Chủ nhật 2/6/2019, Bắc Kinh cho công bố Sách Trắng đổ lỗi cho Mỹ làm đổ vỡ cuộc đàm phán thương mại song phương.
Còn Tập Cận Bình, trước đây ít hôm, phải kêu gọi "Vạn lý trường chinh mới" sửa soạn trường kỳ chống thương mại Mỹ.
Thực hư ra sao? Lỗi tại ai? Cuộc chiến sẽ đưa thế giới, đưa Việt Nam về đâu? Là những câu hỏi đáng được quan tâm.
Cải cách dở dang
Từ thập niên 1970, Trung Quốc được Mỹ trợ giúp cải cách thể chế từ viện trợ, đầu tư vốn, mở cửa thị trường, giúp giáo dục, giúp chuyển giao kiến thức và kỹ thuật, giúp tham gia các tổ chức quốc tế…nhưng uổng công vì kinh tế tự do phải gắn liền với chính trị tự do, ngôn luận tự do và xã hội dân sự.
Ngày 4/6/1989 để "ổn định chính trị", Bắc Kinh đã nổ súng đàn áp phong trào sinh viên rồi tự vạch con đường cải cách kinh tế nhưng giữ nguyên bản chất cộng sản.
Cải cách vì thế không mang lại kết quả như Đài Loan và Đại Hàn, đã trở thành hai quốc gia tân tiến có GDP thu nhập đầu người cao.
Với mô hình "ổn định chính trị", Trung Quốc trở thành đại công xưởng lắp ráp công nghiệp quốc tế, tăng trưởng nhờ vốn đầu tư nước ngoài và xuất cảng.
Trung Quốc lọt vào bẫy GDP thu nhập trung bình: nông dân và công nhân nghèo khổ, giới trung lưu vật lộn với cuộc sống, giới cầm quyền tham nhũng làm giàu.
GDP tăng trưởng chậm dần, năng suất lao động không mấy thay đổi, lợi thế lao động rẻ không còn, đầu tư ngoại quốc chuyển dần sang các quốc gia có giá công nhân rẻ hơn như Việt Nam.
Môi trường thiên nhiên bị hủy hoại, tài nguyên bị tận khai, đạo đức xã hội bị khủng hoảng, nhìn chung Trung Quốc không khác mấy Việt Nam.
Vượt bẫy thu nhập trung bình
Sau hơn 15 năm gia nhập WTO Trung Quốc vẫn không mở cửa thị trường, tiếp tục tài trợ các doanh nghiệp nhà nước, phân biệt đối xử với doanh nghiệp nước ngoài, ăn cắp tài sản trí tuệ quốc gia khác.
Trung Quốc giữ đồng tiền yếu hơn thực giá, hàng xuất cảng rẻ hơn giành lợi thế trên thị trường Mỹ, làm cán cân thương mãi giữa hai nước càng ngày càng mở rộng.
Khoản thặng dư này được dùng để giữ giá đồng tiền hay mua trái phiếu tiếp tục ảnh hưởng lên kinh tế Mỹ và thế giới.
Để thoát bẫy thu nhập trung bình, Trung Quốc vạch kế hoạch "Made in China 2025", nhằm chuyển đổi thành nước dẫn đầu về công nghệ cao cấp trực tiếp cạnh tranh với Mỹ.
Nhưng thay vì đầu tư nghiên cứu các ý tưởng mới để phát triển thành các sản phẩm mới, một mặt Trung Quốc buộc các công ty nước ngoài muốn làm ăn phải chuyển giao kỹ thuật trước khi cấp phép tham gia thị trường, theo các phê phán của Mỹ.
Mặt khác, các nước Phương Tây cáo buộc rằng Bắc Kinh cho gián điệp công nghệ xâm nhập và đánh cắp kỹ thuật gây thiệt hại nặng nề cho công nghệ các nước tiên tiến.
Với khoản mậu dịch thặng dư Bắc Kinh cho tăng cường quân sự, lấn chiếm Biển Đông, mua cảng, xây căn cứ, gây ảnh hưởng chính trị, xây dựng "một vành đai, một con đường" thực hiện tham vọng bành trướng toàn cầu.
Tham vọng bá chủ hoàn cầu khiến Trung Quốc trở thành mối đe dọa hòa bình và an ninh không riêng cho nước Mỹ mà cho toàn thế giới.
Đàm phán đổ vỡ
Giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình đã bị Tổng thống Trump ngăn chặn bằng cách đánh thuế trên hàng hóa nhập cảng vào Mỹ buộc Bắc Kinh phải đàm phán thương mại.
Lập trường phía Mỹ có thể tóm tắt được như sau: (1) không thuế xuất nhập cảng; (2) không rào cản thương mại; (3) không trợ cấp kinh doanh; (4) không đánh cắp sở hữu trí tuệ; (5) không ép buộc chuyển giao công nghệ; và (6) mọi doanh nghiệp đều được hoạt động trong vòng luật pháp hai bên.
Những đòi hỏi nói trên xem ra thật tốt cho cả hai phía, nó buộc Bắc Kinh phải thực hiện những cải cách cần thiết, xóa bỏ độc quyền nhà nước, mở cửa thị trường, cải cách thể chế, tuân thủ luật chung.
Sau 11 lần đàm phán, tưởng chừng đã hoàn tất một thỏa thuận giữa hai quốc gia, nhưng Trung Quốc cho rằng cứ bàn, cứ ký rồi tính sau như khi gia nhập WTO, nên khi Mỹ đòi luật hóa các thỏa thuận thì phía Trung Quốc không đồng ý đòi đàm phán lại từ đầu.
Với ràng buộc luật pháp rõ ràng thì Bắc Kinh phải thay đổi cả thể chế và như thế giấc mơ bá chủ của Tập Cận Bình có thể tan theo mây khói.
Còn nước còn tát Tập Cận Bình đành phải rút quân "Vạn lý Trường chinh" mong thay đổi thế cờ.
Bầu cử Mỹ 2020
Bắc Kinh tin rằng với một Tổng thống mới trường kỳ chiến đấu sẽ có lợi cho Trung Quốc.
Ông Trump đã bắt đầu tranh cử với cơ hội thắng cử rất cao.
Nếu vì một lý do nào đó ông Trump không tiếp tục tranh cử thì Phó Tổng Thống Mike Pence là người có nhiều cơ hội thắng cử. Ông Pence là người có lập trường không khoan nhượng với Trung Quốc và phe Xã Hội Chủ Nghĩa.
Còn nếu dân Mỹ chọn một Tổng Thống thuộc đảng Dân Chủ thì chiến tranh thương mãi cũng sẽ tiếp tục vì trừng phạt Trung Quốc đã trở thành Quốc sách của cả lưỡng đảng và lưỡng viện Quốc Hội Mỹ.
Ngày 7/5/2019, Hạ viện Mỹ biểu quyết với đa số tuyệt đối (414-0) chấp thuận "Đạo luật Đảm bảo Đài Loan 2019", ủng hộ Đài Loan tăng chi tiêu quốc phòng, thường xuyên bán vũ khí, công cụ quốc phòng cho Đài Loan và ủng hộ Đài Bắc tham gia các tổ chức quốc tế.
Ngày 4/6/2019, kỷ niệm 30 năm Trung Quốc tàn sát phong trào sinh viên, Quốc hội Mỹ đã tổ chức buổi điều trần và Chủ tịch Hạ viện, bà Nancy Pelosi mở đầu bằng tuyên bố:
"Hôm nay (4/6/2019), chúng ta nhớ lại vụ thảm sát tàn bạo mà nhà cầm quyền Trung Quốc đã thực hiện chống lại chính người dân của họ 30 năm trước. Chúng ta nhớ lại sự dũng cảm của những sinh viên, công nhân và người dân đã phản kháng ôn hòa chế độ áp bức để yêu cầu nền dân chủ và nhân quyền mà họ xứng đáng được nhận…"
Lập trường lưỡng đảng như thế nên bất cứ thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đều phải được Quốc Hội Mỹ chính thức thông qua vì thế chiến tranh thương mại sẽ không kết thúc đơn giản như ý định của Bắc Kinh.
Ngược lại thông tin rò rỉ cho biết các phe cánh trong đảng Cộng sản đang gia tăng áp lực chống lại các quyết định của Tập Cận Bình, nên không chắc trường kỳ kháng chiến sẽ có lợi cho ông.
Tổn thất cả hai bên
Đã gọi là chiến tranh thì chắc chắn sẽ gây ra tổn thất cho cả đôi bên.
Sau một năm chiến tranh lạm phát tại Mỹ vẫn trong vòng kiểm soát, lương vẫn tăng, nhiều công ăn việc làm được tạo ra, chưa thấy dấu hiệu tổn thất như giới khoa bảng và báo chí thường đồn đoán.
Việc chỉ trích Tổng thống Trump hay chính phủ Mỹ là quyền hiến định của công dân, chính nhờ những chỉ trích từ báo chí và công dân nước Mỹ mới thăng tiến luôn xứng đáng là cường quốc số một trên thế giới.
Phía Trung Quốc bưng bít thông tin nhưng dấu hiệu cho thấy kinh tế đang lâm vào khó khăn, nhiều nhà máy đóng cửa, vốn đầu tư bị rút sang các nước ít bị ảnh hưởng chiến tranh, lạm phát bắt đầu gia tăng, đời sống mỗi lúc một khó khăn hơn.
Hệ thống cứu trợ tư nhân không có, an sinh chưa phát triển, Trung Quốc lại chưa trải qua kinh nghiệm khủng hoảng kinh tế, thông tin bị bưng bít nên khủng hoảng bùng nổ sẽ ảnh hưởng mạnh đến thể chế chính trị.
Sách Trắng và lời kêu gọi "Vạn lý Trường chinh" thật ra chỉ nhằm tuyên truyền trấn an và sửa soạn tinh thần cho dân chúng trước những khó khăn đang ngày một gia tăng.
Vì sao Huawei lãnh đạn?
Huawei được cho là công ty mấu chốt thực hiện chiến lược "Made in China 2025", có liên quan với Quân Giải phóng Nhân dân, thế lực rất mạnh trong đảng Cộng sản.
Theo AFP, 10 năm qua Huawei nhận trợ cấp từ nhà nước lên tới 1,5 tỷ USD.
Ngoài ra Huawei được trợ giúp về ngoại giao, được vay mượn từ ngân hàng nhà nước, được mua rẻ đất đai, xây dựng đế chế riêng với nhiều khu nhà ở để cung cấp hay bán rẻ cho nhân viên.
AFP cũng nói năm ngoái hơn 100 nhân viên Huawei được thưởng lên đến cả 100,000 USD mỗi người từ thành phố Thâm Quyến.
Nếu đường lối thương mại Mỹ được luật hóa thì Huawei khó có thể tồn tại, như thế"Made in China 2025" khó có thể đạt được kết quả như Tập Cận Bình mong muốn.
Bởi thế không lấy gì làm lạ khi đàm phán đổ vỡ Tổng thống Trump ra lệnh trừng phạt Huawei ngăn công ty này không được mua các sản phẩm của Mỹ, đánh thẳng vào công cụ chiến lược của Tập Cận Bình.
Trong đàm phán thương mại phía Mỹ còn yêu cầu mở cửa để các công ty truyền thông xã hội như Google, Facebook, Twitter vào thị trường Trung Quốc nhưng bị từ chối.
Là quốc gia cộng sản, Trung Quốc phải kiểm soát tư tưởng và định hướng dư luận vì thế chiến tranh thương mãi chỉ là bề mặt, bề sau là cuộc chiến ai thắng ai giữa tự do và cộng sản.
Thế giới đi về đâu?
Trung Quốc bị hầu hết các nước đã phát triển xem là quốc gia "phi thị trường", thất bại trong việc đàm phán thương mãi với Mỹ chỉ tạo thêm khoảng cách giữa nước này và các nước theo thể chế tự do.
Nhưng thương chiến giữa hai nước lớn Mỹ Trung sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, tài chánh, tiền tệ, chính trị và thậm chí cả quân sự của mọi quốc gia trên thế giới.
Cuối cùng một trật tự mới toàn cầu buộc mọi quốc gia phải tuân thủ luật chung là kết quả của cuộc chiến Mỹ -Trung.
Sự hy sinh trong chiến tranh sẽ được đền bù bằng một thế giới tự do hơn, yên bình hơn, thịnh vượng hơn.
Hà Nội chọn hướng đi nào?
Việt Nam một trong vài quốc gia cộng sản còn sót lại, với mô hình phát triển không khác gì Trung Quốc, không lâu cũng sẽ trở thành mặt trận giữa Mỹ -Trung.
Tổng thống Trump đã chính thức nhắc nhở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần cân bằng thặng dư ngoại thương Mỹ-Việt.
Tổng thống Trump cũng nhắc nhở nguồn đầu tư vào Trung Quốc đang chuyển sang Việt Nam, như thế Hà Nội hưởng lợi từ chiến tranh.
Cuộc đấu tranh tư tưởng trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về con đường kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo mô hình Bắc Kinh đang ngày một rõ dần.
Bởi thế, mặc dầu trở bệnh, chưa đi đứng được, Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn đòi hỏi Đại hội Đảng 13 phải làm rõ vấn đề "đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị".
Nói theo cách dân gian là đảng Cộng sản Việt Nam, là nhà cầm quyền Hà Nội phải "đổi mới hay là chết theo Trung Quốc".
Sự lựa chọn hoàn toàn trong tay các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Bài thể hiện quan điểm của ông Nguyễn Quang Duy từ Melbourne, Australia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét