Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2019

CON ĐƯỜNG “TỰ CHUYỂN HÓA”, “TỰ DIỄN BIẾN” LÀ MỘT TẤT YẾU KHÁCH QUAN


GS.TS Vũ Trọng Khải 

  Có nhà triết học Hy Lạp cổ đại đã nói, đại ý: Không ai có thể tắm 2 lần trên cùng một dòng sông. Điều đó có nghĩa là vạn vật luôn luôn thay đổi theo những qui luật tất yếu khách quan mà ý chí chủ quan của con người cần phải thuận theo; còn đi ngược lại qui luật thì con người sẽ lãnh đủ mọi hậu quả khôn lường.
  Theo chủ quan, con người luôn nghĩ rằng hoạt động của mình là tạo ra những thay đổi vì mục tiêu tốt đẹp. Nhưng trong thực tế, sự thay đổi luôn diễn ra theo cả 2 chiều hướng: tiêu cực và tích cực.
  Chỉ những hoạt động phù hợp với qui luật khách quan mới tạo ra thay đổi tích cực, được coi là đổi mới. Hơn thế nữa, trong tiến trình phát triển, con người luôn luôn phải đối mặt, xử lý, giải quyết những vấn đề do chính sự đổi mới tạo ra, để vươn lên tầm cao hơn. Nếu không, sự đổi mới của ngày hôm qua lại trở thành sự lạc hậu, cản trở sự đổi mới của ngày hôm nay. Như Albert Einstein đã dạy: Người ta không thể giải quyết được những vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra những vấn đề đó.
  Nếu hiểu như vậy, thì con đường “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” mà Đảng Cộng sản Việt Nam thường cảnh báo, là một tất yếu khách quan. Vấn đề đặt ra là sự chuyển hóa, diễn biến của xã hội, của mỗi con người có phù hợp với qui luật khách quan hay không.
  Đọc bài diễn văn khai mạc hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 10 (khóa 12) vừa qua, tôi thấy, so với các bài viết và nói trước đây mà tôi được biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự thay đổi, sự chuyển hóa, diễn biến theo hướng tích cực.
  Trước đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định lập trường của mình về con đường đi lên CHXH ở nước ta do Đảng cộng sản chủ trương và lãnh đạo thực hiện suốt mấy chục năm qua, là đúng đắn. Nay ông đã đặt ra 3 vấn đề, 3 câu hỏi có tính gợi mở để Ban chấp hành trung ương Đảng thảo luận: (i) “Đổi mới chính trị có phải là đổi mới chế độ chính trị không? Đổi mới chính trị là đổi mới hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy, nhân sự, phương thức, lề lối làm việc”. (ii) Kinh tế thị trường và định hướng XHCN…, có coi nhẹ kinh tế nhà nước không? Chuyển tất cả sang kinh tế tư nhân có đúng không?…; Đến 2030, nước ta là nước công nghiệp phát triển hay là nước phát triển, hay là nước công nghiệp theo hướng hiện đại?… Năm 2020, nước ta đã là nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại chưa? (iii) Có sửa đổi Điều lệ Đảng không ?
  Có phải ông Trọng đã có ngầm ý khẳng định mấy điều sau:
  1. Kinh tế thị trường và định hướng XHCN
  Tôi có thể hiểu, Tổng Bí thư khẳng định là, kinh tế thị trường không bị phân chia thanh 2 loại: kinh tế thị trường định hướng XHCN và kinh tế thị trường TBCN. Đại hội đảng lần thứ 6 (1986) quyết định:
a. Từ bỏ nền kinh tế chỉ huy, tập trung quan liêu và bao cấp, mà thực chất là nền kinh tế nhà nước hóa cao độ, gần như tuyệt đối; Theo đó, nhà nước làm kinh tế để nuôi dân, người dân làm công ăn lương của nhà nước; Thuế không phải là nguồn thu lớn (thậm chí rất ít) của ngân sách nhà nước.
b. Khôi phục và phát triển kinh tế thị trường như nó vốn có.
Theo đó, dân làm kinh tế và đóng thuế để nuôi nhà nước, thuê nhà nước quản lý sự phát triển đất nước của mình.
Gọi đó là “đổi mới” thì thật khiên cưỡng. Đó chỉ là sự “cởi trói” có ý thức của đảng đối với chính mình và với dân, để giải phóng sức sản xuất đang có sẵn, tạo ra quá trình chuyển từ chệch hướng sang đúng hướng theo qui luật  đã và đang vận hành nền kinh tế của nhân loại, nhờ thay đổi tư duy. Còn “định hướng XHCN” phải chăng là phát triển xã hội theo hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, như mô hình xã hội ở các nước Bắc Âu?
  1. Khẳng định không kì thị kinh tế tư nhân, kinh tế tư nhân phải được pháp luật ứng xử bình đẳng như các thành phần kinh tế khác. Nếu nó vận hành sai, thì nhà nước buộc nó phải thay đổi nhờ hệ thống luật pháp do bộ máy công quyền hoạt động bằng tiền thuế của dân. Và nếu nó vận hành tốt, hiệu quả, mang lại lợi ích cho đất nước thì được nhà nước khen thưởng, tặng danh hiệu anh hùng, như những tổ chức, cá nhân khác.
  2. Ông Trọng hỏi tiếp: chuyển tất cả (kinh tế nhà nước – Vũ Trọng Khải) sang kinh tế tư nhân có đúng không. Hỏi như vậy là ông Trọng đã tự trả lời: Kinh tế nhà nước luôn tồn tại trong tất cả các nước phát triển. Nhưng vai trò, ngành nghề hoạt động của kinh tế nhà nước và cơ chế quản lý nó như thế nào để bảo đảm không để xảy ra thất thoát, tham nhũng như hiện nay, để đảm bảo thực sự bình đẳng với kinh tế tư nhân. Điều này còn cần thảo luận, làm rõ.Mặt khác,ông Trọng hoan nghênh đầu tư nước ngoai FDI ,nhưng lại hòi làm sao giử được độc lập ,tự chủ.Phải chăng ông Trọng đã thấy được những hậu quả to lớn đã gây ra cho đất nước do tiếp nhân FDI quá dễ dãi trong những nămqua.Nhưng làm thế nào để vừa thu hút FDI vừa giữ được độc tự chủ vẫn còn là câu hỏi, cần được làm rõ
  3. Ông Trọng cũng dường như thừa nhận mục tiêu do Đảng Cộng sản đề ra: đến năm 2020 nước ta trở thanh một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, là không thể thực hiện được. Hơn nữa, mục tiêu này cũng có thể không còn đặt ra cho những năm sắp tới, vì nó không phù hợp với thời đại và với điều kiện kinh tế, xã hội, tự nhiên của nước ta, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng. Vì vậy, ông mới đặt ra câu hỏi: Đến năm 2030, nước ta sẽ là nước công nghiệp phát triển, hay là nước phát triển, hay là nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại? Theo tôi, ông hỏi như vậy là ông tự trả lời theo hướng nước ta trở thành một nước phát triển. Còn nội dung “nước phát triển” trong thời đại ngày nay như thế nào thì còn cần thảo luận tiếp.
  4. Ông Trọng cũng hỏi: có sửa đổi điều lệ đảng không? Ai cũng biết, đại hội nào cũng có sửa điều lệ đảng, nhưng chỉ là sửa những điều không trọng yếu. Nhưng nếu thừa nhận những điều nêu ở các điểm trên, tất nhiên phải sửa đổi khá căn bản điều lệ đảng ở Đại hội 13. Hơn nữa, tuy ông Trọng nói không bàn sửa cương lĩnh, nhưng với bấy nhiêu sự đổi mới lớn lao như nêu ở trên, thì về thực tế là đã sửa cương lĩnh của đảng rồi.
  Nếu tôi hiểu đúng như nêu trên,thì ông Trọng đã có thay đổi nhận thức rõ rệt theo hướng tích cực
  Đôi điều lạm bàn
  Tổng Bí thư đã nêu 3 câu hỏi có tính gợi mở để Ban Chấp hành trung ương suy nghĩ, thảo luận, tìm ra câu hỏi trả lời đúng đắn. Do vậy, tôi xin mạn phép góp vài lời lạm bàn, mặc dù tôi không phải là Ủy viên Ban Chấp hành trung ương đảng. Để trở thành một nước phat triển,Việt Nam cần đổi mới toàn diện ,đòng bộ cả kinh tế và chính trị ,phù hợp với quy luật khách quan và đăc điềm riềng có, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
   I. VỀ CHÍNH TRỊ
  1. Đổi mới Đảng Cộng sản
Tôi xin luận bàn trong khuôn khổ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn đang còn là một tổ chức chính trị duy nhất lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối, đối với mọi hoạt động kinh tế – xã hội, văn hoá, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường của đất nước. Do vậy, phải xây dựng một hệ tư duy mới để giải đáp 3 câu hỏi của ông Trọng. Việc làm này là chưa có tiền lệ,nên sẽ gây tranh cãi và hoài nghi tính khả thi của nó
  • Đảng cộng sản Việt Nam của ai?
Kinh tế thị trường nhiều thành phần sở hữu nên đương nhiên sinh ra các nhóm lợi ích khác nhau, cùng tồn tại, phát triển theo pháp luật. Do vậy, hầu hết các nước đều đa nguyên về chính trị, sinh ra các đảng phái khác nhau, đại diện, cho các nhóm lợi ích khác nhau, vừa đấu tranh, vừa hợp tác cùng phát triển trong khuôn khổ pháp luật.
  Nhưng ở Việt Nam, không có đa nguyên chính trị và đa đảng, thì đảng Cộng sản không thể là của riêng giai cấp công nhân, mà dứt khoát phải là đảng của dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc lên trên lợi ích của giai cấp công nhân. Hơn nữa, không có một quốc gia, một tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội nào phát triển lại không do tầng lớp tinh hoa của dân tộc, của mỗi tổ chức đó, lãnh đạo và quản lý. Tầng lớp tinh hoa ấy được hình thành và phát triển do sự kết tinh của vốn học vấn, kinh nghiệm thực tiễn, văn hóa truyền thống của dân tộc, của mỗi tổ chức, mỗi gia tộc và gene của mỗi cá thể. Họ đương nhiên không thuộc về một giai cấp nào, mà thuộc về dân tộc.
  Đảng nói chung và ban lãnh đạo đảng nói riêng, phải và chỉ bao gồm những con người thuộc tầng lớp tinh hoa của dân tộc. Chỉ có như vậy, đường lối chính trị, pháp luật, chính sách do đảng đề ra mới bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các nhóm người khác nhau của dân tộc, trong nền kinh tế thị trường đa nguyên về sở hữu, về lợi ích, về khát vọng, về năng lực.
  • Cần có luật về đảng Cộng sản
Vì đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối, trực tiếp đối với cả 3 nhánh quyền lực nhà nước: lập pháp, hành pháp, tư pháp, nên để tránh lạm quyền, nói như ông Trọng là “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”, phải có luật về tổ chức hoạt động của đảng Cộng sản Việt Nam. Vậy có thể có một đạo luật như vậy không?Điều này cũng chưa có tiền lệ.
  • Đổi mới cấu trúc của đảng để có thể “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”
  1. a) Luật về đảng trước hêt phải bảo đảm triệt để dân chủ ,mọi đảng viên đều bình đăng trước luật và điều lệ đảng: được quyền phát biểu,tranh luận, bảo lưu ý kiến, quan điểm của mình,nếu thuộc thiểu số trong tổ chức đảng ,mà không bị quy chụp là thoái hóa ,biến chất;mọi đảng viên đều có quyền tự do ứng cử ,tranh cử bằng chương trình hành động,và bầu cử các cấp lãnh đạo của đảng.
  2. b) Ban Chấp hành trung ương đảng nên có cơ cấu và chức năng, nhiệm vụ như là thượng viện ở các nước theo chế độ đại nghị. Các ủy viên trung ương hoạt động chuyên trách, hưởng lương thượng nghị sĩ và có kinh phí hoạt động thực thi nhiệm vụ. Và do đó đương nhiên Tổng Bí thư sẽ kiêm chức Chủ tịch thượng viện. Các ban giúp việc của Ban chấp hành trung ương đảng chuyển thành các ủy ban chuyên trách của thượng viện và được nhận lương từ ngân sách nhà nước.
  3. c) Ủy ban Kiểm tra của đảng không do Ban Chấp hành bầu ra như hiện nay mà phải do đại hội đảng trực tiếp bầu ra, để có thể xóa bỏ tất cả vùng cấm trên thực tế, tương tự như Ban Kiểm soát của công ty cổ phần. Do vậy, Chủ tịch Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng sẽ kiêm nhiệm Chánh tòa bảo hiến, các ủy viên Ủy ban Kiểm tra là thẩm phán của Tòa án này và đương nhiên Ủy ban Kiểm tra đảng sẽ không ăn lương của đảng. Việc xử lý sai phạm của thành viên Ủy ban Kiểm tra do một Tòa án đặc biệt được thiết lập cho từng trường hợp cụ thể, theo luật định.
  1. Đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước, nhân sự và phương thức lề lối làm việc
    • Thành lập Hạ viện
  • Quốc hội hiện nay nên đổi thành Hạ (nghị) viện. Số đại biểu quốc hội (Hạ nghị sĩ) được bầu với số lượng nhiều, ít phụ thuộc vào dân số của mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có ưu tiên cho các tỉnh có nhiều sắc tộc thiểu số.
  • Do vậy, cần xóa bỏ cơ chế “Đảng cử, mặt trận Tổ quốc giới thiệu, dân bầu” như bấy lâu nay. Mọi công dân từ 21 tuổi trở lên, vận động được đủ số công dân giới thiệu (ví dụ có thể 500 công dân ở thành phố lớn, 200 công dân ở nông thôn, 100 công dân ở vùng sâu, vùng xa, dân cư thưa thớt), đều có quyền tự do ứng cử Hạ nghị sĩ.
  • Hạ nghị sĩ phải hoạt động chuyên nghiệp được hưởng lương, tuyệt đối không được tham gia làm việc có thù lao của bất kì tổ chức hành pháp, tư pháp các cấp, từ trung ương đến xã, thôn, ấp, bản. Mỗi Hạ nghị sĩ và các thành viên của ủy ban chuyên trách các lĩnh vực được cấp một khoản kinh phí để thuê tư vấn soạn thảo hay phản biện các dự án luật trước khi trình Hạ viện thảo luận, biểu quyết.
  • Như vậy, các Hạ nghị sĩ và Chủ tịch Hạ viện không nhất thiết phải là đảng viên Cộng sản.
  • Các ứng viên được tự do tranh cử bằng mọi cách theo luật định, nhất là bằng các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội.
  • Hạ nghị sĩ có thể đồng thời là thành viên của hội đồng nhân dân các cấp, nơi họ cư trú thường xuyên.
   2.2. Quốc Hội: Quốc hội bao gồm lưỡng viên,thượng viện và hạ viên;Quốc hội không có cấp trên,cấp dưới .Các nghị sĩ dều bình đẳng và c0 1 phiếu biểu quyết hay bầu cử.Do vậy quốc hội không có ủy ban thường vụ và khong ban hành pháp lệnh ,như hiên nay.Mổi viện chỉ cần 1 phó chủ tịch để giúp chủ tịch điểu hành khi chủ tịch vắng mặt;Văn phòng thượng viện và hạ viện chỉ có chức năng hành chính ,hậu cần ,bảo đảm điều kiện cho lưởng viện và các nghị sĩ hoạt động. Các ủy ban chuyên môn của mỗi viện đảm trách soạn thảo ,phản biện các dư án luật  được trình lưỡng viện biểu quyết.Moi công dân,tổ chức chính trị ,xã hội ,nghề nghiệp đều có quyền soạn thảo và phản biện các dự án luật
  • Chủ tịch nước và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ,
  1. Cần xóa bỏ định chế của Chủ tịch nước. Bởi vì vai trò Chủ tịch nước theo hiến pháp nước ta qui định rất lớn (tổng chỉ huy lực lượng vũ trang, trưởng ban cải cách tư pháp, đại diện Nhà nước về đối nội đối ngoại, kí quyết định phong hàm cấp trưởng và các danh hiệu khen thưởng cấp quốc gia…), nhưng không rõ thuộc hệ lập pháp, hành pháp, tư pháp, hay trên tất cả các nhánh quyền lực này.
  2. Thủ tướng Chính phủ đứng đầu cơ quan hành pháp ở cấp trung ương do 2 viện bầu ra trong số thượng nghị sĩ, thông qua thể thức ứng cử và tranh cử bằng chương trình hành động của mỗi ứng viên.
  Các Bộ trưởng không thể đồng thời là nghị sĩ ở lưỡng viện và không nhất thiết phải là đảng viên đảng Cộng sản. Thủ tướng Chính phủ đệ trình lưỡng viện phê duyệt và bãi miễn thành viên Chính phủ. Lưỡng viện có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm của cả Chính phủ hay của từng thành viên Chí
  1. Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ phải là cấp trên, thay mặt Chính phủ đối với cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bộ trưởng không có chức năng tham mưu cho Chính phủ như hiện nay, mà phải là người thay mặt Chính phủ quản lý ngành, chịu trách nhiệm trước 2 viện của Quốc hội, trước Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
    • Xóa bỏ cấp trung gian phụ trách khối ngành là Phó thủ tướng, nếu Bộ trưởng có vai trò như trên. Bởi vì, không có Phó thủ tướng nào phụ trách khối ngành lại giỏi hơn Bộ trưởng trong lĩnh vực của họ. Chỉ cần 1 Phó thủ tướng kiêm Tổng thư ký Chính phủ để giúp Thủ tướng điều hành mang tính hành chính. Còn chuyên môn thuộc lĩnh vực nào do Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực đó thực thi. Như vậy, Thủ tướng Chính phủ mới không trở thành một vị “đốc công cấp cao” hàng ngày xử lý việc vặt như hiện nay.
  • Thay định chế UBND các cấp hiện nay bằng định chế tỉnh trưởng,thị trưởng,quận (huyện) trưởng, xã trrưởng, thôn (ấp, bản) trưởng do người đứng đầu cấp hành chính cấp trên trực tiếp bổ nhiêm và kỉ luật, bãi miễn, có tham khảo ý kiến của HĐND cùng cấp. Bí thư đảng các cấp giữ chức vụ chủ tịch HĐND cung cấp. Tất cả các vị trí quyền lực thuộc các câp nhà nước địa phương phải do ngưởi không có cùng quê hương của “tứ thân phụ mẫu” đảm trách.
  • Tổ chức tư pháp
             2.6.1/ Bộ Tư pháp
  Hãy trở lại Hiến pháp 1946. Bộ tư pháp quản lý hệ thống trại giam theo Luật và qui chế quản lí trại. Hiện nay, ngành công an các cấp từ Bộ đến quận đều có quyền khởi tố, bắt tạm giam nghi can, điều tra, xét hỏi, giam giữ cả nghi can và tù nhân đã thành án, thì chẳng khác gì 1 người vừa là thủ trưởng, vừa là kế toán viên, vừa làm thủ kho, thủ quỹ trong một tổ chức cực lớn là quốc gia (Tệ hại hơn cả trường hợp1 người vừa là cầu thủ vừa là trọng tài trong một trận thi đấu bóng). Do vậy, việc công an không chỉ bắt ‘nóng’ mà bắt cả nghi can khi chưa có lệnh Tòa án, ép cung, bức cung, mớm cung, tra tấn nghi can để đạt thành tích phá án nhanh, thậm chí khi đã thành án, còn bắt tội nhân nhận thêm tội này tội khác để được giảm án, dẫn đến nhiều vụ án oan, chết oan ngay khi nghi can còn đang trong giai đoạn tạm giam. Điều đó đã gây bức xúc lớn trong xã hội ta hiện nay. Nếu các trại giam thuộc ngành Tư pháp quản lý thì sẽ hạn chế tốt đa, thậm chí xóa bỏ tình trạng nêu trên. Bộ tư pháp cần có tổ chức cảnh sat tư pháp có quyền cưỡng chế buôc bên bị phải ra hầu tòa, buộc bên bị kết tội hay thua kiên thực thi bản án đã có hiệu lực.
  Mặt khác, Bộ tư pháp còn quản lý cả thẩm phán xử tội, lẫn thẩm phán buộc tội (công tố viên), từ khâu bồi dưỡng chuyên môn, đề xuất bổ nhiệm, khen thưởng, kỉ luật (đối với thẩm phán cấp cao), bổ nhiệm, kỉ luật thẩm phán cấp thấp, theo Luật định.
(Do vậy, không cần mỗi cơ quan như Tòa án tối cao, Viện kiểm soát tối cao, Bộ Tư pháp, đều có học viện bồi dưỡng thẩm phán như hiện nay).   
2.6.2/ Tòa án
– Trong điều kiện độc đảng lãnh đạo như hiện nay, muốn độc lập xét xử, không bị chính quyền, cấp ủy đảng can thiệp trái luật, Tòa án nên tổ chức theo hướng: bỏ tổ chức Tòa án theo cấp hành chính huyện (quận), tỉnh (thành phố thuộc trung ương) và Tòa án tối cao như hiện nay; thành lập Tòa án sơ cấp liên huyện (quận), qui mô nhiều hay ít huyện (quận) theo số dân và điều kiện giao thông; Tòa án phúc thẩm liên tỉnh cùng thuộc một vùng kinh tế sinh thái tự nhiên và nhân văn (Hiện nay, nước ta được chia thành 7 vùng sinh thái); Tòa án tối cao, xử giám đốc thẩm. Chỉ có Tòa án do 1 thẩm phán đại diện mới có quyền kí lệnh bắt tạm giam, hay cấm đi lại khỏi nơi cư trú đối với nghi can. Trường hợp bắt “nóng”, trong 24 giờ sau khi bắt, công an phải xin lệnh bắt tạm giam của Tòa án.
– Thực hiện chế độ thẩm phán suốt đời, gồm cả thẩm phán xét xử và thẩm phán buộc tội (công tố viên). Họ chỉ bị miễn nhiệm khi không đủ sức khỏe thục thi công vụ hoặc phạm tội bị một tòa án được thành lập riêng xét xử và tuyên án bãi miễn. Riêng với tòa Bảo hiến, bên cạnh các thành viên của Ủy ban Kiểm tra có nhiệm kì của đại hội đảng, lưỡng viện cần phê chuẩn số thẩm phán suốt đời theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, với số lượng tương đương với số thành viên Ủy ban Kiểm tra trung ương.
 2.6.3/ Bỏ định chế Viện Kiểm sát vừa giữ quyền công tố (buộc tội) vừa giữ quyền giám sát thực thi pháp luật như hiện nay; thành lập Viện Công tố ở mỗi cấp Tòa án như nêu trên.
  1. Thực hiện dân chủ theo hiến pháp hiện hành và các công ước quốc tế mà VN đã kí kết.
Không có dân chủ thi không có sáng tạo. “Một xã hội không có phản biện là một xã hội chết lâm sàng” (Gs Ngô Bảo Châu). Do vậy Quốc hội cân ban hành luật biểu tình, luật về hội, luât bảo vệ quyền con người, luật tự do ngôn luận trước các vấn đề nẩy sinh của đất nước.
II VỀ KINH TẾ
  1. Tổ chức lại nền kinh tế
1.1 Thành lập hội đồng kinh tế vùng
Đơn vị cấp tỉnh không thể là một đơn vị kinh tế, mà chỉ quản lý hành chính trên các lĩnh vực an ninh, nội chính, văn hóa – xã hội, bảo vệ môi trường, không có chức năng quản lý kinh tế, càng không có đủ thẩm quyền và khả năng tổ chức liên kết kinh tế giữa các tỉnh trong một vùng kinh tế sinh thái. Thay vào đó, thành lập hội đồng quản lý phát triển kinh tế theo vùng kinh tế sinh thái tự nhiên và nhân văn (7 vùng) trực thuộc Chính phủ trung ương, gọi tắt là Hội đồng kinh tế vùng. Thành phẩn hội đồng này bao gồm đại diện các bộ ngành ở cấp trung ương, tỉnh trưởng các tỉnh thuộc vùng (có thể tỉnh trưởng của một tỉnh đồng thời là thành viên của 2 – 3 hội đồng kinh tế do điều kiện sinh thái qui định). Nhiệm vụ của hội đồng này là đề xuất Chính phủ phê duyệt các sản phẩm chiến lược quốc gia, quy hoạch kinh tế – xã hội của mỗi vùng kinh tế sinh thái gồm cả kết cấu hạ tầng kinh tế – kĩ thuật, xã hội của vủng, đặc biệt chú trọng quy hoạch xây đô thị trung tâm vùng và đô thị “vệ tinh” với đầy đủ cơ sở vật chất tạo mức sống cao hơn nông thôn. Nhờ đó, nông dân có thể trở thành thị dân một cách bền vững; Giám sát, đôn đốc các đơn vị có nhiệm vụ thực thi chiến lược sản phẩm, dự án (đã được duyệt gọi là đề án), đầu tư công, công tư kết hợp, BOT và BT do Chính phủ hay Bộ ngành quyết định, theo thẩm quyền do Luật định; Tổ chức chuỗi giá trị ngành hàng chiến lược của vùng. Như vậy, hội đồng vùng kinh tế là một cơ quan quản lý nhà nước. Hội đồng chỉ có bộ máy hành chính, giúp việc hội đồng hoạt động. Việc nghiên cứu xây dựng chiến lược sản phẩm, qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội vùng do các viện, trường, các tổ chức nghề nghiệp thực hiện thông qua đấu thầu và được một hội đồng tư vấn độc lập do hội đồng kinh tế vùng thành lập thẩm định, đánh giá kết quả nghiên cứu (có thể mời tổ chức quốc tế có kinh nghiệm).  Trên cơ sở đó, hội đồng kinh tế vùng trình Chính phủ phê duyệt, rồi giám sát thực hiện các quyết định này của Chính phủ.
  • Để phát triển hiệu quả chiến lược phát triển, các ngành kinh tế trọng yếu ở nước ta có thể là:
  1. Công nghệ thông tin (phần mềm)
  Nguồn nhân lực Việt Nam đủ sức để phát triển công nghệ thông tin. Việt Nam chỉ có thể nhanh chóng đứng trong tốp đầu của thế giới trong lĩnh vực công nghệ thông tin, từ khâu sáng tạo công nghệ nguồn đến sản xuất và thương mại trên thị trường trong và ngoài nước, nếu có cách làm đúng. Còn đối với các ngành khác là không thể. Quan trọng hơn là chỉ trên cơ sơ phát triển cong nghệ thông tin đạt trình độ quốc tê, Việt Nam mới có thể phát triển tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trường đạt trình độ của một nước văn minh hiện đại.
  1. Du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh theo phương pháp đông – tây y kết hợp
  Dọc bờ biển miền trung, Sapa và Đà Lạt… có thể trở thành nơi phát triển nhanh, mang lại hiệu quả cao trên lĩnh vực này do có cả điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngành này có thể tạo việc làm và giá trị  chiếm tỉ trọng cao trong cả GDP và GNP (40%?).
  1. Nông nghiệp công nghệ cao và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng hữu cơ, trên mỗi vùng nông nghiệp sinh thái (7 vùng). Có thể nêu vài ví dụ: vùng đồng bằng Bắc bộ, bắc Khu 4 cũ có thể xác định sản phẩm chiến lược quốc gia là rau, quả phục vụ đô thị trong nước và xuất sang thị trường đông bắc Á, như bắc Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản, Xiberi của Nga, nhất là các nông sản vụ đông; vùng miền núi phía bắc và Tây Nguyên có lợi thế sản xuất các loại thảo dược quí hoàn toàn hữu cơ, được chế biến bằng công nghệ hiện đại, theo các bài thuốc y học cổ truyền, bản địa và theo các bài thuốc mới là kết quả nghiên cứu dược khoa, thành các loại thuốc và thực phẩm chức năng có giá trị gia tăng rất cao…
 Mỗi vùng nông nghiệp sinh thái cần được xác định loại nông sản chiến lược quốc gia và xây dựng kết cấu hạ tầng tương ứng để phát triển bền vững, phục vụ cho thị trường hơn 100 triệu dân Việt Nam và xuất cảng sang thị trường thế giới.
 Nền nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam có thể học tập Israel, nhưng phải được Việt hóa. Muốn vậy, cần thay đổi căn bản chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện hành theo các hướng sau đây:
  • Sửa đổi căn bản Luật đất đai hiện hành theo hướng đa chủ thể sở hữu: nhà nước, các tổ chức (doanh nghiệp, nhà chung, nhà chùa…), tư nhân và cá nhân, để hình thành thị trường đất đai đích thực, tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất, hình thành các trang trại gia đình, trang trại cá nhân (một chủ sở hữu, không có cấp quản lý trung gian) và trang trại gia đình dự phần, sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn bằng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm mà các thị trường yêu cầu (đặc biệt là yêu cầu của các thị trường khó tính, nhưng mang lại giá trị gia tăng cao), cả trong và ngoài nước.
 Trước mắt, cần sửa đổi, bỏ điều 62 của Luật đất đai hiện hành cho phép chính quyền các cấp có quyền thu hồi đất theo qui hoạch phát triển kinh tế – xã hội của mình và đền bù cho người dân theo biểu giá do cấp tỉnh qui định 5 năm 1 lần; Phải xác lập quyền sử dụng đất của người dân theo Luật đất đai hiện hành là quyền tài sản, được mua – bán như các loại hàng hóa khác. Nhà nước cần đất vì mục đích an ninh quốc phòng có quyền trưng mua nhưng với giá trị cao hơn giá thị trường ít nhất 5%.
  • Đào tạo đội ngũ “thanh nông tri điền”, thay thế cho “lão nông tri điền”, nông dân chuyên nghiệp thay thế nông dân cha truyền con nối, thông qua các cơ sở đào tạo hiện có, bằng ngân sách nhà nước.
  • Quản lý theo chuỗi giá trị ngành hàng nông sản ở mỗi vùng và tiểu vùng nông nghiệp sinh thái. Trong đó, chủ thể là doanh nghiệp mua, chế biến, tiêu thụ nông sản bằng công nghệ cao phải đóng vai trò lãnh đạo chuỗi với chính sách thích hợp; Chủ thể là các trang trại nói trên do các nông dân trẻ, chuyên nghiệp làm chủ và quản lý, thực hiện các khâu sản xuất mang tính sinh học bằng công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và có thể sản xuất theo hướng hữu cơ. Cả 2 chủ thể này tạo ra mối liên kết sản xuất theo hợp đồng với nhau và với các chủ thể khác, cung ứng các dịch vụ khác ở cả đầu vào và đầu ra, theo cơ chế phân chia lợi ích và rủi ro một cách công bằng, bảo đảm nguyên tắc các bên cùng thắng. Nhà nước các cấp, gồm chính quyền và Tòa án, phải xét xử các mâu thuẫn phát sinh giữa các chủ thể tham gia chuỗi giá trị theo Luật định một cách công khai, minh bạch, và bản án hay kết luận của chính quyền đã có hiệu lực phải được thực thi triệt để, nhanh chóng.
  1. Các thành phần kinh tế 
2.1. Các doanh nghiệp thuộc các chủ sở hữu khác nhau đều là tế bào của nền kinh tế thị trường, hoạt động bình đẳng theo pháp luật, không có cấp trên chủ quản. Do vậy, trong kinh tế thị trường không có loại doanh nghiệp nào có thể đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt hay là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế theo Luật định. Chỉ có doanh nghiệp giỏi, có qui mô kinh doanh lớn, đa ngành, đa quốc gia nên tự nhiên có khả năng dẫn dắt các doanh nghiệp khác theo chuỗi cung ứng. Nhưng khi chúng phát triển đến mức có thể độc quyền lũng đoạn thị trường thi nhà nước sẽ buộc chúng chia nhỏ thành nhiều doanh nghiệp, theo luật định. Doanh nghiệp FDI chỉ được đầu tư và hoạt động theo những điều kiện do luật đinh, như: sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm điện, không gây ô nhiễm môi trường, chủ yếu sử dụng sức lao động Việt Nam; không được đóng trên địa bàn trọng yếu về an ninh quốc phòng; phài có chính sách đào tạo nghề và an sinh xã hội cho người lao động, tránh tình trạng bóc lột sức lao đông trẻ với giá rẻ mạt và cường độ lao động cao, rồi sa thải khi họ mới 30-40 tuổi đời, cái tuổi chưa già nhưng rất khó đào tạo lại để chuyển đổi sinh kế.
2.2. Kinh tế nhà nước
Kinh tế nhà nước bao gồm 2 bộ phận chính: (a) Các cơ sở nhà nước làm dịch vụ công, như các loại rừng đóng vai trò kết cấu hạ tầng sinh thái tự nhiên (rừng đầu nguồn, phòng hộ, bảo vệ đa dạng sinh học, vườn quốc gia, khu sinh quyển, rừng ngập mặn ven biển đều thuộc quốc gia công thổ), bệnh viện, trường học công lập, một số cơ sở kết cấu hạ tầng kinh tế – kĩ thuật trọng yếu. Những cơ sở này phải giao cho 1 chủ thể quản lý theo luật pháp. (b) Doanh nghiệp nhà nước (có ít nhất 51% vốn chủ sở hữu thuộc nhà nước). Nhà nước chỉ thành lập một số doanh nghiệp thuộc lĩnh vực và địa bàn mà tư nhân không đầu tư vì không hay ít có lợi nhuận, nhưng lại có ý nghĩa thúc đẩy phát triển cả nền kinh tế của mỗi vùng kinh tế sinh thái do sức lan tỏa của nó, hoạt động theo cơ chế đặc biệt. Nhưng khi hoạt động của nó có lợi nhuận thì phải giải tư, bán cho các chủ sở hữu phi nhà nước, rút vốn nhà nước để đầu tư cho các lĩnh vực và vùng cần thiết khác. Doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng không được kinh doanh trong các ngành hàng thông thường, như dệt may, nhà hàng, khách sạn, sân golf, ngân hàng thương mại, nông nghiệp (trừ một số địa bàn trọng yếu về an ninh, quốc phòng)…
  1. Bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và nhân văn
 3.1. Tất cả các khu, cụm công nghiệp đều phải có cơ sở xử lý chất thải (khí, rắn, lỏng) tập trung trước khi thải ra môi trường; Nếu không có cơ sở xử lí chất thải đạt chuẩn quốc gia thì nhât quyết không được hoạt động
Tất cả các công xưởng, trang trại, các hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp bắt buộc phải xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường. Ngành tư pháp các cấp phải nghiêm trị bất cứ ai xả thải chất độc hại chưa được xử lý ra môi trường, bằng cả xử lý hành chính, như phạt tiền, yêu cầu dừng hoạt động hay đóng cửa vĩnh viễn và xử lý hình sự đủ sức răn đe. Cảnh sát môi trường nên trực thuộc Bộ tài nguyên, môi trường, có đủ thẩm quyền và điều kiện vật chất để buộc mọi cá nhân tổ chức chấp hành luật bảo vệ môi trường.
Đổi mới công nghệ, sử dụng những thiết bị hiện đại trong xử lý chất thải, đặc biệt lả phải cải thiện ngay điều kiện lao động cho công nhân vệ sinh môi trường ở các đô thị hiện nay; Áp dụng rộng rãi ở cả đô thị và nông thôn công nghệ xử lý rác hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn; chính quyền các cấp theo luật phải thường xuyên, định kì kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh có xả thải, nếu cần thiết thuê các tổ chức độc lập, chuyên nghiệp về đánh giá tác động môi trường đối với các cơ sở này.
  • Bảo vệ môi trường sinh thái nhân văn theo vùng miền và sắc tộc, như một loại sức mạnh mềm để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa
  • Khôi phục tiếng nói và chữ viết đã có của các sắc tộc và dịch sang tiếng Việt phổ thông các tác phẩm của họ.
  • Xây dựng chữ viết cho các sắc tộc có tiếng nói riêng nhưng chưa có chữ viết.
  • Khôi phục và phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ của các sắc tộc ít người.
  • Dạy ngôn ngữ và chữ viết của mỗi sắc tộc cho con em họ.
  1. Ngân hàng 
Thành lập Ngân hàng Trung ương, thay thế Ngân hàng Nhà nước hiện nay, trực thuộc Quốc hội, có chính sách tiền tệ bảo đảm cân đối vĩ mô như các nước có nền kinh tế thị trường trên thế giới.
III GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC  
  Nguồn nhân lực là yếu tố quyêt định sự phát triển của đất nước theo các nội dung đổi mới nêu trên. Thực hiện chế độ phổ cập giáo dục miễn phí đến cấp trung học cơ sở. Là nước đi sau, Việt Nam có lợi thế là học tập các nước đã phát triển cả về tri thức, kinh nghiệm, nội dung, phương pháp, cách tổ chức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức kĩ năng từ giáo dục mầm non đến đại học, trên đại học, đào tạo nghề bậc cao cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ môi trưởng, quản trị kinh doanh và cả quàn trị quốc gia. Tất nhiên nội dung và cách làm phải được Việt Nam hóa. Ví dụ, có thể mua bản quyền chương trình, sách giáo khoa về khoa học tự nhiên, cách tổ chức thực hiện đối với giáa dục phổ thông… Việc đào tạo  ở cấp đại học, trên đại học và dạy nghề cũng nên làm như vậy. Cần đầu tư ngân sách nhà nước cho du học sinh VN ở các lĩnh vực mà trong nước chưa đào tạo tốt. Có thể học cách làm của Singapore trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực,nhất là nguồn nhân lực quản trị quốc gia. Ở tất cả các vị trí quản trị quốc gia, mọi công chức đều phải được đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kĩ năng nghể theo chuẩn chức danh.  Kiên quyết không bầu hay bổ nhiệm những người chưa qua đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn quốc gia…
 Kết luận: Nếu thực hiện được các nội dung nêu trên là thực hiện một bước quan trọng chuyển từ chế độ toàn trị sang dân chủ dựa trên nền tảng kinh tế thị trường đa sở hữu, nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, thượng tôn pháp luật và xã hội dân sự, để khắc phục các khiếm khuyết vốn có của kinh tế thị trường và định chế nhà nước, hướng tới mục tiêu XHCN: dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể và con người thuộc các tầng lớp và sắc tộc khác nhau của dân tộc Việt Nam.
  Như vậy phải soạn lại Hiến pháp để toàn cử tri phúc quyêt và soạn lại tất cả các bộ luật theo hiến pháp mới.
[1] “Tự diễn biến”,”Tự chuyển hóa”: Quy luật tiến hóa của cuộc sống
[2] “Tự diễn biến”,”Tự chuyển hóa”: Khái niệm, biểu hiện và nguyên nhân
[3] “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”: Nhận diện và phòng, chống
[4] Những nhận thức mới về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ
[5] Ngăn chặn hiệu quả “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” – nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bảo đảm cho Đảng ta vững mạnh
[6] “Tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” cán bộ, đảng viên và giải pháp phòng, chống
[7] Về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
[8] “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”: Tiền đề của thành công



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: