|
Hà Văn Thắm, chủ tịch Ocean Bank, trong ngày ra tòa hồi cuối Tháng Tám, 2017. (Hình: Getty Images) |
Có những nghịch lý không thể giải thích nổi ở Việt Nam. Năm năm trước khi xảy ra hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng, Eximbank đã từng “vinh dự nhận giải thưởng ‘Ngân hàng được quản trị tốt nhất Việt Nam năm 2013.’”
Thậm chí Eximbank còn được một số tổ chức tư vấn và kiểm định tài chính quốc tế đánh giá khá cao và luôn được “lên hạng.”
Thế còn bây giờ thì sao?
“Hốt cú chót” và “Đã làm thì làm cho đáng”
Những năm trước, cũng đã có một số vụ việc chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Nhưng quy mô chiếm đoạt đã vọt lên tới từ 50 tỷ đồng đến vài trăm tỷ đồng trong thời gian gần đây, cho thấy tâm lý kẻ phạm tội là nhân viên và quan chức ngân hàng đã gần giống với tâm lý của giới trộm cướp “đã làm thì làm cho đáng, đằng nào cũng một lần đi tù.”
Nếu vào những năm trước, các vụ chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng xảy ra không đều và còn có khoảng thời gian “giải lao,” thì trong khoảng hai năm qua, 2016 và 2017, con số hành vi này đã tăng vọt và liên tục. Hành vi này lại xảy ra trong bối cảnh “hết sức nhạy cảm”: khối nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần đã lên tới khoảng 900 ngàn tỷ đồng và đang trở nên vô phương cứu chữa, cho dù từ năm 2017 đến nay giới tài phiệt đã cố “đánh lên” thị trường bất động sản nhằm giải cứu khối tài sản khổng lồ mà các ngân hàng nhận thế chấp từ các doanh nghiệp nhưng chưa biết làm cách nào tiêu thụ được.
Hội chứng “hốt cú chót” cũng hình thành trong não trạng tội phạm – quan chức ngân hàng – như thế. Hình thành vào buổi hoàng hôn chế độ và vào lúc hiện hình ngày càng nhiều thông tin về tương lai phá sản không thể tránh khỏi của một số ngân hàng đang cõng trên mình số nợ xấu rất lớn mà không cách gì xử lý được.
Rõ là thế. Vào năm 2017, tình hình còn nguy hiểm hơn nhiều so với năm 2016, còn năm 2018 lại nguy hiểm hơn năm 2017: thị trường tín dụng đã và đang lan truyền thông tin về một số ngân hàng thương mại nhỏ và cả ngân hàng nằm trong top đầu đã lọt vào “danh sách đen”. Kể cả và đặc biệt là “ngân hàng quốc doanh lớn nhất” Agribank với tư cách quán quân bị ra tòa vì tham nhũng…
Tuy nhiên về phía các cơ quan nhà nước, cho tới nay bản “danh sách tử thần” các ngân hàng có nguy cơ phá sản vẫn được giấu kín. Một thông tin hiếm hoi là tại kỳ họp quốc hội vào cuối năm 2017, Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Lê Minh Hưng chỉ nói úp mở là sẽ “thí điểm xử lý nợ xấu” tại 6 ngân hàng thương mại, nhưng không cho biết tên các ngân hàng này.
Nhưng với dư luận xã hội thì không thể cấm đoán nỗi lo lắng khôn nguôi. Vấn đề của ngân hàng đã không chỉ là các đại án liên đới gói tiền khổng lồ của các nhóm quan chức và doanh nghiệp, mà đã chọc thẳng tới những món tiền gửi của khách hàng cá nhân.
Nguy hiểm ngân hàng cả nhỏ lẫn lớn
Vào thời gian khi xảy ra vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở Eximbank, Vietinbank, Oceanbank…, đi đâu cũng nghe người dân, tiểu thương, công chức về hưu và không thiếu công chức đương nhiệm bàn tán xôn xao. Gương mặt nhiều người lộ rõ cũng vẻ hoang mang. Cụm từ “mất tiền gửi ngân hàng” trở nên phổ biến đến nỗi nó chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số các tiêu đề của Google.
“Cả tài sản tiền mặt của gia đình tôi chỉ có gửi hơn 2 tỷ đồng gửi ngân hàng, nếu lỡ ngân hàng đó phá sản mà chỉ được bồi thường bảo hiểm tiền gửi có 75 triệu đồng thì thà ngay bây giờ tôi đem mua đất, vàng, mua đô la còn an toàn hơn nhiều,” nhiều người dân than vãn.
Lại nữa: “Sao nhà nước ma lanh quá vậy! Vét thuế đến từng đồng từng cắc cuối cùng trong túi dân còn chưa đã miệng sao mà còn đòi ép dân phải chịu rủi ro gửi tiền tiết kiệm. Mấy thằng ngân hàng ngồi mát ăn bát vàng quen rồi, có phá sản cũng không sao, nhưng dân bọn tui mà mất là mất sạch sẽ luôn, tán gia bại sản luôn, chỉ còn nước đi ăn xin hay lao đầu xuống sông chết cho rồi…”
Trên đây chỉ là vài trong số hàng ngàn ý kiến bức bối của người dân vào cuối năm 2017, sau khi chính phủ “liêm chính, kiến tạo và hành động” của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ tung ra một quyết định về mức bảo hiểm tiền gửi chỉ có 75 triệu đồng cho khách hàng cá nhân đối với những trường hợp ngân hàng bị phá sản, rồi đến kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017 mà ngay cả các đại biểu quốc hội cũng phải bức xúc vì mức bảo hiểm tiền gửi đó là quá “bèo,” để khi ngân hàng đó phá sản thì khách hàng coi như vị mất trắng.
Vào nửa đầu năm 2018, cho dù Ngân Hàng Nhà Nước hay giới quan chức chính phủ cố giấu nhẹm danh sách những ngân hàng bị liệt vào dạng “tái cơ cấu” – mà về thực chất là phải chấp nhận cho phá sản, một lần nữa rộ lên trong dư luận giới kinh doanh về những cái tên hầu như chắc chắn nằm trong danh sách đó.
Trên hết là ba cái tên Ocean Bank – Ngân hàng Đại Dương, GP Bank – Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu, CB Bank – Ngân hàng Xây Dựng – đều là những ngân hàng đại án có lãnh đạo bị bắt vào các năm 2014 và 2015.
Sau đó là DongABank – Ngân hàng Đông Á, là ngân hàng đang xuất hiện vụ án mới nhất liên quan trực tiếp đến Vũ “Nhôm.”
Kể cả PG Bank – Ngân hàng Xăng Dầu Petrolimex, Sacombank – Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, hay một số ngân hàng có vốn điều lệ nhỏ nhưng tỷ lệ nợ xấu lại cao, cũng có thể bị phá sản hoặc sáp nhập như VietA Bank, BacABank, OCB, SaigonBank, VietCapital…
Bất an trở thành tia kích nổ trong bầu không khí tín dụng. Nhiều ngân hàng, dù muốn hay không, sẽ phải “tự nguyện” hoặc tự nhiên phá sản. Lại đúng vào lúc hàng loạt giám đốc của “quỹ tín dụng nhân dân” ôm tiền biệt tăm…
Trong bối cảnh đó, mật độ vụ việc chiếm đoạt tiền gửi khách hàng đã lan từ khối ngân hàng thương mại nhỏ 100% vốn tư nhân sang cả những ngân hàng thương mại lớn có cổ phần chi phối của Ngân hàng nhà nước như Agribank, Vietcombank, Eximbank, BIDV. Nhưng sự thể quá trớ trêu là nhũng ngân hàng này đều nằm trong “top 5” của hệ thống ngân hàng Việt Nam và từng được chính thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Văn Bình hứa hẹn như đinh đóng cột “không để ngân hàng nào bị phá sản.”
Cho tới nay và khi đã trở thành ủy viên bộ chính trị, Nguyễn Văn Bình vẫn giữ được lời hứa trên: Vẫn chưa có ngân hàng nào phải phá sản.
Nhưng thay cho cảnh phá sản đáng lẽ đã phải xảy ra vào cuối năm 2014, có ít nhất 3 ngân hàng là Đại Dương, Xây Dựng và Dầu Khí Toàn Cầu đã được Ngân Hàng Nhà Nước thời Nguyễn Văn Bình dang tay ôm vào lòng với giá 0 đồng, bất chấp tình trạng nợ xấu và rất xấu của 3 ngân hàng này lên đến 20,000 tỷ đồng, tức gấp đôi vốn điều lệ tổng cộng của cả 3 ngân hàng chỉ có 10,000 tỷ đồng.
Và cho đến nay, vẫn không ai biết Ngân Hàng Nhà Nước đã làm cách nào để đạo diễn mua 3 ngân hàng trên với giá 0 đồng. Tất cả vẫn là một tấm màn bí ẩn và dường như được cả cấp trên của Ủy Viên Bộ Chính Trị Nguyễn Văn Bình tìm cách che khuất, bất chấp rất nhiều dư luận đã nghi ngờ về việc vào thời còn là thống đốc, Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo lấy tiền ngân sách – tức tiền đóng thuế của dân – để “cứu” 3 ngân hàng trên.
Cũng cho đến nay và sau hàng loạt vụ chiếm đoạt tiền gửi khách hàng ở nhiều ngân hàng thương mại, vẫn chẳng có một cuộc “đại phẫu” hay “thay máu” nào đặc cách dành cho khối ngân hàng và cơ quan quản lý của nó là Ngân Hàng Nhà Nước. Vẫn chỉ là những lý do mang tính ngụy biện phủ đầy như “do lỗ hổng quản trị rủi ro,” hay “do người dân không chịu kiểm tra thường xuyên khi gửi tiền ngân hàng,” mà không có một sự thừa nhận nào về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan Ngân Hàng Nhà Nước.
Năm 2018 rách toạc
Nhưng lại có một bằng chứng không thể chối cãi về “thành tích điều hành” của Ngân Hàng Nhà Nước: vào Tháng Ba, 2018, một cựu phó thống đốc của Ngân Hàng Nhà Nước là Đặng Thanh Bình đã chính thức bị truy tố. Dưới thời Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống Đốc Nguyễn Văn Bình, ông Đặng Thanh Bình phụ trách công tác giám sát kiểm tra. Đó cũng là thời của vô số khuất tất về chính công tác này mà đã khiến 3 ngân hàng được mua với giá 0 đồng và một số ngân hàng thương mại khác, chẳng hạn như DongABank, được “chui qua lỗ kim,” để đến giờ này Đặng Thanh Bình bị truy tố với ít nhất một vụ việc đã “giúp” Phạm Công Danh ở Ngân Hàng Xây Dựng làm thất thoát đến 9,000 tỷ đồng.
Rất nhiều quan chức và nhân viên ngân hàng có thâm niên kinh nghiệm đều biết rõ về những góc khuất tối tăm ấy.
“Đục nước béo cò” – hẳn là trong những năm gần đây, những quan chức và nhân viên ngân hàng “nhúng chàm” đã cảm nhận một cách rõ rệt về hơi thở đổ bể và khủng hoảng hệ thống ngân hàng đã kề cận, để từ đó dẫn đến tâm lý của hội chứng “hốt cú chót” – y hệt như nhiều quan chức lãnh đạo ở trung ương và địa phương lao như thiêu thân vào những vụ tham nhũng ngàn tỷ, chục ngàn tỷ trong buổi chợ chiều chính thể độc đảng.
Không còn nghi ngờ gì nữa, năm 2018 đang rách toạc những mảnh vá víu trên cơ thể ngân hàng ở Việt Nam, sau khi giai đoạn bục dần ra đã khởi động trong hai năm 2016 và 2017.
Vụ chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng ở ngân hàng Xuất Nhập Khẩu (Eximbank) bị phát hiện chỉ mới đây đã phát ra một dấu hiệu về triển vọng bục rách ghê gớm như thế.
Cái giá của một cuộc “đại phẫu ngân hàng” ở Việt Nam đã trở nên quá cao, vì đã quá muộn. Cái áo chỉ còn mặc được khi mới chớm rách hoặc chưa quá tã. Nhưng khối ngân hàng lại đang lao vào thời kỳ bục vỡ mà có thể khiến phân nửa trong số 30 ngân hàng hiện thời rơi vào chuỗi phá sản domino, tạo nên một cơn chấn động dữ dội lên phần lớn thị trường tiền gửi và phần lớn người gửi tiền tiền kiệm, dẫn dắt cuộc khủng hoảng mất khả năng thanh toán đến một cơn động loạn xã hội với hậu quả khó mà lường trước.
Phạm chí Dũng / người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét