Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

TIN TỨC THẾ GIỚI


Ông Kim Jong-un đồng ý gặp Tổng thống Donald Trump tại Bàn Môn Điếm

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 1/5 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm nay nói rằng, ông thích ý tưởng gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên tại Bàn Môn Điếm.
Hình minh họa, nguồn: Yonhap News.
Tổng thống Donald Trump nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Nigeria:
"Chúng tôi đang xem xét các địa điểm khác nhau, bao gồm Singapore, và chúng tôi cũng đang đề cập đến lựa chọn khu phi quân sự, Nhà Hòa Bình / Nhà Tự Do và có điều gì đó tôi thấy hấp dẫn."
Tổng thống Mỹ cũng đã trao đổi điều này với ông Moon Jae-in.
Trước đó ông Donald Trump viết trên Twitter:
"Nhiều quốc gia đang được cân nhắc cho cuộc gặp này;
Nhưng có lẽ là Nhà Hòa Bình / Nhà Tự Do trên biên giới Nam - Bắc Triều Tiên mang tính đại diện, quan trọng và bền vững hơn cả bên thứ 3? Hãy tự hỏi.
Hoa Kỳ chưa bao giờ tiến gần hơn khả năng có điều gì đó xảy ra với bán đảo Triều Tiên như lúc này. Có thể loại bỏ vũ khí hạt nhân, có thể tạo ra rất nhiều điều tốt đẹp, rất nhiều điều tích cực, hòa bình và an ninh cho thế giới.
Nhưng chúng ta sẽ thấy. Tôi xin nói điều này, nếu nó không thành công, tôi sẽ ra về. Nó rất đơn giản"
Cho đến nay, ông thấy nhà lãnh đạo Kim Jong-un rất cởi mở, rất chân thật.Tổng thống Donald Trump vẫn tin tưởng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra và sẽ thành công.
Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã hoan nghênh thông tin ông Donald Trump xem xét địa điểm Bàn Môn Điếm:
"Chúng tôi nghĩ Bàn Môn Điếm rất có ý nghĩa như một nơi xóa bỏ sự chia rẽ và xây dựng cột mốc mới cho hòa bình. Đây sẽ là địa điểm mang tính biểu tượng nhất." [2]
Trong một động thái khác có liên quan, cựu Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc - vợ cố Tổng thống Kim Dae-jung đã đề nghị nên trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Moon Jae-in.
Ông Kim Dae-jung đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2000 sau hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-il.
Tổng thống Moon Jae-in đã phản đối đề xuất này và nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể nhận giải Nobel Hòa Bình, miễn là người Hàn Quốc nhận được sự bình yên.
Ông Moon Jae-in nói: "Điều duy nhất mà chúng ta cần là hòa bình".
Trong tuần này, Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ hệ thống loa phóng thanh công suất lớn lắp đặt tại biên giới hai miền để phục vụ chiến tranh tâm lý, phía Triều Tiên cũng hành động tương tự.
========================

Trung Quốc lặng lẽ cài đặt tên lửa bất hợp pháp ở Trường Sa

Đài CNBC ngày 2/5 (3/5 giờ Hà Nội) đưa tin, Trung Quốc đã lặng lẽ cài đặt (bất hợp pháp) tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa phòng không trên 3 đảo nhân tạo họ xây dựng (trái phép) ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Động thái này cho phép Bắc Kinh tiếp tục tăng cường quân sự hóa và khả năng kiểm soát khu vực, theo các nguồn thạo tin từ báo cáo tình báo của Hoa Kỳ.
Đánh giá của báo cáo tình báo Hoa Kỳ cho thấy, các hệ thống tên lửa này mới được cài đặt trong vòng 30 ngày qua.
Tên lửa hành trình chống hạm YJ của Trung Quốc, hình minh họa, nguồn: Twitter.
Việc lắp đặt tên lửa diễn ra sau khi cài đặt các thiết bị tác chiến điện từ gây nhiễu quân sự, có thể được sử dụng để làm gián đoạn các hệ thống truyền thông và ra đa đối phương.
Lắp đặt hệ thống tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không tại các địa điểm này là một bổ sung đáng kể vào danh mục quân sự hóa mà Bắc Kinh triển khai tại một trong những khu vực "tranh cãi nhất thế giới".
Hoa Kỳ vẫn trung lập, nhưng bày tỏ lo ngại về những tuyên bố chủ quyền chồng chéo lên quần đảo Trường Sa.
Các nguồn tin cho hay, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa phòng không đã được Trung Quốc bố trí lên các đảo nhân tạo ở Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn.
Tên lửa hành trình là loại YJ-12B có tầm bắn 295 hải lý được sử dụng để tấn công các tàu chiến mặt nước.
Còn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa mới được lắp đặt là HQ-9B với tầm bắn 160 dặm nhằm vào các mục tiêu máy bay không người lái, máy bay quân sự và tên lửa hành trình đối phương.
Những vũ khí này cũng đã xuất hiện trong các bức ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam; hiện quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp).
Nhà nghiên cứu Gregory Poling, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nói với CNBC, bất cứ vũ khí nào nhìn thấy ở Phú Lâm cuối cùng cũng sẽ hiện diện trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa.
Trong một động thái khác có liên quan, Tân Hoa Xã ngày 3/5 đưa tin, Trung Quốc đã sử dụng 2 tàu lặn để nghiên cứu vùng biển sâu ở Biển Đông.
Đây là lần đầu tiên 2 tàu lặn biển sâu do Trung Quốc chế tạo, được sử dụng để nghiên cứu, tìm kiếm các khu vực chứa khí đốt tự nhiên và các lĩnh vực khoa học khác.
============================

Trung Quốc lo sợ Triều Tiên thống nhất đến mức nào?

Trong dư luận quốc tế bấy lâu nay vẫn có những ý kiến cho rằng Trung Quốc chính là “thủ phạm” ngăn cản sự thống nhất 2 miền Triều Tiên và biến nửa phía Bắc của bán đảo này thành một “bộ lạc” phụ thuộc nhằm phục vụ cho các mục đích kinh tế – chính trị của mình.
Cũng khó có thể phủ nhận hoàn toàn quan điểm này bởi ngay từ thời cố chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il còn nắm quyền, Trung Quốc đã rất tích cực đổ tiền vào đất nước này với những lợi ích kinh tế ngày một lớn và lộ rõ ý đồ muốn biến Triều Tiên thành một “thuộc địa” ngay tại thế kỷ 21. Để đảm bảo các lợi ích kinh tế lâu dài của mình, chắc chắn Trung Quốc sẽ cản trở việc thống nhất 2 miền Triều Tiên.
Nhưng theo phân tích của tờ Washington Post, dù lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Triều Tiên ngày càng đóng vai trò quan trọng thì nó cũng không thể nào sánh được với những lợi ích mà quốc gia đông dân nhất thế giới này thu được khi làm ăn với Mỹ hay châu Âu. Dù với danh nghĩa nào thì chính quyền Trung Quốc cũng tập trung vào Triều Tiên để đảm bảo cho chính họ chứ không vì ai khác. Thêm vào đó, nếu nhìn vào giả thiết này người ta sẽ thấy những gì (thuộc về kinh tế) mà Trung Quốc thu được từ Triều Tiên vẫn là con số âm. Trong suốt 30 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư vào bán đảo Triều Tiên hàng tỷ USD dưới dạng viện trợ trực tiếp.
Nhưng hàng tỷ USD đấy để thu về cái gì? Đó chính là những giá trị vô hình về an ninh quốc gia và sự chắc chắn của Trung Quốc trong vị trí trên trường quốc tế. Cũng theo quan điểm của tờ tạp chí Washington Times, có thể Triều Tiên vẫn chưa nhận ra bộ mặt thực của người láng giềng tốt này khi Trung Quốc chỉ coi Triều Tiên là một tấm đệm hay là một lá chắn để họ chống lại những quốc gia phương Tây mà đặc biệt là Mỹ. Nhưng việc Triều Tiên có nhận ra điều đó hay không cũng không quan trọng bởi họ đã quá quen với việc nhận tiền và được tự theo đuổi mục đích của mình cũng giống như việc Trung Quốc theo đuổi ý đồ của chính họ.
Mối quan hệ này cũng đã bắt đầu rạn nứt. Một số chuyên gia về Đông Á đã khẳng định rằng sự tồn tại của “triều đại Kim” có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của các chính sách đối ngoại của Trung Quốc và vị thế của Trung Quốc sẽ bị lung lay dữ dội nếu Triều Tiên chủ động chấm dứt mối quan hệ này. Có điều việc đó sẽ chưa thể sớm diễn ra bởi cả Trung Quốc và Triều Tiên đều đang vui vẻ với việc “trở thành con tin của nhau” hay nước nọ phụ thuộc vào nước kia để theo đuổi các mục đích của chính mình.
Nếu Trung Quốc lỏng dây cương với Triều Tiên, nước này sẽ phải đối mặt với một tình trạng rất nguy hiểm. Khi đó những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc của Triều Tiên sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước phương Tây với những thỏa thuận hậu hĩnh hơn rất nhiều so với khi “chơi” với Trung Quốc như hiện nay. Đó là chưa kể việc khi Triều Tiên được mở cửa và “quốc tế hóa”, họ sẽ đưa con bài hạt nhân ra để đàm phán với cả Trung Quốc.
Cũng theo bình luận trên tờ Washington Post, đừng ai nghĩ là Triều Tiên đang quá “hồn nhiên và ngây thơ” để Trung Quốc điều khiển. Thực tế là quốc gia này có khá nhiều thứ để buộc Trung Quốc phải tôn trọng họ và sẵn sàng cho Trung Quốc “nếm mùi đau khổ” nếu đột nhiên trở nên hiếu chiến quá hay thò bàn tay vào can thiệp quá sâu trong chính trường Triều Tiên. Trong số những thứ vũ khí bí mật ấy, chắc chắn Trung Quốc cũng rất e ngại kho hạt nhân và chương trình tên lửa đầy tham vọng của Triều Tiên. Bằng một cách khéo léo, Trung Quốc sẽ biến Triều Tiên thành một quốc gia phụ thuộc vào họ để từ đó dùng thành một quân bài để mang ra mặc cả với Nga, Nhật, Hàn Quốc hay Mỹ.
Một bán đảo Triều Tiên thống nhất, đó sẽ là “thảm họa” đối với Trung Quốc vì khi đó, một nền kinh tế năng động, hiện đại và phát triển cao của Hàn Quốc được hỗ trợ bởi tiềm năng quân sự đáng gờm của Triều Tiên, sẽ chẳng còn bất cứ quốc gia nào chịu “làm thân” với Trung Quốc và họ sẽ cô độc hơn bao giờ hết. “Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến Trung Quốc ngăn cản bằng được mọi tiến trình hòa giải, thống nhất 2 miền Triều Tiên”, Washington Post kết luận.
Nhưng rủi ro cũng sẽ đi kèm với cơ hội và ngược lại. Nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất, hòa bình, yên ổn, chắc chắn họ cũng sẽ không “ngả về Mỹ” để tìm kiếm sự an toàn như hiện nay và đó cũng là cái đích mà Trung Quốc muốn hướng tới. Những ngày qua, khi Triều Tiên liên tục tỏ thái độ hung hăng, chính Trung Quốc cũng rất lo lắng bởi sẽ chẳng có cái cớ nào tốt hơn để Mỹ có thể can thiệp sâu vào khu vực này bằng những lời dọa dẫm của Kim Jong-un nên trong một sự kiện hiếm hoi, Trung Quốc đã tán đồng nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Theo INFONET (2013)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: