Sau 30 – 4 – 1975, Sài Gòn và miền Nam bắt đầu tổ chức phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa. Nhà máy Dệt 12, xí nghiệp máy may Sinco được xây dựng thành điển hình tiên tiến trong công nghiệp. Đưa những người sản xuất cá thể vào hợp tác xã để xây dựng thành phần kinh tế tập thể là công việc quan trọng được đề cao. Báo chí thành phố liên tục nêu gương hợp tác xã cơ khí Đồng Tâm ở huyện Gò Vấp do chủ nhiệm La Ngọc Toàn một ông chủ người Hoa xây dựng đã được Ban Thi đua Thành phố trao tặng lá cờ đầu của phong trào thi đua xây dựng kinh tế tập thể.

Từ theo cộng đến chống cộng - Hồi ký Tống văn Công
Từ theo cộng đến chống cộng – Hồi ký Tống văn Công
Một buổi tối có người bấm chuông gọi cửa nhà tôi. Một người đàn ông mặt đầy vết bầm, trình giấy tờ xác nhận mình là kế toán trưởng của hợp tác xã cơ khí Đồng Tâm. Ông nói không dám đến tòa báo ban ngày và xin tôi giữ kín việc ông đến cung cấp tài liệu về việc La Ngọc Toàn một ông chủ độc đoán, trác táng và tàn bạo. Tôi đồng ý. Ông trở ra đường, mấy phút sau đưa thêm bốn người nữa vào nhà. Anh kế toán trưởng đưa ra các loại chứng từ hóa đơn, các bản thống kê, các báo cáo mâu thuẫn nhau. Bốn anh kia luân phiên kể những việc làm phi pháp của Toàn. Đặc biệt họ cho biết Toàn đang hùn vốn đóng tàu để kinh doanh trên sinh mạng của người vượt biên. Cả năm người họ đều bị Toàn đánh đập nhiều lần.
Tôi bàn với ban biên tập báo Công nhân Giải phóng (nay là báo Người Lao Động) phanh phui tình trạng đen tối ở hợp tác xã cơ khí Đồng Tâm. Anh Trần Văn Bình phó tổng biên tập xin đích thân đi điều tra vụ này. Số báo đăng bài điều tra phát hành lúc rạng sáng thì đầu giờ chiều đã có công văn phản ứng dữ dội của Huyện ủy và của Ủy ban Nhân dân huyện Gò Vấp. Họ cho rằng bài báo hoàn toàn sai và rất nguy hiểm. La Ngọc Toàn là một người Hoa tiên tiến, đi đầu thực hiện chính sách xây dựng kinh tế tập thể của chính quyền cách mạng. Đánh La Ngọc Toàn sẽ rúng động tâm can tất cả người Hoa. Đánh La Ngọc Toàn sẽ rung rinh cả hệ thống hợp tác xã non trẻ.
Ban thường vụ Liên hiệp Công đoàn quyết định cả anh Nam Lộc trưởng ban Tuyên giáo Công đoàn phải cùng với tổng biên tập tờ báo đi gặp lãnh đạo huyện Gò Vấp để dàn xếp cho yên việc hệ trọng này. Chủ trì phía Gò Vấp là bí thư huyện ủy, người trình bày ý kiến bác bỏ bài báo là bà Tống Thị Thanh Tuyền phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân phụ trách khối công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Bà yêu cầu cho biết nguồn tin của tờ báo, vì nghi vấn đây là âm mưu của bọn xấu và khẳng định rằng bà đi sát hợp tác xã này ngay từ khi thành lập. Bà hiểu rõ tính nết La Ngọc Toàn một công nhân chân chất nhưng nóng tính và rất tự trọng. Nếu không làm sáng tỏ việc này trả lại danh dự cho Toàn thì rất có thể anh tự mổ ruột mình ném ra rồi chết! Chúng tôi đề nghị tòa báo cùng huyện ủy Gò Vấp phối hợp tổ chức một cuộc thanh tra, nhưng phía Gò Vấp không đồng ý. Cuộc họp không đi đến thỏa thuận nào. Tuần sau đó, trong cuộc họp thường kỳ với các báo, ông Trần Trọng Tân ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, trưởng ban Tuyên huấn phổ biến ý kiến của bí thư Nguyễn Văn Linh phê bình báo Công nhân Giải phóng thiếu thận trọng trong việc phê bình đối với một cơ sở lá cờ đầu thi đua của thành phố!
Một tháng sau, La Ngọc Toàn được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu ứng cử vào Hội đồng Nhân dân thành phố khóa 1 và đắc cử. Trong buổi khai mạc phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nhân dân Thành phố, La Ngọc Toàn được các nhà báo vậy quanh tranh nhau phỏng vấn, chụp ảnh. Kỳ họp vừa bế mạc, những tờ báo có bài và ảnh La Ngọc Toàn còn nằm trên sạp thì có tin La Ngọc Toàn đã vượt biên trót lọt.
Chuyện trên này tôi đã viết cho tập “Hồi ký các nhà báo cao tuổi” (Nhà Xuất bản Thanh niên, tháng 8 năm 2008) nhưng bị kiểm duyệt bỏ tên của bà phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gò Vấp Tống Thị Thanh Tuyền và tên các ông Trưởng ban Tuyên giáo Trần Trọng Tân, bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh.