Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver, ảnh: Rappler.
Đó là câu trả lời của Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho câu hỏi về phản ứng của Washington trước cảnh báo bằng radio của lính Trung Quốc đồn trú (bất hợp pháp) ở Biển Đông khi máy bay Mỹ tuần tiễu qua 4 đảo nhân tạo. "Tôi nghĩ chúng tôi cần nhất quán, và người Trung Quốc cần phải hiểu rằng những khiêu khích kiểu này sẽ không làm thay đổi hành động của chúng tôi. Nếu người Trung Quốc muốn mở rộng sự kiểm soát của họ thông qua các thách thức, truy vấn, điều đó không ảnh hưởng đến cách thức chúng tôi hoạt động." [1]
Còn theo thông tin từ Viện Hải quân Hoa Kỳ (USNI News) ngày 15/8, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đang thảo luận với các đối tác ở Đông Nam Á về chương trình hỗ trợ của Mỹ, một phần của Sáng kiến An ninh hàng hải.
Nội dung chính là việc phân bổ gói viện trợ tài chính quân sự trị giá 290,5 triệu USD cho các đối tác khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mà Ngoại trưởng Mike Pompeo công bố hôm 4/8 tại Singapore.
Ông Randall Schirver được USNI News dẫn lời cho biết:
"Chúng tôi sẽ xem xét từng đối tác theo từng trường hợp, xem yêu cầu cụ thể của họ là gì mà tôi nghĩ nó giống như một vấn đề chung, an ninh ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương;
(Chương trình) nhấn mạnh vào việc giúp các nước phát triển nhận thức về phòng thủ lãnh thổ - hàng hải cũng như cải thiện an ninh hàng hải;
Chúng tôi sẽ xem xét kỹ từng trường hợp và cách Hoa Kỳ có thể sử dụng tốt nhất các khoản tiền đó để giúp các nước tăng cường khả năng của họ trong các lĩnh vực nói trên."
Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam được liệt kê trong danh sách quốc gia Mỹ ưu tiên hỗ trợ trong chương trình này.
Mỹ tuần tiễu 4 đảo nhân tạo ở Trường Sa, chấn chỉnh phát ngôn của Vương Nghị
Có rất nhiều điều đáng quan tâm về chương trình hỗ trợ nói trên, nó không chỉ thúc đẩy nhận thức hàng hải cho các nước, mà còn hướng tới việc chia sẻ thông tin giữa các nước láng giềng trong khu vực.
Bước đầu tiên là nhận thức về các khu vực chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế của từng nước, và hơn thế nữa là khả năng kết nối với những nước khác trong khu vực có chung quan tâm đến thúc đẩy an ninh hàng hải.
Ông Randall Schirver cũng cho biết thêm, Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, đó là một phần phản ứng của Hoa Kỳ với các hoạt động (bành trướng) của Trung Quốc trên vùng biển này.
Ngoài ra, Mỹ sẽ kéo thêm các nước khác cùng tham gia bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, mặc dù có thể họ chưa sẵn sàng thách thức trong phạm vi 12 hải lý (xung quanh đảo nhân tạo Trung Quốc bồi lấp trái phép).
Đáng chú ý, Hoa Kỳ cũng sẽ tiến hành các hoạt động hỗ trợ phi quân sự với một số nước có yêu sách ở Biển Đông thông qua Bộ Ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. [2]
Đây có thể là một diễn biến mới rất đáng chú ý sau động thái Trung Quốc và ASEAN có một số chuyển động mới trong tiến trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC) mà Bắc Kinh rất muốn lợi dụng nó để hất Mỹ khỏi Biển Đông.
Điều này cũng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các nước thành viên ASEAN, đặc biệt là các bên liên quan trực tiếp ở Biển Đông ngày càng nhận thức rõ mối đe dọa từ việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chính thức lên án các hành vi sai trái của Trung Quốc ở khu vực đảo nhân tạo. Đây là một sự thay đổi khá tinh tế và thú vị.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bắt đầu thăm Trung Quốc từ hôm nay với tâm thế sẵn sàng chấm dứt các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng sử dụng vốn vay hàng chục triệu USD từ Trung Quốc, đi kèm nhà thầu - công nghệ - công nhân Trung Quốc trong khuôn khổ Vành đai và Con đường.
Hồng Thủy
------------------
Nguồn:
[1]https://www.rappler.com/world/regions/asia-pacific/209721-us-will-not-allow-rewrite-rules-south-china-sea
[2]https://news.usni.org/2018/08/15/pentagon-asia-policy-chief-talks-south-east-asia-military-cooperation-u-s-south-china-sea-operations
(GDVN)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét