Tổng thống Moon Jae-in đã gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lần 2 tại Bàn Môn Điếm chiều nay
Ảnh: Reuters/CNN
Hai nhà lãnh đạo Moon Jae-in và Kim Jong-un đã có cuộc tiếp xúc khoảng hai tiếng đồng hồ tại Bàn Môn Điếm.
Hãng thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap đưa tin, Tổng thống Moon Jae-in đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại lầu Thống Nhất, Bàn Môn Điếm vào chiều nay trong khoảng 2 giờ đồng hồ (từ 15 giờ đến 17 giờ, giờ địa phương).
"Hai nhà lãnh đạo đã thẳng thắn trao đổi ý kiến về việc thực hiện Tuyên bố Bàn Môn Điếm được ký kết ngày 27/4 và lên phương án nhằm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều thành công", ông Yoon Young-chan, Thư ký báo chí của Tổng thống Moon Jae-in tiết lộ.
"Căn cứ theo thỏa thuận của hai bên, Tổng thống Moon sẽ công bố kết quả của cuộc họp hôm nay vào lúc 10 giờ sáng Chủ nhật", ông Yoon Young-chan nhấn mạnh.
Theo trang NK News, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên, bà Kim Yo-jong và một số quan chức cấp cao hai nước như lãnh đạo tình báo Hàn Quốc Suh Hoon, tướng tình báo Triều Tiên Kim Yong-chol cũng tham dự cuộc họp chiều nay tại Bàn Môn Điếm.
Đây là cuộc gặp khá bất ngờ của hai ông Kim-Moon sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào ngày 12/6 tới tại Singapore.
Đáp lại quyết định đột ngột của ông Trump, phía Triều Tiên đã có phản ứng khá nhũn nhặn và khẳng định Bình Nhưỡng vẫn sẵn sàng tham gia đối thoại trực tiếp với Washington. Chưa đầy 1 ngày sau khi đưa ra quyết định hủy họp với ông Kim, ông Trump dường như lại đổi ý và để ngỏ khả năng cuộc gặp thượng đỉnh vẫn có thể diễn ra theo đúng kế hoạch. "
"Chúng tôi đang có các cuộc đàm phán rất hiệu quả cùng với Triều Tiên về việc tiếp tục thực hiện kế hoạch tổ chức Thượng đỉnh Mỹ-Triều. Nếu chúng tôi đàm phán thành công, thì cuộc gặp rất có thể sẽ tiếp tục được tổ chức tại Singapore vào ngày 12/6, hoặc dời sang một ngày khác", Tổng thống Mỹ nói.
=============================
Tổng thống Nga nói gì với Tổng thống Pháp trong cuộc gặp kéo dài gấp đôi dự kiến?
Tổng thống Pháp - Nga gặp mặt trong chuyến thăm chính thức tại Nga. (Ảnh: Tass)
Cuộc nói chuyện giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kéo dài 4 tiếng đồng hồ thay vì chỉ 2 tiếng như kế hoạch.
Ngày 25/5, Tổng thống Nga Putin tiếp đón người đồng cấp Emmanuel Macron trong chuyến thăm đến Nga chính thức hai ngày. Lãnh đạo Pháp – Nga gặp nhau tại điện Constantine ở thành phố St. Peterburg để thảo luận các vấn đề quan hệ song phương và vấn đề toàn cầu, bao gồm tình hình ở Syria, Ukraine cũng như thỏa thuận hạt nhân Iran.
“Chúng tôi là những nước có vị trí đặc biệt trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc với tư cách thành viên thường trực” – ông Macron nói. “Tôi tin rằng chúng tôi có thể tìm được tiếng nói chung về tất cả các vấn đề, dù là Ukraine, Trung Đông, Iran hay Syria."
Cuộc trò chuyện kéo dài 4 tiếng thay vì 2 tiếng như dự kiến. Ông Putin miêu tả các đối thoại với Tổng thống Pháp là “khá hữu ích”, với không khí “cởi mở và giống như trong công việc”. Trong khi đó Tổng thống Macron nói cuộc gặp rất trực tiếp và thẳng thắn, bên cạnh đó rất “có kết quả”.
Cũng trong chuyến thăm chính thức của Tổng thống Pháp đến Nga, lãnh đạo hai bên ký một loạt thỏa thuận trị giá khoảng 1 tỷ euro, theo đại diện Quỹ đầu tư trực tiếp Nga RDIF Kirill Dmitriev.
Tương lai của thỏa thuận hạt nhân Iran JCPOA sau khi Mỹ đơn phương rút lui được cho là một trong những vấn đề chính trong cuộc thảo luận. Lãnh đạo Nga – Pháp qua đó tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với việc duy trì thỏa thuận đa phương này.
Ông Putin cho biết đã gặp Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và được xác nhận rằng Iran đã tuân thủ các cam kết trong JCPOA. “Chúng tôi chào đón ý định không chỉ của Pháp, mà của cả liên minh châu Âu, về việc duy trì thỏa thuận này. Chúng tôi hiểu điều đó là không dễ dàng” – ông Putin nói, cảnh báo rằng chấm dứt thỏa thuận có thể gây ra hậu quả đáng tiếc.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp xác nhận nước này và các quốc gia châu Âu cam kết duy trì JCPOA, nhưng thỏa thuận cần được bổ sung các điều khoản khung cho chương trình hạt nhân của Iran sau năm 2025, cũng như chương trình tên lửa và các hoạt động trong khu vực. Ông Macron cho biết đã bắt đầu thảo luận những vấn đề này với Tổng thống Iran Hassan Rouhani.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét