Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 8 tháng 6, 2019

Tự thuật của một trùm KGB bỏ trốn


stalin crimes
Tác giả: Alexander M. Orlov | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Khi viết những dòng này tôi[1] không thuộc bất kỳ đảng phái nào; nhưng cho tới trước ngày 12/7/1938 thì tôi vẫn là đảng viên Đảng Cộng sản Bolshevik Liên Xô. Trong thời kỳ Nội chiến cách mạng (1918-1920), tôi từng chỉ huy một đội du kích trong vùng địch hậu. Sau Nội chiến, tôi làm Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Liên Xô. Năm 1924, tôi làm Cục phó Cục Quản lý kinh tế thuộc Tổng cục Bảo vệ Chính trị nhà nước (sau là Bộ Ủy viên nhân dân Nội vụ Liên Xô, tức Bộ Nội vụ, NKVD). Năm 1926, tôi làm Vụ trưởng Vụ kinh tế thuộc Tổng cục này. Tháng 9/1936, Bộ Chính trị Trung ương Đảng cử tôi sang làm Cố vấn cho Chính phủ Cộng hòa Tây Ban Nha,[2] phụ trách tổ chức công tác phản gián và chiến tranh du kích vùng địch hậu.
Trong thời gian công tác tại Tổng cục Bảo vệ Chính trị nhà nước, tôi sưu tầm được khá nhiều tài liệu về các vụ xét xử và hành quyết một số cựu lãnh tụ Cách mạng Tháng Mười Nga – các bạn chiến đấu của Lenin cà các tài liệu về mối liên quan giữa Stalin với họ. Tôi ghi chép tỉ mỉ các chỉ thị miệng của Stalin nói với cán bộ lãnh đạo Bộ Nội vụ, kể cả chỉ thị về cách dẹp sự chống đối Stalin từ phía các bạn chiến đấu cũ của  Lenin, các chỉ dẫn cách ép cung để lấy được các bản nhận tội giả. Tôi còn ghi được cả một số bài nói của Stalin với các đồng chí đó và cả lời phát biểu của họ trước khi bị hành quyết. Những tài liệu tuyệt mật được dầy công cất giấu bao năm này là do các trinh sát viên của Bộ Nội vụ cung cấp, trong đó có người phó của tôi là Mironov (sau là Cục trưởng Cục Quản lý kinh tế Bộ Nội vụ) và Boris Berman, Cục phó Cục Đối ngoại Bộ Nội vụ.
Chân dung Orlov. Nguồn: Wikipedia.
Chân dung Orlov. Nguồn: Wikipedia.
Đầu năm 1937, người ta đã thanh toán mà không qua xét xử hầu như toàn bộ cán bộ lãnh đạo và trinh sát viên của Bộ Nội vụ từng trực tiếp tham gia việc ép buộc một số cựu lãnh tụ Cách mạng tháng Mười đưa ra các bản nhận tội giả. Tiếp đó lại xảy ra vụ hành quyết hàng nghìn cán bộ Bộ Nội vụ từng nắm giữ các tin tức tình báo bí mật. Khi đang ở Tây Ban Nha, tôi nhận được tin Bộ trưởng Bộ Nội vụ G. Zagoda bị bắt.[3] Xem ra sắp đến lượt tôi chung số phận với họ. Nhưng tôi chưa thể trốn đi vì mẹ đẻ và mẹ vợ tôi đều đang còn ở Liên Xô; họ sẽ bị coi là những con tin, nếu tôi từ chối về nước thì hai bà sẽ bị hành quyết.
Trong các trận chiến đấu với bọn phát xít Franco, đã nhiều lần tôi nghĩ: giá mình hy sinh bây giờ thì những người thân trong nước sẽ không bị nguy hiểm nữa, như vậy còn tốt hơn là mình bỏ trốn khỏi cương vị hiện nay. Song đó chỉ là suy nghĩ của những kẻ hèn nhát. Tôi tiếp tục làm việc giữa những người Tây Ban Nha mà lòng dũng cảm của họ luôn làm tôi thán phục, và mơ ước hão huyền đợt sóng thanh trừng cực kỳ tàn bạo ở Moskva sẽ chấm dứt sớm.
Tháng 8/1937, tôi nhận được điện báo của Abram Slutsky, Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Nội vụ (NKVD Foreign Intelligence), cho biết bọn đặc vụ của Franco và Hitler có ý định bắt cóc tôi, do đó Bộ Nội vụ chuẩn bị cử một đội vệ sĩ 12 người sang bảo vệ tôi. Tôi hiểu ngay rằng nhiệm vụ đầu tiên của đội này sẽ là trừ khử … chính tôi.
Thế là tôi trả lời rằng tôi không cần vệ sĩ, vì Bộ Tư lệnh của tôi đang được Cận vệ quân Quốc dân Tây Ban Nha bảo vệ suốt ngày đêm, tôi đi đâu họ cũng đi theo. Điều này hoàn toàn có thật; nhờ đó Slutsky không phái vệ sĩ sang Tây Ban Nha nữa.
Song bức điện nói trên khiến tôi cảnh giác. Chắc Yezhov Bộ trưởng mới của Bộ Nội vụ đã ra lệnh cho đội biệt động mật của ông ta phải khử tôi ngay tại Tây Ban Nha. Để đối phó lại âm mưu ấy, tôi cử người ra mặt trận chọn từ Lữ đoàn Quốc tế người Đức ra 10 đảng viên cộng sản trung thành và dày dạn kinh nghiệm chiến đấu nhất, lập thành một đội vệ sĩ của tôi, trang bị tiểu liên và lựu đạn, luôn bám sát tôi.
Tháng 10/1937, Spigoria, người phó của Slutsky tới Tây Ban Nha. Cách đây ba tháng, chính tay này đã bố trí vụ mưu sát đồng chí Ignace Reiss, tổ trưởng tổ tình báo Liên Xô tại Thụy Sĩ. Spigoria không có bất cứ công việc chính thức nào ở Tây Ban Nha, như vậy việc anh ta có mặt ở đây chỉ chứng minh dự đoán của tôi, nhất là khi tôi biết là vừa đến Madrid, anh ta gặp ngay Borodin, kẻ được Yezhov phái sang chỉ huy đội biệt động chuyên thực hiện các vụ khủng bố. Hai người này ắt hẳn đã phải cân nhắc việc nếu muốn hạ sát tôi thì họ không thể không chạm súng với đội vệ sĩ của tôi. Hay là họ muốn bắt cóc đứa con gái 14 tuổi của tôi để ép tôi phải về nước?
Nỗi lo này lớn dần, cuối cùng tôi phóng xe về nhà mình ở ngoại ô Barcelona đón vợ và con gái đưa ngay sang Pháp. Tại một nơi gần biên giới, tôi thuê nhà cho hai mẹ con trọ và để lại đây một người của Cục Cảnh sát mật Tây Ban Nha vừa là lái xe vừa là bảo vệ. Xong việc, tôi lập tức trở về công tác như cũ.
Ngày 9/7/1938, Yezhov ra lệnh: đúng ngày 14 tôi phải có mặt trên một chiếc tàu Liên Xô có tên là Svir đang đậu tại cảng Antwerpen ở Bỉ để bàn công việc với “một người quen của đồng chí”; rồi tôi phải cùng với Periukov, Tổng Lãnh sự Liên Xô tại Bỉ đi bằng xe của Đại sứ Liên Xô tại Pháp đến một nơi hẹn. Yezhov giải thích: “do nhiệm vụ sắp tới rất quan trọng”, nên sẽ để Periukov  “làm người trung gian” là thích hợp.
Bức điện vừa dài dòng văn tự vừa khó hiểu, chứng tỏ Yezhov và các cộng sự mới ở Bộ Nội vụ còn quá non nớt về nghiệp vụ so với những người tiền nhiệm đã bị thanh toán hết. Họ ngu xuẩn tới mức để lộ tất cả các ý đồ xấu xa đối với tôi: chiếc tàu Svir kia sẽ là cái nhà tù nổi giam giữ tôi. Tôi trả lời Yezhov là sẽ có mặt tại Antwerpen đúng hẹn.
Ngày 12/7, tôi đến biên giới Pháp. Tại đây tôi chia tay với đội bảo vệ và người vệ sĩ mặc thường phục của Cục Cảnh sát mật Tây Ban Nha đi theo tôi lâu nay. Anh lái xe người Tây Ban Nha đưa tôi đến Pertinan đón gia đình tôi ra ga xe lửa. Sáng hôm sau chúng tôi đến Paris. Tôi biết mình phải rời nước Pháp ngay, vì chỉ trong 48 giờ, mạng điệp viên tại Pháp của Yezhov sẽ đánh hơi ra tung tích tôi.
Đối với tôi, nơi tị nạn an toàn nhất là nước Mỹ; do đó tôi gọi điện đến Sứ quán Mỹ xin gặp Đại sứ William Boris. Không may ông vắng mặt, vì ngày mai là quốc khánh Pháp [14/7]. Chúng tôi bèn đến cơ quan đại diện Canada tại Paris, xuất trình hộ chiếu ngoại giao và xin cấp thị thực nhập cảnh với lý do đi nghỉ hè tại Quebec. Hồi ấy Liên Xô chưa lập quan hệ ngoại giao với Canada nên tôi rất lo sẽ bị từ chối. May sao ông Trưởng Đại diện rất thông cảm và còn viết thư tay giới thiệu tôi với Cục Xuất nhập cảnh Quebec nhờ họ tạo thuận lợi cho tôi. Sau đó tôi đến ngay nơi bán vé của Công ty Vận tải biển mua vé đi Canada, rồi phóng taxi đến ga xe lửa đáp chuyến tàu Paris-Serburg.
Mấy giờ sau chúng tôi đã rời cảng Serburg, lênh đênh trên Đại Tây Dương. Con gái tôi rất mừng vì được đi du lịch châu Mỹ. Nó đâu có ngờ rằng sẽ chẳng bao giờ được trở về Tổ quốc gặp bà nội và bà ngoại nữa. Cháu bị bệnh tim, chắc sẽ chết yểu; do đó chúng tôi không nỡ cho cháu biết số phận của gia đình. Song thấy bố mẹ luôn lo âu và mọi chuyện đều thì thầm có vẻ bí ẩn, cháu đoán ra ngay sự thật. Nó khóc suốt đêm, chiếc gối ướt đẫm nước mắt.
Sau khi tới Canada, tôi viết ngay cho Stalin một bức thư rất dài; bản sao thư ấy tôi gửi cho Yezhov. Mục đích chính của thư này là nhằm bảo vệ tính mạng hai bà mẹ của tôi. Stalin quen tôi từ năm 1924, tôi rất hiểu con người ông; vì vậy tôi không chọn cách xin xỏ tình thương, mà dùng cách cảnh cáo: nếu người của ông dám động đến hai bà thì tôi sẽ lập tức công bố trước toàn thế giới tất cả những chuyện tôi biết về Stalin. Để chứng tỏ lời đe dọa của mình không phải là lời nói suông, tôi liệt kê tất cả các tội trạng của Stalin thành một bảng kèm theo thư. Ngoài ra tôi còn báo trước: nếu tôi bị người của Stalin ám sát thì luật sư của tôi sẽ công bố ngay tất cả các tài liệu nói trên.
Tôi biết mình đang chơi một canh bạc rất nguy hiểm cho bản thân và gia đinh, nhưng tôi tin rằng chừng nào Stalin còn chưa chắc chắn là tôi đã mất khả năng công bố tội trạng của ông thì ông ta còn chưa trả thù tôi ngay.
Ngày 13/8/1938, ba chúng tôi đặt chân đến nước Mỹ bằng visa ngoại giao do cơ quan đại diện Mỹ tại Ottawa cấp. Tôi đưa ngay luật sư của mình đến Washington gặp Ủy ban Ngoại kiều, tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với Chính phủ Liên Xô và xin tị nạn chính trị tại Mỹ.
Sau đó, cuộc truy sát tôi lập tức được mạng lưới dầy đặc gián điệp bí mật của Yezhov và về sau là Beria tiến hành và kéo dài trong 14 năm liền. Tôi thoát chết được là nhờ khả năng nhạy bén dự đoán tình hình và kịp thời có đối sách; ngoài ra cũng là nhờ lòng dũng cảm của vợ con tôi. Trong suốt thời gian trên, tôi không liên lạc gì với hai bà mẹ của mình cũng như với các bạn bè ở Liên Xô, nhằm tránh gây ra cho họ những điều đáng tiếc.
Đầu năm 1953, sau khi đoán chắc là hai bà mẹ của tôi đã quy tiên, vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định cho xuất bản cuốn sách này. Tháng Hai, tôi bắt đầu thảo luận với Ban Biên tập tạp chí LIFE về việc cho đăng thử vài chương trong cuốn sách. Công việc đang dở dang thì Stalin qua đời.
New York, tháng Sáu năm 1953
Dịch theo Ba vụ xử án lớn tại Moskva làm rung chuyển thế giới, bản tiếng Trung Quốc.
————–
[1] Alexander Mikhailovich Orlov (Александр Михайлович Орлов 1895-1973, người Belarus gốc Do Thái) là cán bộ cấp cao của Tổng cục An ninh quốc gia (KGB), năm 1938 trốn sang Mỹ nhằm tránh bị Stalin thanh trừng. Năm 1965 KGB xác nhận là Orlov không phản bội tổ quốc Xô Viết. (xem: – Alexander Orlov: The FBI’s KGB General của Edward P. Gazur. – Số phận người Tổ trưởng Tình báo buộc phải bỏ trốn đăng trên An ninh thế giớingày 2/1/1997). Cuốn Deadly Illusions: The KGB Orlov Dossier Reveals Stalin’s Master Spy cho biết năm 1969 và 1971, KGB đã bí mật gặp Orlov, mời ông trở lại Moscow như một anh hùng. Bài trên đây là phần Thay Lời tựa (tiêu đề Tôi ngửa bài với Stalin) trong hồi ký của Orlov: The Secret History of Stalin’s Crimes (Random House, 1953. Bản Trung văn là Ba vụ xử án lớn tại Moskva làm rung chuyển thế giới) tố cáo ba vụ án oan lớn do Stalin tiến hành (trong đó có vụ ám sát Kirov – chúng tôi sẽ giới thiệu sau).
[2] Chính phủ của Mặt trận bình dân Tây Ban Nha, thành lập tháng 4/1931, đại diện cho lực lượng dân chủ, tiến bộ, bị các thế lực dân tộc chủ nghĩa và phát xít, bảo hoàng chống lại. Tháng 6/1936, tướng Francisco Francolàm đảo chính, gây ra cuộc nội chiến giữa chính phủ (phe cộng hòa) với phe quốc gia của Franco. Phát xít Đức, Ý cho quân giúp Franco. Liên Xô gửi vũ khí và tình nguyện quân tham gia Lữ đoàn quốc tế chống Franco. Ngày 8/3/1939 Franco chiếm Madrid, thành lập chính phủ độc tài thống trị Tây Ban Nha cho tới khi chết (1975).
[3] Ba Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô Zagoda, Yezhov và Beria cuối cùng đều bị chính phủ Liên Xô xử tử, trong đó Zagoda, Yezhov bị xử dưới thời Stalin.



Không có nhận xét nào: