của có phần mới hơn, đặc biệt là “ít sạn” và hấp lực được người đọc trẻ hơn. Vấn đề không phải so sánh tài năng của Trần Thu Trang và Hà Kin mà tôi muốn nói thực sự chính dòng văn học mạng đang có một “tiến trình hóa” cơ bản để hoàn thiện dần những ưu thế “nhanh, cập nhật, giải phóng vùng biên và liên kết mạnh” của nó. Và như thế là rất thú vị…
.
Trích từ Blog Nguyễn Hữu Hồng Minh
Theo tonvinhvanhoadoc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: