Ông Tập được cho là lãnh đạo quyền lực nhất Trung cộng từ thời Mao Trạch Đông
Vào đầu tháng Tám, khi các nhà lãnh đạo Trung cộng tề tựu ở khu nghỉ mát Bắc Đới Hà trên bờ biển Hoàng Hải để nhóm họp hội nghị không chính thức thường niên, bầu không khí chính trị trong nước đang trải qua nhiều giông bão.
Tổng bí thư Đảng kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đang bị bủa vây bởi những thách thức kinh tế, đối ngoại và đối nội chỉ vài tháng sau khi ông dọn đường dỡ bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước để ông có thể cầm quyền lâu đến khi nào ông muốn trong nỗ lực trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông.
Những chỉ trích ngày càng tăng nhằm vào những chính sách của ông Tập đã cho thấy nguy cơ mà ông phải đối mặt từ việc tập trung quá nhiều quyền lực: ông đã biến mình thành mục tiêu đương nhiên để mọi người đổ lỗi.
“Một khi đã tập trung quyền lực, ông Tập phải là người chịu trách nhiệm cho mọi thất bại hay vấp váp trong chính sách,” ông Joseph Cheng, giáo sư về hưu ở Đại học Thành thị Hong Kong và là người quan sát chính trị Trung cộng lâu năm, nhận định.
Điều đáng lưu ý là ông Tập, vốn từng ngự trị trên trang bìa của những tờ báo của Nhà nước cũng như trên bản tin thời sự của Đài truyền hình trung ương CCTV hàng ngày, trong những tuần gần đây đã thấy ít xuất hiện hơn trước công chúng. “Ông ấy không thể đổ lỗi cho ai hết, cho nên ông ấy đáp trả bằng cách ẩn mình nhiều hơn,” Giáo sư Cheng nói.
Cho đến nay, những thách thức này không được xem là mối đe dọa đối với quyền lực của ông Tập, nhưng đối với nhiều người Trung cộng, uy tín của chính phủ đang bị phủ bóng đen.
Lo lắng lớn nhất của nhiều người là cuộc chiến mậu dịch với Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đã đe dọa áp thuế cao hơn lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung cộng có giá trị hàng trăm tỷ đô la. Những người chỉ trích cho rằng cho đến nay họ vẫn chưa thấy một chiến dịch mạch lạc của Chính phủ để làm kim chỉ nam cho các cuộc đàm phán với Washington và tránh cho nền kinh tế bị tổn thương. Thay vào đó, Bắc Kinh chọn cách thách thức và áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ.
Đồng thời, vụ bê bối vaccine giả đã làm bùng phát lo ngại lâu nay về tính liêm chính của ngành y tế Trung cộng và khả năng của chính phủ giám sát những tập đoàn có tầm bao phủ rộng khắp vốn chi phối nền kinh tế Trung cộng.
“Tín nhiệm là điều quan trọng nhất và sự đánh mất niềm tin của công chúng vào chính quyền sẽ rất tai hại,” ông Trương Minh, giáo sư khoa học chính trị hiện đã nghỉ hưu ở Bắc Kinh, nhận định.
Hồi tuần trước, giới chức đã huy động một chiến dịch an ninh rộng lớn để trấn áp một cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch từ trước ở Bắc Kinh để bày tỏ sự phẫn nộ trước sự sụp đổ bất thình lình của hàng trăm chương trình cho vay trực tiếp giữa các công ty và tổ chức không thông qua ngân hàng. Sự sụp đổ này thể hiện rõ sự bất lực của chính quyền trong việc cải cách hệ thống tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nhỏ.
Trong khi đó, đại dự án mang dấu ấn cá nhân của ông Tập có giá trị cả ngàn tỷ đô la ‘Vành đai-Con đường’ để kết nối cơ sở hạ tầng và đầu tư với 65 quốc gia đã gặp phải sóng gió khi các quốc gia tham gia bị sốc về cái giá phải trả. Một số người dân Trung cộng cũng đặt dấu hỏi về việc chính phủ có khôn ngoan hay không khi đổ tiền đổ của ra khắp nơi trong khi hàng triệu người dân Trung cộng vẫn còn sống trong cảnh đói nghèo – một sự so sánh với ông Trump là đặt đất nước mình lên trên hết.
Điều này phần nào đã gây ra quan ngại về việc ông Tập từ bỏ phương châm đối ngoại thận trọng, thực tiễn ‘Giấu mình chờ thời’ được khởi xướng từ thời ông Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của công cuộc cải cách kinh tế Trung cộng vốn đặt nền móng cho sự thịnh vượng tương đối của Trung cộng ngày nay.
Các lãnh đạo Trung cộng nhiều khả năng ít nhất là sẽ thảo luận một số những thách thức này tại hội nghị không chính thức ở Bắc Đới Hà thuộc tỉnh Hà Bắc – một tập quán đã có từ thời Mao. Thường là vào thời điểm mùa hè, ông Tập cũng như các thành viên Thường vụ Bộ Chính trị khác sẽ biến mất khỏi truyền thông trong vòng hai tuần lễ để đến Bắc Đới Hà dự họp.
Giọng điệu tương đối khoa trương của ông Tập về sự vươn lên mạnh mẽ của Trung cộng trên vũ đài quốc tế ‘không được nhiều người trong đảng đồng tình’, ông Steve Tsang, giám đốc Viện Trung cộng tại Trường Nghiên cứu các vấn đề châu Phi và phương Đông ở London, nhận định.
Một số người thậm chí còn kêu gọi cho nghỉ việc đối với nhà kinh tế Hồ An Cương, giáo sư Đại học Thanh Hoa và là một trong những người nổi bật chủ xướng lý thuyết về sự trỗi dậy của Trung cộng. Đã có 27 người tốt nghiệp từ ngôi trường danh giá này đã ký vào thư kiến nghị sa thải giáo sư Hồ.
Sự bất bình đối với việc ông Tập củng cố quyền lực, trong đó có việc Quốc hội hồi tháng Ba dỡ bỏ quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước trong Hiến pháp và xây dựng sự sùng bái cá nhân xung quanh ông Tập, vẫn còn dai dẳng.
Sự bất bình này được lên tiếng trong bài bình luận đầy than thở có tựa đề ‘Lo sợ hiển hiện, Hy vọng trước mắt’ do giáo sư luật Hứa Chương Nhuận của Đại học Thanh Hoa chấp bút. Ông Hứa cảnh báo rằng: “Một lần nữa người dân trên khắp Trung cộng… đang có cảm giác bất an, một sự lo lắng ngày càng tăng về hướng đi của đất nước cũng như về an ninh của bản thân.”
“Những lo lắng này đã gây ra một tình trạng như là hoảng loạn khắp nước,” ông Hứa viết và liệt ra tám mối quan ngại của người dân trong đó có kiểm soát chặt chẽ hơn về tư tưởng, trấn áp giới trí thức, viện trợ nước ngoài quá nhiều và ‘Chấm dứt công cuộc cải cách và quay trở lại nền toàn trị’.
Thậm chí táo bạo hơn, ông Hứa kêu gọi khôi phục lại quy định hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước và đánh giá lại phong trào đấu tranh ủng hộ dân chủ diễn ra ở Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào năm 1989. Mặc dù ông Hứa được cho là không có ở trong nước và không bị trừng phạt chính thức, một nhà chỉ trích chính phủ lâu năm khác, giáo sư về hưu Tôn Văn Quảng, đã bị công an bắt đưa lên xe kéo đang lúc ông trả lời phỏng vấn của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ giữa chừng mà khi đó ông đả kích chính sách vung tiền của chính phủ ở nước ngoài.
Một dấu hiệu nữa cho thấy chính quyền ông Tập đang lo lắng là chiến dịch thúc đẩy lòng yêu nước trong giới trí thức – một phương pháp thường thấy khi ý kiến công luận được xem là cần phải được chấn chỉnh.
Phần lớn sự bất mãn đối với ông Tập có thể xuất phát từ sự quản lý được nhìn nhận là kém hiệu quả của chính quyền ông Tập, giáo sư Trương Minh nói.
“Nếu anh muốn làm hoàng đế, anh phải có thành tích vĩ đại,” ông Trương nói. “Ông ấy (ông Tập) vẫn chưa có gì cả, do đó khó mà thuyết phục người dân."
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét