Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

Trí thức và không gian công cộng trong xã hội hiện đại

Trần Hữu Quang *

Bài viết chủ yếu dựa trên những tư tưởng và luận điểm của một số tác giả khoa học xã hội trên thế giới mà chúng tôi cho là quan trọng và mang tính gợi mở cho tiến trình suy tư về việc xác lập một không gian công cộng tự do thực thụ, trong đó quan trọng trước hết là không gian báo chí, để người trí thức đảm nhiệm được sứ mệnh của mình.


Một trong năm tác phẩm điêu khắc trên đường phố Kiev của nghệ sĩ Kostiantyn Skrytutskyi dành tặng giới trí thức – cú mèo, bói cá, quạ, chim đầu rìu.

Sứ mệnh của trí thức trong xã hội hiện đại
Pierre Bourdieu cho rằng nét đặc thù của người trí thức không phải là “biết mình phải nghĩ gì” về tất cả những thứ mà xã hội thời thượng coi là đáng suy nghĩ, mà ngược lại, cần “tìm cách khám phá ra tất cả những gì mà lịch sử và lô-gic của trường trí thức đã từng buộc anh ta phải suy nghĩ [...] với ảo tưởng là mình đang được tự do.”1

Ralf Dahrendorf [nhà xã hội học Đức, 1929-2009] từng ví vai trò của người trí thức trong xã hội hiện đại tương tự như vai “anh hề” trong triều đình Âu châu thời xưa, vốn thường xuất hiện bên cạnh nhà vua hay hoàng hậu để kể chuyện giễu cợt hoặc đùa giỡn. Theo ông, bất cứ xã hội nào cũng đều có những người “ở bên trên” chuyên ra lệnh, và những người “ở bên dưới” chuyên làm theo luật lệ được ban hành; ngoài ra, còn có những người ở giữa, không chỉ ra lệnh mà cũng không chỉ thi hành, chẳng hạn kế toán viên hay cảnh sát viên. Tuy nhiên, ngoài ba hạng người ấy, còn có một loại nữa mà người ta thường bỏ quên, đó chính là nhân vật “anh hề”. Không giống như những người ở bên trên, ở giữa hay ở bên dưới vốn luôn luôn phải đóng đúng vai của mình, anh hề được coi là diễn viên nằm ngoài mọi vai. “Vai của anh ta là không đóng vai nào”: “điều mà mỗi người phải làm” và “cách mà mỗi người phải diễn” chính là những điều mà anh hề không tuân theo2.

Anh hề đóng vai “lương tâm phê phán của những kẻ cầm quyền” và có quyền tự do làm những điều mà những kẻ bên dưới nếu làm thì sẽ bị trừng phạt. “Quyền lực của anh hề nằm nơi sự tự do của anh ta so với hệ thống tôn ti của trật tự xã hội, nghĩa là, anh ta phát ngôn từ bên ngoài cũng như từ bên trong đó. Anh hề thuộc về trật tự xã hội nhưng không buộc phải trung thành với nó; anh ta có thể phát ngôn cả những sự thật nhức nhối về trật tự xã hội ấy mà không phải sợ hãi gì.”3

Dahrendorf viết: “Với tư cách là những anh hề cung đình của xã hội hiện đại, mọi trí thức đều có nghĩa vụ phải hoài nghi tất cả những gì hiển nhiên, coi mọi quyền hành đều mang tính tương đối, đặt ra tất cả những câu hỏi mà không ai khác dám nêu lên.”4 Anh hề không gánh vác một trách nhiệm nào, và lẽ tất nhiên cũng chẳng có quyền lực gì, nhưng không phải vì thế mà sự thật anh ta nói ra bị kém giá trị. “Một xã hội có dung nạp hay không những anh hề cung đình trí thức chuyên phê phán và chất vấn các định chế của mình, và cách thức mà xã hội khoan dung chấp nhận những người này, đấy chính là thước đo cho sự trưởng thành và sự vững chắc nội tại của xã hội ấy.”5
Hans Gerth [nhà xã hội học Mỹ gốc Đức, 1908-1978] và Wright Mills [nhà xã hội học Mỹ, 1916-1962] nhận định rằng trí thức là một trong số những thành phần thường được/bị coi là “chệch hướng” trong xã hội6. Liên quan đến tư thế chệch hướng này, P. Berger [nhà xã hội học Mỹ gốc Áo, 1929] và T. Luckmann [nhà xã hội học Áo, 1927-2016] phân tích như sau: “[...] tình trạng ở ngoài lề xã hội của [người trí thức] [...] cho thấy anh ta không chịu hội nhập trên phương diện lý thuyết vào trong lòng vũ trụ [biểu tượng] của xã hội anh ta. Anh ta tỏ ra là một chuyên gia đối đầu trong công việc định nghĩa thực tại. Tương tự như chuyên gia ‘chính thức’, anh ta cũng có một bản thiết kế cho xã hội nói chung. Nhưng trong khi bản thiết kế của chuyên gia ‘chính thức’ luôn luôn phù hợp với các chương trình định chế, và được dùng để chính đáng hóa các chương trình này về mặt lý thuyết, thì bản thiết kế của người trí thức lại tồn tại trong một cõi chân không về mặt định chế [...]. Có thể khẳng định chắc chắn rằng một mức độ đa nguyên nhất định chính là một điều kiện cần thiết [cho sự tồn tại và hoạt động của giới trí thức].”7
Joseph Schumpeter cho rằng, với tư cách là người hoạt động tự do, trí thức chính là người “đỡ đẻ” của xã hội8.
Nếu người trí thức gần như luôn luôn “ở trong một dạng nổi loạn thường trực chống lại tình trạng lệ thuộc vào lợi ích và vào sự tuân phục”9, thì theo H. Gerth và W. Mills, những trí thức “chệch hướng” này lại “thường đóng những vai trò quan trọng trong những giai đoạn chuyển đổi từ một cấu trúc xã hội này sang một cấu trúc xã hội khác. Họ phê phán những thứ đang tồn tại như thể là những thứ ‘đã chết rồi’, và họ làm điều này nhân danh những tiêu chuẩn chưa thành hiện thực, và có thể ngay cả những tiêu chuẩn ‘không tưởng’, không thể thực hiện được.” 10
Hiểu theo chiều hướng ấy, hiển nhiên là người trí thức không thể nào đảm nhiệm được sứ mệnh của mình nếu thể chế xã hội không xác lập được một không gian công cộng tự do thực thụ, mà trong đó quan trọng trước hết là không gian báo chí.
Không gian công cộng và báo chí
Không gian công cộng là một trong những sản phẩm độc đáo nhất của xã hội hiện đại vốn mang một trong những thuộc tính then chốt là tính đa nguyên. Khi định nghĩa sự “khai minh” chính là “sự giải thoát ra khỏi tình trạng ấu trĩ”, triết gia Đức thế kỷ 18 Immanuel Kant nhấn mạnh rằng người ta “phải luôn luôn được tự do sử dụng công khai lý tính của mình, và chỉ có điều này mới có thể mang lại sự khai minh nơi con người”11. Nếu “Vị sĩ quan nói: không tranh cãi, tập luyện đi! Nhân viên thu thuế nói: không tranh cãi, nộp tiền đi! Vị giáo sĩ nói: không tranh cãi, hãy tin đi!”, thì nhà nghiên cứu lại là người phải đưa công trình của mình “ra trước thế giới độc giả” để họ xem xét, phê phán. Chỉ khi nào tính công khai được tôn trọng, thì “anh ta [mới] được hưởng đầy đủ quyền tự do và thậm chí còn được mời gọi truyền thông cho công chúng mọi tư tưởng thiện chí mà anh ta đã suy xét cẩn thận”12. Đề cập tới giới trí thức không nằm trong bộ máy nhà nước mà ông gọi chung là “các nhà triết học”, Kant nhận xét như sau: “Do quyền tự do mà họ tự cho là mình có, [các nhà triết học] thường là những người chướng tai gai mắt đối với nhà nước, vốn luôn luôn chỉ muốn cai trị, và với tư cách là ‘những người khai minh’, họ nổi tiếng là trở thành mối đe dọa đối với nhà nước [...]. Điều này chỉ có thể xảy ra nhờ vào không gian công cộng, nếu cả một quốc gia muốn biểu tỏ sự bất bình của mình. Vì thế, việc cấm đoán không gian công cộng sẽ cản trở sự tiến bộ của một dân tộc hướng đến điều tốt đẹp hơn.”13
Theo Jürgen Habermas, không gian công cộng là không gian mà trong đó bất cứ cá nhân nào cũng có thể tham gia và trao đổi ý kiến với nhau mà không bị áp lực từ bên ngoài. Trên nguyên tắc, đây là nơi diễn ra những cuộc tranh luận mang tính chất lý tính và phê phán, và do vậy đây chính là nơi kết tinh nên những ý kiến (công luận) và ý muốn của công chúng. Tính duy lý của sự đối thoại trong không gian công cộng giúp cho người ta vượt dần ra khỏi những lợi ích cá biệt để đạt tới một sự đồng thuận giữa những người có thiện chí với nhau14.
Không gian công cộng đóng vai trò trung gian giữa xã hội công dân và nhà nước, buộc nhà nước phải chịu trách nhiệm trước xã hội do “tính công cộng” của mình. Không gian công cộng tự nó mang tính chất phê phán bởi lẽ nó giả định rằng phải có những thông tin về các hoạt động của nhà nước để công luận có thể xem xét và bình phẩm15.
Các phương tiện truyền thông đại chúng là định chế điển hình nhất của không gian công cộng. Trong xã hội hiện đại, định chế này tạo ra một không gian công cộng mới mẻ và rộng mở, chưa từng có trong các xã hội cổ truyền, tiền hiện đại. Theo Daniel Lerner [học giả Mỹ, 1917-1980] “một hệ thống truyền thông chính là một dấu chỉ và cũng đồng thời là một tác nhân của sự thay đổi trong toàn bộ một hệ thống xã hội.”16 Các phương tiện truyền thông đại chúng, nhất là báo chí, chính là một trung giới truyền thông trong nội bộ xã hội dân sự, cũng như giữa xã hội dân sự với các định chế nhà nước. Hiểu theo ý nghĩa này, truyền thông đại chúng không phải là một lãnh địa dành riêng cho những người có quyền lực, những nhà truyền thông hay các chuyên gia.
Báo chí là chiếc cầu nối không thể thiếu giữa người dân với xã hội. Vì thế, một trong những chức năng xã hội quan trọng của báo chí là nuôi dưỡng sự gắn bó của người dân với đời sống xã hội, và từ đó, sâu xa hơn, củng cố lòng tin của người dân vào các giá trị xã hội. Người dân đọc báo không chỉ để biết tin tức và theo dõi dòng thời sự, mà quan trọng hơn, còn là để hiểu thời cuộc mà họ đang sống. Do vậy, nếu tờ báo không chu toàn sứ mệnh của mình, chỉ thông tin một chiều theo kiểu “tô hồng”, thì chuyện độc giả không tín nhiệm vào tờ báo là điều dễ hiểu. Điều đáng nói là một khi tình hình này trở nên phổ biến thì nguy cơ nảy sinh tình trạng mất lòng tin trong xã hội là điều khó lòng ngăn chặn. Một cách tổng quát, có thể nói rằng độ tin cậy của một nền báo chí cũng biểu hiện độ tin cậy của chính hệ thống xã hội.
Xã hội hiện đại là một xã hội mang tính chất thế tục, nghĩa là trong đó phương thức tổ chức đời sống xã hội không còn dựa trên nền tảng của những trật tự siêu nhiên hay siêu việt nữa, mà là thông qua sự thảo luận, tức là thông qua hoạt động truyền thông, nhờ đó con người mới có thể đi đến một sự thỏa thuận, tức một khế ước, về chuyện chung sống với nhau như thế nào một cách chính đáng.
Triết gia Đức Georg Hegel (1770-1831) từng viết như sau: “Nguyên tắc của thế giới hiện đại đòi hỏi rằng những gì buộc con người phải nhìn nhận thì bản thân chúng phải tự chứng tỏ là chính đáng đã.”17Nói cách khác, những điều mà người ta coi là “chính đáng” phải là kết quả xuất phát từ một quá trình thảo luận tự do. Theo Hegel, “trong dư luận quần chúng có cả cái đúng lẫn cái sai”, nhưng việc nhìn ra những điều đúng đắn trong đấy “chính là công việc của bậc vĩ nhân”. Ông viết: “Ai thể hiện được ý nguyện của thời đại mình, ai nói cho thời đại mình biết điều mà thời đại mong muốn, và hoàn thành ý nguyện ấy, là vĩ nhân của thời đại”18. Để biết được “ý nguyện” của dân chúng, để hiểu được công luận, hiển nhiên là phải tôn trọng và tạo điều kiện cho quyền tự do ngôn luận, và hệ luận của điều này là quyền tự do báo chí. Theo Hegel, “sự tự do ngôn luận bao giờ cũng được xem là ít nguy hiểm hơn so với sự im lặng, bởi nếu nhân dân im lặng, sợ rằng họ sẽ giữ mãi trong lòng sự chống đối, trong khi việc tự do lý sự sẽ mở lối thoát và mang lại cho họ một mức độ thỏa mãn nào đó, khiến công việc được tiến hành dễ dàng hơn.”19 Dĩ nhiên, tự do báo chí hoàn toàn không phải là “tự do tha hồ nói và viết những gì mình thích”, bởi lẽ nếu nghĩ như vậy thì cũng không khác gì nói rằng “sự tự do nói chung có nghĩa là muốn làm gì thì làm”, và cách hiểu này là “sản phẩm của lối suy nghĩ còn hoàn toàn thiếu văn hóa, thô lậu và nông cạn”20.
Vào tháng 5-1842, trên tờ nhật báo Rheinische Zeitung, Karl Marx viết rằng có thể có ba loại công chúng khi một nền báo chí sa vào tệ giả dối và tệ tiêu cực: một là nhóm “mê tín về chính trị”, hai là nhóm “không tin tưởng về chính trị”, và ba là nhóm “hoàn toàn quay lưng lại với cuộc sống của quốc gia, biến thành đám người chỉ sống với cuộc đời riêng tư”. Và Marx còn nhấn mạnh rằng nền báo chí ấy “có tác dụng làm suy đồi đạo đức” trong xã hội21.
--------------
* PGS.TS xã hội học.
1Bourdieu, Pierre (1984), Questions de sociologie, Paris, Minuit. Tr. 71.
2,3,4,5Dahrendorf, Ralf (1970), “The Intellectual and Society. The Social Function of the ‘Fool’ in the Twentieth Century” [1953], in Philip Rieff (Ed.), On Intellectuals, New York, Anchor Books. Tr. 53-56.
6,10 Gerth, Hans, and C. Wright Mills (1964), Character and Social Structure. The Psychology of Social Institutions [1953], New York, Harcourt, Brace and World, Inc. Tr. 270-271.
7Berger, Peter L., và Thomas Luckmann (2015), Sự kiến tạo xã hội về thực tại. Khảo luận về xã hội học nhận thức [1966], Trần Hữu Quang chủ biên dịch thuật, giới thiệu và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức. Trang 187.
8, Schumpeter, Joseph A. (2003), Capitalism, Socialism and Democracy [1943], London, Routledge. Tr. 149; tr. 146.
9Mills, C. Wright (1974), White Collar. The American Middle Classes [1951]. London, Oxford University Press. Tr. 143.
11,12Kant, Immanuel (2006a), “An Answer to the Question: What Is Enlightenment?” [1784], in Immanuel Kant, “Toward Perpetual Peace” and Other Writings on Politics, Peace, and History, Yale University Press. Tr.18 - 22.
13Kant, Immanuel (2006b), “The Contest of the Faculties, Part Two. The Contest of the Faculty of Philosophy with the Faculty of Law” [1798], in Immanuel Kant, “Toward Perpetual Peace” and Other Writings on Politics, Peace, and History. Tr.159.
14Habermas, Jürgen (1993), L’Espace public: Archéologie de la publicité comme dimension constitutive de la société bourgeoise [1962], Paris, Payot. Tr. 211-214, tr.224.
15Létourneau, Alain (2001), “Remarques sur le journalisme et la presse au regard de la discussion dans l’espace public”, in Patrick J. Brunet, L’éthique dans la société de l’information, Québec et Paris, Presses Université Laval, L’Harmattan. Tr. 49.
16Lerner, Daniel (1973), “Systèmes de communications et systèmes sociaux”, in Francis Balle et Jean Padioleau (Dir.), Sociologie de l’information, Textes fondamentaux, Paris, Larousse. Tr. 132-133.
17,18,19,20Hegel, Georg W.F. (2010), Các nguyên lý của triết học pháp quyền [1821], Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, Hà Nội, Nxb Tri thức. Tr. 803- 805.
21Mác, Các, và Ph. Ăng-ghen (1995), Toàn tập, Tập 1, Hà Nội, Nxb Chính trị quốc gia. Tr.102-105.




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: