Ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình - Ảnh: Trí Lâm
Một Thế giới
21/08/2018 06:42
Liên quan đến việc ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình tại Hà Giang kêu cứu Thủ tướng vì địa phương cấp sổ đỏ khu dinh thự nhà Vương cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Bảo để rõ thêm vấn đề.
- Được biết ông vừa có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ vì tỉnh Hà Giang cấp quyền sử dụng đất khu dinh thự họ Vương cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, ông có thể điểm sơ qua về lịch sử tòa dinh thự họ Vương?
- Ông Vương Duy Bảo: Tòa dinh thự là của ông Vương Chính Đức (1865-1947) tại Sà Phìn, Hà Giang, là thủ lĩnh của người H’mông ở Đồng Văn. Để xây dựng tòa nhà này, năm 1890, ông Vương Chính Đức đã cho mời thầy địa lý người Hán tên Trương Chiếu ở xã Phố Là, huyện Đồng Văn tìm địa điểm. Sau đó dừng chân ở mảnh đất Sa Phìn.
Ông thầy địa lý giải thích, giữa cánh đồng Sà Phìn nổi lên một quả đồi hình con rùa, xung quanh là những núi cao bao bọc. Xây nhà trên lưng con rùa thì sẽ giàu sang phú quý. Sau lưng con rùa là dãy núi hình ghế tựa, có đất để co duỗi chân. Bên phải có núi cao chọc trời, bên trái có núi to ngang trời. Đằng trước quả đồi có hai núi tượng trưng cho văn, võ đứng hầu. Sau 2 quả núi này là một dãy núi chắn ngang như rồng uốn lượn...
Khu nhà Vương xây dựng hết 15.000 đồng bạc hoa xòe
Chọn xong địa điểm, ông Vương Chính Đức giao cho cụ tên Hoàng, người Kinh, gốc Nam Định, khi này đang là mưu sĩ cho cụ Đức cùng với ông Cử Chúng Lù nghiên cứu phác họa một tòa nhà trên mảnh đất này. Phác họa xong, ông Đức mời Tống Bách Giao là người Hán ở huyện Tây Thọ tỉnh Vân Nam,Trung Quốc thầu, thiết kế và thi công, còn nhân lực là người H'mông.
Năm 1898 khởi công xây dựng tòa nhà và năm 1903 thì hoàn thành. Tổng kinh phí hết 15.000 đồng bạc hoa xòe (Đông Dương). Tòa dinh thự được chia làm 3 phần: Tiền dinh, Trung dinh và Hậu dinh. Tòa nhà xung quanh được bọc lớp tường đá dày 60-70cm, cao 2m, có lỗ châu mai. Nhà thiết kế theo kiểu người Hán, các lò sưởi trong phòng kiểu Pháp, tảng đá kê chân cột, hoa văn hình hoa và quả thuốc phiện.
Ông Vương Chính Đức sống ở tòa nhà này được 44 năm.
- Vậy khi ông Vương Chính Đức qua đời, căn nhà được chia thế nào?
- Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Hoàng Việt Hưng, cán bộ Việt Minh từ Cao Bằng sang Sà Phìn mời ông Đức về Hà Nội. Ông Đức tuổi cao sức yếu nên cử ông Vương Chí Sình là con trai đi thay. Sau đó, ông Sình đã kết nghĩa anh em với Bác Hồ, được Bác đặt tên là Vương Chí Thành. Đồng thời, ông Sình hứa sẽ bảo vệ mảnh đất Đồng Văn, Hà Giang. Ông Sình cũng là đại biểu quốc hội khóa 1 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Năm 1946, khi Bác Hồ ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ông Sình đã ủng hộ cách mạng 2,2 triệu đồng bạc hoa xòe và 7kg vàng.
Sau khi mất, ông Vương Chính Đức đã chia tòa dinh thự cho nhiều người thừa kế. Tiền dinh cho ông Vương Quỳnh Sơn, cháu đích tôn của ông Vương Chính Đức thừa kế. Trung dinh là ông Vương Chí Thư, con thứ 3 của ông Đức thừa kế. Hậu dinh là ông Vương Chí Sình, con thứ 4 thừa kế. Năm 1954, hòa bình lập lại, ông Vương Quỳnh Sơn cho chính quyền mượn Tiền dinh để đặt trụ sở Ủy ban hành chính xã Sa Phìn.
Năm 1993, tòa dinh thự này được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Nhưng ông có nói là việc công nhận này gia đình ông lại không hề hay biết?
Đúng vậy! Năm 2002, UBND tỉnh Hà Giang đã đến vận động gia đình, anh em chúng tôi ra khỏi tòa dinh thự này để tỉnh lấy làm bảo tàng. Lúc sự việc diễn ra, bố con tôi đang công tác ở Hà Nội, được gia đình báo nên mới biết sự việc, đồng thời mới biết tòa dinh được công nhận di tích. Việc này khiến gia đình rất bức xúc.
Sau đó, bố tôi gửi đơn tới lãnh đạo Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Trong đơn nêu rõ là chúng tôi không phạm pháp, chỉ biết đời đời đi theo cách mạng. Tòa dinh là của ông cha chúng tôi để lại cho con cháu cư trú và nó sẽ phải thuộc quyền sở hữu của chúng tôi. Bộ Văn hóa cho người đến dỡ nhà chúng tôi làm lại, chặt 27 cây sa mộc 100 năm tuổi của chúng tôi.
Biên bản chính quyền vận động gia đình ông rời khỏi khu dinh để trùng tu, sửa chữa
Sau đó, dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Phạm Quang Nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin đã giải quyết việc này. Trong kết luận nêu rõ: Việc Nhà nước công nhận các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật trên đất nước Việt Nam, trong đó có di tích nhà Vương là sự ghi nhận về mặt pháp lý và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị ấy trong hiện tại và tương lai. Đó là mục đích và là việc làm đúng đắn, có tác dụng tốt cho cả chủ sở hữu các di tích, cho các địa phương và toàn xã hội. Quyết định này không quốc hữu hóa quyền sở hữu ngôi nhà của những người trong gia đình được quyền thừa kế hợp pháp.
Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh Hà Giang giao cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát địa điểm di chuyển các hộ gia đình ra khỏi khu di tích có sự nhất trí, bàn bạc của các hộ gia đình, tạo điều kiện cấp đất, xây nhà để ổn định cuộc sống.
Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng tôi tính làm sổ đỏ cho khu dinh thì được biết khu dinh và khu đất rộng hơn 8.000m2 này đã được cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa thông tin huyện Đồng Văn, Hà Giang từ năm 2012. Việc cấp sổ đỏ cũng như công nhận di tích tôi không hề hay biết, dù tôi công tác ở Bộ Văn hóa.
- Có thông tin cho rằng gia đình ông đã hiến tặng khu nhà này. Xin ông cho biết rõ hơn?
- Không có chuyện hiến tặng. Gia đình chúng tôi không cho, không bán, không hiến tặng khu dinh cho bất cứ ai. Năm 2002, Nhà nước vận động mọi người trong dinh thự chuyển ra ngoài sinh sống. Sau đó nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 30 triệu và hơn 100m2 đất để dựng nhà cửa, tạo thuận lợi cho việc trùng tu và bảo vệ lâu dài dinh thự. Gia tộc họ Vương chưa bao giờ quyết định hiến dinh thự cho Nhà nước. Còn việc khai thác du lịch, bán vé khu dinh thì do cơ quan văn hóa, tôi cũng không quan tâm những vấn đề này.
Nếu bảo tôi hiến tặng thì phải có văn bản hiến tặng, chữ ký chứ? Gia đình tôi chưa hề hiến tặng khu nhà này cho bất cứ ai thì tại sao lại làm như thế? Tự chính quyền vinh danh nhà tôi rồi lại tước đoạt quyền sở hữu của gia đình chúng tôi. Tôi là nhân chứng lịch sử, con cháu trong nhà và là người đã từng ở ngôi nhà đó mà khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đo diện tích tôi không được biết.
Ông Vương Duy Bảo, cháu nội vua Mèo Vương Chí Sình - Ảnh: Trí Lâm
Sau đó tôi gửi đến UBND tỉnh Hà Giang và Sở Văn hóa Hà Giang thì cơ quan này lại đưa sang Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời. Họ phản hồi lại rằng quyết định cấp sổ đỏ cho Phòng Văn hóa huyện được thực hiện trên căn cứ Quyết định số 937 ngày 23.7.1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin về công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật khu nhà Vương; Quyết định 3316 của UBND tỉnh Hà Giang về quản lý di tích lịch sử, văn hóa; Luật Đất đai…
Họ kết luận là việc cấp sổ đỏ này là đúng pháp luật. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với việc này. Hơn nữa, trong sổ đỏ cấp cho Phòng Văn hóa cũng chỉ ghi diện tích khu đất là 8.255,1m2, mục đích sử dụng là đất có danh thắng còn nhà ở, công trình xây dựng khác, cây lâu năm… không được đề cập. Vậy thì căn nhà của tôi ở đâu?
- Được biết Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã chỉ đạo làm rõ vấn đề này. Từ khi có chỉ đạo đến nay, ông đã nhận được phản hồi nào từ chính quyền địa phương chưa?
- Tôi vẫn chưa nhận được. Thời gian cuối cùng mà Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo là ngày 31.8. Tôi cũng đang chờ câu trả lời cho vấn đề này, vì Chính phủ yêu cầu tỉnh phải báo cáo cụ thể toàn bộ quá trình sự việc.
- Xin cảm ơn ông!
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét