Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: The Japan Times.
Về bề ngoài, Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại nhằm vào tất cả các đối tác, nhưng thực chất Mỹ chỉ chống lại Trung Quốc, những “đòn đau” về thương mại chưa kết thúc, nhưng các con bài đối phó của Trung Quốc đều không hiệu quả.
Trước đó, “con bài quốc tế” mà Trung Quốc sử dụng, đó là lôi kéo Liên minh châu Âu (EU) đã thất bại. “Con bài tiền tệ” do Trung Quốc đang sử dụng (để mặc cho đồng Nhân dân tệ sụt giá) cũng được cho là không thể đánh nổi.
Con bài tẩy chay
Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ chính thức bắt đầu từ ngày 6/7/2018, đến nay quy mô tiếp tục mở rộng. Ngày 8/8, Mỹ tuyên bố đến ngày 23/8 sẽ tiến hành tăng thuế quan 25% đối với 279 mặt hàng của Trung Quốc trị giá 16 tỷ USD, gồm những hàng hóa có liên quan đến chiến lược “Chế tạo Trung Quốc 2025” như chất bán dẫn, điện tử.
Cũng ngay trong ngày 8/8, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố đáp trả Mỹ bằng cách tăng thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập khẩu Mỹ có trị giá tương đương, quyết định này cũng sẽ có hiệu lực vào ngày 23/8.
Ngay từ ngày 6/7, Mỹ đã tăng thuế quan 25% lên hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Vài tháng qua, Mỹ liên tiếp “xuất chiêu”, còn Trung Quốc bị động ứng phó với chiến tranh thương mại. Đối mặt với sức ép to lớn từ Mỹ, Trung Quốc tiếp theo sẽ ứng phó như thế nào là điều gây chú ý cho dư luận.
Tờ Nhật báo Phố Wall Mỹ ngày 15/6 đã tiết lộ một chi tiết trong cuộc gặp giữa một nhóm CEO Mỹ với quan chức cấp cao Trung Quốc vào cuối tháng 3/2018, đó là phía Trung Quốc phát đi tín hiệu rằng họ sẽ “thắt dây an toàn” khi căng thẳng leo thang.
Phát biểu này được truyền thông phương Tây cho là lời cảnh báo ngầm của cấp cao Trung Quốc đối với doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.
Điện thoại iPhone của hãng Apple Mỹ. Ảnh: CNBC.
Tờ Nhật báo Bình Quả Hồng Kông ngày 9/8 cho rằng tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ của Trung Quốc năm 2017 chỉ 130,4 tỷ USD, “con bài thuế quan” được Bắc Kinh sử dụng là có hạn, Trung Quốc sớm đã mạnh mẽ tuyên bố áp dụng biện pháp đáp trả cả về chất lượng và số lượng, đã lần lượt sử dụng “con bài quốc tế” và “con bài tiền tệ” để đáp trả Mỹ, nhưng hiệu quả không rõ rệt.
Bên ngoài dự đoán, Bắc Kinh có thể đánh “con bài tẩy chay”, ngăn chặn hàng hóa Mỹ, tấn công vào điện thoại di động Apple hoặc ô tô General Motors.
Trong khi đó, vào ngày 7/8, tờ Nhân Dân nhật báo phiên bản hải ngoại Trung Quốc có bài bình luận cho rằng Công ty Apple Mỹ có thể trở thành con bài của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại, bất cứ lúc nào cũng có thể trở thành đối tượng nhắm tới khi tinh thần “dân tộc chủ nghĩa” lên cao ở Trung Quốc.
Apple một khi trở thành đối tượng tẩy chay của người Trung Quốc thì chắc chắn sẽ chịu thiệt hại lớn tại thị trường này; cảnh báo Apple muốn tiếp tục kiếm nhiều lợi nhuận ở Trung Quốc thì phải chia sẻ lợi nhuận với người dân Trung Quốc.
Điều gây lo ngại nhất cho Trung Quốc chính là các doanh nghiệp nước ngoài rút vốn mạnh ra khỏi Trung Quốc. Nếu Trung Quốc tẩy chay hàng hóa Mỹ, kích động “tinh thần dân tộc”, các doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ sẽ buộc phải rút khỏi Trung Quốc, mang theo ngoại hối đã đầu tư vào Trung Quốc trước đây.
Điều này sẽ làm cho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm mạnh. Vì vậy, Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại khi sử dụng “con bài tẩy chay”.
Theo tờ Thương báo quốc tế Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc có thu nhập hạn chế về ngoại hối trong lĩnh vực đầu tư và thương mại, dự trữ ngoại hối ròng tính đến tháng 5 khoảng 1.900 tỷ USD, 80% trở lên dự trữ ngoại hối do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu.
Trong hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối hiện nay, mức nợ nước ngoài khoảng 1.800 tỷ USD, dự trữ ngoại hối có thể sử dụng không đến 50%.
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc, mức đầu tư của vốn nước ngoài vào tài sản cố định của Trung Quốc năm 2016 chỉ đạt 121,197 tỷ Nhân dân tệ, so với con số 326,981 tỷ Nhân dân tệ năm 2011 thì đã sụt giảm 62,94% trong thời gian chỉ 5 năm.
Hiện nay, xung đột thương mại Trung – Mỹ không ngừng leo thang, sự thiếu hụt thanh khoản khiến cho vấn đề nợ của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, xuất hiện khả năng vốn đầu tư nước ngoài rút mạnh khỏi Trung Quốc, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng.
Con bài tiền tệ
Đến nay, để ứng phó với chiến tranh thương mại, Trung Quốc còn đánh “con bài tiền tệ”. Gần đây, đồng Nhân dân tệ đổi sang USD liên tục sụt giá trong 8 tuần, mức sụt giá tổng cộng đạt 6,7%, lập kỷ lục sụt giá liên tục lâu nhất của đồng Nhân dân tệ kể từ năm 1995.
Từ đầu tháng 4 đến đầu tháng 8, đồng Nhân dân tệ đổi đồng USD từ 6,27 liên tục tụt xuống đến 6,88, mức sụt giá trên 9,7%.
Đồng USD và đồng Nhân dân tệ. Ảnh: Forbes.
Đến ngày 15/8, tỷ giá hối đoái đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài đã vượt mốc 6,9 USD. Sự sụt giá của đồng Nhân dân tệ được cho là có lợi cho Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc thao túng tỷ giá hối đoái.
Ngày 19/7, trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC Mỹ, ông Donald Trump cho biết tỷ giá đồng Nhân dân tệ gần đây “rơi thẳng xuống như một hòn đá”, Trung Quốc đang dùng phương thức thao túng tỷ giá đồng Nhân dân tệ để né tránh sự trừng phạt của Mỹ, trái ngược, đồng USD đang mạnh lên, không có lợi cho Mỹ.
Sau đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói với hãng tin Reuters Anh rằng Trung Quốc phá giá tiền tệ chắc chắn đã tạo ra ưu thế không công bằng. “Chúng ta (Mỹ) sẽ đánh giá nghiêm túc Trung Quốc có phải đang thao túng tỷ giá hay không”.
Ngày 20/7, ông Donald Trump tiếp tục đăng Twitter phê phán Trung Quốc trực tiếp thao túng tiền tệ và sự đi xuống của lãi suất.
Ngày 3/8, Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đã có hành động ngăn chặn sụt giá và ngay lập tức có hiệu quả. Cố vấn ngân hàng này, ông Thịnh Tùng Thành bày tỏ lo ngại về sự sụt giá này đã tạo ra áp lực lớn về khả năng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Trung Quốc, càng dễ làm cho xung đột thương mại leo thang.
Việc Trung Quốc nhanh chóng can thiệp để đồng Nhân dân tệ không tiếp tục sụt giá đã cho thấy Trung Quốc đã lưu ý tới những cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Như vậy, đối với Trung Quốc, “con bài tiền tệ” cũng không phải dễ dàng sử dụng. Nếu sụt giá quá nhiều thì sẽ dẫn đến những vấn đề khác như tài chính, làm cho các nguồn vốn nhanh chóng tháo chạy khỏi thị trường Trung Quốc.
Lôi kéo EU bất thành
Việc EU và Mỹ tiến hành “hòa giải”, quay lại cùng “tương thân tương ái” đã khiến cho “con bài quốc tế” lôi kéo EU chống lại Mỹ của Trung Quốc không có hiệu quả.
Nhìn vào thực tế, trong nửa đầu năm 2018, Trung Quốc đã luôn tìm cách lôi kéo châu Âu, số tiền đầu tư vào châu Âu gấp 9 lần đầu tư vào Bắc Mỹ. Tại Hội nghị cấp cao Trung Quốc và các nước Trung Đông Âu (16+1), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường còn đề nghị hợp tác với EU để chống lại Mỹ, nhưng đã bị từ chối.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Sputnik.
Sự hòa giải giữa châu Âu và Mỹ trong vấn đề thương mại là tương đối đột ngột. Tháng 7/2018, khi thăm châu Âu, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết EU là “kẻ thù” về thương mại. Khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế nhôm, thép vào tháng 3/2018, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã phê phán ông Donald Trump.
Đến ngày 25/7, sau cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ra tuyên bố chung cho biết sẽ thực hiện thương mại tự do “không thuế quan, không rào cản, không trợ cấp” giữa Mỹ – Âu, cùng thúc đẩy cải cách WTO.
Cố vấn kinh tế hàng đầu của ông Donald Trump là Larry Kudlow còn cho biết ông Jean-Claude Juncker đã bày tỏ với Mỹ là sẽ ủng hộ chính quyền Donald Trump đối phó với các hành vi thương mại của Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jyrki Katainen cũng cho biết do Trung Quốc từ lâu sử dụng các thủ đoạn không công bằng để đối xử thương mại với Mỹ. EU sẽ không đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp Trung – Mỹ.
Tờ Nhật báo Bình Quả Hồng Kông cho rằng chiến tranh thương mại toàn cầu do Mỹ phát động về bề ngoài là “xuất chiêu” với hầu hết các nước đối tác thương mại, nhưng trên thực tế đối tượng tấn công chỉ có Trung Quốc.
Sự trừng phạt và những “đòn đau” thương mại của Mỹ sẽ không sớm kết thúc, cũng không được hủy bỏ bởi những sự nhượng bộ ít ỏi từ Bắc Kinh.
Ngày 17/7, EU và Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận phi thuế quan. Ngày 9/8, Mỹ và Nhật Bản tổ chức đàm phán thương mại ở Washington. Trong vài tháng tới, Mỹ và Mexico cũng sẽ ký kết lại thỏa thuận thương mại tự do.
Ngày 25/7, khu thương mại tự do lớn nhất thế giới Mỹ – Âu đã có bước đi đầu tiên giống như “sử thi”. Hệ thống thương mại quốc tế do Mỹ – Âu – Nhật chủ đạo bắt đầu hướng lên phía trước, nhưng Trung Quốc, một nền kinh tế lớn đang đơn độc trong xu hướng này.
Cục diện tứ giác thương mại quốc tế đạt được cân bằng tinh tế giữa Trung – Mỹ – Âu – Nhật trước đây đã bắt đầu sụp đổ. “Chuông báo tử” của WTO đã rung lên, một trang mới của trật tự kinh tế quốc tế đã mở ra. Trật tự này nhằm vào nước nào thì không cần nói cũng đã rõ – bài viết trên tờ Đại kỷ nguyên kết luận.
theo VietTimes
|
Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018
Trung Quốc đã thất bại với cả 3 “quân bài” trong chiến tranh thương mại với Mỹ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét