Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018

VẤN ĐỀ BA ĐẶC KHU CẦN QUAN TÂM SÂU SẮC !


 Ảnh: Một cảnh lễ trao trả Hồng Kông choTrung Quốc. 
Ảnh chụp tại Hồng Kông ngày 01/7/1997.
 
Nguyễn Phan Khiêm

NHƯỢNG ĐỊA

Bàn về dự án luật đặc khu kinh tế, đại biểu Dương Trung Quốc dẫn chứng khu Vân Đồn, giao cho nhà đầu tư thời hạn đến 99 năm thì điều gì sẽ xảy ra? Nhà sử học cho rằng, trên thế giới, người ta sẵn sàng bỏ ra số tiền rất lớn để mua cảng, mua vùng đất.

“Tôi nhắc lại 99 năm – chúng ta hết sức cẩn trọng. Tôi đề nghị khi lấy biểu quyết, nên có một biểu quyết riêng. Ai đồng ý với 99 năm? Tôi rất mong Quốc hội nên có hình thức minh bạch ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Chứ bấm nút này chúng ta chỉ có con số chung chung thôi. Vì chúng ta phải chịu trách nhiệm với tương lai, với cử tri đã bầu ra mình. Tất cả chúng ta phải bày tỏ ý kiến của mình trên những vấn đề nhạy cảm và quan trọng”.

Ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Xét thấy lãnh thổ của 3 đặc khu đều liên quan đến biển đảo, đến hàng chục ngàn ki-lô-mét vuông lãnh hải vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta, liên quan chặt chẽ đến chủ quyền trên biển. Vân Đồn, đến Hải Nam chỉ có 200 hải lý; vịnh Vân Phong rất gần với quần đảo Trường Sa, tôi đề nghị quy định rõ việc đầu tư có sử dụng khai thác vùng biển và tài nguyên nước phải tuân theo Luật Biên giới, Luật Biển và Luật Tài nguyên nước.

Do đó, ông Nghĩa đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm và nói : “Theo tôi, thời hạn này ngang với 3-4 thế hệ con người, thực chất là hình thức nhượng địa mà hiện nay chỉ những đất nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến”.

Đại biểu dùng một từ gây chấn động tâm tư là “nhượng địa”. Ta nhớ rằng dưới sức ép của thực dân Pháp, năm 1883, triều đình Huế buộc phải ký “Hiệp ước hòa bình” chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Trung Kỳ. Trong đó, ngoài việc phải mở cửa Đà Nẵng để thông thương còn quy định rằng Pháp được phép lập các khu nhượng địa ở Đà Nẵng. Hà Nội cũng từng có khu nhượng địa của Pháp.

Nhà Thanh từng nhượng Hồng Kông và Cửu Long cho Anh sau chiến tranh Nha phiến; và sau khi bại trận trong Chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất, đảo Đài Loan bị nhượng lại cho Nhật Bản năm 1895…

Trên FB Hoàng Hải Vân, có dẫn ý kiến GS Trần Văn Thọ nói: “Tôi thấy không cần đặc khu kinh tế nữa, phải chi làm từ hồi đầu thập niên 1990, lúc đó mới cần và hiệu quả hơn. Các địa điểm chọn lựa cũng có vấn đề. Riêng Vân Đồn, rất gần Hải Phòng là nơi đã có sân bay, có đầy đủ hạ tầng và đang thu hút đầu tư nước ngoài khá manh. Tôi có đến Vân Đồn hai năm trước và có hỏi ý kiến nhiều công ty lớn của Nhật, hầu hết họ không quan tâm. Vậy khả năng Trung Quốc nhảy vào Vân Đồn rất cao. Trung Quốc không cần tính toán kinh tế”.

Vấn đề ba đặc khu cần quan tâm sâu sắc các bác ạ.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: