Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2019

Hậu Thiên An Môn: Kiểm duyệt và nỗ lực duy trì ký ức tập thể

Tại một nơi bị kiểm soát gắt gao như quảng trường Thiên An Môn, người ta phải sáng tạo ra những cách khác nhau để nói về cuộc thảm sát năm 1989. Ảnh: 
Chính quyền Trung Quốc có thể lập nên một hệ thống kiểm duyệt tinh vi và khắc nghiệt, nhưng giới văn nghệ sĩ thì luôn có cách riêng của mình để lưu giữ sự kiện Thiên An Môn vào ký ức tập thể của đất nước này.
Hậu quả nặng nề của cuộc thảm sát Thiên An Môn chính là những nỗ lực đàn áp dã man tự do chính trị và kiểm duyệt tinh vi thông tin về sự kiện này của chính quyền cộng sản Trung Quốc trong suốt 30 năm qua.
Như tờ The Economist tổng kết, ít nhất hàng chục nghìn người Trung Quốc (cả thường dân, nhà báo, và công chức) đã và đang bị bắt giữ hoặc chịu tù đày cải tạo. Bởi vì họ đã tham gia vào cuộc biểu tình Thiên An Môn hoặc các cuộc biểu tình sau đó yêu cầu chính quyền Trung Quốc công khai sự thật về cuộc biểu tình này.
Tờ New York Times ghi nhận trong một phóng sự điều tra đăng đầu năm 2019: chính phủ Trung Quốc vẫn đang ép các doanh nghiệp Trung Quốc phải kiểm duyệt chặt chẽ thông tin về sự kiện Thiên An Môn. Chính sách này buộc các doanh nghiệp phải thuê hàng nghìn nhân viên chuyên trách rà soát nội dung trên Internet để chặn, ẩn, không cho ai trong số 800 triệu người dùng internet tại Trung Quốc tiếp cận các thông tin cấm.
Các nhân viên “kiểm duyệt thuê” đó phần lớn chưa ra đời khi xảy ra sự kiện Thiên An Môn. Họ phải được công ty mình “giáo dục tại chỗ”, dĩ nhiên theo đúng định hướng nhà nước, rằng sự kiên Thiên An Môn chỉ là một cuộc bạo loạn phản cách mạng, bị các phần tử “phản động” lợi dụng “phá rối đất nước”.
Mỗi ngày các nhân viên kiểm duyệt đó nhận chỉ đạo mới và thông tin cụ thể từ “khách hàng” (các cơ quan nhà nước Trung Quốc). Họ làm việc dựa vào một hệ thống dữ liệu phức tạp được công ty cập nhật thường xuyên.
Trợ giúp thêm cho các nhân viên đó là những phần mềm được thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ kiểm duyệt internet và cả các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) đang được tối tân hóa từng ngày.
Quảng trường Thiên An Môn, tháng 6/1989 (trái) và tháng 5/2019 (phải). Ảnh: AFP/Getty Images.
Ngoài các công cụ kiểm duyệt thông tin, mối đe dọa bạo lực và phiền nhiễu từ chính quyền cũng khiến bản thân nhiều thế hệ người dân Trung Quốc tự mình muốn lãng quên sự kiện Thiên An Môn.
Phóng sự điều tra của New York Times ghi nhận là nhiều thế hệ phụ huynh và giáo viên tại Trung Quốc chủ động che giấu hay từ chối cho con cái mình biết về sự kiện này.
Đó là thực tế được xác nhận phần nào trong cuốn sách “Cộng hòa Dân chủ nhân dân của chứng Mất trí nhớ: Nhìn lại Thiên An Môn” xuất bản năm 2014 của nhà báo Louisa Lim. Cuốn sách tường thuật lại các cuộc phỏng vấn của Louisa Lim với một loạt người dân Trung Quốc. Phần đông trong số đó có liên quan trực tiếp đến sự kiện Thiên An Môn cùng ký ức nặng nề về nó.
Lim cho thấy rằng chính phủ Trung Quốc chủ động dùng giáo dục tư tưởng “yêu nước” để thay đổi quá khứ về Thiên An Môn: Sách giáo khoa được viết để duy trì quan điểm tích cực ủng hộ nhà nước nên âm thầm bỏ qua sự kiện này.
Lim ghi nhận thực tế là giới trẻ Trung Quốc không hề được dạy về sự kiện lịch sử này. Những người trẻ được Lim phỏng vấn không hề nhận ra bức hình nổi tiếng của người đàn ông một mình chặn đoàn xe tăng quân đội đang tiến ra từ quảng trường Thiên An Môn.
Cuốn sách cũng ghi lại quan điểm nổi bật của một trí thức từng chịu án 13 năm tù vì tham gia biểu tình tại Thiên An Môn: Chính bản thân nhiều người từng tham gia lãnh đạo sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn nay cũng chỉ muốn yên ổn sinh sống và làm giàu.
Trong bầu không khí của sự đàn áp, kiểm duyệt và lãng quên đó, có vẻ chỉ còn một nhóm thiểu số những nạn nhân của vụ thảm sát ở Thiên An Môn, nạn nhân của những lần đàn áp có liên quan tiếp theo sau đó, cùng người thân của họ, là còn tranh đấu, còn cố gắng duy trì một ký ức tập thể (collective memory) của người dân Trung Quốc về sự kiện này cho các thế hệ sau.
Ký ức tập thể đó không chỉ là về những đau thương, oan khuất dưới tay nhà cầm quyền cộng sản tàn độc, mà còn là ký ức tập thể về một thế hệ người Trung Quốc dám đứng lên tranh đấu, yêu cầu nhà nước cải cách triệt để, chống tham nhũng, và mở rộng tự do tham chính cho người dân.
Và may mắn thay, không chỉ có những nạn nhân của thảm sát và đàn áp là muốn duy trì ký ức tập thể đó.
Trong luận văn tiến sĩ của mình, nhà nghiên cứu văn học và điện ảnh Trung QuốcThomas Chen của trường Đại học Lehigh (Mỹ) cho thấy rằng giới văn nghệ sĩ Trung Quốc đã, bằng một số cách rất riêng của mình, vượt qua kiểm duyệt để duy trì Thiên An Môn trong ký ức tập thể của người dân Trung Quốc.
Hàng chục nghìn người thắp nến tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn, tại công viên Victoria, Hong Kong, ngày 4/6/2014. Ảnh: AP Photo/Vincent Yu.
Lưu giữ Thiên An Môn trong văn chương và điện ảnh ở Hong Kong
Trong những tháng năm ngay sau sự kiện Thiên An Môn, có một khu vực tại Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng để giúp lưu giữ ký ức về Thiên An Môn bằng nghệ thuật mà không đi theo đường lối nhà nước: Hong Kong. Bởi vì năm 1989, Hong Kong vẫn là thuộc địa của Anh và đến năm 1997 mới được trao trả lại cho Trung Quốc.
Cho đến ngày nay, người dân Hong Kong vẫn duy trì truyền thống mỗi ngày 04/6 hàng năm tụ tập đông người thắp nến tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn tại công viên Victoria. Đây được cho là do người dân Hong Kong đã xây dựng và vẫn duy trì được một ký ức tập thể về sự kiện Thiên An Môn bất chấp việc chính quyền Trung Quốc ngày càng kiểm soát chặt chẽ thành phố bé nhỏ này.  
Không gian xã hội rộng mở, có tự do báo chí, tự do xuất bản của Hong Kong trong giai đoạn trước năm 1997 đã giúp đưa nhiều tường thuật chân thực và khắc họa đa dạng về sự kiện đến người dân Hồng Kông và với cộng đồng quốc tế.
Chen lấy ví dụ một tác phẩm văn học nổi tiếng của Hong Kong nói về Thiên An Môn:Thiên An Môn diễn nghĩa: Tiểu thuyết thực huống về sự kiện Lục Tứ (Romance of Tiananmen: June Fourth Real-Time Fiction), xuất bản tháng 11/1989 của nhà văn, đạo diễn điện ảnh Shu Kei.
Nhiều tác phẩm từ nền điện ảnh nổi tiếng của Hong Kong đầu thập niên 1990 cũng không ngại đưa vào phim hình ảnh xe tăng vào đàn áp biểu tình ở Thiên An Môn, ví dụ như phim Bản Sắc Anh Hùng Phần 3 (A Better Tomorrow 3) của đạo diễn Từ Khắc (có mặt diễn viên Châu Nhuận Phát) hay phim Điệp Huyết (Bullet in the Head) của đạo diễn Ngô Vũ Sâm.
Đặc biệt còn có phim Quân Nhân Lưu Vong Phần 4 – Địa Hạ Thông Đạo (Underground Express) của đạo diễn Michael Mak kể về việc các băng đảng xã hội đen Hong Kong giúp các lãnh đạo sinh viên tham gia biểu tình ở Thiên An Môn trốn thoát từ Trung Hoa đại lục. Tác phẩm này là một phiên bản hư cấu hóa một chiến dịch có thật: Chiến dịch Hoàng Tước (Operation Yellowbird).
Tuy nhiên, khi nhìn sâu vào nghệ thuật điện ảnh về Thiên An Môn tại Hong Kong, nhà nghiên cứu Thomas Chen cũng phát hiện một việc: Chính quyền Anh tại Hong Kong đã chủ động góp phần giúp chính quyền cộng sản Trung Quốc kiểm duyệt về sự kiện Thiên An Môn từ khi Hong Kong chưa chính thức được trao trả về Trung Quốc.
Chen dẫn chứng một trường hợp chính quyền Anh ở Hong Kong kiểm duyệt tác phẩm điện ảnh về Thiên An Môn.
Bộ phim tài liệu Những ngày không mặt trời (Sunless Days) năm 1990 của đạo diễn Shu Ke đi sâu vào tìm hiểu phản ứng của giới văn nghệ sĩ Hong Kong về sự kiện Thiên An Môn.
Bộ phim có tường thuật lại một vụ việc chính quyền Hong Kong bắt giữ một nhóm người biểu tình chống Trung Quốc tại Hong Kong, đồng thời cho thấy có bằng chứng là chính quyền Hong Kong hợp tác với chính phủ Trung Quốc để chống “các hoạt động phản động” chống Trung Quốc tại Hong Kong.
Những ngày không mặt trời được chiếu trên truyền hình tại Nhật Bản nhưng đã không được chiếu trên truyền hình Hong Kong. Cho dù nhà làm phim đã quyết định cho chiếu không tính phí, 130 rạp chiếu phim ở Hong Kong vẫn không nhận chiếu phim này (chỉ có hai rạp nhận chiếu).
Quảng trường Thiên An Môn, ngày 23/10/2014. Ảnh: Reuters.
Lưu giữ Thiên An Môn trong văn chương và điện ảnh ở Trung Hoa đại lục
Nghiên cứu của Chen trong khu vực này cũng có một bất ngờ nhỏ: Nhà nước Trung Quốc chính là bên đầu tiên đưa sự kiện Thiên An Môn vào nghệ thuật tại Trung Hoa đại lục.
Ngay sau sự kiện, hệ thống tuyên truyền nhà nước đã chủ động dùng văn chương để thao túng ký ức tập thể bằng việc duy trì một phiên bản sự kiện Thiên An Môn có lợi nhất cho nhà nước.
Cuộc biểu tình năm 1989 của những người dân, công nhân, sinh viên, trí thức đã được các nhà văn quân đội Trung Quốc khắc họa theo đúng đường lối của đảng: Đó là một cuộc bạo động phản cách mạng (counterrevolutionary riot) của những thế lực thù địch muốn lật đổ “chính quyền của nhân dân Trung Hoa”.
Chen phân tích một tác phẩm văn chương nhà nước nổi bật: Những bài ca từ những người bảo vệ nền cộng hòa (Songs of the Republic’s Guardians) – một tuyển tập 15 tác phẩm tường thuật văn chương (literary reportage) xuất bản năm 1989, chỉ bốn tháng sau sự kiện Thiên An Môn.
Trong các tường thuật đó, anh hùng Thiên An Môn là những người lính đã mang súng đạn vào đàn áp những người dân tay không tấc sắt, là những phóng viên, nhà văn quân đội tác nghiệp trong cuộc bạo loạn. Ngược lại, những người biểu tình luôn được khắc họa hoặc là “quần chúng không hiểu rõ sự thật”, hoặc là “bọn bạo đồ trà trộn trong đám người hồ đồ”.
Mỗi khi một tay côn đồ hay “bạo đồ” mở miệng là hắn đang kêu gọi giết một người lính nào đó. Và người lính nào dùng súng cũng chỉ là để… bắn chỉ thiên. Quần chúng trong các tác phẩm đó luôn khẳng định những người lính giải tán biểu tình không bao giờ giết dân, mà chính những người lính lại là nạn nhân của bạo lực từ phía bọn phản cách mạng trong cuộc bạo loạn.
Tuy nhiên, Những bài ca từ những người bảo vệ nền cộng hòa không tồn tại lâu hơn nhu cầu thao túng ký ức tập thể của chính quyền.
Theo Chen, chính quyền Trung Quốc, bất ngờ và dĩ nhiên không ồn ào, thay đổi chính sách từ năm 1991. Họ không áp dụng các tác phẩm văn chương nghệ thuật để tuyên truyền phiên bản nhà nước của sự kiện Thiên An Môn nữa.
Sau năm 1991, Trung Quốc nhào nặn ký ức tập thể bằng chính sách kiểm duyệt, “dìm” sự kiện cho đi vào quên lãng. Chính sách này hiện nay vẫn đang được áp dụng.
Nhưng vẫn đã có một số văn nghệ sĩ tại Trung Hoa đại lục chọn những cách sáng tạo để không chỉ “lách” qua với kiểm duyệt nhà nước mà còn bóc trần nó.
Cuốn tiểu thuyết Phế Đô (Decadent Capital) xuất bản năm 1993 của nhà văn Giả Bình Ao hoàn toàn không nhắc gì về Thiên An Môn. Chủ đề của cuốn sách cũng rất… không liên quan: Một nhà văn nổi tiếng vừa ngoại tình với một loạt phụ nữ, vừa phải giải quyết một vụ kiện tụng, vừa phải viết cho xong một cuốn tiểu thuyết.
Phế Đô thu hút chú ý dư luận bằng các cảnh đặc tả tình dục táo bạo. Đến mức cuốn sách được so sánh với tác phẩm Kim Bình Mai – một dâm thư huyền thoại.
Tuy nhiên, trong một hành động khác người, Giả Bình Ao… tự kiểm duyệt bằng cách dùng một loạt các ô vuông trống đứng chen vào nhiều đoạn văn “nóng bỏng” nhất. Sau mỗi loạt ô vuông luôn là lời tự giải trình của tác giả, giống như sau:
Ví dụ đoạn trên, giữa một cảnh tình dục đang hào hứng, bỗng nhiên một loạt ô vuông xuất hiện đi kèm phần ngoặc kép nói “Tác giả đã xóa ba trăm bảy mươi chín chữ”, rồi văn bản lại tiếp tục đặc tả phân cảnh tiếp sau phần “bị xóa” đó.
Các đoạn ô vuông này hoàn toàn là do Giả Bình Ao “tự biên tự diễn” chứ không có bàn tay kiểm duyệt nhà nước.
Theo phân tích của Thomas Chen, bằng cách công khai “kiểm duyệt thay những nhà kiểm duyệt”, Giả Bình Ao bóc trần cho người đọc Trung Quốc thực tế rằng những gì họ đọc đang bị nhà nước kiểm tra và kiểm duyệt kỹ lưỡng, rằng nhà nước đang tinh vi che dấu nhiều thứ trong văn học nghệ thuật.
Không đi xa đến mức thách thức các quyết định kiểm duyệt văn hóa, nhưng trong bầu không khí văn hóa ngột ngạt năm 1993 khi dư âm của sự kiện Thiên An Môn vẫn còn vang vọng, các ô vuông trống – như những quảng trường nhỏ sạch sẽ bóng người – hiện lên trong tác phẩm của Giả Bình Ao như mời gọi độc giả Trung Quốc phải nhìn xa hơn, nghĩ kỹ hơn những gì đang được cho phép xuất bản ở Trung Quốc khi đó.
Một cuốn tiểu thuyết khác xuất bản năm 2006 thì thách thức kiểm duyệt văn hóa và khai thác sự kiện Thiên An Môn một cách trực diện hơn: Như thế giới này@sars.come(Such Is This World@sars.come) của nhà văn Hồ Phát Vân.
Cuốn tiểu thuyết lần theo những công dân mạng Trung Quốc khi họ đang dần dần học cách đối đầu với kiểm duyệt thông tin và kiểm duyệt văn hóa trên mạng internet trong nước những năm đầu thiên niên kỷ.
Khi đó, thông qua những nguồn thông tin quốc tế vào một thời kỳ mà internet chưa bị chính quyền Trung Quốc quản chặt như hiện nay, nhiều công dân mạng đã biết rằng một số sự thật – cả lịch sử (Thiên An Môn) và thời sự (đại dịch SARS) – đang bị chính quyền thao túng và che giấu như thế nào. Một nhân vật quan trọng trong tiểu thuyết này là một trí thức từng tham gia vận động ủng hộ biểu tình Thiên An Môn nhưng sau đó “đổi màu”, chuyển sang ủng hộ lãnh đạo đảng và nhà nước.
Nhờ những nhà văn như Giả Bình Ao và Hồ Phát Vân, ít ra một vài hình bóng của sự kiện Thiên An Môn cùng những cảnh tỉnh về kiểm duyệt văn hóa ở Trung Quốc vẫn đã len lỏi được qua kiểm duyệt nhà nước để đến với đại chúng ở Trung Hoa đại lục, theo đó lưu giữ lại sự kiện này trong ký ức tập thể của người dân, bất chấp các hoạt động định hướng và kiểm duyệt của nhà nước.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: