Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 6, 2018

THƯ CỦA HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VIỆT NAM VỀ DỰ THẢO LUẬT ĐẶC KHU


.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự di - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 3/6/2018
Kính gửi :
  • - Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt nam
  • - Đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại Quang
  • - Đồng chí Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc,
  • - Đồng chí Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Hội Khoa học Kinh tế Việt nam xin kính gửi các đồng chí lời chào trân trọng và xin được trình bày vấn đề sau đây.

Liên quan đến dự luật "Đặc Khu Kinh tế..." đang được Quốc Hội xem xét trong kỳ họp này, Hội Khoa học Kinh tế nhận thấy tuy đã được chỉnh sửa để có nhiều quy định tốt hơn, nhưng vẫn còn nhiều điểm rất quan trọng chưa hoàn chỉnh. Nếu để thông qua dự luật với một ít sửa đổi trong kỳ họp này có thể gây ra các hậu quả khó lường vì các đặc khu kinh tế sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ chiến lược phát triển quốc gia trong dài hạn, trong khi nguồn lực đang cần được phân bổ hợp lý hơn trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đúng chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng một cách toàn diện theo hướng phát triển bền vững. Hơn nữa, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến nhanh chóng trong thời gian qua nên các quyết sách liên quan đến các đặc khu kinh tế cũng cần được điều chỉnh một cách căn cơ hơn, mang tính dự báo tầm nhìn dài hạn tốt hơn.

Vì lẽ đó, Hội Khoa học Kinh tế Việt nam xin gửi ý kiến kèm theo liên quan đến dự luật "Đặc khu kinh tế..." và đề xuất kiến nghị các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chủ động xin lui dự án này để hoàn thiện thêm và Quốc Hội sẽ xem xét trong kỳ họp tiếp theo.
Xin kính chào các đồng chí.
TM TRUNG ƯƠNG HỘI KHOA HỌC KINH TẾ VIỆT NAM
GS-TSKH PHAN VĂN TIỆM GS-TSKH NGUYỄN QUANG THÁI 
Phó Chủ tịch Hội Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Khoa học Kinh tế Việt Nam
Nguyên Bộ trưởng

NHẬN XÉT LUẬT ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH - KINH TẾ ĐẶC BIỆT
 
I- Nhận xét chung.

1.1. "Đặc khu kinh tế" (gọi tắt của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt) có thể coi là kết quả học hỏi kinh nghiệm các nước, như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Nhưng ở các nước, người ta không làm tràn lan vì họ coi các Đặc khu là "phòng thí nghiệm" để từ kinh nghiệm có được (cả thành công và chưa thành công) về cơ chế, chính sách (gọi chung là thể chế) sẽ mở rộng ra toàn quốc, chứ không mở thêm nhiều đặc khu riêng lẻ sau thử nghiệm (Trung Quốc không mở rộng), khác kiểu Ấn độ mở hàng trăm đặc khu nên đạt hiệu quả ít, thậm chí thất bại. Ngoài ra, cũng lưu ý trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu đã tự do hoá như hiện nay, nhiều nước không còn quan tâm phát triển các “đặc khu” đơn lẻ nữa.

1.2. Kinh nghiệm vận hành 17 Khu kinh tế ven biển cho đến nay cho thấy cần "tập trung hơn", vì 17 khu kinh tế ven biển này có diện tích khoảng 800 nghìn ha, bằng 10 lần hơn tổng diện tich của hơn 300 khu công nghiệp, nên không đủ vốn triển khai. Ngay Khu kinh tế mở Chu Lai, KKT Dzung Quất hy vọng một thời cũng rất "bí", hiệu quả thấp dù ngay từ đầu đã gắn kết với dầu khí (Dung quất) hay ô tô Trường Hải và sân bay lớn (Chu Lai), nhưng sau hơn 15 năm từ khi thành lập, cả khu kinh tế (mở) Chu Lai và tỉnh Quảng Nam hay Khu kinh tế Dung Quất và tỉnh Quảng Ngãi đều khó, nhất là lúc ban đầu. Đến nay khi cả nước có nhiều cực tăng trưởng thì khó khăn lại tăng lên vì nguồn lực có hạn.

1.3. Việc thiếu nhà đầu tư chiến lược, nên thiết kế các khu kinh tế chưa tương xứng yêu cầu có tầm cỡ để "xây ổ cho phương hoàng đẻ trứng", thiết kế kém tầm nhìn xa, kém chất lượng, thiếu gắn kết... trong khi hội nhập cả nước đã đi vào bề sâu, với các Hiệp định FTA thế hệ mới, lại gần nền kinh tế khá thành công như Trung Quốc, Singapore và cạnh tranh gay gắt, dù có tham gia CPTPP.

Quốc Hội đang bàn dự thảo Luật đặc khu kinh tế là một việc làm nhắm đổi mới thể chế, nhưng có lẽ nên làm chậm mà chắc, còn hơn chỉ cố thông qua theo lịch trình đã có.

II- Ưu điểm lần dự thảo này

2.1. Quốc Hội đã xem xét góp ý một lần trong kỳ họp cuối năm 2017, lãnh đạo cấp cao cũng đã có ý kiến chỉ đạo. Bộ KHĐT cũng rất nỗ lực tiếp thu, giải trình, sửa đổi, dù việc chuẩn bị các dự thảo Nghị định đi kèm còn chậm do hướng đi còn lúng túng.

2.2. Từng điạ phương cũng góp thêm "áp lực" để sớm thông qua... vì cũng đã và đang triển khai một số hoạt động đa dạng, nhất là Phú Quốc và Vân Đồn đã có một số hoạt động triển khai lớn, như làm mạnh các công trình đường điện, sân bay, du lịch.... dù hướng phát triển chưa thật rõ do chưa có nhà đầu tư chiến lược tầm cỡ quốc tế.

2.3. Lưu ý: Tình trạng "đầu cơ" đất đang diễn ra rất phức tạp, kể cả người nước ngoài "nhờ" người tranh mua, gây khó dễ nếu Chính phủ thiếu hành động quản lý mạnh tay trừng phạt những kẻ gom đất đầu cơ.

III- Một số điểm xin góp thêm (Phần chính)

3.1. Luật đặc khu của cả nước hay Luật dành cho ba khu của ba tỉnh? Có hạ cấp đặc khu?

a/ Tên Luật được điều chỉnh làm phạm vi của Luật quá hạn chế? Ngay trong trang đầu, bản dự Luật đã nêu là Luật này dành cho ba Khu thuộc ba tỉnh. Có thể hiểu là đặc khu cũng "thấp cấp" (không phải là cấp quốc gia, mà đã được "hạ cấp" (Huyện thuộc tỉnh, dù Luật tổ chức chính quyền địa phương không bắt buộc như vậy) vì sẽ chịu sự quản lý cả trung ương và địa phương, khó có cơ chế vượt trội như trước đây Khu Kinh tế mở Chu Lai trực thuộc Trung ương (sau mới chuyển về tỉnh) làm khó khăn cho triển khai ?

Hơn nữa, dự luật này vừa quy định chung cho các Khu, vừa quy định chi tiết từng khu nên làm cho Luật thiếu khái quát, thậm chí lại cụ thể hóa khá chi tiết về ba đặc khu. Chẳng may, nếu qua thực tiễn vài ba năm nữa phải giải tán 1 khu hoặc thêm 1 khu khác là lại sửa Luật, trong khi có thể làm Luật chung, rồi Quốc Hội hay Ủy ban TVQH ra Nghị quyết qui định chi tiết thêm cho từng Khu, sẽ linh hoạt hơn chăng? Điều này cũng phù hợp với chủ trương vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chỉnh sửa dần.

Về quy mô, cả ba đặc khu này dù đã lớn hàng vạn ha, nhưng lớn nhất diện tích đất liền chỉ bằng1/2 Hông Kong và 1/4 Thâm Quyến (cạnh Hong Kong) nên việc lựa chọn "chiến lược" mỗi khu cũng rất nên thận trọng, vì khó "điều chỉnh". Chẳng hạn với Vân đồn và Phú Quốc, dù đã nêu định hướng "rộng", nhưng nếu chỉ tập trung làm du lịch thì "phí" cơ hội làm các lĩnh vực tài chính hay công nghệ cao.... Còn nếu làm hạ tầng biển cho Bắc Văn Phong thì có sợ nhỏ chăng, vì Vân Phong có địa thế ra biển thì tốt, nhưng "hậu phương" lại có thể bị chặn bởi vị trí địa lý. Cần cân nhắc kỹ về chức năng của các Khu này. Hơn nữa đến nay vẫn thiếu nhà đầu tư chiến lược tiềm năng nên sự phát triển có thể lạc hướng khó cho triển khai khi các nhà đầu tư nhỏ làm lạc mất tầm nhìn chiến lược dài hạn.

b/ Giải thích thuật ngữ về nhà đầu tư chiến lược thì có thể có hàng chục "chiến lược" như làm casino 2 tỷ$ (triển khai giải ngân thực hiên 8 năm); đầu tư kết cấu hạ tầng trên 500-600 tr$ (triển khai giải ngân thực hiện 5 năm); dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên 300 tr$ (thực hiện giải ngân không quá 3 năm); còn quy định khá mơ hồ về "giá trị gia tăng đột biến"... Nêu casino đặc biệt quá chăng, vì sau này mấy chục năm thì KHCN tiến bộ, có thể nhiều kiểu cách khác, chơi qua mạng. Do đó, chiến lược phát triển có thể bị "lạc hậu" chăng, khi mới thấy địa ốc, du lịch và casino là chính, chưa thấy công nghệ cao, tài chính, ngân hàng. Hơn nữa, về chế tài nếu nhà đầu tư vi phạm nên thu hồi giấy phép hay phạt thế nào, chưa được làm rõ?

c/ Chủ tịch UBND và Trưởng đặc khu:

Khi đọc kỹ vào nội dung bên trong, nhất là về quản lý của Khu, ta thấy ngay việc "hạ cấp" rất rõ. Đó là vị trí của Trưởng đặc khu. Cụ thể, trong đặc khu vẫn tổ chức HĐND và UBND như cấp huyện (dưới tỉnh), dù đã cho phép có một số ưu đãi và yêu cầu "tinh gọn”. Với không quá 7 đơn vị giúp việc (kiểu cấp Huyện, không hiểu Chủ tịch UBND có đủ thời gian xem xét và quyết định về các dự án và vấn đề của Đặc khu? Thậm chí cơ quan công an mà chỉ cấp Huyện thì khó xử lý băng đảng Mafia quốc tế sẽ hình thành và di chuyển tới? ...).

Trưởng đặc Khu như kiểu một người thừa hành dưới cấp Chủ tịch UBND Huyện thì có bé quá không. Thậm chí muốn sửa đổi quy định nào thì Trưởng Đặc khu không được Báo cáo trực tiếp Thủ tướng, mà phải trình Chủ tịch UBND đặc khu để sau khi rà soát, Chủ tịch UBND đặc khu mới Trình Thủ tướng xem xét, quyết định, thì có chậm không ? Thậm chí Chủ tịch UBND đặc khu cũng không thật là "cấp cao", do đó, trong một số trường hợp như sân bay, bến cảng,... đấu thầu khó xử lý các vấn đề phát sinh thì nên là liên ngành Chính Phủ mới đủ chất lượng chăng.

3.2. Quy hoạch đặc khu và "đặc sản"

Bản quy hoạch có trường hợp cần lấy ý kiến trên phạm vi quốc gia hay vùng kế cận, không nhất thiết chỉ lấy ý kiến cư dân trong khu (kể cả người ngoại quốc làm việc tại đó). Khi đó, các "đặc sản" như casino, du lịch đẳng cấp có cạnh tranh áp đảo so với các nước kế cận vì đã có nhiều "van" an toàn. Còn phát triển công nghệ cao hay trung tâm tài chính thì không rõ. Thậm chí làm logistic ở Bắc Vân Phong có cạnh tranh được không khi vấn đề vận tải biển hiện đang bị thao túng toàn cầu rất nghiêm trọng. 

Với các ưu đãi đất đai và thuế rất có thể các đặc khu vướng vào giới săn nhà đất của nước bạn, khi nhu cầu của họ tăng lên mấy lần mấy năm gần đây. 3.3. Luật nhấn mạnh ưu đãi hay minh bạch.

Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về mức độ ưu đãi quá đáng cho ba đặc khu, nhưng hiệu quả mang lại chưa rõ khi tình hình thế giới và bản thân các nhà đầu tư vào khu còn khá mờ để có vượt trội, khi thế giới đã có hơn 4000 đặc khu nhưng hiệu quả rất khác nhau.

Ba khu hành chính kinh tế đặc biệt có nhiều lợi thế, đã được đầu tư lớn của Việt Nam, nay lại thêm ưu đãi thì định "đánh đổi" lấy cái gì? Nếu không sẽ là nơi thua thiệt của NSNN, mà không biết có thu hồi vốn được không, bằng con đường nào ... Thậm chí nếu ưu đãi quá lớn thì một số năm đầu đăc khu sẽ là nơi thu hụt NSNN nhiều chăng? Các ưu đãi với Vân Đồn là ví dụ rất không an toàn khi đầu tư nhiều mà không thấy khả năng hoàn trả nhanh như mong muốn. Cơ quan tài chính đã thử tính nguồn thu dựa vào kinh nghiệm ưu đãi thuế của khu cửa khẩu Lao Bảo trên đường hành lang Đông Tây...

Ngân sách đặc khu là ngân sách cấp Huyện thì có hạn chế qúa không, mâu thuẫn với cơ chế đặc thù..., dù có để lại từ nguồn thu nội địa và có sự hỗ trợ ngân sách Trung ương, nên chưa rõ nhờ đặc khu thì lợi gì, cho ai (lợi GDP danh nghĩa thì "chắc", nhưng Ngân sách Nhà nước hy vọng có bội thu không?). Cơ quan tài chính cũng nên dự kiến nguồn chi và sự phân bổ từ Trung ương bao nhiêu năm sau khi có quyết định lập ba Khu khi cân đối NSNN hiện khó khăn.

Việc ưu đãi này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài kiếm lời ngắn hạn, không thu hút được nhà đầu tư chất lượng dài hạn, đồng thời tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu công bằng, làm phát sinh tiêu cực như lách luật, trốn thuế, chuyển giá? Nếu chúng ta quá chú trọng đến thu hút đầu tư theo kiểu bằng mọi giá thì cái giá phải trả cũng sẽ lớn. Đó là phải chạy theo các đòi hỏi của nhà đầu tư vì lợi ích cá nhân của họ mà giảm nhẹ hay bỏ qua các lợi ích của cả nền kinh tế, người dân và xã hội. Mâu thuẫn hay xung đột lợi ích này sẽ trở thành rủi ro cả về chính trị và pháp lý đối với Nhà nước Việt Nam.

Một thể chế quản trị vượt trội mới mong có thể đạt được năng lực cạnh tranh mạnh của các đặc khu, nhưng dường như chưa thể hiện trong dự Luật đặc khu hiện có.

3.4. Về thời hạn sử dụng đất.
 
Tại sao lại trao nhất loạt quyền đến 70 năm (dễ dãi với một cấp Huyện, khi trước đó phải là Thủ tướng Chính phủ mới có quyền, như rút kinh nghiệm Formosa) và 99 năm ít ràng buộc, mang tính nhất loạt. Theo nhiều người tham gia thảo luận ở Hội Khoa học Kinh tế chỉ nên quy định 50 năm và với 70 năm thì có xem xét như cơ chế hiện nay. Còn việc nâng lên 70 năm và đặc biệt 99 năm có thể gây nhiều phiền toái, như Hông Kong mãi mới về lại Trung Quốc. Do đó, nói chung cần cho thuê đất theo đời dự án, có phân biệt theo dự án công nghiệp phần lớn là mấy chục năm, trong khi các dự án khu đô thị hiện đại hay tài chính... có thể dài 50 năm hay lâu hơn. Lưu ý thêm rằng trong thời đại công nghiệp 4.0, vòng đời các dự án càng ngắn, đâu cần tới sử dụng đất 50, 70 hay tới 99 năm. 

Nhiều nhà nghiên cứu lo lắng về thời hạn 99 năm có thể gây nên tình trạng đầu cơ dất với những hứa hẹn khó kiểm chứng sau gần 100 năm, trong khi nhà đầu tư có thể chế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn ngân hàng, kể cả ngân hàng trong nước, theo “kiểu lấy mỡ nó rán nó”. Với ngân hàng nước ngoài, nếu dự án đổ bể thì nước ngoài sẽ "chiếm" đất đặc khu, kiếm lời do "bán" đất? 

3.5. Vấn đề an ninh và chủ quyền 

Có vấn đề nguy cơ thế nào nếu các nhà đầu tư nước ngoài dùng mưu mẹo mua "vét" đất? Nhất là đối với “nhà đầu tư chiến lược”, họ đăng ký dự án lớn, làm dần dần nhưng có quyền mặc cả về cơ chế và ràng buộc bằng pháp lý quốc tế. Nếu có tranh chấp, ta khó tránh bị khởi kiện và bồi thường. Khi miễn thị thực vào Vân Đồn với công dân TQ thì với kiểu du lịch "O" đồng, Vân Đồn có thể thành nơi xả rác và đầu cơ địa ốc hay chơi cờ bạc mà không thấy rõ đầu tư chiến lược là gì khi phải cạnh tranh với Hải Nam là khu kinh tế tự do cực lớn của Trung Quốc? 

Công dân Căm-pu-chia cạnh Phú quốc vào "tự do" khi TQ lại thuê 90km ven biển thì việc xin hộ chiếu CPC không khó, và nguy cơ an ninh có cần cân nhắc không, trong khi với ASEAN thì đi lại tự do rQuoosc??? Như vậy ngay với Phú Quốc cực Nam Tổ quốc cũng cần rất lưu ý.

Giao Chủ tịch UBND Bắc Văn Phong quyết định cơ quan quản lý cảng biển có "thấp" không, khi nhiều vấn đề vượt thẩm quyền cấp tỉnh ? Tình trạng mua bán đát của người nước ngoài và tranh chấp ở biển Đông rất đáng lưu tâm đến chiến lược phát triển khu kinh tế tầm cỡ toàn cầu.

IV- Kết luận và kiến nghị

Có lẽ nên thận trọng xem xét, nhất là tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức xã hội nghề nghiệp sâu rộng, tránh tình trạng "dựa dẫm" ý kiến nhau (?), nhất là đã có ý kiến chỉ đạo của cấp cao, nên khó cho Luật và cả cho thi hành. (Kinh nghiệm khi thông qua dự án đường sắt cao tốc, cấp cao đã dành quyền để các đại biểu cân nhắc, nên thực tiễn mấy năm qua cho thấy đó là quyết định hoàn toàn chính xác, trong khi quyết định về bauxit Tây nguyên có gì cần rút kinh nghiệm không?). Thậm chí có ý kiến nên xem xét đẩy mạnh cải cách toàn diện Việt nam để tăng sức mạnh cạnh tranh quốc gia hơn là chỉ làm ba đặc khu.

Kiến nghị nên lùi chậm một kỳ nữa (đến cuối năm) thì hay hơn. Như vậy, chậm mà chắc ! 

Trong khi chờ đợi một đặc khu kinh tế Việt nam tầm cỡ toàn cầu, cần đẩy mạnh các quyết sách đã có của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững.

Những người đóng góp ý kiến, tham gia phát biểu và đã tham vấn khi xây dựng kiến nghị gồm:

- GS-TSKH Phan Văn Tiệm, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên bộ trưởng Chính phủ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt nam phụ trách phía Nam

- GS-TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt nam  và các thành viên đã tham gia thảo luận trong các lần tư vấn trong và ngoài Hội Khoa học Kinh tế (xếp ABC) như

- TS Vũ Tuấn Anh, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế học

- PGS-TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, ủy viên BCH TƯ Hội Khoa học Kinh tế

- TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương CIEM, ủy viên Trung ương Hội, thành viên tư vấn của Ủy ban phát triển thuộc LHQ

- TS Dương Đình Giám, ủy viên Trung ương Hội, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách công nghiệp.

- TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, nguyên thành viên Tư vấn Thủ tướng Phan Văn Khải, ủy viên trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam

- Nhà nghiên cứu Nguyễn Vi Khải, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng, Hanoi

- Nhà nghiên cứu Phạm Chi Lan, nguyên Tổng Thư ký- Phó chủ tịch VCCI, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn Khải

- Luật gia Nguyễn Tiến Lập, TPHCM

- TS Phạm Sỹ Liêm, ủy viên trung ương Hội, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng

- PGS-TSKH Võ Đại Lược, ủy viên Thường vụ Trung ương Hội, ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ, Tổng Giám đốc Trung tâm Châu Á - Thái Bình dương VAPEC, nguyên thành viên tư vấn Thủ tướng Phan văn Khải

- Nhà nghiên cứu Trần Đức Minh, Phó Tổng Thư ký Trung ương Hội, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương.

- PGS-TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội kế toán Kiểm toán, thành viên HĐKH Viện Nghiên cứu phát triển Việt nam

- TS Hàn Mạnh Tiến, ủy viên Trung ương Hội, Chủ tịch Hiệp Hội các nhà quản trị doanh nghiệp

- PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ủy viên Trung ương MTTQ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh tế của MTTQ

- TS Bùi Trinh, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu phát triển Việt nam

- GS-TSKH Vũ Huy Từ, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt nam 
và nhiều nhà nghiên cứu khác.
Nguồn: Hoang Hung

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: