Phùng Văn Khai
Tôi biết tới Nguyễn Hoàng Đức thông qua văn bản khi anh viết loạt bài phê bình văn phẩm Nguyễn Huy Thiệp trên tạp chí Khoa học và Tổ quốc vào cuối thế kỷ trước, khi mọi người đang ồn ào về Nguyễn Huy Thiệp. Khi ấy tôi rất có cảm tình với cách phê bình rốt ráo có phần cực đoan nhưng được phân tích trên cơ sở khoa học bằng văn bản đã viết ra của tác giả. Từ đó tôi luôn để ý đọc anh. Nhiều bài rất thích thú ở thể loại phê bình văn học như Sáng tạo mỹ học từ cái nhìn đơn giản; Thực trạng thơ Việt Nam; Lý trí trên ngai vàng sáng tạo; Hình thức và nội dung sáng tạo; Không thẩm định thì không sáng tạo; Tìm cái mới trong khả năng sáng tạo của nhà văn; Kịch tính trên đỉnh đầu sáng tạo; Hậu hiện đại sống ngoài tác phẩm; Khoa học và nghệ thuật trong sáng tạo; Tại sao chúng ta có nền phê bình yếu... Các bài bàn về văn hóa, triết học sâu sắc và độc đáo như: Văn hóa: Cái nhìn từ nền tảng; Văn hóa giữa dòng hội nhập; Văn minh: Cái nhìn từ nền tảng; Thượng đế là ai?; Bi kịch con người; Bản ngã, tâm linh - thể xác, tự do, tha nhân; Kịch tính giữa dục vọng và lý tưởng; Những kịch tính tột đỉnh hào quang; Quỹ đạo chân thiện mỹ ở đời... Hàng loạt những bài khác nữa bàn về tuổi trẻ, tình yêu, hạnh phúc gia đình đã đưa Nguyễn Hoàng Đức trở thành một thương hiệu báo chí có trọng lượng, nhưng cũng thú thật tôi không ưa thích những bài báo cũng như những ý kiến của anh về các vấn đề khác ngoài triết học và phê bình văn học, nên trong tâm thức và phác thảo của tôi về Nguyễn Hoàng Đức xin được chỉ đi sâu về hai mảng mà anh đã xác lập được với cá nhân tôi.
Tại sao tôi cho rằng Nguyễn Hoàng Đức là một trí thức dấn thân trong khi ở ta có không nhiều những con người như vậy. Về một phía nào đó, không hiểu tại sao ở ta một Nguyễn Hoàng Đức chưa được biết đến nhiều thậm chí chỉ được biết đến như một người kỳ cục, một anh hề triết học, một Đông-ki-sốt văn chương cưỡi con ngựa văn hóa duy lý của phương Tây đi giữa cuộc đời (Đỗ Minh Tuấn); Nguyễn Hoàng Đức đã vô nghĩa hóa toàn bộ văn học Việt Nam đương đại (Hòa Vang); Nguyễn Hoàng Đức đã dấn thân và cô đơn trên con đường lý trí để thực hiện sứ mệnh của bản thân mình cho chân lý sáng tạo văn học nghệ thuật (Lương Tử Đức); Cái gì Nguyễn Hoàng Đức cũng lấy thước đo của lý luận, của triết học để phán xét. Ông sáng tác cũng theo các tiêu chuẩn của triết học (Nguyễn Quang Thiều)... Một người Việt ở nước ngoài còn trân trọng Nguyễn Hoàng Đức mà theo tôi là không có gì tô vẽ còn rất chân xác: “Tôi đã từng bị tác phẩm "ý hướng tính văn chương" của anh Đức hấp dẫn từ lâu. Sau đó tôi mua tiếp tác phẩm "Cô đơn Con người - Cô đơn Thi sĩ" của anh và đọc ngấu nghiến! Anh Đức là một người Việt hiếm có. Anh làm tôi nhớ đến triết gia Trần Đức Thảo - một triết gia thực thụ được thế giới công nhận. Tôi có viết lách đôi chút, nhưng khi nhìn sang anh Đức thì mới thấy được năng lực sáng tác của anh mới thật sự khổng lồ - chắc chắn đó là món quà vô giá của Chúa gửi vào anh! Tôi ước mong sao được gặp anh để nghe anh tâm sự về tri thức, về sự dấn thân văn chương và triết lý và tìm hiểu về năng lực sáng tạo bí ẩn của anh! Quan trọng nhất của một người trí thức là tính trung thực và thái độ dấn thân hết mình vì chân lý. Anh Đức hoàn toàn có được những phẩm chất đáng quý ấy! Chúng ta hãy tiếp nhận những tác phẩm của anh với thái độ trân trọng và đối thoại trên cơ sở nhân văn chung. (Đinh Gia Hưng).
*
* *
Từ nhiều nguồn thông tin khác nhau cộng với chiêm nghiệm của chính bản thân mình, cá nhân tôi cho rằng Nguyễn Hoàng Đức chính là một trí thức dấn thân, bản thân anh cũng luôn ý thức rõ ràng điều này mà biểu hiện rõ nhất từ những tác phẩm của mình trên nhiều thể loại: Chuyên luận triết học, Chuyên luận thần học, Phê bình văn học, Tiểu luận tình yêu, Tiểu thuyết, Truyện ngắn, Trường ca, Thơ... Ước vọng của Nguyễn Hoàng Đức là một ước vọng chính đáng khi muốn mình trở thành một nhà văn có căn bản triết học, có tư tưởng, từ đó anh đã thực sự dấn thân. Nguyễn Hoàng Đức có quan điểm sáng tác rất rõ ràng: Viết văn trước hết phải giống làm nghề chuyên môn để đưa ra sản phẩm chuyên nghiệp. Đó là tiêu chí tối thiểu khi cầm bút. Nhưng viết văn là nghề đặc biệt, nghề mở đường hay cứu rỗi, hoặc khiêm tốn hơn là "trợ lực" cho các tâm hồn, đơn giản vì xã hội không có ngành dịch vụ nào thay thế được văn chương để trợ lực tâm hồn... đã cho thấy sự rõ ràng minh bạch trong quan điểm sáng tác của Nguyễn Hoàng Đức trong hành trình dấn thân của mình.
Rất khó định nghĩa thế nào là một người trí thức, đặc biệt là một người trí thức dấn thân càng khó khăn. Vấn đề không phải là anh ta đưa ra những thua thiệt cá nhân, những đối lập về tư tưởng mà vấn đề là anh đã làm gì, chủ yếu bằng những trăn trở và phản biện của anh, trong những nguyên tắc và học thức của anh, từ sự nhất quán đến toàn bộ hành động của cuộc đời anh, dự đoán tiếp, bảo vệ đến cùng những cái mới mẻ tiến bộ của thế giới loài người mà không thể vì bất cứ lý do gì đi ngược lại cái nền móng mà mình đã đặt ra. Người trí thức dấn thân còn phải có đạo đức của trách nhiệm, của niềm tin, ngay cả khi trách nhiệm và niềm tin đó trong cộng đồng anh ta đang sống là thiểu số. Biết lựa chọn đứng về sự im lặng hoặc bản thân hoàn toàn im lặng khi thấy đó là cần thiết nhưng cũng sẵn sàng đi đến cùng, hành động đến cùng vì chính niềm tin và trách nhiệm mà mình đã xác lập. Người trí thức dấn thân phải là người hành động vì lương tâm vì chỉ có lương tâm thời đại mới nâng con người cao hơn chính bản thân mình. Chỉ có lương tâm thời đại mới mạnh hơn sự tăm tối dốt nát.
Tôi đã rất phân vân khi xếp Nguyễn Hoàng Đức như là một trí thức dấn thân không bởi bản thân anh đã dành gần như toàn bộ cuộc đời mình cho chữ nghĩa một cách đầy ý thức, cũng không phải những gì anh nhận được từ chữ nghĩa dường như chưa tương xứng với sức lao động của anh, mà là, thật đơn giản, lương tâm tôi đã chỉ bảo cách sắp xếp trên là phù hợp. Chúng ta vẫn biết về cơ bản, chức năng chính của người trí thức là suy nghĩ chứ không phải hành động. Họ phải băn khoăn, lo lắng, day dứt, đặt lại mọi vấn đề để tự đi tìm lấy tư tưởng của mình. Điều đó có thế gây phiền toái, đi ngược lại đường hướng cũng như lợi ích của một số người, rất nhiều người, thậm chí xã hội mà anh ta đang sống. Bản thân người trí thức luôn mâu thuẫn với xung quanh và tự mâu thuẫn với chính mình và chỉ như vậy anh ta mới cảm thấy yên ổn hơn trong chính những mâu thuẫn suốt đời phải đương đầu. Trí thức dấn thân luôn muốn đánh thức một ai đó, một xã hội nào đó, một vấn đề nào đó, bất kể điều đó là gì, có phương hại gì đến anh ta hay không. Đó cũng là một chức năng của trí thức. Ví dụ như bàn về hai chữ tự do, Nguyễn Hoàng Đức cho rằng: Tự do không chỉ là vật liệu thiết yếu mở màn xây nên mọi giá trị của con người mà tự do còn là một báu vật đạt tới mọi tầm cao của giá trị nhân loại. Hình ảnh tự do là chìa khóa, thật là đích đáng, bởi vì không có tự do con người khác chi con chim bị nhốt trong lồng, con thú bị nhốt trong chuồng, và tự do bắt đầu là chìa khóa mở cửa cho người ta bước khỏi nơi giam cầm đó, nó giống như chìa khóa của viên cai ngục tra vào ổ khóa của nhà tù, được trả tự do. Khi con chim bị giam trong lồng, cổ họng nó nghẹt thở sự sợ hãi thì làm sao có thế cất tiếng hót!
Đó phải là suy nghĩ của một người trân trọng tự do và chân lý. Đó phải là suy nghĩ của người trí thức.
Trong những suy nghĩ của anh có suy nghĩ về việc cần phải phát huy đầy đủ một chức năng quan trọng bậc nhất, chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Chúng ta vẫn còn có những suy nghĩ phiến diện về chức năng xã hội của văn học nghệ thuật. Thường là vai trò vị trí chức năng của văn học nghệ thuật đã được hiểu một cách sơ lược đại khái, không ít lúc được cho là xướng ca vô loài, là một ngành nghề phải ghi chép, trình bày lại những sôi động của cuộc sống một cách máy móc, theo một lập trình, một định hướng nào đó. Cũng có thể hiểu, không biết vì lý do gì, vai trò vị trí của văn học nghệ thuật có lúc bị hạ thấp đã dẫn đến những ứng xử đối với nó nhiều khi mang tính khôi hài. Cũng không hiểu do đâu, người ta không nhìn nhận thực chất văn học nghệ thuật là ý thức cao nhất về sự tồn tại của con người, là cứu cánh để con người cao hơn con người bề mặt của nó, đặc biệt trong một thế giới phẳng như hôm nay, khi mà con người đang bị văn minh vật chất hàng ngày vây hãm.
Dường như chúng ta đã và đang quá cẩn trọng, thậm chí nhầm lẫn mà coi nhẹ chức năng của văn học nghệ thuật.
Nguyễn Hoàng Đức tỉnh táo hơn, anh không suy nghĩ đơn giản như vậy. Anh đã sớm phản tỉnh và khá sắc sảo khi chỉ ra những yếu kém của văn học nghệ thuật bao gồm cả sáng tác và phê bình của chúng ta trong suốt một thời gian dài. Anh thẳng thắn khẳng định rằng không có một xã hội nào phát triển được nếu không trông cậy vào khả năng tự phê bình của chính mình. Tôi cho rằng việc mạnh dạn chỉ ra những yếu kém của chúng ta trong phê bình văn học là một trong những gạch đầu dòng góp phần khẳng định sự dấn thân của Nguyễn Hoàng Đức:
... Một chiếc cột chống nhà chẳng hạn - nhờ việc nó chống thẳng vào nơi dễ đổ nhất của tòa nhà - mà tòa nhà đứng vững. Và tâm hồn con người cũng vậy - điểm tựa lớn nhất của nó chính là sức đề kháng mãnh liệt - trực tiếp - liên tục của khả năng phê bình - mà chúng ta gọi là phản tỉnh. Mở màn, con người có ý thức là con người biết ý thức về mình. Bởi vậy, phản tỉnh là điều kiện tiên quyết - song sinh cùng ý thức - cái chối bỏ con người phi thức - để xây nên con người ý thức. Hơn thế, trình độ phản tỉnh chính là trình độ danh dự của một con người. Một dân tộc đã nói: "Con người càng biết tự xấu hổ về mình thì càng được người khác tôn trọng". Con người là thước đo vạn vật. Nhưng trước khi làm việc đó, con người phải đo được chính mình, muốn thế "phải tự biết mình" (connais-toi même). Đó cũng chính là châm ngôn đầu tiên thời tiền Socrate và của chính Socrate, cái mở màn cho khoa học phản tỉnh của nhận thức luận con người. Ông cha ta từ xa xưa cũng đã dạy: Hiểu mình chính là phương tiện để đo người khác. Còn người Trung Hoa thì bày tỏ một thái độ hết sức rõ ràng mãnh liệt qua cụm từ "đồ vô sỉ" - đó là hạng người đã mất khả năng ý thức về mình đến mức - chẳng còn gì đáng nói nữa. Có lẽ, chúng ta đã đặt một nền móng "khá mất công lần về cội nguồn" song thiết nghĩ, căn cứ trên một đời sống nghệ thuật thiếu sức phê bình tràn lan nghiêm trọng - bấy bớt như hiện nay, thì việc quay lại "phản tỉnh" một nền tảng như vậy là rất cần thiết.
Nền phê bình của chúng ta có yếu không? Có một thực chứng mới đây vẫn còn nóng hổi, đông đảo thành viên tại cuộc thảo luận thơ ở báoVăn nghệ (số 30/1999) xác nhận: Chúng ta đang có nền phê bình văn học rất yếu kém. Tại sao yếu kém? Chính cuộc thảo luận này đã chỉ ra: "Về thao tác phê bình: Né tránh rắc rối, trọng tế nhị hơn sự thật và chân lý. Biết sự thật nhưng khôn ngoan, dè dặt khi đặt bút".
Làm sao mà chúng ta có nổi một nền phê bình lành mạnh khi chính phương tiện phản tỉnh duy nhất chứa trong nó lại lảng tránh sự thật và chân lý? Và liệu chúng ta có nổi một nền văn học xán lạn không khi nền văn học đó chứa trong nó "khả năng soi mình" phỉnh phờ và ngụy tín? Hẳn là theo những nguyên lý mỹ học, và đức lý con người, chúng ta buộc phải nói rằng CHƯA. Nhưng tại thời điểm phản tỉnh "chưa" quan trọng này, nếu chúng ta vẫn không dám soi thẳng vào mình để hoán cải và cố gắng thì chữ "chưa" sẽ mãi mãi là chữ KHÔNG - có thể vĩnh viễn KHÔNG. Về mỹ học, lấy kiến trúc làm khởi điểm, Hegel nói: Một cái cột bị dựng nghiêng nó sẽ luôn luôn có xu hướng đổ. Bởi vậy, muốn nó vững chãi và tồn tại, người ta phải dựng cho đến khi nào nó đứng thẳng lên. Kinh Thánh có câu: "Kẻ nào không có lòng ngay chính sẽ gục ngã". Chúng ta có một nền văn học thế nào? Vì từ chối chỗ đứng chân lý, nên nó vô cùng ngả nghiêng và xiêu vẹo. Cũng chính vì sự xiêu vẹo đó mà nền phê bình cảm tính mới nhõng nhẽo xuất hiện, đi đâu, làm gì, phê bình ai, người ta đều phải bìu díu nhau, vòng vo những lời tế nhị. Còn giới sáng tác thì sao? Ôi không thiếu nhà văn, nhà thơ, khen thì sợ cho người, chê thì sợ không nhận được "lại quả", tự bao cấp và rưới "đường sữa" tài năng và danh dự cho nhau, nhiều đến mức biến chặng đường chông gai hiện thực cuộc đời thành cuộc hành hương ảo mộng lát toàn bánh ngọt.
Phê bình ít nhất là mặt trái của tấm huân chương sáng tạo. Không có mặt trái không thành tấm huân chương. Nghệ thuật cũng như mọi cuộc tạo tác ở đời, giống một chiếc áo nếu lột trái ra ta sẽ thấy những đường cắt may dù thô thiển lại chính là cuộc hành trình làm nên chiếc áo. Những đường cắt - may đó phải chính xác - mạch lạc - chi li trong từng tấc - và chắc chắn. Toàn bộ những thứ đó là "nhà nghề" - lý trí - và khoa học. Từ chối những đường cắt - may, thì chỉ có những tấm vải khoác lên người. Cũng vậy, nếu từ chối những "đường cắt tọc mạch" của phê bình sẽ không có tấm áo sáng tạo của nghệ thuật. Sáng tạo và phê bình chắc chắn là cặp đẻ sinh đôi, nếu có khác: Chỉ là sáng tạo được đỡ thai trước phê bình; và chắc chắn là sáng tạo cùng phê bình bước nọ nối bước kia kế tiếp song hành. Không thể thấy mảnh đất ưu tiên nào từng có ở trần gian rằng: Phê bình thì còi cọc, sáng tạo lại hùng vĩ. Hô - me vĩ đại thì đã du đẩy chiếc nôi I-li-át và Ô-đi-xê giữa một nền văn hóa Hy Lạp thao thức khả năng tư duy phán xét trong từng hơi thở. Và nền nghệ thuật Hy Lạp còn tiến xa bởi sáng tạo của Hô-me còn chưa ráo mực đã được Aristote rút thành nguyên lý - làm lẽ sống cốt tử của thi ca. Nền văn học Pháp, nền văn học Đức hùng mạnh, cũng chỉ vì nó được ươm trồng trên một mảnh đất "đá sỏi" của lý trí.
(Tại sao chúng ta có một nền phê bình yếu)
Khi gióng lên tiếng chuông về phê bình nói riêng và văn học nghệ thuật đương đại nói chung Nguyễn Hoàng Đức đã tự giao nhiệm vụ cho mình phải dấn thân, không ngừng trăn trở, thậm chí giày vò trong suy nghĩ để tìm một hướng đi hữu ích cho văn học nghệ thuật. Hơn ai hết, anh mơ ước một cánh đồng văn học lớn, một mùa vụ bội thu của chính chúng ta bởi anh thừa biết và cũng đã nhiều lần khẳng định văn học nghệ thuật là tiếng thở trí tuệ và nhân cách sống của con người nên khi những con người làm văn học nghệ thuật không ý thức được điều đó hơn ai hết anh là người đau đớn số một. Đau đớn tột cùng trong sự cô đơn và nhiều khi là bị cô lập giữa cộng đồng. Anh đã gióng lên những câu hỏi đớn đau nhưng là sự phản tỉnh cần thiết về văn chương:
Văn chương Việt Nam thì sao? Thời trung cổ, dùng chữ Hán - Nôm được vài tác phẩm thơ "lay lắt" - chủ yếu "ăn theo tem phiếu của Tàu" còn văn học hiện đại? Đến thế kỷ XVII, sau khi Alexandre de Rhodes sáng chế quốc ngữ theo mẫu tự Latin, tiếng Việt mới manh nha hình thành. Nhìn lại thời điểm khai sinh đó, để chúng ta thấy bề dày cũng như chiều dài của cuộc hành trình văn học nước nhà. Nói chung, văn học của chúng ta mới đẻ, nhưng không phải từ một bầu thai vật vã những vấn đề "văn tự lịch sử" mà từ một bầu thai mới chế tác vừa nhẹ nhàng vừa tiện lợi vừa thích hợp. Văn học của chúng ta còn trẻ con. Và nó đã lớn chưa? Muốn biết đã dậy thì chưa, thì phải nhìn tình trạng khủng hoảng nội tiết từ ấu niên chuyển tiếp qua thành niên. Chúng ta chưa có cuộc khủng hoảng đó, vậy văn học của chúng ta chưa dậy thì (công bằng mà nói, chúng ta đã có cuộc khủng hoảng thời Thơ Mới, nhưng đó là cuộc khai sinh chứ không phải trưởng thành). Trừ khúc gợn lên thời Thơ Mới, còn lại nói chung, nền văn của chúng ta mới chỉ là cuộc thừa hưởng trôi chảy êm đềm, thiếu vật vã, thiếu trăn trở, thiếu sám hối, thiếu vùng mình bứt phá, từ dăm câu ba chữ thơ Đường đến vài luồng thơ Pháp và láng cháng qua chút vần thơ Nga và Mỹ. Chủ yếu, chúng ta mới chỉ có thơ. Thơ sản xuất la liệt, chi chít, bé như tờ rơi sẵn lòng tháo khoán ở khắp nơi. Còn, các nhà phê bình văn học thì đếm trên đầu ngón tay. Các nhà văn thì không bằng số dôi của các nhà thơ. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, một thứ "trứng nước" của văn học nước nhà trong cuốn Chân dung và đối thoại đã thống thiết kêu lên : Một nền văn học muốn lớn phải có tác phẩm đồ sộ. Nhưng chúng ta chưa có. Đó cũng chính là nhận định của Uỷ ban trung ương Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam rằng: Nền văn học Việt Nam mới chỉ có tác phẩm bé và vừa.
Nghệ thuật là con đường vác thập giá còn chẳng dễ ăn ai, lại chỉ là thú nhâm nhi, ẵm nựng, thù tạc, vui vầy "khi chén rượu khi cuộc cờ/ khi xem hoa nở khi chờ trăng lên" thì làm sao vĩ đại? Theo các nhà mỹ học, trình độ đầu tiên của nghệ thuật phụ thuộc vào "độ rắn - độ khổ ải" của nguyên liệu. Tác giả điêu khắc trên đá sẽ vĩ đại hơn tác giả đắp tuyết thành tượng. Nếu vậy, một nền thi ca chỉ dựa trên nền tảng "giải chiếu bình thơ", uống rượu làm thơ/ thơ chẳng ra thơ làm tội rượu, thì làm sao mong có ngày từ giữa chiếu đó mọc lên một lâu đài nghệ thuật bằng đá tảng thấm đẫm mồ hôi thiết kế và lao tác? Xét kỹ đây là căn bệnh cố hữu truyền kiếp của người Trung Hoa mà chúng ta đã nhiễm. Xưa kia, người Trung Hoa dùi mài đèn sách, sôi kinh nấu sử để có ngày đỗ đạt làm quan. Học thì vất vả nhưng khi làm quan thì chỉ còn việc "thanh liêm" hưởng phúc triều đình. Còn đường văn thơ với nhiều người cũng vậy, vất vả "xếp chữ" cho đến khi thành công "qua khỏi tuần sấm đất tan bia... đặng hưởng gió thần đưa gác" là bắt đầu an nhiên lạc hưởng trái đầu mùa một lần vĩnh cửu. Với người phương Tây, sở dĩ nghệ thuật của họ trở thành cuộc hành trình đồ sộ, là bởi, họ coi học xong, cũng như thành công đầu tay, chỉ là bước khởi đầu cho con đường phiêu lưu "sáng thế" của mình. Họ lấy vốn kiến thức làm phương tiện để đi xa. Trong khi đó, chúng ta lại lấy kiến thức là "tấm bằng mục đích" mong được hưởng một cuộc đời dễ thở hơn.
Chúng ta có một nền văn học nhỏ bé và yếu ớt đến mức nào? Có lẽ ít ai trong chúng ta dò đến đáy của nó, hoặc giả chúng ta chỉ phiên phiến lượng giá như một "an bài" tất định: "bé và vừa". Kỳ thực, nhìn kỹ lại, chưa chắc đã có "vừa"; còn "bé" thì đến đâu? Ngẫm một chút, chúng ta sẽ gặp một hiện thực vô cùng nhức nhối. Hiện nay, có rất nhiều tác giả sau khi có bài - truyện hay thơ đăng trên báo, đi gõ cửa khắp nơi xin một lời nhận xét mà không gặp. Tình trạng các nhà văn, nhà thơ ngồi bên nhau không đưa ra nổi bất kỳ lời nhận định nào về tác phẩm của người khác, là một tình trạng phổ biến. Hơn cả thế, có rất nhiều tác giả đạt nhiều giải thưởng song càng đạt càng hoang mang, không hiểu ta viết hay cái gì, còn nền văn học nói chung cũng không đếm ra nổi thành tựu của tác giả đó. Hiện trạng này đã phản ánh quyết liệt một sự thật rằng: Chưa nói đến việc chúng ta có viết được tác phẩm hay, mà, ngay đến cả việc "đọc" tác phẩm, hầu hết chúng ta cũng chưa biết đọc. Vì không biết đọc, người ta cứ ào ào khen thơ Đường hay, Leon Tolstoi giỏi, và Hàn Mặc Tử phi phàm. Kỳ thực người ta chỉ biết và khen theo sự nổi tiếng của họ mà thôi. Nền văn chỉ có thể đào luyện các nhà văn trưởng thành nhờ môi trường sinh hoạt của nó. Vậy sinh hoạt đó thế nào? Nói một cách hình ảnh, nhiều cây bút chẳng những không biết nấu món nào ra món ấy, nhưng khi có người nấu sẵn cho ăn, cũng không biết "nếm thử" xem đó là món gì?
*
* *
Sau một thời gian hứng thú với các loại văn bản của Nguyễn Hoàng Đức tôi cũng được tiếp cận anh. Hôm ấy có nhà văn Sương Nguyệt Minh và tôi. Cũng rất tình cờ, chính tôi, cách đó khoảng chục năm đã phô tô những bài Nguyễn Hoàng Đức viết về văn phẩm Nguyễn Huy Thiệp đưa cho Sương Nguyệt Minh và bảo anh nên đọc, tay này viết có ý tứ lắm, rất thuyết phục. Khi ấy Sương Nguyệt Minh không hề biết mình ở rất gần nhà Nguyễn Hoàng Đức. Và hôm ấy chính anh là người chở tôi đến. Trong không khí của những ngọn nến mà ai đó đã mô tả rất chính xác, Nguyễn Hoàng Đức (khi ấy tôi không biết phải gọi anh như thế nào mới chính xác: Triết gia? Nhà thơ? Nhà văn? Nhà lý luận phê bình? Chuyên gia tư vấn tình yêu?... Chứ không như bây giờ, sau những nghiền ngẫm và đánh giá về anh tôi gọi anh bằng cái tên người trí thức dấn thân chắc chắn sẽ lại gây nhiều tranh cãi). Anh điềm tĩnh và lịch lãm tiếp chúng tôi. Chúng tôi tranh luận với nhau về văn chương và triết học. Nguyễn Hoàng Đức tuổi Đinh Dậu, cầm tinh con gà nhưng có lẽ gã gà trống, Nguyễn Hoàng Đức lại đẻ trứng, đẻ sòn sòn hàng lô hàng lốc tác phẩm một đời thai nghén mà những lúc hứng chí anh thường cười bảo: Lúc nào tôi cũng sôi sùng sục, chưa viết xong cái này đã ngứa ngáy muốn viết cái khác. Nhiều lúc tôi chỉ muốn nhảy vào trong lọ mực rồi lăn trên những thảm giấy. Một suy nghĩ ngây thơ nhưng rất đáng yêu. Những chồng bản thảo của Nguyễn Hoàng Đức đem ra không kể những thứ đã in mới chỉ là một phần rất nhỏ của cái gia tài của gã gà trống lực lưỡng. Dường như anh rất tự hào về độ đồ sộ của nó và khẳng định hiện anh không có địch thủ trong tranh luận triết học (không biết ngài lúc ấy có bình thường không).Rồi anh bước về phía cây đàn piano khổng lồ dạo một bản nhạc trong ánh nến và những cốc rượu ngoại sóng sánh. Tôi đã gặp gỡ nhiều kỳ hoa dị thảo và luôn hứng thú với những diễn biến bất thường ở xung quanh mình nhưng cũng muốn bình tâm để trò chuyện với anh về văn học nghệ thuật chứ không dám hồ đồ đưa ra những kết luận võ đoán nhưng trong tình thế ấy chỉ còn biết lặng lẽ uống rượu và nghe hai ông Đinh Dậutrổ tài. Rồi những bản nhạc cũng kết thúc. Chiều đã tàn. Màn đêm lặng lẽ vây bủa ba người đàn ông bên những chai rượu rỗng. Trong ánh nến, các vấn đề văn học nghệ thuật luôn xen triết học (Nguyễn Hoàng Đức nói bất kỳ điều gì cũng liên quan đến triết học) được khơi ra. Tôi được chứng kiến tài hùng biện của anh. Trong ánh nến nhập nhoạng, khi nhà văn Sương Nguyệt Minh vốn lợi khẩu và ngang bướng cũng đã không buồn tranh luận với anh nữa anh vẫn thao thiết nói. Nguyễn Hoàng Đức luôn ưa thích tranh luận kể cả khi chỉ có một mình và nếu cứ tranh luận một cách sòng phẳng e khó ai là địch thủ.
Anh luôn đặt lại các vấn đề, bất kể là vấn đề gì vào trong trường triết học nên lắm lúc chúng tôi không biết tiếp tục câu chuyện như thế nào. Anh bảo: Tôi là người đầu tiên sáng tạo ra người anh hùng mỹ học. Xưa nay trong văn chương và trong đời sống chỉ có anh hùng quân sự, anh hùng lao động, anh hùng văn hóa chứ chưa có anh hùng mỹ học. Tôi khẳng định với các ông, anh hùng mỹ học mới là đỉnh cao của các anh hùng. Trò chuyện với anh tôi mới thấy anh ưa thích sự dày dặn trong tác phẩm. Tác phẩm cứ phải dài, đồ sộ, hoành tráng. Anh ngước cặp mắt rất thành kính trong ánh nến thong thả như đọc Thánh Kinh: Thành La Mã không thể xây trong một ngày. Người Hy Lạp đã dạy thế.
*
* *
Tôi cho rằng tốt nhất không nên tranh luận trực diện mà nên đọc các tác phẩm của anh nên tôi đã đi theo con đường đó. Anh đã in các tác phẩm Những người chăn kiến (tập truyện ngắn) NXB Hội Nhà văn 1992; Kẻ hành hương từ đời đến thơ (trường ca); Đợi chuyến đò đã lỡ(trường ca); Điệu kèn cô đơn (tập thơ); Leo gác ngược (tập truyện ngắn) NXB Văn hóa Dân tộc 2000; Cô đơn con người cô đơn thi sĩ (tiểu luận phê bình) NXB Văn hóa dân tộc 2000 - Một cuốn sách khá nổi trội và mang đậm phong cách Nguyễn Hoàng Đức được giới nghiên cứu phê bình, đặc biệt ở ngoài nước đánh giá cao; Luận về tình yêu (2 tập, tiểu luận) NXB Thanh niên 1998; Tình yêu phong thánh con người (Tiểu luận) NXB Văn hóa Dân tộc 2001; ý hướng tính văn chương (Chuyên luận) NXB Văn hóa dân tộc - Một cuốn sách khá nổi tiếng được giới nghiên cứu phê bình đánh giá cao gồm sáu chương đi từ bản tính sáng tạo, qua chân lý, đến thượng đế, đến con người, đến siêu hình học, đến văn chương cứu rỗi con người, đến phương tiện của tư duy và văn chương - chính là chữ nghĩa). Nguyễn Hoàng Đức còn bảo so với những gì đã in thì những thứ chưa in mới là đáng kể. Đó là: Ngước lên cao (Trường ca thần học); Bóng tượng đài ám ảnh (Trường ca); Xứ lưu đày (Tiểu thuyết); Ngưỡng cửa làm người (2 tập, tiểu thuyết); Cẩm nang Mỹ học Nghệ thuật Thi ca Phê bình (tuyển dịch); Sống là nguồn mực chảy vào văn học (tiểu luận);Trái tim giữa vòng tay bất khả (2 tập, tiểu luận); Chờ đợi ngân hàng của tình yêu (2 tập, tiểu luận); Người Việt tự ngắm mình (chuyên luận phản tỉnh); Hành trình nhận thức duy niệm của nhân loại (chuyên luận triết học); Hành trình tâm linh nhân loại (chuyên luận tôn giáo); Công lý và dục vọng (chuyên luận); Quan phẩm và nhân phẩm (chuyên luận); Tự do nền móng thiết yếu của con người (chuyên luận)...
Lúc lắc cái đầu bờm xờm Nguyễn Hoàng Đức bảo thời gian gần đây tốc độ viết của anh còn cao hơn nhiều vì tư duy đã chín muồi hơn trước (anh từng bị tai nạn giao thông đập đầu xuống đường máu chảy lênh láng phải cấp cứu tại bệnh viện năm 1993, từ đó cơn viết của Nguyễn Hoàng Đức cuồn cuộn chảy sau khi ra viện cho đến tận bây giờ).
Trong các cuốn sách chưa in của anh, tôi rất thích cuốn Hành trình tâm linh nhân loại và từng tổ chức in ấn nhưng chưa thành công vì không xin được giấy phép xuất bản. Tôi cho rằng cuốn này là đặc trưng cá tính nhất của Nguyễn Hoàng Đức. Một cuốn chuyên luận về thần học rất công phu có thể đặt trong công viên của bất kỳ tôn giáo nào với cách trình bày bản chất và những biểu hiện của các tôn giáo đang dần dà trở thành những xu hướng thời đại trên toàn cầu tác động trực tiếp vào mỗi xã hội, những vùng lãnh thổ, những trào lưu triết học, những vùng văn hóa mà chủ đạo, xuyên suốt và đầy đủ nhất là cách thể hiện tinh thần của nhân loại. Tôi kinh ngạc trước sức lao động và đặc biệt là cách đặt lại vấn đề của Nguyễn Hoàng Đức. Hành trình tâm linh nhân loại là một cuốn bàn luận sâu sắc và thấu đáo, nhiều gợi mở trong cách trình bày, khai thông và phát triển những ý tưởng lớn của các nhà thần học, triết gia, danh nhân, bác học lỗi lạc một cách khoa học xung quanh các vấn đề tín ngưỡng bằng một văn phong hàm xúc. Theo tôi, chỉ riêng công trình này nếu được đặt đúng vị trí của nó sẽ góp phần bổ xung cho lâu đài tri thức của nhân loại một giá trị. Cũng đã nhiều lần tôi có ý hỏi đồng thời làm rõ quá trình hình thành ý tưởng và thể hiện Hành trình tâm linh nhân loạinhưng anh dường như vẫn chưa tin tưởng vào sự ra đời thuận chiều của nó mà từ chối trả lời các vấn đề liên quan. ở ta vẫn còn những điều kỳ cục trong xuất bản nên việc anh dè dặt một đứa con mà mình kỳ vọng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Anh đã dấn thân và điều mong muốn nhận lại không đơn thuần là lợi ích vật chất hoặc những ban phát tinh thần mà điều cao hơn là muốn mang đến một tiếng nói, một cách nhìn, một lý giải, một dằn vặt với tư cách của một trí thức góp vào nền tảng tri thức của nhân loại.
Ngày tư tưởng châu Âu lên tiếng “Thượng đế chết rồi” đã bắt đầu xảy ra những khủng hoảng triền miên trong đó không ít là tội ác nhân danh đủ thứ khác nhau mà trong ấy con người phải gánh chịu. Cũng từ đó, con người ngày càng trở nên cô đơn hơn bao giờ hết và những bi kịch tập thể, bi kịch cá nhân ngày một dày đặc, không tìm được câu trả lời. Trong Hành trình tâm linh nhân loại, Nguyễn Hoàng Đức đã không trả lời câu hỏi thượng đế có hay không, còn hay không vì câu hỏi này từ cổ chí kim loài người chưa trả lời được và ngay sau cái tư tưởng “Thượng đế chết rồi” gây ra những làn sóng ở châu Âu câu trả lời vẫn treo lơ lửng cho đến tận hôm nay. Cách đặt vấn đề của Nguyễn Hoàng Đức thâm hậu và mới mẻ. Tôn giáo luôn tỏ ánh sáng từ cõi vô cùng, cao hơn sự tưởng tượng phong phú nhất của con người, cao hơn những tự thân vận động của loài người và cái cao nhất của tôn giáo là tâm linh với những hành trình huyền bí của nó. Trong toàn bộ Hành trình tâm linh nhân loại, Nguyễn Hoàng Đức đã hé lộ việc làm rõ sự còn mất của thượng đế cũng có nghĩa là để đánh mất câu hỏi siêu hình lớn nhất của loài người trong quá trình tìm kiếm ánh sáng của sự thật. Khi ấy con người sẽ mất đi ánh sáng lý tưởng, tự mình làm nghèo nàn chính mình và làm mình bé nhỏ hơn. Khi ấy con người sẽ vĩnh viễn rơi vào chủ nghĩa duy vật cứng nhắc mà nhiều nhà bác học đã cảnh báo: “Với Chúa, nếu bạn được, bạn được tất cả, nếu bạn mất bạn chẳng mất gì. Vậy thì hãy được, đừng lưỡng lự” (Pascal).
Đó là toàn bộ tinh thần của Nguyễn Hoàng Đức trong Hành trình tâm linh nhân loại theo suy nghĩ của tôi.
*
* *
Có người cho rằng Nguyễn Hoàng Đức chỉ hơn người ở sự kiêu ngạo còn gia tài văn chương, triết học và phê bình văn học thực chất cũng chẳng có gì. Cho đến hôm nay, Nguyễn Hoàng Đức mới chỉ tỏa sáng ở bên lề đời sống văn học, triết học. Lại không ít người quá đề cao Nguyễn Hoàng Đức mà không chỉ rõ thực chất và tầm vóc của anh khiến phần đông bạn đọc ở ta vốn hay có thói quen a dua theo đám đông phân vân và chia rẽ khi nhìn nhận về Nguyễn Hoàng Đức mà đau đớn nhất là không xuất phát từ văn bản một cách khoa học.
Về các sáng tác của anh bao gồm: Tiểu thuyết, truyện ngắn, trường ca, thơ, các chuyên luận triết học, thần học, lý luận phê bình văn học... bằng văn bản giấy ít đến được với độc giả mà chỉ khá đầy đủ trên các trang mạng. Lý do liệu có là các nhà xuất bản thường thiếu các biên tập viên thực sự có kinh nghiệm và có con mắt xanh để nhận ra những giá trị của các tác phẩm Nguyễn Hoàng Đức? Lý do mang tính quyết định là anh luôn trung thực, dám dấn thân hết mình trong trường chữ nghĩa mà tuyệt đối không biết đến lăng xê, quan hệ này kia khác... cái điều quyết định tiếng tăm trong làng văn học nghệ thuật? (một điều kỳ cục nhưng tồn tại như một tất yếu ở ta?). Các phản biện của anh, những chuyên luận của anh thường quá sắc sảo, chỉ đích danh những mầm bệnh, căn nguyên yếu kém của cả một hệ thống từ thượng tầng khiến không ít những cây đa cây đề không chịu đựng nổi tìm cách gạt đi và nhiều khi là liên thủ với nhau để vô hiệu hóa tiếng nói đớn đau trung thực của anh. Một điều kỳ lạ là dường như Nguyễn Hoàng Đức không hề biết mệt mỏi khi phải chiến đấu một cách quá chênh lệch như vậy. Điều này dường như thuộc bản chất của anh, bản chất người trí thức dấn thân đã xác quyết đường đi toàn bộ cuộc đời mình. Anh đơn độc nhưng anh thanh thản, luôn tin tưởng vào con đường chông gai mà mình đã chọn. Từng được đào tạo bài bản trong ngành an ninh, từng nhiều năm làm cán bộ nhà nước, từng làm phiên dịch cho một công ty lớn nhưng chặng đường cuối cùng là chọn sự tự do. Anh không phải loại tự do vô chính phủ mà anh luôn đặt ra những hàng rào kỷ luật rất nghiêm ngặt cho mình trong cuộc sống và trong sáng tác. Nguyễn Hoàng Đức là người viết chuyên nghiệp hiếm thấy. Ngày nào anh cũng ngồi vào bàn, cần mẫn, rốt ráo với những suy nghĩ, dằn vặt, đớn đau của mình. Điều mà thiên hạ khôn ngoan ích kỷ cho là điên rồ thì anh lại lấy đó làm niềm tin và lẽ sống. Anh vứt bỏ tất cả những phù hoa, bợ đỡ, thù tạc, cánh hẩu... để một mình dấn thân, một mình lo toan gánh vác công việc chữ nghĩa một cách tự nguyện và thành kính. Những lo lắng không ai đủ dũng khí và tâm ý san sẻ cùng anh cũng không làm anh bận tâm. Điều anh bận tâm lớn nhất là nói ra sự thật, định vị đúng đắn nền văn chương, triết học, phản biện, thức tỉnh những ngộ nhận có tính hệ thống, những che đậy phản khoa học, những lường gạt vô lương tâm để trước hết là thỏa mãn ý chí và niềm tin của mình, mãnh liệt đặt ra và bảo vệ lương tâm thời đại, điều tối thượng của một trí thức. Anh đã không bỏ qua bất kỳ một cơ hội nào trong thể hiện ngòi bút của mình cũng vì chính lẽ đó. Anh cho rằng con đường sáng tạo là con đường vác thập giá đau đớn, trăn trở trường kỳ nhất, chứ không phải con đường du hý, chơi bời tài tử hay thưởng thức thù tạc và khẳng định các cây bút phải có chuyên môn, các tác giả phải là chuyên nghiệp, phải luôn đào luyện trí tuệ và tư tưởng thì mới mong tự bước khỏi cái bóng của chính mình. Đó cũng là con đường chân chính nhất mà người cầm bút phải trải qua.
Phongdiep.net