Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

“Những chiếc ghế trống do mất tư cách đại biểu là nỗi buồn của Quốc hội”


Đã có thời thường xuyên dự thính các phiên họp Quốc hội, mình thấy buồn nhất là nhìn các phiên thảo luận Hội trường có rất nhiều ghế trống, nhất là ghế trống của các vị lãnh đạo to nhất của Đảng và Nhà nước, vô cùng phản cảm. Họ đều là quan chức cấp cao của Đảng và Nhà nước, chỉ kiêm nhiệm làm ĐBQH, nên với họ nhiệm vụ ĐBQH chỉ là phụ. Họ thường chỉ đến khai mạc và dự các cuộc họp quan trọng, thông qua các văn bản hoặc lễ nghi, còn lại là cáo bận việc nên để ghế trống. Mình có cảm tưởng đối với họ, các ĐBQH cấp thấp chỉ là hàng con cháu hoặc nhân viên phục vụ, nên họ không cần quan tâm đến phản ứng, bất bình của những người dự họp chăm chỉ này. Với các ĐBQH khác đã như vậy, thì với người dân, họ càng không cần để tâm.
“Những chiếc ghế trống do mất tư cách đại biểu là nỗi buồn của Quốc hội”
Dân trí - “Kỳ họp này có tới 3 đại biểu phải cho thôi hoặc mất tư cách đại biểu Quốc hội, đó là nỗi buồn cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này…” – Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi bày tỏ. Mình đổ lỗi cho người dân, cho cử tri là không đúng. Trách nhiệm của người dân là lá phiếu nhưng vì không phải là người dân trực tiếp giới thiệu và bỏ phiếu mà do quy trình giới thiệu, cơ cấu làm từ dưới lên, từ trên xuống rồi còn thông qua hiệp thương nữa mới có danh sách đó. Vậy nên, thực tế, người dân chỉ bỏ phiếu trong danh sách ứng viên được giới thiệu, hiệp thương đưa ra chứ không bỏ ngoài danh sách đâu nên nói trách nhiệm thuộc về cử tri là không đúng.

Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi.

- Được biết, tại phiên họp trù bị sáng 21/5, trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã báo cáo về trường hợp cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Lý do việc cho thôi được đề cập thế nào, thưa ông?

- Chủ tịch Quốc hội báo cáo việc này với lý do là chị Thanh đã được UB kiểm tra Trung ương và Tỉnh ủy Đồng Nai kiểm điểm các khuyết điểm, sai phạm. Sau khi có kết luận kiểm tra, chị Thanh đã có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội. Theo đơn xin thì hiện sức khoẻ chị Thanh yếu. Ban Bí thư và UB Thường vụ Quốc hội thấy là chị Thanh có quá trình công tác dài, có cống hiến trước đây, lại là phụ nữ. Gắn 2 việc đó nên UB Thường vụ Quốc hội đồng ý cho thôi đại biểu Quốc hội.
- Về việc này, có nhiều ý kiến cho rằng, với khuyết điểm, sai phạm của bà Thanh, đến mức Ban Bí thư đã quyết định kỷ luật với hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng, đề nghị Quốc hội xem xét tư cách đại biểu Quốc hội thì đáng ra phải thực hiện quy trình bãi nhiệm với bà này?
- Khi Chủ tịch Quốc hội báo cáo việc này tại phiên họp trù bị, không có ý kiến nào về việc cho chị Thanh thôi làm nhiệm vụ đại biểu mà chỉ có ý kiến nói là không nên nêu lý do nghỉ vì sức khỏe. Chủ tịch Quốc hội cũng trả lời là việc UB Thường vụ Quốc hội cho thôi không phải do lý do sức khỏe mà do khuyết điểm trong quá trình công tác cũng như đề xuất của chị Thanh khi thấy mức kỷ luật của mình ở mức nghiêm trọng.
- Có lẽ chưa khóa Quốc hội nào mà mới nửa đầu nhiệm kỳ đã “rơi rụng” tới 7 đại biểu do các vấn đề khác nhau. Có những đơn vị bầu cử như Quảng Nam, đến thời đểm này, một đại biểu mất (ông Ngô Văn Minh), một đại biểu không được làm nhiệm vụ nữa (ông Nguyễn Quốc Khánh). Một tỉnh mà “khuyết” tới 2 đại biểu như vậy thì ảnh hưởng thế nào, thưa ông?
- Rõ ràng là khi đại biểu Quốc hội mất đi, thôi làm nhiệm vụ đại biểu hay bị miễn nhiệm, làm cho khu vực bầu cử bị thiếu đại biểu thì cũng khiến cho tiếng nói của địa phương đó bị ảnh hưởng tại Quốc hội. Việc này rõ ràng cũng làm cho sự gắn bó giữa cử tri với đại biểu bị mỏng đi. Cử tri mất đi đại diện của mình.
Như Quảng Nam, một tỉnh nhỏ mà mất tới 2 đại biểu rõ ràng là ảnh hưởng lớn đến ý kiến của cử tri phản ánh về Quốc hội. Nếu chỉ khuyết 1 người hoặc việc thiếu khuyết rơi vào những tỉnh/thành lớn, có nhiều đại diện thì địa phương có thể điều tiết được. Nhưng ở đây, Quảng Nam là tỉnh nhỏ, vốn đã ít đại biểu rồi mà giờ lại “khuyết” mất 2 người thì đúng là khó khăn lớn cho hoạt động của chính các đại biểu đang còn hoạt động của địa phương này và cũng là khó khăn cho cử tri của tỉnh khi muốn phản ánh tâm tư đại biểu của mình với Quốc hội.
- Cảm giác của ông thế nào với việc kỳ họp này có thêm tới 4 ghế trống tại hội trường Quốc hội?
- Tôi nghĩ, với những ghế trống mà như chỗ đại biểu Ngô Đức Mạnh đi làm nhiệm vụ đại sứ ở Nga thì đó cũng là điều vinh dự cho Quốc hội. Tuy nhiên, kỳ này còn tới 3 đại biểu khác phải cho thôi hoặc mất tư cách đại biểu thì đó là nỗi buồn cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV này. Trong suốt 4 khóa tham gia Quốc hội vừa qua, tôi chưa thấy sự việc như vậy. Có nhiều lý do nhưng nói chung đó là việc đáng buồn. Công tác cán bộ của chúng ta như thế cần đánh giá, xem xét lại.
- Trao đổi với báo giới tại họp báo trước kỳ họp về việc xem xét trách nhiệm của các cơ quan khi giới thiệu, thẩm tra đại biểu mà để “lọt” người không xứng đáng vào Quốc hội, người có thẩm quyền cho rằng, cử tri, người dân chịu trách nhiệm về việc bỏ phiếu bầu đại biểu vào Quốc hội như thế. Ý kiến của ông về việc này?
- Quan điểm của tôi, người dân chỉ chịu trách nhiệm khi các cơ quan đã lên danh sách người được giới thiệu để bầu mà bầu không đúng. Còn ở đây có vấn đề là chúng ta lựa chọn ứng viên một cách rất bài bản, đi từ cơ sở, giới thiệu từ cơ sở lên, rồi đưa ra Mặt trận để hiệp thương. Quá trình đó chúng ta làm rất chặt chẽ, bài bản mà vẫn “lọt” người như vậy thì tôi cho rằng các tổ chức, xem xét, đánh giá công tác cán bộ và công tác hiệp thương của mặt trận chưa được nghiên cứu kỹ.
Mình đổ lỗi cho người dân, cho cử tri là không đúng. Trách nhiệm của người dân là lá phiếu nhưng vì không phải là người dân trực tiếp giới thiệu và bỏ phiếu mà do quy trình giới thiệu, cơ cấu làm từ dưới lên, từ trên xuống rồi còn thông qua hiệp thương nữa mới có danh sách đó. Vậy nên, thực tế, người dân chỉ bỏ phiếu trong danh sách ứng viên được giới thiệu, hiệp thương đưa ra chứ không bỏ ngoài danh sách đâu nên nói trách nhiệm thuộc về cử tri là không đúng.
- Vậy theo ông, vấn đề trách nhiệm ở đây nên được xem xét thế nào?
- Ở đây, vấn đề quan trọng là công tác quy hoạch và hiệp thương của chúng ta chưa chắc chắn và có lẽ cũng có lỗ hổng nào đó.
Công tác hiệp thương của Mặt trận cần phải làm rất kỹ và có lẽ chúng ta phải nghe thêm ý kiến của nhân dân. Tôi nghĩ có đại biểu trong quá trình giới thiệu, hiệp thương người dân đã ý kiến rồi nhưng chúng ta chưa làm hết trách nhiệm của mình để nghiên cứu kỹ vấn đề này.
Từ đó, theo tôi, việc đổi mới cách thức bầu cử để lựa chọn đại biểu Quốc hội cần thiết đặt ra, với nguyên lý lấy chất lượng làm gốc.
- Có thể hình dung cách thức nào để cử tri chủ động chọn được người đại diện xứng đáng cho mình?
- Vừa qua, chúng ta đã tiến hành bầu cử với số dư rồi, vậy thì tại sao không tổ chức tranh luận, tranh cử. Thực ra, quy trình hiện nay đã có ý đó rồi, chúng ta đang tổ chức giới thiệu 5 ứng viên, đưa ra bầu để lấy 3 đại biểu tại mỗi đơn vị bầu cử, rồi các ứng viên cũng thực hiện vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri nêu chương trình hành động, hứa làm gì nếu trúng cử… nhưng việc tranh cử quyết liệt, thể hiện một cách công khai minh bạch thì chưa thể hiện rõ.
Bây giờ, ví dụ, cũng với một đơn vị bầu cử có 5 ứng viên như thế thì nên để những người đó có quyền tranh luận về chương trình hành động của người khác thì qua đó, người ta sẽ thấy được chất lượng ứng viên, thấy được mục đích vào Quốc hội của mỗi người để làm gì. Việc đó rất quan trọng.
- Xin cảm ơn ông!
http://dantri.com.vn/chinh-tri/nhung-chiec-ghe-trong-do-mat-tu-cach-dai-bieu-la-noi-buon-cua-quoc-hoi-20180521172458805.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: