Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Tái bản: Bầu trời chiều ẩn giấu (ebook)


Anh ngồi, viết những mẩu giấy nhỏ
Chưa bao giờ em biết
Vì anh chẳng gửi đi 
Lời bài hát “Lại một bài tình ca nữa” của nhóm Gạt Tàn Đầy –
Hát cho những tháng ngày khó khăn, em biết đi tìm thức ăn, cho cả anh 
Em lại gần đây anh hát cho nghe, hát cho những đêm đông khó khăn
Em đến bên ai đắp chăn mà ngủ quên
Lời bài hát “Cho” của nhóm Ngọt –

Tôi mới “tái bản”, “có sửa chữa và bổ sung”, cuốn Bầu trời chiều ẩn giấu. Các bạn có thể download (miễn phí): bản để đọc trên thiết bị di động ở đây, và bản để in ra giấy ở đây. Cám ơn Long Trần một lần nữa gia công ebook này.
Để tiện cho những bạn đã đọc phiên bản trước, tôi list ra dưới đây các bổ sung và số trang kèm theo.
Lúc đầu tôi chỉ định sửa chữa các sai sót của cuốn sách. Nhưng rồi lỡ tay viết thêm có hai câu ngắn về năm diệu kỳ của Einstein, nên thành ra phải bổ sung thêm khá nhiều đoạn vào nhiều chỗ khác nhau trong cuốn sách.
Đó là năm 1905, Einstein lúc này mới 26 tuổi, đăng liền tù tì 4 bài báo khoa học. Ba trong 4 bài này đều xứng đáng đoạt khoảng 30 giải Nobel Vật lý (và triết học, nếu có giải Nobel như vậy).
Bài đầu tiên là công trình nghiên cứu của Einstein về hiệu ứng quang điện. Bài này góp phần đặt nền tảng cho vật lý lượng tử, và là công trình mang lại cho Einstein giải Nobel. Bài thứ ba là thuyết tương đối hẹp (đến nay vẫn là thuyết khó hiểu nhất của Einstein). Bài thứ tư là quan hệ vật chất khối lượng với phương trình E=mc2 nổi tiếng. (Xem trang: cuối 13 và đầu 14.)
Từ đoạn bổ sung ngắn ngắn này, đâm ra phải viết thêm vài đoạn nữa. Xin liệt kê dưới đây để bạn những bạn đã đọc edition cũ nhanh chóng dò tìm những đoạn được bổ sung.
+ Đoạn về Minkowski, thầy giáo hồi đại học của Eintstein. Minkowski là người hoàn thiện thuyết tương đối hẹp vào năm 1908 (nay được biết với tên “không gian Minkowski”). Trong đoạn này có nói đến Null Geodesics, một khái niệm quan trọng của spacetime. (Trang 41 và 42.)
+ Một đoạn dài về de Broglie, người sử dụng hiệu ứng quang điện và thuyết tương đối hẹp để phát triển lý thuyết lượng tử của mình, trong đó có công trình đoạt giải Nobel, và một công trình về sau được David Bohm tiếp nối. (Xem trang 20 và 21.)
+ de Broglie liên quan đến thí nghiệm khe hẹp với photon đơn và giao thoa electron, nên vài thông tin về hai thí nghiệm này cũng đã được thêm vào.
+ Do thuyết Broglie-Bohm liên quan đến John Bell, một siêu nhân được các bạn đam mê Phật pháp quan tâm, nên có bổ sung một đoạn ngắn về John Bell và thực nghiệm của Alan Aspect (là lý thuyết và thực nghiệm chứng minh lượng tử là phi định xứ). (Xem trang 21.)
+ Rồi tính phi định xứ sau này lại bị một số nhà vật lý, ví dụ Leonard Susskind, bác bỏ bằng chứng minh toán học, trong lúc các nhà vật lý khác, như Roger Penrose vẫn thấy ok. Các quan điểm khác nhau này đều được thêm vào rải rác trong cuốn sách. (Xem trang 21.)
+ Phần phi định xứ (nonlocality) này cũng được thêm vào phần ER=EPR trong bài về Hawking. Bài này được đưa vào sách thành một chương riêng (Chương 5). Chương này tất nhiên có liên quan đến phần lượng tử của Heisenberg ở Chương 2. (Hơi tiếc là lẽ ra nói đến Heisenberg thì phải thêm một chút về khai triển Fourier, và nói đến Schrödinger thì phải thêm một chút về phương trình Klein-Gordon. Nhưng có lẽ để phiên bản sau.) (Chương 5 này bắt đầu từ trang 40.)
+ Ở Chương 2, tôi có đưa vào một đoạn rất ngắn, giải thích nôm na về phương trình Schrödinger, cả dạng tường minh và dạng trừu tượng (và do đó có nhắc đến ket vector và bra vector của Dirac). (Xem trang 16.)
+ Trước đó tôi có thêm một chút về Max Born và việc ông này mãi mới được giải Nobel (dù ông có công đặt nền tảng cơ lượng tử cùng Heisenberg). (Xem cuối trang 14.)
+ Tôi cũng thêm một đoạn ngắn về phương trình trường Einstein (thuyết tương đối tổng quát) với các giải thích nôm na về ý nghĩa hai vế của phương trình. (Xem trang 25.)
Nhưng hơi tiếc là trong phiên bản này tôi chưa nói được về phương trình Friedmann, và qua đó nói thêm về sự tiếc nuối của các nhà vật lý rằng lẽ ra Newton phải phát hiện được vũ trụ giãn nở, thay vì tĩnh tại, và nếu Newton làm được như thế (thay vì đi đầu tư chứng và mất tiền) thì vật lý nói chung và vũ trũ học nói riêng chả cần đợi đến tận thời của Hubble). (Tuy nhiên có thể xem thêm ở cuối bài này)
+ Tuy vậy, ở phần trước khi nói đến phương trình Einstein, tôi có phải thêm một đoạn ngắn khác viết về tính bất ổn định của nghiệm Friedmann. (Xem trang 12.)
+ Mà đã nói về Friedmann, lại phải thêm một đoạn ngắn về George Lemaitre, vị linh mục dòng Tên kiêm nhà vật lý lý thuyết, người đề xuất, và là cha đẻ của thuyết Big Bang, mà trong đó vũ trụ đang giãn nở. Đoạn này góp phần làm dễ hiểu hơn về ý nghĩa các phát hiện của Hubble, của hằng số vũ trụ lambda, ý nghĩa của “năng lượng tối”. (Xem trang 12.)
+ Bởi vì phần “năng lượng tối” được bổ sung, nên “phần vật chất tối” cũng được thêm một ít.
+ Vì cuốn sách này nói nhiều đến thuyết dây nên lần này hai thuyết khác cạnh tranh với thuyết dây cũng được bổ sung thông tin, đó là quantum gravity và twistor theory. (Xem trang 39.)
+ Mà đã nói đến twistor theory và mô hình vũ trụ luân hồi (cả hai đều của Roger Penrose) nên tôi cũng có một chút bổ sung các ý tưởng kỳ lạ của nhà vật lý lão thành và kỳ lạ này.
+ Cuối cùng phần viết về nền khoa học tự nhiên của thế giới Ả rập, tôi có bổ sung thêm chữ “giải thuật” là từ tên của nhà khoa học Arap, ông ông al-Khwārizmī, cũng như chữ “đại số – algebra” là tên một cuốn sách của ông này, cuốn al-jabr. (Xem trang 8.)
Ở phần Lưỡng Hà tôi cũng thêm phần tại sao trong tiếng Việt thì Sunday lại là Chủ nhật. (Xem trang 10.)
Tôi cũng đã upload phiên bản mới vào đường link trong entry giới thiệu phiên bản trước của cuốn sách này.
Hy vọng Bầu trời chiều ẩn giấu, Edition 2018 vẫn tiếp tục được bạn đọc yêu thích, bằng hoặc hơn phiên bản cũ.
Xu béo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: