Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 10 tháng 6, 2019

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt bị TQ thôn tính

Tên bài thì hay, nội dung thi chán, quá sơ sài. Kiểm soát, lựa chọn dòng vốn vào ra thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhưng trong suốt thời kỳ đổi mới, vì mục tiêu thu hút được càng nhiều vốn nước ngoài (ODA, FDI. FII,...) càng tốt nên Bộ này dường như không quan tâm, sẵn sàng chấp nhận mọi dòng vốn, kể cả dòng vốn bẩn. Bây giờ mới biết và nói ra thì đã muộn. Vốn bẩn phổ biến ở khắp nơi, thậm chí nằm trong các hiệp định, cam kết lâu dài khó có thể thoát ra được. Điển hình là đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng GTVT Thể nói ngay tại diễn đàn Quốc hội: “Tổng thầu của Trung Quốc nằm trong Hiệp định. Khi chúng ta ký hiệp định vay với Trung Quốc, thì phía Trung Quốc chỉ định tổng thầu này, thực hiện dự án này. Do đó không phải chúng ta chọn, mà là nằm trong hiệp định". Thối nát đến thế là cùng; thế mà Bộ KHĐT vẫn thản nhiên đứng nhìn, thời nay chứ có phải khi đang bị cấm vận hay mới được bãi bỏ cấm vận đâu. Thêm nữa, nếu các doanh nghiệp Việt Nam bị doanh nghiệp Trung quốc thôn tính thì đất đai của doanh nghiệp đó sẽ nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc; họ có thể biến thành cơ sở quân sự mà không cơ quan nào của VN biết. Như thế càng nguy hiểm. Dư luận cho rằng Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt mua đất của chúng ta hoàn toàn là chuyện có thật chứ không phải nguy cơ hay chưa thấy thông tin. Bộ KHĐT cần có các giải pháp mạnh hơn, hiệu quả hơn để ngăn chặn TQ thôn tính doanh nghiệp VN. Nhà nước cần có chính sách bảo vệ đất đai, nhất là tại các vị trí chiến lược liên quan đến an ninh chính trị, kinh tế, quân sự.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt bị TQ thôn tính
Cục Đầu tư nước ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa cảnh báo tình hình đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam. Theo đó 5 hệ lụy mà Việt Nam sẽ phải đối mặt khi đầu tư nước này đang tăng mạnh vào Việt Nam. Sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam tạo nên áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Đồng thời các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Từ đó dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần. Trong bối cảnh "thương chiến" Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng, nhiều nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu. Từ đó dẫn đến các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, nhất là hàng sang các thị trường lớn như Mỹ. Kịch bản tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang và dòng ngoại tệ vào Việt Nam có thể tăng cao, gây áp lực đến lạm phát.
Vốn Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam ngày càng nhiều, đặc biệt vốn mua lại cổ phần doanh nghiệp Việt đang phổ biến, Bộ KH&ĐT cảnh báo nguy cơ doanh nghiệp Việt bị thôn tính. 
Theo cơ quan của Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu năm, Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đã đầu tư vào Việt Nam là 7,6 tỷ USD. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam trong 5 tháng qua.

Một thống kê được Dân Trí đăng tải mới đây, trong cơ cấu vốn đầu tư tại Việt Nam, doanh nghiệp Hồng Kông dành 3/4 lượng vốn để đầu tư mua bán cổ phần, mua lại các doanh nghiệp, số vốn đầu tư mới và tăng thêm vào các dự án cũ của nhà đầu tư này chỉ chiếm chưa đầy 1/4. Điều này cho thấy, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn chủ yếu đầu tư vào Việt Nam theo dạng thụ động như hợp tác góp vốn lấy lợi nhuận, mua bán doanh nghiệp cũ, doanh nghiệp lên sàn để chờ đợi thời cơ.

Dự án trọng điểm của nhà đầu tư Hồng Kông là Công ty TNHH Vietnam Bevarage tại Hà Nội với số vốn là 3,85 tỷ USD để sản xuất bia và mạch nha ủ men bia. Đây là dự án chiếm 30,4% tổng vốn đầu tư.

Hầu hết số vốn FDI đến từ Trung Quốc đổ vào công nghiệp chế biến chế tạo, với 138 dự án.

Về phân bố địa bàn, hiện Trung Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Tây Ninh với 13 dự án, vốn đăng ký 514 triệu USD. Địa phương thứ 2 là Tiền Giang với gần 360 triệu USD. Bắc Giang đứng thứ ba với 167 triệu USD. TP.HCM đứng thứ tư (135 triệu USD) và Hà Nội (128 triệu USD)....

Cục Đầu tư nước ngoài nhận định việc gia tăng đầu tư FDI từ Trung Quốc có thể mang đến một số hệ lụy.

Theo đó, do áp lực thay đổi, nâng cấp công nghệ của Trung Quốc, có thể dẫn tới sự chuyển dịch của dòng vốn FDI chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường vào Việt Nam.

Đặc biệt, do sự chuyển dịch của FDI từ Trung Quốc sang các nước khác trong trong đó có Việt Nam, tạo nên áp lực hạ tầng, xã hội ở một số địa phương. Đồng thời có sự gia tăng các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dẫn đến việc khó kiểm soát. Các nhà đầu tư từ Trung Quốc sẽ gia tăng các hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Từ đó dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thâu tóm, thôn tính thông qua hoạt động mua bán cổ phần.

Bộ này cũng cho biết, trong bối cảnh "thương chiến" Mỹ - Trung đang diễn ra căng thẳng, nhiều nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu. Từ đó dẫn đến các rủi ro trong hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp Việt, nhất là hàng sang các thị trường lớn như Mỹ.

Bộ KH&ĐT cho rằng: Kịch bản tranh chấp thương mại tiếp tục leo thang và dòng ngoại tệ vào Việt Nam có thể tăng cao, gây áp lực đến lạm phát.

An Linh

https://dantri.com.vn/kinh-doanh/bo-ke-hoach-nguy-co-nhieu-doanh-nghiep-viet-bi-trung-quoc-thau-tom-thon-tinh-20190607163332108.htm



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: