Rời biển Đông, tàu chiến Ấn Độ bị tàu Trung Quốc "bám đuôi"
Từ ngày 21 đến 25-5, tàu khu trục tàng hình INS Sahyadri, tàu hộ tống tàng hình chống ngầm INS Kamorta và một tàu chở dầu của lực lượng Ấn Độ thăm Đà Nẵng. Ảnh: Twitter
Các tàu chiến Ấn Độ sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam và rời biển Đông đã bị tàu Trung Quốc theo dõi.
Theo báo India Today ngày 5-6, các tàu chiến của Ấn Độ thăm Đà Nẵng - Việt Nam vào tháng rồi.
Sau đó, khi rời biển Đông, các tàu chiến của Ấn Độ bị 1 tàu quân sự Trung Quốc bám theo ở "khoảng cách an toàn" trong vùng biển quốc tế. Được biết tàu Trung Quốc bám theo để tìm cách thu thập dữ liệu điện tử từ các tàu Ấn Độ.
Trước đó, New Delhi lên tiếng cảnh báo việc Bắc Kinh đưa máy bay giám sát vào Khu Tự trị Tây Tạng (TAR) để theo dõi cuộc tập trận của Không quân Ấn Độ mang tên Gagan Shakti, mô phỏng cuộc chiến với Trung Quốc và Pakistan.
Về chuyến thăm Đà Nẵng từ ngày 21 đến 25-5 của tàu khu trục tàng hình INS Sahyadri, tàu hộ tống tàng hình chống ngầm INS Kamorta và một tàu chở dầu, phát ngôn viên Hải quân Ấn Độ khi đó cho biết hai bên đã có nhiều tương tác với nhau, nhất là trong lĩnh vực đào tạo, sửa chữa, bảo trì và hỗ trợ hậu cần nhằm cải thiện năng lực hoạt động.
Ba tàu Ấn Độ nói trên hiện hướng đến đảo Guam để tham gia cuộc tập trận Malabar với Mỹ và Nhật Bản từ ngày 7 đến 16-6.
Mỹ mang đến Malabar tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan, chiến đấu cơ F/A-18, tàu ngầm tấn công hạt nhân, máy bay tuần tra P-8A và nhiều phương tiện khác. Còn Nhật Bản gửi 1 trong 2 tàu sân bay trực thăng 27.000 tấn, 1 tàu ngầm lớp Soryu, tàu khu trục JS Suzunami và máy bay Kawasaki P-1.
Đây là lần đầu tiên cuộc tập trận được tiến hành ngoài khơi đảo Guam. Vào năm 2017, nó được tổ chức ngoài khơi Chennai và Visakhapatnam ở Ấn Độ.
==========================
Tướng Mattis cảnh báo TQ sẽ chịu hậu quả "lớn hơn rất nhiều" nếu tiếp tục quân sự hóa ở biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: BQP Mỹ.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cho biết, việc hủy lời mời Trung Quốc tham gia tập trận quân sự chỉ là đòn đáp trả tương đối nhỏ trước hành động quân sự hóa biển Đông của Bắc Kinh.
Trong bài phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (hay Đối thoại Shangri-La) ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tiếp tục chỉ trích hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở biển Đông.
Theo tướng Mattis, Trung Quốc đã thông qua hành động quân sự hóa biển Đông - triển khai (phi pháp) các hệ thống vũ khí quân sự ở các đảo đá trên biển Đông - để đe dọa và gây sức ép lên các nước láng giềng.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc cũng cho hay, quyết định hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia tập trận quân sự gần đây là động thái đáp trả đầu tiên đối với hành động thách thức của Trung Quốc ở biển Đông.
"Tôi nghĩ rằng sẽ còn những đáp trả lớn hơn trong tương lai", ông Mattis cho rằng, phản ứng trên của Mỹ chỉ là hành động tương đối nhỏ mà thôi.
"Việc sử dụng sức mạnh quân sự để đạt được mục đích không phải là cách để Bắc Kinh tạo nên sự hợp tác lâu dài và sự tôn trọng quy tắc ứng xử trong khu vực mới là điều quan trọng đối với tương lai Trung Quốc", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh.
Ngoài ra, tướng Mỹ cũng khẳng định, Washington sẵn sàng ủng hộ hợp tác nếu Trung Quốc lựa chọn thi hành chính sách hòa bình, thịnh vượng cho các bên trong khu vực nhưng Nhà Trắng sẽ cạnh tranh quyết liệt nếu Trung Nam Hải đi ngược tinh thần trên.
===========================
Mỹ điều pháo đài bay B-52 đến gần Trường Sa sau trận khẩu chiến quyết liệt với Trung Quốc
Máy bay ném bom hạng nặng B-52 của Mỹ.
Dường như Mỹ đang tăng cường các hành động thị uy đối với Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
CNN dẫn lời phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan cho biết, hôm 4/6 vừa qua, Mỹ đã điều hai máy bay ném bom hạng nặng B-52 bay cách các thực thể trên quần đảo Trường Sa khoảng 20 hải lí, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước Mỹ-Trung trên Biển Đông ngày càng tăng cao trong thời gian gần đây.
Quan chức này không nói rõ liệu hai chiếc máy bay ném bom của Mỹ có bay qua các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa hay không.
Theo Trung tá Christopher Logan, hai pháo đài bay của Mỹ đã xuất phát từ căn cứ không quân Andersen thuộc đảo Guam tới cơ sở của Mỹ tại vùng lãnh thổ Diego Garcia của Anh trên Ấn Độ Dương. Đây là một phần trong nhiệm vụ "Duy trì Hiện diện Oanh tạc cơ" nhằm "duy trì tính sẵn sàng chiến đấu của lực lượng không quân Mỹ".
"Đây là nhiệm vụ huấn luyện thường xuyên của không quân Mỹ kể từ tháng 3/2004, là hành động hợp pháp trong khuôn khổ luật pháp quốc tế", ông Logan cho biết.
Theo CNN, máy bay B-52 của Mỹ xuất hiện tại khu vực này sau khi Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tố cáo Trung Quốc thực hiện các động thái "đe dọa và ép buộc" các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tại Diễn đàn đối thoại Shangri-La ngày 2/6 vừa qua.
Ông Mattis cũng khẳng định Mỹ không có ý định rời khỏi khu vực này, bởi đây là "khu vực ưu tiên" của Mỹ.
Phát biểu của ông Mattis đã khiến phía Trung Quốc "bị chạm nọc" ngay tại diễn đàn, và một cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa hai bên. Đại diện Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên tố ngược Mỹ quân sự hóa Biển Đông.
Sau khi Diễn đàn Shangri-La kết thúc, Mỹ đã tuyên bố ý định tăng cường số lượng tàu chiến tuần tra trên Biển Đông để kịp thời đối phó với các hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại khu vực này. Hưởng ứng Mỹ, vừa qua hai đồng minh Anh, Pháp cũng tuyên bố sẽ điều tàu chiến và đặc nhiệm tới Biển Đông để đối đầu Trung Quốc.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét