Câu chuyện về dự án “đổi đất lấy cơ sở hạ tầng” ở một địa phương với những thành công và hệ lụy của nó đang là hiện thực ấm nóng. Diễn biến số phận của một dự án – từ nghị quyết, quy hoạch đến triển khai - dưới sự điều hành của giới chức sắc sở tại, đó là cả một cuộc cờ ly kỳ và gay cấn làm sao? Mà giới chức sắc đó được tác giả Phạm Quang Long không ngại gọi thẳng tên: họ ở cấp tỉnh và trên nữa.
Ngay từ đầu sách, tác giả đã tạo nên một tình huống rất gợi tò mò: đang ngủ với bồ non tại một khách sạn xa vắng thì nhận được điện của thượng cấp hẹn gặp, Thân liền có cách ứng phó khôn ngoan: mất liên lạc với cậu lái xe riêng thì thuê xe ngoài, về ngay trong đêm, vừa che giấu được hành tung, vừa chiều nịnh được thượng cấp...
Những con đẻ của thời buổi
Rồi tiếp theo, qua từng chương từng chương một, bạn đọc lần lượt mục kích hàng loạt nhân vậtlà “con đẻ của thời buổi”. Họ có chung một nhân thân: đều là những người không phải bỏ tiền nhà đi du học tự túc, mà được cử tuyển ra nước ngoài học tập, rồi mang bằng sắc trở về làm việc và hiện được giao trọng trách ít ra cũng đứng đầu ngành ở tỉnh.
Đó là Thân,chủ tịch,người đứng vào chân thứ nhất, thứ hai của tỉnh. Với thượng cấp, Thân cài đặt điện thoại cho “tiếng chuông của anh thật khác để khi anh gọi, em nhận ra ngay” và với thuộc hạ thì “cứ làm ra vẻ lành lạnh, vẫn giữ cái khoảng cách trên dưới vừa đủ để không có lý do xích lại gần hơn”... Thân sống theo phương châm “lùi lại sau cũng có người để ý. Vậy thì cứ giữa đám đông mà đứng lẫn vào mọi người, cứ tan vào đám đông như thế, chả ai nhận ra mình là khôn ngoan nhất”. Và Thân khuynh loát đời sống kinh tế – xã hội của tỉnh Bình Nguyên theo ý của mình, màchỉ tính riêng phần được chia trong cái dự án này Thân cũng có được cỡ trăm tỉ...
Đó là Đô, giám đốcSở Kế hoạch đầu tư, có tínhthích cái gì là sẽ làm cái ấy. Thuở thiếu thời sống với ông bố “gà trống nuôi con”, nhưng khi được ra nước ngoài làm tiến sĩ, Đô tìm hiểu và tổ chức đám cưới luôn bên ấy cho gọn, khi về nước dứt khoát không cầm đồng nào của bố, mà tự túc tự tác ra tậu nhà ở riêng. “Với mọi người, bao giờ Đô cũng giữ khoảng cách. Với vợ cũng vậy. Sao không sống cho mình mà lại cứ phải cho những thứ chả liên quan gì đến mình hay chả đem lại lợi lộc gì cho mình? Phải cho mình trước hết”.Trong công việc làm ăn, Đô có một cá tính nữa: “không bao giờ chê tiền nhưng lại phải rõ ràng. Tiền người ta cám ơn mình hay tiền chia chác vì công việc lại đi một nhẽ. Tiền cám ơn nhiều hay ít phải tùy thuộc vào những việc Đô làm cho họ. Còn tiền chia chác thì lại phải sòng phẳng”.
Hai nhân vật này đáng được liệt vào hàng quái kiệt, cùng với một “chân kiềng” của họ là chủ đầu tư Lân. Từ một tay chuyên gia “đánh hàng” ở Đông Âu,Lân về làm việc cho nhà nước thời gian ngắn, nhảy ra mở công ty tư nhân,buôn bán ô tô giá rẻrồi mở rộng đầu tư sang lĩnh vực địa ốc, ngân hàng, khai mỏ. Nghe lời anh Hai (vị này không lộ diện, chỉ biết là thượng cấp của Thân và hợp cạ với Đô), Lân “liên doanh, liên kết với một cơ quan nhà nước nào đó, phối hợp làm ăn. Mà chỉ dựa được vào hai chỗ thôi. Dựa vào anh, tức là dựa vào thể chế, chính quyền. Thứ hai là dựa vào ngân hàng. Chính quyền cho ta quyền được hành động, cho ta cơ chế. Ngân hàng cung cấp cho ta tiền để hoạt động”.Lân làm ăn kín cạnh mà cũng bí hiểm,cửa nào cũng lọt... Họ hợp thành bộ ba, là đầu trò của vụ biến báo nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân khóa trước, thay đổi mục đích sử dụng gần ngàn hecta đất và rừng sang dự án Thành phố Bình Minh, chia lô xây biệt thự để bán, nhưng đằng sau đó là khai thác gỗ rừng và đá đỏ ở núi Sằn, nơi có trữ lượng và chất lượng không thua kém gì ở Quỳ Hợp và Yên Bái.
Thâm nhập một đường dây làm ăn xuyên Việt, tác giả Phạm Quang Long ít dùng thủ pháp trực kể, mà chú trọng khắc họa chân dung các yếu nhân bằng chính những suy nghĩ, độc thoại, đối thoại của họđặng lột trái nội tâm của nhóm người “danh chính tâm tà”, dùng quyền bính vào những việc mưu lợi cho mình.
Những chiêu thức ma quái
Ở cương vị đã có, những nhân vật chấp chính trong Cuộc cờ không đặt lợi ích của xã hội, của cộng đồng lên trên hết, mà chỉ lo “ấm thân”. Và lạ làm sao - họ giống nhau ở chỗ không có ý muốn thăng tiến. Như Thân chẳng hạn, không thích lên cao hơnnữa - vào hàng trung ương chẳng hạn -mà ngấm ngầm vận độngnhằm giữ vị bí thư Tỉnh ủy chân chất ở lại cương vị thêm vài năm nữa,để làm lá chắn vạn năng cho mìnhkhithực hiện ý đồ cá nhân. Hễ có chuyến nào ra nước ngoài công tác, Thân phải cài vào đoàn bằng được những chánh phó công ty xây dựng, đơn vị kinh doanh địa ốc, chủ nhà băng của tỉnh nhà, để phục dịch đoàn, để làm quen, lấy lòng các quan chức tỉnh và để cho “những công việc còn chưa biết là gì nhưng chắc sẽ đem lại lợi lộc cho cả hai bên”.Làm chủ tọa cuộc họp thì “dùng thuật đánh tráo đối tượng hoặc đánh tráo khái niệm để lái sự việc theo ý mình... đánh lạc hướng người nghe, chuyển họ từ cách hiểu này sang cách khác có lợi cho mình rồi tóm vấn đề của người khác, diễn giải theo cách của mình, gán cho nó ý nghĩa mới, tô đậm thêm ít nhiều rồi công nhận và quảng bá nó như những ý tưởng tốt nhất, vì tập thể nhất, là ý kiến chỉ đạo của cấp trên nhưng thực ra là đang phục vụ cho ý đồ của mình”...
Người cùng một duộc với Thân là nhân vật số một của cuốn tiểu thuyết: Đô. Ngoan ngoãn chấp nhận sự cắt đặt của Thân, Đô chẳng còn màng tới chức phó chủ tịch tỉnh hoặc lên trên Bộ, với chủ tịch thì cúc cung tận tụy với mục đích mãn nhiệm rồi có đủ tiền xây khách sạn cho thuê. Là đầu mối phân bổ ngân sách cho các chương trình, dự án ở tỉnh, Đô biết đón ý cấp trên, khi ký đề nghị thì dùng “ám hiệu: có thêm dấu chấm sau chữ Nguyễn Minh Đô có dấu ô kéo dài thì Chủ tịch mới duyệt và Sở Tài chính mới đưa vào danh mục các dự án được bố trí vốn. Cái dấu ô vẫn có nhưng không kéo dài ra thì dù Tờ trình có viết thống thiết đến mức nào đi nữa, Chủ tịch cũng sẽ phê “chuyển Sở Tài chính nghiên cứu và đưa vào kế hoạch”. Nhận được bút phê ấy, bao giờ trong Tờ trình của Sở Tài chính cũng lèo thêm một câu: “Dự án này cần nhưng vì chi phí lớn, năm nay chưa cân đối được nguồn. Xin lãnh đạo tỉnh bố trí vào Kế hoạch, khi nào xin được kinh phí Trung ương sẽ cho triển khai thực hiện”. Và thế là những dự án kiểu ấy cứ xếp hàng ở chỗ “dự án chờ”, chả biết đến bao giờ mới bắt tay vào được. Để được công nhiên làm trái nghị quyết của cấp ủy, họ bày đặt ván cờ dân chủ, dàn quân của mình vào bóp méo kết quả cuộc thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân và bẻ lái cuộc họp quyết định củaThường trực ủy ban tỉnh mở rộng...
Những bát quái trận đồ, những mưu mánh trong giới làm ăn được mô tả cũng thật là xảo quyệt: bị báo chí phê phán tội xóa sổ một di tích lịch sử thì hy sinh non sào đất, ném vào đó ít tiền, trùng tu lại; kẻ quyền bính khi gặp nguy cơ bị săm soi thì tác động với trên điều cả Phó Giám đốc Công an tỉnh và Trưởng phòng Điều tra các tội phạm kinh tế của Công an tỉnh về Bộ, vào những vị trí không còn khả năng gây nguy hiểm cho công việc của mình; nhà băng thì trì hoãn giải ngân cho đơn vị thi công vì đã thông đồng với nhà cung cấp vật liệu đang rục rịch nâng giá... Bằng nhiều tình tiết như thế, tác giả tạo cho Cuộc cờ một cốt truyện ly kỳ, kịch tính.
Suy tôn lương tri
Đọc tiểu thuyết Cuộc cờ, thấy bụng dạ của nhóm nhân vật cán bộ tham lam, mánh lới như vậy, độc giả không tránh khỏi cảm giác buồn nôn và rơi vào tâm trạng bi đát. Nhân vật chính Đô về thực chất là kẻ lạc loài trong chính gia đình của mình và đúng là sống mòn theo cách nói của nhà văn bậc thầy Nam Cao. Xét theo phận làm con, độc giả nào chẳng mủi lòng trước cái cảnh người bố đến nhà con trai mà hồi lâu vẫn không thể lọt qua cánh cổng?
Hư cấu nghệ thuật có đặc thù riêng so với thể loại báo chí thông tấn hoặc chính luận, nên trong bối cảnh quyền bính vụ lợi, gây cho xã hội nhiều bất trắc như thế, tác giả Phạm Quang Long biết đan cài vào tác phẩm của mình những trang, những chương xứng đáng, có khả năng nuôi dưỡng niềm tin và hy vọng bởi sự hiện diện thường trực của những nhân vật có lương tri.
Đó là ông Nhàn, đương kim bí thư Tỉnh ủy với tư chất hiền lành đôn hậu nhưng không thiếu cẩn trọng, giữ được tính đúng mực của người chịu trách nhiệm.
Đó là những thành viên khác trong gia đình Đô. Trang, người vợ nhu mì tới mức nhẫn nhịn, tốt nghiệp đại học ở nước ngoài về mà chấp nhận làm cô giáo làng để tiện bề “tòng phu”, biết phải trái và mong cái thiện sẽ thắng, nhưng thường xuyên lâm vào tình cảnh cô đơn, hiu hắt. Đó là Diệu, cô con gái đang du học ở Mỹ, có lối sống thoáng và không chấp nhận thói giả dối, thấy cách sống của bố như thế là bất ổn, phải gọi về nhà những cuộc điện thoại rất dài, rất gắt mong vãn hồi tình thế. Đặc biệt nhất là ông Đảo, người dành cả cuộc đời vì con, quyết cứu con khỏi đường sa đọa và chiến đấu tới cùng vì đạo lý, vì lẽ phải. Mất vợ vì bom Mỹ từ khi đang còn rất trẻ, ông ở vậy nuôi con và từ một giáo viên Sử học trở thành chuyên viên sâu sắc về di sản trong ngành văn hóa. Những năm cuối đời, ông vẫn một mực coi trọng giá trị lịch sử, truyền thống, đạo lý, văn hóa hơn thực thể vật chất, nên đã kiên trì hoạt động như một thám tử tư để bảo vệ nghị quyết đã có của Tỉnh ủy và Hội đồng Nhân dân về di tích đền Tằmngay bên hồ Tầm Xuyên thờ Cao Sơn Đại Vương có công cứu dân làng, về dự án xây dựng công viên, nhà bảo tàng cho hậu thế được hưởng thụ văn hóa và khỏi bị mất gốc. Một mặt, nhờ đường ăn nết ở mà ông được bạn bè và nhân viên cũ giúp sức trong việc thu thập các tài liệu, chứng cứ cần thiết để phản biện những việc làm bất chính – mà oái oăm thay, lại có bàn tay con mình trong đó. Mặt khác, tuy là người cha nạn nhân của tình cảnh “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, thường xung khắc với đứa con thành đạt nhưng ông Đảo không nỡ buông bỏ nó và không ngớt làm công việc cảm hóa Đô. Cáichết đột ngột của ông Đảo âu cũng là đường bút tất yếu của tác giả: chết trong cô đơn, nhưng hé mở cơ hội cho con mình sám hối và có thể sẽ là người trực tiếp công bố những tài liệu lật lại thế cờ. Người viết bài này có nói quá không khi khen tác giả Phạm Quang Long đi theo truyền thống văn chương dân tộc, dám chọn cái chết làm cho tiểu thuyết Cuộc cờ được một cái kết có hậu?
Nói về tính dân tộc, không thể không nêu một nhận xét về văn phong trong tiểu thuyết Cuộc cờ. Văn Phạm Quang Long với cách dẫn chuyện mạch lạc và lôi cuốn, cách khắc họa chân dung bằng chính nội tâm nhân vật, họ đa phần thuộc giới trí thức, quan chức hiện đại mà ứng với nhiều câu thành ngữ dân gian (bờ xôi ruộng mật, trông thóc bỏ giỏ,ăn trên ngồi trốc, lừa thầy phản bạn, trông chùa ăn oản...). Văn phong ấy thực sự gây được thiện cảm.
Thông thường, để sáng tạo nên cuốn tiểu thuyết phản ánh một cuộc sống hiện thực nào đó, nhà văn thường cần có một độ lùi thời gian nhất định. Phạm Quang Long thì không chịu chờ đợi, mà song hành cùng thời buổi, mạnh bạo vạch mặt những kẻ có chức quyền nhưng thực ra là ăn tàn phá hại, đục ruỗng mọi quan hệ con người với con người. Thật khó đoán ra cái tỉnh hư cấu Bình Nguyên trong Cuộc cờ là địa phương nào trong đời thực, nhưng nhà tiểu thuyết Phạm Quang Long tỏ ra sắc bén, cập nhật, trùng hợp với bầu không khí xã hội đương thời. Như thế là người làm văn chương có tiết tháo. Sự ra đời của tiểu thuyết Cuộc cờ với độ gắt cần thiết quả là phù hợp với lời của nhân vật Bí thư tỉnh ủy nói trong một cuộc họp “việc hôm nay còn mới bắt đầu, còn dễ xử lý, không phát hiện và xử lý ngay, nay mai nó phức tạp hơn, càng khó xử lý”.
Nhân Chính, Xuân 2018
Đ.B.
(*): Đọc tiểu thuyết CUỘC CỜ của Phạm Quang Long. NXB Hà Nội; 2018
http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/doi-mat-voi-luong-tri
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét