Nếu Trung Quốc tiếp tục thách thức hệ thống pháp quyền, EU hoan nghênh các nước thành viên trang bị năng lực hải quân tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại biển Đông.
Đối thoại Shangri-La ở Singapore mới đây chứng kiến Anh, Pháp lên tiếng tuần tra biển Đông để chống lại các ảnh hưởng nguy hiểm và bảo vệ trật tự lâu dài tại khu vực. Trả lời Pháp Luật TP.HCM, bà Marianne Péron-Doise,chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Học viện Quốc phòng Pháp (IRSEM), cho rằng Liên minh châu Âu (EU) đang tiến lại gần biển Đông trước sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc (TQ).
Lợi ích của EU tại biển Đông
. Phóng viên: Đối với châu Âu, vì nhiều lý do mang tính lịch sử khác nhau mà biển Đông không còn xa lạ. Theo bà, lợi ích hiện nay của EU tại khu vực biển Đông là gì?
+ Bà Marianne Péron-Doise: Có nhiều lý do quan trọng để EU cảm thấy lo ngại với tình trạng hiện nay ở biển Đông. Tất nhiên lý do lịch sử là đúng với trường hợp Anh và Pháp nhưng có những động cơ mang tính chính trị và chiến lược còn cao hơn nữa. Hiện EU đang có các chương trình đối thoại thường xuyên với ASEAN về vấn đề an ninh và quốc phòng. Đồng thời, EU cũng sẵn sàng hỗ trợ kiến trúc an ninh tại khu vực này.
Hợp tác và ổn định trên biển, quản trị hàng hải là những vấn đề rất quan trọng đối với ASEAN và nhiều thành viên của tổ chức này đang phụ thuộc vào biển. “Blue economy” hay “nền kinh tế xanh lam” (tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế đi đôi với đảm bảo tính bền vững của môi trường đại dương và vùng ven biển - PV) chỉ ra mối liên hệ giữa vấn đề an ninh và phát triển. “Nền kinh tế xanh lam” cũng cho thấy việc bảo vệ các nguồn tài nguyên biển có vai trò quyết định đối với mỗi quốc gia.
Nạn cướp biển vẫn là lo ngại rất lớn với nhiều quốc gia ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, thể hiện qua báo cáo gần đây của Cục Hàng hải Quốc tế (IMB). Ngoài ra còn có các hoạt động tội phạm trên biển như nạn buôn người, buôn ma túy, buôn lậu vũ khí; các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). Vấn đề biển Đông góp phần phá vỡ sự ổn định của khu vực, huy động nhiều nguồn lực quân sự vốn có thể được sử dụng hiệu quả hơn ở nơi khác. Việc đảm bảo sự ổn định các vùng biển Đông Nam Á và bảo vệ các tuyến đường hàng hải quốc tế trên đại dương (SLOC) rất quan trọng với sự phát triển khu vực và thương mại quốc tế.
Chuyên gia cao cấp Marianne Péron-Doise, Viện IRSEM. Ảnh: TOUTECONOMIE
Lo ngại sự hung hăng của Trung Quốc
. Các động thái hung hăng hiện nay ở biển Đông của TQ có thách thức lợi ích của EU?
+ Tôi cho rằng EU đang quan ngại trước việc TQ không tôn trọng Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) hay nói đúng hơn là EU lo ngại “chủ nghĩa xét lại” của TQ (thiết lập lại cấu trúc an ninh khu vực, tái định hình chiến lược và các thể chế an ninh, chính trị khu vực, xét lại các quy tắc và chuẩn mực đang điều chỉnh các mối quan hệ khu vực và kỳ vọng đóng vai trò lớn hơn trong việc định hình chương trình nghị sự khu vực - PV).
Sự ổn định, quản trị hàng hải và tự do hàng hải ở các vùng biển Đông Nam Á có vai trò quan trọng đối với một thể chế quy chuẩn như EU. Có một xu hướng rất ủng hộ chủ nghĩa dân tộc trong chính sách đối ngoại của TQ với dấu ấn mạnh mẽ của thời kỳ TQ phục hưng đang tạo ra bất ổn. TQ nghĩ rằng không có nghĩa vụ tôn trọng các luật chơi quốc tế. Ngay cả ý định tốt nhất của TQ cũng lộ ra tính độc hại, chỉ cần nhìn vào tác động của dự án Con đường tơ lụa trên biển do TQ thúc đẩy với các nền kinh tế ở vùng duyên hải Ấn Độ Dương. Việc tăng cường kết nối, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng hải cảng có thể rất tốt cho khu vực và thương mại toàn cầu nhưng khiến Sri Lanka bị sập “bẫy nợ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson (phải) tuyên bố Anh cùng với Pháp và Úc muốn đảm bảo quyền tự do qua lại ở biển Đông. Ảnh: DEAN NIXON
Không chấp nhận “bị đặt vào thế đã rồi”
. Khác với Mỹ thường tiếp cận khu vực biển Đông trong khuôn khổ Chương trình Tự do hàng hải (FONOPs), EU tham gia các vấn đề biển Đông chủ yếu thông qua các tuyên bố. Tại sao EU lại thực hiện chiến lược như vậy ở biển Đông?
+ Sau khi Tòa Trọng tài thường trực tại Hague đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện TQ, đại diện cấp cao EU - bà Federica Mogherini tuyên bố mạnh mẽ tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp giữa các bên dựa trên luật pháp quốc tế. Động thái này khiến các nhà lãnh đạo TQ bất ngờ vì họ không mong rằng EU cùng thống nhất và đưa ra tiếng nói chung. Bắc Kinh sau đó đã gây áp lực với một số thành viên EU như Hy Lạp và Hungary. Tuyên bố cuối cùng của EU cũng được đưa ra mà không gặp phải bất kỳ cản trở nào.
Tuy nhiên, các thành viên khác của EU đang tiếp cận khác. Trong Đối thoại Shangri-La năm 2016, bộ trưởng Quốc phòng Pháp tuyên bố Paris sẽ thúc đẩy EU thực hiện các cuộc tuần tra thường xuyên và rõ ràng ở khu vực, được ủng hộ mạnh mẽ bởi các cường quốc biển châu Âu như Anh, Ý, Tây Ban Nha và Hà Lan. Ý định này của EU được lặp đi lặp lại nhiều lần. Đến Đối thoại Shangri-La 2018 vừa rồi, bộ trưởng Quốc phòng Anh và Pháp đã tuyên bố rành mạch cam kết tuần tra thực hiện nguyên tắc tự do hàng hải tại biển Đông. Bộ trưởng Pháp cho biết không thể chấp nhận tình trạng “bị đặt vào thế đã rồi” (fait accompli) như hiện nay.
"Chúng tôi đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng tự do hàng hải là điều quan trọng sống còn. Chúng ta cần làm rõ rằng các quốc gia phải chơi theo luật lệ và có những hậu quả cho việc không tuân thủ".
Bộ trưởng Quốc phòng Anh GAVIN WILLIAMSON
. Bà đánh giá như thế nào về hiệu quả chiến lược của EU trong bối cảnh TQ ngày càng trở nên hung hăng ở khu vực với việc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở biển Đông?
+ Cách tiếp cận bằng quyền lực mềm của EU phải song hành cam kết mạnh mẽ đối với UNCLOS và luật pháp quốc tế. Nếu TQ tiếp tục thách thức hệ thống pháp quyền, EU sẽ hoan nghênh các nước thành viên trang bị năng lực hải quân tuần tra đảm bảo tự do hàng hải tại biển Đông. Các hoạt động tuần tra như vậy nên được thực hiện dưới ngọn cờ của EU. Đây là cách tốt nhất để khu vực hiểu rõ rằng EU thật sự có khả năng phản ứng bằng lời nói lẫn hành động cụ thể trước tham vọng của TQ.
. Bà có nghĩ rằng EU cần gia tăng sức mạnh tại châu Á nói chung và biển Đông nói riêng trong bối cảnh hiện nay?
+ Tôi thấy rằng EU đang hoạt động tích cực tại châu Á-Thái Bình Dương hơn mọi người thường nghĩ. EU là đối tác rất năng động và thân cậy của ASEAN trong các lĩnh vực kinh tế và chính trị. Với vấn đề quốc phòng và an ninh hàng hải, EU sẵn sàng tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng năng lực, đào tạo và chia sẻ kiến thức chuyên môn với các cơ quan quản lý hàng hải, các lực lượng bảo vệ bờ biển ở khu vực. EU đi đầu trong cuộc chiến chống cướp biển tại Ấn Độ Dương; đóng vai trò xúc tác trong các tổ chức hợp tác hàng hải khu vực; giúp đỡ quốc gia vùng duyên hải kiểm soát tốt hơn và giữ vững các vùng biển rộng lớn của họ.
. Xin cám ơn bà.
Mỹ và EU ngày càng gần hơn với biển Đông
. Phóng viên: Nước Mỹ dưới thời Donald Trump đã để TQ gia tăng căng thẳng tại biển Đông, trong khi Mỹ lại đang thách thức các đồng minh của mình bao gồm cả EU. Bà có nghĩ rằng EU sẽ thay đổi cách tiếp cận tại châu Á nói chung và biển Đông nói riêng?
+ Bà Marianne Péron-Doise: Là bên xây dựng và ủng hộ các nguyên tắc nhưng EU đang làm điều đó với bản sắc chiến lược riêng không phải quyền lực cứng. Ví dụ, EU thường sẵn sàng tạo điều kiện cho đối thoại ASEAN và TQ trong việc hoàn thành bộ quy tắc mới về ứng xử ở biển Đông. EU tiếp tục là bên ủng hộ mạnh mẽ nhất các sáng kiến ngoại giao thúc đẩy hợp tác, chủ nghĩa đa phương và xây dựng lòng tin khu vực. Đây chính là bản sắc cốt lõi của EU và được tuyên bố rõ ràng trong chiến lược toàn cầu của tổ chức này.
Quả thật chiến lược EU tương phản sâu sắc với chính quyền Trump vốn không bày tỏ mặn mà với chủ nghĩa đa phương và các thể chế, thay vào đó thích thương lượng song phương và các quan hệ quyền lực. TQ đang đứng cùng phía với EU trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, còn Trump thì từ bỏ. Dù vậy, tôi thấy rằng cuối cùng thì Mỹ và EU cũng đang ngày càng gần hơn với biển Đông; và với nhu cầu thể hiện tư thế mạnh mẽ trước sự quyết đoán gia tăng của TQ. Có nhiều chủ thể quan trọng khác và đối tác thân cậy của EU cũng chia sẻ quan điểm về tự do hàng hải và trật tự thượng tôn pháp luật, ví dụ Nhật, Úc và Ấn Độ.
ĐỖ THIỆN thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét