Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 6 tháng 8, 2018

Vì sao ba đặc khu là cách TQ 'gây áp lực' với VN?




BBC 
6 - 8 - 2018

Ba đặc khu ở Việt Nam 'có vị trí' trong một 'Trật tự mới' về chính trị và địa chính trị mà Trung Quốc đang thiết lập trong khu vực và ở Biển Đông mà Trung Quốc biết rõ giá trị nên đang 'tạo áp lực mạnh' với Việt Nam, theo một nhà sử học và Trung Quốc học.


Nếu áp lực này dẫn đến thành công, thì Trung Quốc giành 'thắng lợi', còn nếu Việt Nam 'không chịu khuất phục', thì Trung Quốc sẽ gặp rủi ro là 'mắt xích đầu tiên' của Con đường Tơ lụa trên Biển do Trung Quốc vạch ra và đang thi triển sẽ bị 'đứt đoạn', Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine nói với BBC Tiếng Việt bên lề một Hội thảo tư mùa Hè này ở Warsaw, thủ đô Ba Lan.

"Ba đặc khu ở Việt Nam là một cách mà Trung Quốc làm áp lực với Việt Nam từ đất liền ra biển. Ngoài biển, họ làm áp lực từ Hoàng Sa và Trường Sa, tất nhiên là họ qua cái đó, họ làm cho Việt Nam sợ," nhà nghiên cứu Trung Quốc học nói.

'Đổ tiền cho đặc khu có rủi ro tầm quốc gia'
Luật đặc khu: Chưa xét trong phiên họp tháng 8
Từ sáp nhập Hà Nội liên hệ tới Luật Đặc khu
 
"Nếu Việt Nam sợ mà không dám có ý kiến khác với Trung Quốc, thì những nước khác mà không bị thiệt hại bằng Việt Nam, họ nói anh Việt Nam bị thiệt hại như vậy mà không làm gì, thì tại sao chúng tôi phải đưa cổ ra để chống lại chiến lược của Trung Quốc là bao vây Biển Đông và bao vây Việt Nam."

Bình luận về điểm đáng bàn về mặt địa chính trị của ba đặc khu Vân Phong, Phú Quốc, Vân Đồn trong liên hệ với điều được cho là Trật tự mới Trung Quốc (Pax Sinica), Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:

"Duyên hải của Việt Nam gần như chạy dọc hết vùng Biển Đông, mà Trung Quốc muốn đi qua Ấn Độ Dương và từ Ấn Độ Dương đi sang Phi Châu, sang Âu Châu, thì phải đi qua Biển Đông.

"Bây giờ Trung Quốc muốn bắt nạt Việt Nam, và nếu Việt Nam sợ, mà Trung Quốc có thể chiếm Biển Đông hay là cưỡng bức một phần nào Biển Đông, thì Trung Quốc sẽ có thể từ đó bành trướng ra các nước khác, mà quan trọng nhất là Việt Nam.

"Trung Quốc phải làm sao để Việt Nam chịu phục tùng và nếu Việt Nam chịu phục tùng, thì họ thắng. Việt Nam không chịu phục tùng thì có thể cái mắt xích đầu của 'Con đường Tơ lụa' trên biển có thể bị đứt."

Hạt nhân Trật tự TQ và thế đứng VN

Bình luận về hạt nhân chính trong Trật tự mới của Trung Quốc (Pax Sinica) ở khu vực, đặc biệt liên quan tới Biển Đông, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói:

"Ngày xưa Pax Sinica bắt buộc các nước khác là chư hầu theo Trung Quốc, rồi sau này, Trung Quốc là một nước lớn, thì từ Hải Nam đi xuống dưới thì phải qua cửa ngõ của Biển Đông. Mà cửa ngõ ở Biển Đông, cửa ngõ ngoài biển và cửa ngõ trên đất liền là do Việt Nam thủ giữ.

"Thành ra phải làm sao cho Việt Nam chịu mở cửa thì Trung Quốc mới thành công để bành trướng ra các nước khác, đó là lý do tại sao mà Trung Quốc đã rất 'hùng hổ' trong hơn mười năm qua ở vùng Biển Đông."


Trước câu hỏi, nếu trong toàn bộ Trật tự mới đó của Trung Quốc, có một nhân tố nào đó có thể gây ảnh hưởng, rủi ro tới an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, thì Việt Nam cần phải có thế ứng xử và thế đứng ra sao, nhà sử học từ Đại học Maine nói:
"Trước hết Việt Nam không phải là nước độc nhất chống đối Trung Quốc, Biển Đông rất quan trọng trong vấn đề di chuyển của thế giới. Chúng ta đã biết là khoảng 60% hàng hóa di chuyển trên biển là qua vùng Biển Đông.

"90% của tất cả các hàng hóa đó đi dọc theo bờ biển Việt Nam, cho nên thế đứng của Việt Nam là nếu Việt Nam vận động thế giới, hay Việt Nam cho biết rằng thế giới cần Việt Nam để mới có thể có an ninh trên Biển Đông và qua đó là an ninh các khu vực khác, thì các nước khác sẽ ủng hộ Việt Nam.

"Nhưng Việt Nam phải vận động tích cực, chứ không phải là cứ 'thò ra, thụt vào', nếu làm như vậy, mấy nước khác sẽ nói là họ không phải là những nước bị Trung Quốc đe dọa trực tiếp, mà Việt Nam bị đe dọa trực tiếp mà không làm gì, bây giờ họ không có cách gì để làm khác nếu như Việt Nam không ủng hộ họ," Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói với BBC Tiếng Việt
.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: