Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Tin tức thế giới



Phần nhận xét hiển thị trên trang
Triều Tiên bày tỏ ‘quyết tâm vững chắc’ mong đợi Hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim
Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về hội nghị thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Triều Tiên bị hủy bỏ tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25/5/2018. (Ảnh: REUTERS / Kim Hong-Ji)
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết hôm Chủ nhật (27/5), giới chức Mỹ đã tới Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh của ông với Kim Jong-un, Triều Tiên bày tỏ “quyết tâm vững chắc” mong đợi cuộc gặp gỡ với tổng thống Mỹ, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các quan chức Mỹ và Triều Tiên đã gặp nhau tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm thuộc khu vực phi quân sự dọc theo biên giới quân sự Triều Tiên – Hàn Quốc.
Tổng thống Trump viết trên Twitter “Phái đoàn Hoa Kỳ của chúng tôi đã đến Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Kim Jong Un và tôi”, chính thức xác nhận việc đến Triều Tiên của các quan chức Hoa Kỳ. “Tôi thực sự tin rằng Triều Tiên là một quốc gia vô cùng có tiềm năng để có thể trở thành cường quốc về kinh tế và tài chính trong tương lai. Kim Jong Un cũng đồng ý với tôi về điều này. Đây là điều sẽ xảy ra!” ông Trump bổ sung.
Xoay quanh cuộc đàm phán, phát ngôn viên Nhà Trắng, bà Sarah Sanders cho biết đã có “một nhóm tiền trạm” tới Singapore – địa điểm dự kiến tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều vào sáng Chủ nhật (12/6) – để thực hiện các công tác hậu cần.
“Phái đoàn Hoa Kỳ của chúng tôi đã đến Triều Tiên để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh sắp diễn ra giữa Kim Jong Un và tôi”, ông Trump viết trên Twitter.(Ảnh: Politico)
Cuộc gặp bất ngờ thứ Bảy giữa ông Moon và ông Kim
Trước đó một ngày, thứ Bảy (26/5) Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã có một cuộc gặp bất ngờ, hai bên đồng ý rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều cần phải được diễn ra.
Cuộc gặp giữa ông Moon và ông Kim cho thấy một bước ngoặt quan trọng trong một tuần thăng trầm về triển vọng của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Đây cũng là dấu hiệu rõ nhất cho thấy những nỗ lực để giữ lại các cuộc đàm phán theo đúng kế hoạch của nhà lãnh đạo hai miền Triều Tiên .
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết, trong cuộc gặp lần hai tại làng Bàn Môn Điếm, ông Kim tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên và vẫn đang lên kế hoạch hội nghị thượng đỉnh với ông Trump.
Ông Moon cho hay: “Lãnh đạo Kim và tôi đồng ý rằng việc tổ chức thành công hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều 12/6 là cần thiết, và trách nhiệm của chúng tôi là kiên định với tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, hướng tới hòa bình”.
Tổng thống Hàn Quốc thừa nhận Bình Nhưỡng và Washington có thể có những cách nhìn khác nhau về ý nghĩa “phi hạt nhân hóa”, ông kêu gọi Mỹ và Triều Tiên tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao để có thể xóa bỏ những bất đồng.
Ngờ vực từ cả hai phía
Giới chức Mỹ hoài nghi về việc ông Kim sẵn sàng từ bỏ hoàn toàn kho vũ khí hạt nhân của mình. Trong khi đó, Triều Tiên không thực sự tin tưởng lời hứa bảo đảm an ninh của Hoa Kỳ.
“Tuy nhiên, trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Hàn, Tổng thống Mỹ Trump đã rõ ràng nhấn mạnh triển vọng nhìn thấy không chỉ trong việc kết thúc mối quan hệ thù địch mà cả những hợp tác kinh tế về sau, với điều kiện Triều Tiên đồng ý phi hạt nhân hóa,” ông Moon cho hay.
Hôm thứ Ba (22/5), ông Moon đã gặp ông Trump tại Washington trong nỗ lực giữ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều diễn ra đúng kế hoạch. Hàn Quốc cũng cho biết hai miền Triều Tiên đang thảo luận về một hiệp ước hòa bình và cam kết không xâm lược nhằm giải quyết các vấn đề an ninh của Bình Nhưỡng trước thềm  đàm phán Mỹ – Triều.
Tuyên bố mới đây được đưa ra bởi cơ quan Thông tấn quốc gia Triều Tiên (KCNA) cho biết  lãnh đạo Triều Tiên bày tỏ “quyết tâm vững chắc” về cuộc gặp với Tổng thống Trump.
============================
Phá hủy Punggye-ri bị nghi ‘làm màu’, Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Triều Tiên
Tỉnh Chagang nằm ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc. (Ảnh: Daily NK)
Triều Tiên đã chọn tỉnh miền núi hẻo lánh Chagang là Đặc khu Cách mạng Songun (tiên quân) làm dấy lên nghi ngờ lễ phá hủy bãi thử Punggye-ri chỉ là chiêu trò “làm màu” của Bình Nhưỡng và Chagang sẽ trở thành địa điểm quan trọng để cất giấu vũ khí hạt nhân.
Phá hủy Punggye-ri bị nghi 'làm màu', Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ đạo các chuyên gia hạt nhân Triều Tiên ngày 3/9/2017. (Ảnh: KCNA)
Trang Daily NK (trụ sở ở Seoul – Hàn Quốc) dẫn nguồn tin cấp cao từ Bình Nhưỡng tiết lộ các quan chức Bộ An ninh Quốc gia Triều Tiên đã được thông báo về quyết định này từ tháng 4.
Theo nguồn tin, Chagang sẽ trở thành “cơ sở chiến lược cho quân đội khi xảy ra chiến tranh hiện đại”. Ông Kim Jong-un đã làm điều đó để tôn trọng di sản của cha và ông nội, vì vậy quyết định đặt tỉnh miền núi này làm Khu vực Cách mạng Songun đặc biệt đã không vấp phải bất kỳ trở ngại nào.
Với diện tích hơn 16.500 km2 và nằm ở biên giới Triều Tiên – Trung Quốc, 98% diện tích tỉnh Chagang là núi. Khu vực này ít dân cư và rất phù hợp để xây công trình ngầm nhằm che giấu kho dự trữ vũ khí và phương tiện, cơ sở nghiên cứu hạt nhân, báo Telegraph nhận xét.
Hầu hết các cơ sở được đặt ở tỉnh Chagang và các vùng sâu vùng xa khác, một phần hoặc toàn bộ ở dưới lòng đất nhằm giảm thiểu thiệt hại trong chiến tranh. Hai trong số các cơ sở bao gồm nhà máy số 65 và nhà máy số 81 ở Junchon, tỉnh Chagang. Khi chiến tranh xảy ra, nguồn nhân công và vật liệu có sẵn sẽ giúp quy trình sản xuất không bị gián đoạn.
Triều Tiên cũng đã mở rộng mạng lưới đường hầm và boongke để giấu tài sản quân sự, cung cấp nơi trú ẩn cho giới chức lãnh đạo trong trường hợp chiến tranh nổ ra, xây dựng các đường hầm nối sang biên giới Trung Quốc.
Nhật báo Nikkei ngày 26/5 dẫn nhận định của các chuyên gia cho biết việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên sẽ khó xác nhận nếu không có sự giám sát chặt chẽ mặc dù nó được tiến hành trước mặt hơn 20 phóng viên quốc tế.
Hãng KCNA hôm 25/5 đã đăng tải các hình ảnh cùng tuyên bố khẳng định bãi thử hạt nhân Punggye-ri đã “bị phá hủy hoàn toàn”.
Thuốc nổ được kích hoạt vào lúc 11h sáng 24/5 ở đường hầm nơi 5 vụ thử hạt nhân gần nhất của Bình Nhưỡng được tiến hành. Tiếp theo đó, hoạt động phá hủy được thực hiện tại một đường hầm mới xây được một nửa, và một đường hầm đã xây xong nhưng chưa sử dụng.
Bằng việc cho nổ tung từ khu vực sâu nhất của đường hầm cho đến cửa hầm, các công trình đã sập đổ, đi kèm theo là khói bụi và tiếng nổ lớn. Các đoạn video được các nhà báo ghi lại đã cho thấy điều đó.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định hình ảnh được đăng tải chỉ chứng minh rằng các cấu trúc gần cửa hầm bị phá hủy, trong khi cấu trúc sâu bên trong vẫn có thể “bình yên vô sự”. Điều này làm dấy lên lo ngại Bình Nhưỡng sẽ cho tu sửa bãi thử.
“Họ muốn chúng tôi chứng kiến các vụ nổ, nhưng chúng tôi chỉ có thể xác nhận họ đã cho nổ tung các cửa hầm. Nếu các đường hầm trong núi vẫn còn tồn tại, bãi thử này có khả năng vẫn được sử dụng cho các vụ thử hạt nhân trong tương lai”, phóng viên Ben Tracy của Đài CBS News(Mỹ) tường thuật.
Cheryl Rofer, một chuyên gia hóa học nói rằng bà rất lấy làm tiếc khi Triều Tiên chỉ mời các nhà báo mà không mời các chuyên gia tới chứng kiến việc phá hủy bãi thử Punggye-ri, theo CNN.
“Các nhà báo Mỹ, Nga, Trung Quốc và Anh được mời đến nhưng chỉ có thể theo dõi sự kiện từ xa, họ không hiểu điều gì đang xảy ra bên trong các đường hầm ở bãi thử”, chuyên gia nhấn mạnh.
Phá hủy Punggye-ri bị nghi 'làm màu', Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Phá hủy Punggye-ri bị nghi 'làm màu', Triều Tiên chuyển vũ khí hạt nhân vào núi sâu
Lễ phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri. (Ảnh: Yonhap)
Các chuyên gia cũng đặt vấn đề về khả năng phát tán phóng xạ tại khu vực này và đặc biệt là hành động tịch thu các dụng cụ đo bức xạ được một số nhà báo đem theo trước khi họ lên đường đi tới Punggye-ri.
Theo lời kể của các nhà báo, chỉ một vài người trong số họ mang mặt nạ, trong khi không ai mặc quần áo bảo hộ.
“Triều Tiên cho phép chúng tôi đi thẳng tới các đường hầm ở bãi thử và nói rằng không có lo ngại gì về phóng xạ. Họ nói rằng họ chưa bao giờ phát hiện phóng xạ tại đây. Tuy nhiên, thứ duy nhất mà họ tịch thu từ hành lý của chúng tôi là thiết bị phát hiện bức xạ”, phóng viên Ben Tracy kể lại.
Đến nay, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên vẫn còn là ẩn số và còn quá sớm để đánh giá tính tích cực và thiện chí của Bình Nhưỡng trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo.
Thùy Linh ?Daikynguyen

Không có nhận xét nào: