Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2018

VN lo ngại "USD thứ hai" và phụ thuộc kinh tế TQ?


Việt Nam đã cho phép thanh toán bằng Nhân Dân Tệ tại biên giới Việt- Trung. Người dân và các chuyên gia đang lo ngại về việc này. Việt Nam vốn đã phụ thuộc vào Trung Quốc này càng lún sâu hơn? Trao đổi với Dân Việt, PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, lo ngại việc cho phép thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc được thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT, về lâu dài sẽ khiến kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, còn tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện “đồng USD thứ hai” là Nhân dân tệ (CNY).

PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo
Thanh toán bằng Nhân dân tệ tại biên giới Việt Trung và nỗi lo NDT hóa NDT mất giá 8%, Việt Nam có nên chủ động phá giá VND? Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Thông tư số 19/2018/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới giữa 2 nước có thể dùng VND hoặc Nhân Dân Tệ (CNY) trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ.

Từ 1.10.2016, CNY đã trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế, được Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra rỏ tiền tệ dự trữ quốc tế. Mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian gần đây phát triển nhanh và mạnh. Chính vì thế, khi cho phép thương nhân, cư dân biên giới sử dụng đồng Nhân dân tệ trong thanh toán, trao đổi là nhằm cụ thể hóa hơn và nâng cao tính phát luật của việt thanh toán bằng CNY và VND trong quan hệ giao dịch mua bán giữa cư dân, thương nhân Việt Nam và Trung Quốc, cũng như tại các chợ vùng biên. Việc ban hành Thông tư 19 góp phần hoàn thiện chính sách thanh toán biên mậu, thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt - Trung ngày càng phát triển.

Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài Chính, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.

Quá trình nhập siêu hàng Trung Quốc sẽ diễn ra nhanh hơn

Thưa ông, việc NHNN cho phép thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam - Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới giữa 2 nước có thể dùng VND hoặc CNY trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ sẽ tác động thế nào tới hoạt động quản lý ngoại hối?

Việc cho phép thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam-Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới giữa 2 nước có thể dùng VND hoặc CNY trong mua bán, trao đổi hàng hóa dịch vụ sẽ làm phức tạp thêm việc quản lý ngoại hối.

Trước đây, Pháp lệnh Ngoại hối đã đạt được ý nghĩa quan trọng nhất. Đó là làm cho tiền VND trở thành đồng tiền duy nhất được sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam. VND là đơn vị thanh toán, đơn vị tiền tệ duy nhất có giá trị hợp pháp trong giao dịch.

Có thời chúng ta từng xem trọng đồng USD. Tỷ giá USD/VND vô cùng quan trọng vì đồng USD được coi là thước đo lạm phát, giá trị tiền tệ theo thời gian, thể hiện tính ổn định của kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy tỷ giá USD/VND luôn là vấn đề nhạy cảm, NHNN cũng hết sức vất vả, tốn kém nhiều chi phí liên quan trong hoạt động điều hành tỷ giá.

Do vậy, nếu Nhân dân tệ được giao dịch một cách rộng rãi, càng ngày càng có tính thanh khoản cao như USD, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Lúc đó, chính sách tiền tệ sẽ suy yếu do vai trò của đồng tiền quốc gia không được đẩy lên cao, không được tuyệt đối hóa. Do vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ, điều hành tỷ giá sẽ ngày càng phức tạp.

Nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó, ổn định mức giá của nền kinh tế là mục tiêu tiên quyết. Song do vấn đề tỷ giá ở Việt Nam rất nhạy cảm nên đôi khi vấn đề ổn định giá cả phải nhường vai trò cho ổn định tỷ giá.

Dù trong các quy định của Thông tư 19/2018/TT-NHNN chỉ cho phép dùng đồng VND, CNY để thanh toán đối với hoạt động thương mại biên giới ở những khu vực biên giới tại các tỉnh có đường biên giới giáp với Trung Quốc gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên. Nhưng làm sao chúng ta có thể kiểm soát được lượng Nhân dân tệ sau giao dịch, sẽ đi sâu vào nội địa Việt Nam qua những người đi buôn bán, du lịch?

Chúng ta hiện chưa có phương pháp nào để kiểm soát lượng Nhân dân tệ đó có được giao dịch bên ngoài vùng biên hay không. Chúng ta cũng không thể đặt những trạm kiểm soát như thời bao cấp để soát xét từng người đi qua.

Đó là chưa kể hiện nay người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, sinh sống rất đông. Nhiều người trong số họ đã mở những đại lý thu mua nông sản ở miền Tây, rồi các doanh nghiệp do người Trung Quốc làm chủ hình thành những chuỗi kinh doanh ở Việt Nam.

Trước đây, có những doanh nghiệp, thương lái Trung Quốc chọn một đầu mối, chủ hàng người Việt Nam để gom sầu riêng, nhãn ở miền Tây, rồi vận chuyển lên khu vực cửa khẩu, xuất khẩu sang Trung Quốc. Nhưng hiện nay, có những doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp cử đại diện xuống miền Tây, mở ra các doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu mua, tổ chức vận chuyển, tạo thành quy trình khép kín từ đầu tới cuối.

Rõ ràng tỷ trọng, giá trị của các doanh nghiệp Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam đang tăng lên, điều đó phần nào nói lên sức nặng của đồng CNY trong nền kinh tế Việt Nam. Nên không thể không lo ngại việc Nhân dân tệ được tự do giao dịch vùng biên giới sẽ tác động tới quản lý ngoại hối của Việt Nam. Làm như vậy người dân, các cơ quan quản lý, nền kinh tế Việt Nam hưởng lợi ích gì? Cho phép giao dịch CNY, theo tôi chỉ làm tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa và Trung Quốc. 

Trong nhiều năm, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việc cho phép chuyển đổi dễ dàng CNY như vậy có khuyến khích việc xuất nhập khẩu hàng hoá giữa hai nước?

Quan hệ mậu dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 93,8 tỷ USD năm 2017 và 47,7 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,63 tỷ USD, tăng 28%; kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc đạt 31,08 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ.

Với dung lượng thị trường lớn, nhu cầu cao, Trung Quốc đang nhập khẩu hầu hết các loại hoa quả của Việt Nam như vải, nhãn, dưa hấu, thanh long, xoài… Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rau quả Việt Nam, chiếm tỷ trọng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của cả nước, đạt 1,47 tỷ USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2017.

Tuy nhiên, số liệu chính thức về giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn thấp hơn tới 26,2 tỷ USD năm 2017 và 18,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2018 so với số liệu của Trung Quốc.

Kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc giai đoạn 2012-2018 (Ảnh: ndh.vn)

Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia thâm hụt thương mại với Trung Quốc, cộng thêm việc giao thương dễ dàng sẽ làm thâm hụt thương mại tăng lên. Trong trường hợp ngược lại, nếu Việt Nam xuất siêu sang Trung Quốc, việc cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng tiền của 2 quốc gia khi đó sẽ có lợi cho Việt Nam vì chúng ta bán được nhiều hàng hóa hơn, thu được nhiều lợi nhuận hơn.

Còn khi chúng ta đang nhập siêu từ Trung Quốc, việc cho thanh toán trực tiếp bằng Nhân dân tệ, Trung Quốc sẽ hưởng lợi hơn Việt Nam rất nhiều. Sức ép của hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên hàng hóa nội địa sẽ lớn hơn so với chiều ngược lại.

Liệu Việt Nam có thể trở thành thị trường nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang?

Đây là rủi ro hữu hình với kinh tế Việt Nam. Khi hàng hóa Trung Quốc không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ, họ sẽ tìm tới các thị trường khác, trong đó có Việt Nam.

Giá bán của hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ do giá nhân công, giá nguyên vật liệu đều rẻ, còn có một yếu tố hết sức quan trọng là chính sách tỷ giá. Chính phủ Trung Quốc đang duy trì chính sách tỷ giá làm suy yếu đồng CNY khiến USD nói riêng và các đồng tiền khác nói chung mua được nhiều hàng hóa Trung Quốc hơn trạng thái cân bằng.

Chữ “rẻ” khi nhắc tới hàng hóa Trung Quốc một phần xuất phát từ các yếu tố thực như nhân công, nguyên vật liệu, một phần khác do chính sách tỷ giá tạo nên. Với một quốc gia xuất siêu như Trung Quốc, khi họ làm suy yếu đồng nội tệ, họ được hưởng lợi nhiều hơn chịu thiệt hại.


Tỷ trọng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh: ndh.vn)

Vậy nên, sức ép với Việt Nam là hàng hóa Trung Quốc vốn đã rẻ, nay còn rẻ hơn. Việt Nam trước đây đã nhập siêu từ Trung Quốc, bây giờ khi hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, Việt Nam sẽ nhập siêu nhiều hơn vì sức mua của VND đối với hàng hóa Trung Quốc lớn hơn.

Trên thực tế, hàng hóa Trung Quốc được bày bán tràn ngập từ chợ dân sinh, siêu thị tới trung tâm thương mại. Nếu hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn, nhu cầu của người mua hàng sẽ lên. Thậm chí, các doanh nghiệp trước đây dùng nguyên vật liệu nhập khẩu từ các quốc gia khác, giờ đây thấy nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn, họ sẽ chuyển sang dùng nguyên liệu Trung Quốc để giảm giá thành sản xuất. Từ đó, sẽ khiến giá bán sản phẩm giảm xuống, kéo mặt bằng giá giảm theo. Kết quả, càng làm tăng nhập siêu của Việt Nam đối với hàng hóa Trung Quốc. Như vậy, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ tác động lên giá sản xuất và giá tiêu dùng tại Việt Nam.

Việc cho phép thanh toán trực tiếp bằng đồng NDT sẽ khiến quá trình này diễn ra nhanh hơn.

Lo ngại hình thành thói quen tiết kiệm NDT giống như với vàng, USD

Vậy điều này sẽ tác động thế nào tới thị trường nông sản Việt Nam và hoạt động xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc?

Tôi đang tìm một câu trả lời rõ ràng dưới góc độ khoa học cho câu hỏi: “Mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc là bao nhiêu?”.

Nhiều năm chúng ta chứng kiến những hàng xe tải chở chuối, dưa hấu dài nhiều cây số xếp dọc cửa khẩu biên giới Việt-Trung. Nhiều lần các cơ quan chức năng phải đứng lên kêu gọi giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn. Vì sao lại có những cuộc giải cứu như vậy?

Là bởi chúng ta bị động đối với thị trường Trung Quốc. Chúng ta sản xuất nhưng lại lệ thuộc vào Trung Quốc.

"Nhiều năm chúng ta chứng kiến những hàng xe tải chở chuối, dưa hấu dài nhiều cây số xếp dọc cửa khẩu biên giới Việt-Trung. Nhiều lần các cơ quan chức năng phải đứng lên kêu gọi giải cứu dưa hấu, giải cứu lợn. Vì sao lại có những cuộc giải cứu như vậy? Là bởi chúng ta bị động đối với thị trường Trung Quốc. Chúng ta sản xuất nhưng lại lệ thuộc vào Trung Quốc", TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo.

Ở đây, các cơ quan tham vấn thương mại, cơ quan quản lý Nhà nước thiếu hẳn vai trò tư vấn, định hướng, quy hoạch sản xuất. Họ không nói rõ với nông dân nên sản xuất cái gì, làm như thế nào, đầu ra ở đâu, nên bán cho ai... nhằm đa dạng hóa rủi ro.

Trước đây, còn có các công ty thu mua Việt Nam giữ vai trò trung gian điều phối. Nông dân bán nông sản cho họ, họ không bán được cho Trung Quốc thì sẽ tìm thị trường khác.

Tuy nhiên, hiện có những doanh nghiệp Trung Quốc trực tiếp cử đại diện xuống miền Tây, mở ra các doanh nghiệp làm nhiệm vụ thu mua, tổ chức vận chuyển, tạo thành quy trình khép kín từ đầu tới cuối khiến người nông dân phụ thuộc vào doanh nghiệp Trung Quốc. Điều này làm tăng tính phụ thuộc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc.

Câu chuyện này mang tính bao quát hơn câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Ông có lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng Nhân Dân Tệ hoá ở Việt Nam như tình trạng đô-la hoá không?

Tôi lo lắng mọi việc sẽ diễn biến giống như vết dầu loang. Đầu tiên, CNY sẽ được thanh toán trực tiếp ở các vùng biên. Sau đó, tới các chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh vùng biên.

Về mặt quản lý Nhà nước, chúng ta có chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm, hành vi bị cấm. Nhưng việc thực thi pháp luật, kiểm tra tính nghiêm minh, liệu chúng ta có làm được không?

Ở đây, chúng ta chủ yếu thực hiện hậu kiểm. Tức là khi sai phạm xảy ra, chúng ta mới áp dụng chế tài xử phạt.

Điều tôi lo ngại là CNY sẽ trở nên phổ biến và dần sẽ đi sâu vào suy nghĩ, thói quen của mọi người như từng diễn ra với USD. Khi lượng CNY trong nền kinh tế lớn lên, sẽ tạo tác động lan tỏa tới toàn nền kinh tế. Thậm chí, có thể hình thành thói quen tiết kiệm CNY giống như với vàng, USD.

"Tôi lo lắng mọi việc sẽ diễn biến giống như vết dầu loang. Đầu tiên, NDT sẽ được thanh toán trực tiếp ở các vùng biên. Sau đó, tới các chi nhánh ngân hàng ở các tỉnh vùng biên", PGS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo nói.

Điều này làm tăng tỷ lệ lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào kinh tế Trung Quốc khi chúng ta chấp nhận sử dụng đồng tiền của họ. Tôi xin nhấn mạnh lại làm như vậy người dân, doanh nghiệp Việt Nam đều không được lợi. Còn cơ quan quản lý phải giải quyết vấn đề phức tạp hơn.

Phương trình chính sách có thêm một biến CNY sẽ khó giải hơn. Trước đây, phương trình chính sách tiền tệ có biến USD, giá vàng đã rất khó giải. NHNN đã tốn nhiều công sức để loại vàng ra khỏi phương trình đó, để câu chuyện điều hành tỷ giá chỉ có VND và USD. Nhưng hai biến số này cũng đã gây sức ép rất lớn lên chính sách tỷ giá khi chiến tranh thương mại xảy ra.

Nay xuất hiện thêm đồng CNY và để người dân quen thuộc với người dân, mọi chuyện sẽ phức tạp hơn. Tôi cho rằng Thông tư 19/2018/TT-NHNN giúp giao thương vùng biên trở nên dễ dàng, người dân buôn bán thuận lợi hạn chế rủi ro tỷ giá. Song cái lợi này quá nhỏ so với rủi ro đất nước phải gánh chịu về lâu dài.

Theo ông, doanh nghiệp sẽ phản ứng thế nào về việc mở cửa một phần cho CNY, siết USD?


Các doanh nghiệp sẽ phản ứng khi chính sách tạo ảnh hưởng tiêu cực tới bài toán kinh doanh, bài toán chi phí-giá thành của họ. Các doanh nghiệp hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu liên quan tới CNY sẽ chịu tác động trực tiếp.

Trong số này, sẽ có doanh nghiệp hưởng lợi, nhưng cũng có doanh nghiệp chịu thiệt hại. Đây là câu chuyện bình thường trong nền kinh tế bởi đơn giản đó là bài toán giá cả.

Nhưng tôi nhấn mạnh số lượng hưởng lợi rất nhỏ. Còn rủi ro về lâu dài, là viễn cảnh kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, và sự xuất hiện của “đồng USD thứ hai” là CNY. Doanh nghiệp cũng lo ngại điều này.

Xin cảm ơn ông!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: