Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

NHỮNG NGƯỜI ÁI QUỐC





Luân Lê
24 - 5 - 2018

Ở Mỹ, khi còn là thuộc địa của Anh, với sự kiện người Anh giảm thuế nhập khẩu Trà để bảo hộ độc quyền cho công ty Đông Ấn, nhưng không cho họ có đại diện dân biểu ở Nghị viện, đã làm cho người dân nơi đây phản ứng bằng cách lên tàu và vứt những bao tải trà xuống biển. Nó được gọi là sự kiện Tea Party (tiệc trà Boston). Và nó là nguồn cơn cho nước Mỹ độc lập vào năm 1776.

Ở Ấn Độ, sau khi Anh quốc tăng thuế muối và bảo hộ độc quyền cho mặt hàng này, đã khiến cho Gandhi thực hiện một hành trình muối vĩ đại kéo dài 400km vào năm 1930 và nó đã thu hút được hàng chục vạn người dân nơi đây tham gia cuộc tuần hành (biểu tình) mang tính bất tuân bất bạo động nhằm phản kháng lại hành vi này của đế quốc Anh. Nó đã giúp cho Ấn Độ tiến hành các cuộc đấu tranh thông qua tuần hành và biểu tình để rồi giành được độc lập ít lâu sau đó, năm 1947.

Ở Trung Kỳ, xứ An Nam, năm 1908, cũng đã nổ ra cuộc biểu tình ở Quảng Nam để phản đối sưu cao thuế nặng từ phía thực dân Pháp, nó đã nhanh chóng lan rộng ra nhiều tỉnh khác ở khắp vùng Trung Kỳ. Trong đó có những chí sỹ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp,...Và như nhà báo Huỳnh Thúc Kháng viết: "Suy cuộc cự sưu năm 1908, thuần nhiên là từ sức quần chúng phôi gan trải ruột, đem xương máu chống lại hai chính phủ: chính phủ bảo hộ Pháp và chính phủ bù nhìn Nam triều...Rõ ràng là viên đá móng đầu tiên xây nền dân chủ trong thời quyền còn vững chãi". Tức là người dân cần phải biết đến việc thực thi các hành vi chính trị được gọi là dân quyền thì mới mong xây dựng được một xã hội văn minh và bảo vệ được vị thế làm chủ quốc gia của mình.

Ở Armenia, sau khi chính quyền nước này tăng giá điện lên cao, hàng trăm ngàn người dân đất nước này đã đồng loạt biểu tình để phản đối việc tăng giá gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống hàng ngày của họ, và nó đã đem lại kết quả là tổng thống nước này phải từ chức và giá điện đã được giữ nguyên như trước đó.

Còn chúng ta đã liên tiếp tăng giá xăng, dầu lên cao trong thời gian qua mà không có dấu hiệu dừng lại hoặc cho thấy rằng môi trường sẽ được bảo vệ trong khi tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng từ nguồn nước, không khí đến chất thải sinh hoạt. Mà người dân thì vẫn cứ lầm lũi coi đó như một nghĩa vụ mà không biết cất lên tiếng nói phản đối hoặc chỉ là nêu lên quan điểm của mình về những hành vi chính trị đó của nhà nước.

Nhưng lạ một điều là, mặc dù hầu hết dân chúng luôn nói thầm với nhau rằng "họ biết cả đấy", thậm chí chửi rủa hoặc chê bai không ngớt lời đối với các chính sách được ban ra cũng như tình trạng tha hoá của hệ thống quyền lực đang vận hành, nhưng để coi đó là một hành vi chính trị chính đáng và công khai thì họ lại "không dám vì sợ hãi" hoặc "có thay đổi được gì đâu mà lên tiếng". Vậy họ chửi bới hay nguyền rủa ở xó xỉnh nào và với đám người nào một cách lén lút thì để làm gì và có ích gì? Mà rồi các tiêu cực và bất công nó vẫn cứ diễn ra trước mắt và mỗi ngày. Nhưng họ từ khước giá trị tiếng nói và vị thế của chính họ như những kẻ chỉ biết nô lệ là một bổn phận tối cao vậy.

Và với những nhân dân kiểu như thế, họ lấy đâu ra dũng khí để chống lại những hành động xâm lăng và bành trướng từ các quốc gia khác, khi hiển hiện trong đầu họ là sự ươn hèn và sự ích kỷ đến vô cảm của mình trước đất nước mà họ đang sống trong? Những kẻ không trung thực và hèn nhược thì cũng không thể trung thành, mà chúng sẽ tìm cách để trục lợi và rồi sẽ sẵn sàng phản bội lại ngay cả với chính những kẻ đã cùng một chiến tuyến hay bè phái với chúng khi lợi ích của chúng bị đe doạ hoặc trở nên đối nghịch nhau. Những kẻ ươn hèn thì không thể đặt niềm tin, vì chúng sẽ trốn chạy đầu tiên và sẽ hãm hại người khác để giành lấy sự an toàn cho chính chúng. Và do đó, tổ quốc là mảnh đất chỉ để chúng ký sinh cho hết cái đời sinh học của mình. Khác chi loài sâu, kiến.

Quyền lợi chính đáng mà không dám bày tỏ và đấu tranh công khai thì chỉ có thể lén lút làm những điều khốn tệ mà thôi.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: