Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 29 tháng 8, 2018

Sắp đến trung thu:

Sáng sớm.
Theo thói quen sau mỗi đợt làm phim, tôi tha "con ngựa sắt" của tôi đến cửa hàng bảo dưỡng xe máy của cậu cháu thân quen để cậu ta "nhào nặn đắp điếm" lại cho chiếc xe ngon lành.
Chủ tiệm xe pha ấm trà mạn ngon để hai chú cháu uống. Chuyện vãn một lúc thì hắn vứt tôi ngồi đó và bắt tay vào "vạch lá tìm sâu" cho chiếc xe.
Lâu rồi mới có được giây phút tĩnh tại tự do khoan khoái vào một buổi sáng không bận bịu như thế này...
Vừa nhâm nhi chén trà, tôi vừa cầm điện thoại mở xem tin tức của CLB MU mà mình yêu thích.
Chợt một bàn tay gầy gò có chút nhăn nheo chìa ngay giữa mặt tôi. Giật mình ngẩng lên...
Một ông già nhỏ nhắn nhưng vẫn toát lên vẻ tinh anh, rắn rỏi với một nụ cười cởi mở.
Ngơ ngác : - Dạ..bác...?
- Có phải anh là đạo diễn phim Bí thư Tỉnh ủy không?
Cười ngại: - Dạ...Vâng ạ !.... Bác là...?
- Nhà tôi ngay cuối ngõ đây. Đi. Đi về nhà tôi. Tôi mời anh!
Tôi theo ông về căn nhà của ông ở cuối ngõ. Ông pha trà rồi rót cả chén rượu ngâm mời tôi.
Hai bác cháu nói chuyện mươi phút thì tôi mới biết, hoá ra ông nguyên là phóng viên của báo Thủ đô Hà Nội (thời kỳ đầu tiên) sau đổi tên là báo Hà Nội mới. Ông tên là Trần Ngọc Lân. Và lúc này ông đã xấp xỉ tuổi 80. Mà vẫn tinh anh quắc thước.
Tôi hơi giật mình bởi 1 nỗi tôi cũng họ Trần. Bố tôi khi đi hoạt động theo Việt minh cũng có bí danh đúng như tên ông. Gặn hỏi một hồi nhưng hoá ra đó chỉ là sự tình cờ trong cuộc sống mà thôi.
Ông rất hồn nhiên tâm sự, kể chuyện đời riêng của ông. Nào là ông yêu và lấy vợ từ hồi ông tham gia Trung đoàn Thủ đô chiến đấu bảo vệ HN ra sao, tới khi sau giải phóng thủ đô, ông vẫn còn tơ vương với cô người yêu cũ như thế nào. Rồi vợ ông cùng cô người yêu cũ gặp nhau và gắn bó với nhau như hai chị em thế nào, họ cùng nhau hợp lực "trị" ông thế nào..vv và vv..
Tôi ngồi nghe há hốc mồm. Ngất ngây và kính ngưỡng các bậc bô lão.
Chọt ông lặng ngắt đi.
Tôi không thể, và sẽ không bao giờ có thể quên được nét mặt khi đó của ông. (!)
Ông nói trong tiếng thờ dài nhè nhẹ: "Vậy mà các bà ấy bỏ tôi đi hết rồi"
Tôi ngồi nghẹn đắng nơi cổ mà nước mắt chỉ chực trào ra.
Rồi ...
Hai bác cháu lại chuyện trò rất vui. Thoáng cái đã một tiếng rưỡi đồng hồ. Tôi rụt rè xin phép ông về để lấy xe.
Ông lấy tặng tôi 3 cuốn sách (1 tập truyện ngắn và 2 tập thơ)
Thơ ông hầu hết viết tặng hai người vợ. Toàn những bài rất cảm động và chân thành.
Tôi nán lại ngồi đọc...
Thật lạ trong đó có một bài thơ mà tôi đọc 1 lượt đã giật mình
Tôi hỏi: - Sao bài này bác lại để trong cùng tập thơ này?
Ông cười: - Anh tinh nhỉ. Bài đó tôi viết và năm lần bảy lượt không được đăng. Tới khi tôi nghỉ hưu, tôi đưa vào cùng tập thơ tình, để đánh lừa chúng nó thôi mà. Thế nên nó mới nằm ở đó.
Tôi lặng nhìn ông...! Và không dám nói gì..!
Bài thơ đó tôi gần như thuộc ngay tại chỗ..!
TÔI LÀM MẶT NẠ
Làm người đã mấy chục năm
Nay làm mặt nạ bán rằm Trung thu
Giấy sơn kể mấy đồng xu
Ít nhiều cũng được đền bù áo cơm
Mặt người dại. Mặt thú khôn
Trâu bò khoe mõm, cáo chồn khoe nanh
Cũng là chín tục một thanh
Môi thâm Thị Nở mặt xanh Chí Phèo
Ông thích khỉ. Cháu thích mèo
Kẻ mua người bán, vừa đeo vừa cười
Thôi thì tạo chút niềm vui
Phía trong là cái mặt người vấn vương.
......
Thời gian trôi qua như sự thờ ơ của dòng nước.
Tôi chưa có dịp gặp lại ông. Nhưng tôi vẫn luôn Nhớ ông vô cùng!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: