Cả ngày hôm qua tôi không thôi nghĩ về những hình ảnh từ một clip ghi lại cảnh những người nông dân ở Quảng Xương, Thanh Hoá đánh một tên côn đồ bên bờ ruộng. Một cảm giác xót thương đầy ám ảnh xâm chiếm tâm trạng của tôi. Nỗi xót thương cho những cánh đồng bơ vơ trên khắp đất nước này.
Tên côn đồ bị đánh bầm dập ấy, cùng với những đồng bọn của hắn, từ thành phố Thanh Hoá về cánh đồng làng cách đó hơn 20 cây số để thu tiền những người nông dân làm dịch vụ gặt thuê. Khi người ta không chấp nhận bị mất tiền một cách vô lối, chúng thản nhiên đánh người ta.
Không may cho chúng là những người nông dân, gồm cả người già, phụ nữ, vì quá uất ức mà liều mạng vùng lên. Tôi gai người khi thấy cảnh những người nông dân cố gắng trói giật cánh gã côn đồ lực lưỡng với đôi tay xăm trổ bên bờ ruộng. Gai người khi nghĩ đến sự may mắn của họ. Bởi kẻ mà họ khống chế được là một tên côn đồ chuyên nghiệp, đầy tự tin về sự tàn bạo của bản thân.
Phải rất tự tin, những gã côn đồ ấy mới dám ngang nhiên đến một cánh đồng xa để bắt nạt người dân. Và, bởi sự tự tin ấy mà chúng mới bất ngờ khi gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của những người nông dân đó.
Nạn côn đồ bảo kê máy gặt lúa mỗi mùa thu hoạch ở nông thôn Bắc Bộ đã diễn ra nhiều năm nay, và không chỉ ở Thanh Hoá. Ở Thái Bình, ở Hưng Yên mùa gặt nào cũng diễn ra tình trạng này. Các đối tượng ở địa phương khác đến, đòi thu tiền những người chủ máy gặt mới cho xuống đồng. Ai không chịu nộp, sẽ bị chúng đánh đập không thương tiếc. Vụ mùa cuối năm 2017, nông dân Đào Đức Hùng ở Kim Động, Hưng Yên đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, bởi một nhóm côn đồ đến từ thành phố Hưng Yên.
Những kẻ côn đồ ở nơi khác, tự tin đến bắt nạt người nông dân ngay trên cánh đồng của họ nói lên điều gì? Hiển nhiên, chúng biết rằng những người nông dân đó rất ít khả năng bảo vệ mình, chúng biết rằng họ quá bơ vơ ngay trên ruộng đất của mình. Sự bơ vơ đó là tình cảnh chung trên hầu hết những cánh đồng nông thôn Bắc Bộ, từ nhiều năm nay.
Quê tôi, một ngôi làng nằm ở trung tâm một vùng lúa đặc sản nổi tiếng của Đồng bằng sông Hồng, nhưng đã nhiều năm nay giống như một ngôi làng bỏ hoang. Ngôi làng thoạt nhìn vô cùng giàu có. Những ngôi từ đường to đẹp, được xây cất cả chục tỷ đồng, những biệt thự nguy nga làm bằng gỗ quý. Nhưng chúng không có người ở. Làng vắng tanh gần như quanh năm, chỉ ngày giỗ, ngày Tết thì mới có người.
Họ hàng gần của tôi, con cái làm ăn phát đạt trên Hà Nội, về quê bỏ cả chục tỷ đồng xây lại ngôi nhà của cha ông cho bà mẹ già. Nhà xây xong, ăn mừng mấy ngày, rồi các cậu tôi trở lại thành phố, chỉ còn bà cụ đi ra đi vào trong ngôi nhà mênh mang. Chừng một tháng, bà cụ về chín suối.
Cậu ruột tôi, bốn đứa con đều làm ăn trên phố, vợ cậu lên phố bế cháu nội, cậu một mình ở 2 căn nhà to, ngày ngày xem lịch chờ giỗ tết con cháu về chơi.
Cậu tôi bơ vơ giữa những ngôi nhà của mình. Nhưng cậu còn may vì con cái khá giả, nên không làm đồng nữa, ruộng cho thuê. Ở quê không phải ai cũng may mắn thế. Hầu như đều nghèo, con cái cũng lên phố nhưng làm thuê làm mướn, cha mẹ ở quê vẫn cấy lúa ngoài đồng. Và họ giống như những người nông dân ở Thanh Hoá, Hưng Yên, yếu ớt, bơ vơ trên cánh đồng của mình.
Chúng ta vẫn nhìn thấy một bộ mặt làng quê đang đổi mới từng ngày, những ngôi làng nông thôn mới với đường bê tông sáng loá dọc ngang, những ngôi nhà cao to hoành tráng. Chúng ta nhìn thấy những cái vỏ làng bê tông vững chãi nhưng bên trong đó là biết bao mảnh đời vụn vỡ, bơ vơ.
Làng không còn giữ nổi người. Tôi đi qua những cánh đồng, những con đường ngõ dong, đâu đâu cũng thấy những tấm biển tuyển người cho các khu công nghiệp.
Tôi đi qua những vùng ngoại ô thị thành, đâu đâu cũng thấy những xóm trọ công nhân, những con đường chiều chiều biến thành chợ tạm cho bữa cơm chiều của đám trẻ xa quê.
Tôi đi taxi trên đường Hà Nội, hỏi chuyện 5 ông tài xế thì 3 người quê Xuân Trường, Nam Định. Đó là cái miền quê mà từ tận 20 năm trước tôi đã về thăm một ngôi trường buổi họp phụ huynh chỉ có toàn ông bà đi họp cho cháu, tôi đã thấy một cái đám ma mà phu đòn tất cả đều đã ngoài 60.
Những tên côn đồ từ thành phố, theo những con đường bê tông nông thôn mới mà về những ngôi làng như thế, nơi chúng tìm thấy những con mồi yếu ớt, bơ vơ không người bảo vệ. Đó là lý do để chúng có thể tự tin mà lộng hành.
Khi tôi xem clip ghi lại hình ảnh trên cánh đồng Quảng Xương, tôi nghĩ về sự may mắn của những người nông dân, khi họ có thể bắt những kẻ côn đồ kia trả giá. Bởi, họ có thể may mắn hôm nay, khi có đủ số người trên cánh đồng để cùng nhau chống lại kẻ cướp. Nhưng ngày mai, ngày kia, sự may mắn ấy liệu có còn lặp lại? Lũ côn đồ hôm nay săn mồi trên những cánh đồng, giữa ban ngày.
Mai, kia, chúng có thể vào tận những ngôi làng hoang vắng, nơi chỉ có những người già bơ vơ và những ngôi nhà lớn. Ai sẽ bảo vệ họ?
Theo PHẠM TRUNG TUYẾN / VNEXPRESS
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét