Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

CẦU KHÔNG LẮC LẺO!




Truyện ngắn HG

Đường về nhà em không có hoa, lối đi qua cánh đồng, qua một cái cầu không giống bất cứ cây cầu nào từng có trên mặt đất này. Cây cầu bằng  bê tông, hai bên có gờ khá cao, chỉ đứng lọt vừa hai bàn chân, bắc từ bên này sang bên kia con suối. Cây cầu duy nhất chỉ dành cho người đi, bất cứ xe cộ hay loại súc vật nào cũng không thể đi qua được. Nó vừa là cây cầu, vừa là con mương dẫn nước từ khe núi Phượng sang cánh đồng Tường. 
Nó là cây cầu cứng ngắc, hẹp hòi như một kẻ quan liêu. 
Nó không lắc lẻo đong đưa như loại cầu bắc bằng những cây tre, chả lãng mạn tẹo nào như trong đồng dao, câu hát ví von. Chỉ nhiều thử thách ái oăm mỗi lần đặt chân để ngang qua. 
Không có nó không sang được bên này, nhưng có nó cũng thêm nhiều bất trắc..

Ngày bé em thường hồi hộp nhìn những người đi từ bên kia cầu sang bên này. Thấy người ta đi như người làm xiếc. Có bữa gặp ông rượu say, loạng chọng qua cầu. Ông ta ra đến đoạn giữa mất thăng bằng ngã rơi xuống suối. May mà hôm đó nước suối đầy, ông ấy  trôi một đoạn mới lóp ngóp bò lên được bờ. 


Lớn lên lại chính em ngày nào cũng hai lượt qua đây để sang trường khu trung tâm của xã. Ngày nắng ráo còn đỡ. Ngày mưa thật đáng sợ. Mưa như màn nước bưng lấy mắt, chả thấy đâu là đường. Hai bên đầu cầu lại trơn như có người đổ mỡ, rải bùn lên. Cái hình ảnh người ngã suối khiến em không ít lần do dự. Sang đến đầu bên này rồi mà trống ngực vẫn đập, tóc mai rịn mồ hôi. Học trò là đám chả coi cái khó, cái khổ là gi, cái gì rồi cũng quen. 
Cái khổ nỗi sợ hãi ấy có là chi so với những điều sau này em gặp phải? 
Làm người có những cách trở, những “cây cầu” vô hình còn gian nan, khó vượt hơn cây cầu bê tông bé nhỏ này nhiều. 
Hôm nay Lựu về làng, cô cảm thấy cây cầu năm xưa hình như ngắn lại, bé nhỏ chả có gì đáng ngại nếu một lần nữa phải đi qua. 
Nhưng không hiểu sao, nó cứ ám ảnh trong tâm trí em. Ai đó nói” Mọi vật đều có tính linh”. Không có gì là vô tình với ta cả. 
Có lẽ đúng. Lớn lao như sông suối, núi non, nhỏ bé và gần gũi như cây cầu này, cây dâu da đầu ngõ kia. 
Mỗi thứ sinh ra ở đời đều có một ý nghĩa nào đó. Hoặc là nó sẽ chứng kiến một hay nhiều sự kiện trong đời, hoặc như một lời tri đoán về số phận. Đôi khi vô tình ta không để tâm. Sự vô tâm ấy khiến ta ân hận. Nhiều cái “giá như thế này”, “giá như thế khác” về sự băn khoăn của chính mình..

Mùa thi năm đó người ta bảo là năm có Enđinô. Nghĩa là thời tiết xấu hơn mọi năm. Một năm khí hậu nóng một cách bất thường. Chính em cũng chưa hiểu rõ En đi nô là gì? 
Làng em cách xa biển. Thú thực em chưa thấy biển bao giờ. Chỉ thấy trên ti vi, biển dào dạt quá và mênh mông vô cùng. Tuổi trẻ, đứa nào chả có một cánh buồm hy vọng, một biển lớn đầy thử thách, một chân trời hứa hẹn, háo hức đợi một lần ra khơi?
En đi nô là dòng hải lưu nóng chảy ngấm ngầm đâu đó dưới đáy đại dương. Năm nào có nó xuất hiện là y như rằng bão lũ và cái nóng kinh người. Đấy là những điều em biết qua sách vở chứ chưa tận mắt nhìn thấy bao giờ.
Cũng là năm  người ta nói nhiều đến “Hai không” trong giáo dục, cải cách hay “xiết lại chất lượng”.. gì gì đó. “Nói không với bệnh thành tích”; “Nói không với thi cử gian lận” thì tốt rồi, nhưng phải chuẩn bị ngay từ đầu, từ nhiều năm trước. Đâu phải đột ngột “không” một cách lạnh lùng, bất ngờ như vậy? Một nền giáo dục đã quá quen với việc thì cử “Đã thi là đỗ”, năm nào cũng gần cả trăm phần trăm, tự dưng bị dội một gáo nước lạnh! 
Người ta đã quen với những buổi họp mặt phụ huynh trước mỗi kỳ thi. Ai nấu cơm? Ai phục vụ? Chống trượt là bao nhiêu?  Khu quanh trường những ngày trước ngày thi cử nhộn nhịp. Hàng quán khu trung tâm  đông hơn hẳn ngày thường.Mùi thịt nướng thơm lừng, từ xa khói đã nghi ngút. Bia rượu chảy tràn, phong bao từng xấp. Thí sinh nào cũng  đinh ninh mình cầm chắc tấm bằng!
Chưa học sinh và cả phụ huynh nào nghĩ tới việc học thực, học thế nào để có kết quả thực, giờ đối mặt với gay gắt, bất ngờ! “Hai không” là cái gì xa lạ, từ trên trời rơi xuống! Chưa nói đến sự học ngày nay còn nhiều khiếm khuyết. Giáo trình vừa cũ kỹ vừa lạc hậu, chả ăn nhập gì với nền khoa học thịnh thời. Nhiều môn học chẳng giúp gì cho học sinh áp dụng cho bước vào đời sắp tới, chương trình ngoại khóa chiếm quá nhiều thời gian khóa học không mấy cần thiết. Sách giáo khoa soạn theo các nước anh em, có từ thời Liên Xô chưa sụp đổ, được các chuyên gia tham khảo, vá víu mang về..  Trung lúc thời đại khoa học, công nghệ  thay đổi từng giây, từng ngày, tránh sao khỏi bất cập? 
Chưa kể đến chuyên môn của thầy cô có vấn đề nếu không nói thẳng thừng ra là rất yếu kém. 
Di họa từ sự chuẩn bị của nền giáo dục bị xem nhẹ từ nhiều năm trước. Chỉ những ai không đậu được trường mình mong muốn mới vào sư phạm. Rồi thì “tuyển thẳng, tuyển ngang giáo viên từ các cấp”. Đã từng một thời có câu “ Nhất y nhì dược, tạm được Bách Khoa..”
Hậu quả có lẽ xảy ra với nhiều người, kéo dài mãi đến sau này, đến số phận của hàng ngàn thí sinh, trong đó có Lựu. 
Cả trường cấp ba của Lựu chỉ có năm người thi đỗ tốt nghiệp đợt đầu! ( Về sau người ta tổ chức thi lại lần nữa, vẫn không thay đổi được gì hơn ). Chưa có năm nào không khí thi cử căng thẳng, bức bối như năm đó. 
Vòng trong vòng ngoài mấy lớp bảo vệ, còn có thêm mấy anh cảnh sát làm trật tự khu vực phòng thi. Có cả cái xe cứu hỏa đỏ chót ngự góc sân trường. ( Về sau nghe nói xe cứu hỏa phòng cháy rừng mọi khi đậu ở sân ủy ban xã, hôm đó tập dân quân, thiếu chỗ người ta mang tạm lên đây. Cũng có thể người ta phòng xa. Nóng bức thế này, chỗ đông người, ai biết trước là không có hỏa hoạn xảy ra? ) 
Các giám thị mặt lạnh như kem, xoi mói như thể canh chừng từng thí sinh như đề phòng tội phạm. Không thí sinh nào mang nổi tờ giấy có chữ nào vào phòng chứ đứng nói mang tài liệu như mọi năm. Không ai dám bén mảng đến khu vực thi cử và chẳng có chuyện ném bài “phao cấp cứu” như vẫn thường xảy ra. Phao phủng bị xét, bị loại vất một đống ở sân trường..
 Giáo dục như con tàu quen rơi tự do, bỗng dừng đột ngột, thiếu sự chuẩn bị chu đáo,  tạo ra hẫng hụt vô cùng lớn.  
Hàng trăm phụ huynh bối rối đứng chờ con em mình ở bên ngoài, mặt mày cũng căng thẳng không kém. Mọi sự tác động với ban giám thị, với người canh, coi thi đều không kết quả. Người ta tụ lại từng đám, lặng lẽ không nói lời nào, mặt xạm nắng, áo xũng mồ hôi.
Trên cao trời đang đổ lửa. Cái nắng như hun đốt tâm trí con người. Những chiếc quạt trần trong phòng thi uể oải quay vì điện ở cuối nguồn, quá yếu. Nó như để trang trí thì đúng hơn dùng quạt gió lấy mát trong phòng. 
Ra khỏi phòng thi, áo Lựu ướt đẫm lưng. Hai bên thái dương mồ hôi ra bết vào tóc mai, chảy dài xuống má. Cái khăn Lựu mang theo ướt như vừa nhúng nước. Em lảo đảo ra khỏi phòng thi, thoát khỏi nơi bí bức, ngột ngạt. Có cảm giác chân không đi trên mặt đất. Em đang bước bồng bênh trên những đám mây. Những đám mây  cuối hè rất đột ngột, chứa nhiều sấm sét,  bão giông!
Mùa thi năm đó Lựu thêm một cái không nữa là “không tốt nghiệp”! Bao nhiêu mơ ước hy vọng tan tành. Giấc mơ vào giảng đường đại học  sẽ chẳng bao giờ có được với em nữa rồi. Người khác có thể học lại, chờ mùa thi năm sau, nhưng Lựu thì không thể.
Bố mẹ em đã cạn hết sức rồi. Lại còn hai đứa em, chúng không thể nghỉ học để nhừơng cho chị học thêm được nữa..
Hôm đó, lúc đi qua cây cầu này, Lựu đã dừng lại rất lâu. 
Một ý nghĩ kinh khủng  nảy ra trong đầu.. 
Sau này nhớ lại, Lựu thấy rất may là đã không làm như thế. 
Người ta có nhiều cách để đi vào đời, đến với thành công bằng nhiều con đường. Vào đại học đâu phải duy nhất và tất cả?  Không nhất thiết phải qua cây cầu bê tông cũ kỹ này. Em có thể lội qua con suối để qua bên kia bờ, dù vất vả hơn một chút. Em biết bơi, chết đuối làm sao được? Hoặc là em sẽ đi vòng xa hơn một chút, thì đã sao?
Ý nghĩ ấy đã giúp em tránh một việc làm dại dột. Việc ấy không khó..Đứng trên cầu, chỉ nửa bước chân, là mãi mãi không buồn, không vui, không ao ước cũng chẳng còn hy vọng, thất vọng..
Nhưng công cha nghĩa mẹ thì sao? Lẽ nào mình cướp công cha mẹ khi mới tưng ấy tuổi đầu? Cả với bản thân mình nữa. Sinh mạng này chỉ có một, không có lần thứ hai. Lẽ nào một vấp váp đầu đời mà đã hủy hoại nó?
 Lựu thấy như vậy là mình có tội với mình, chưa nói đến mẹ sinh, cha dưỡng cho ăn học từng ấy năm trời!
Nắng nóng nhiều ngày, cây cầu sinh rêu nhiều hơn, trơn hơn mọi khi. Thiếu chút tỉnh táo em sẽ rơi xuống, đập đầu vào những tảng đá nham nhở dưới lòng suối kia. Dòng suối đang mùa hạn hán, nước chỉ còn thoi thóp chảy..

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: