Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

KHẨU QUYẾT CHÍNH BIỆN HẠ GỤC NGỤY BIỆN TRONG CHỚP MẮT


Paul Nguyễn Hoàng Đức
(Nối tiếp bài “Bài học về ngụy biện và ngụy tín” trao đổi với linh mục Lê Ngọc Thanh)
Các bạn thân mến, chúng ta không cần lưỡng lự một giây, trong khoảnh khắc chúng ta phải hạ gục đám ngụy biện và ngụy tín. Tại sao? Vì ngụy biện giống như bọn làm hàng giả, ở đâu có nhiều hàng giả ở đó bất hạnh. Điều này các triết gia cổ đại đã chỉ ra: phải ăn đồ ăn thật thì mới mạnh khỏe, uống thuốc thật mới khỏi bệnh, sống thật mới hạnh phúc, nếu bạn lấy vợ bạn có muốn lấy phải cô cái gì cũng là đồ cao su không? Và kiến thức chỉ có nếu nó dựa trên sự thật. Một đứa trẻ không tôn trọn sự thật ngay từ bé sẽ lâm nguy tính mạng, như nó không sợ nước sôi cứ sờ vào, không tránh dao sắc cứ nghịch, và không sợ điện cứ lê la vào bị giật một phát là xong phim liền… Vì thế chúng ta chắc chắn phải tôn trọng sự thật. Cái đó cũng gọi là Chân Lý.
Đám ngụy biện rất yếu đuối, chắc chắn trên thế giới không kẻ nào nào đủ trí tuệ để được xem như là ông tổ của nhận thức. Nhiều lắm đám này chỉ là dây leo, cung quăng, ăn theo.
Chúng ta có rất nhiều vũ khí tối cao để loại khỏi vòng chiến đám ất ơ ngụy biện trong nháy mắt. Điều đó đã được các triết gia cổ đại như Socrate, Platon, Aristote xây dựng lên thành môn triết học.
Đám ngụy biện thường nói “Con người không thể đạt tới chân lý” để hòa cả làng.
Nhưng các nhà thông thái nói rằng: dù con người không đạt tới chân lý, nhưng ai Khả Lý hơn người đó ở gần Chân lý hơn. Và khi người ta bàn định với nhau nghĩa là so đọ những khả lý với nhau để tìm cái khả lý cao nhất. Phương ngôn Latin nói rằng: “Sự đồng tình của những người thông thái là bằng chứng của chân lý!”
Tất nhiên ở đây cũng minh định với đám ngụy biện hay dốt nát bày đoàn rằng: dù có rất nhiều ngụy biện hay dốt nát hợp lại cũng không bao giờ khả lý để ở kề chân lý.
Khi con người hội lý với nhau để Khả lý, cái đó được xem như là: Công Lý.
Công lý nghĩa kinh điển: là hai đầu của đĩa cân ngang bằng nhau. Còn rộng hơn: là vạn triệu đầu kim chĩa vào nhau đều ở trạng thái cân bằng. Nói theo chữ nghĩa thì: Công lý là cái lý của chung mọi người. Muốn có công lý thì người ta phải Công truyền – phổ quát chứ không thể màn the úm ba la trong xó bếp. Người phương Tây có câu “không cãi nhau về sở thích”. Anh thích thịt gà hay thịt vịt là việc của anh, nhưng ở ngoài chợ có giá của mỗi loại. Anh thấy quê anh có nhiều đá tổ ong, anh bảo, đá tổ ong đắt hơn vàng, đó là việc của anh (cái mà trong đó hàm chứa giả dối và ngụy tín), nhưng nhân loại vẫn trả giá cho vàng cao gấp triệu lần đá tổ ong.
Các triết gia đã hình thành môn luận lý cũng là triết học để trở thành vũ khí tuyệt đối cho chúng ta đánh gục bọn ngụy biện, cụ thể (cách sơ giản):
1- Socrate: Phải có tư duy thuần khiết mới bàn được về sự việc. Hoặc là Cao hoặc là Thấp. Không thể bàn cái vừa cao vừa thấp. (Cao thấp thế nào? Nguyên tắc: “Con người là thước đo vạn vật”, lấy tiêu chí và thước đo con người).
2- Platon: Hữu thể, tức chỉ bàn về cái Là, cái Có, mà không thể bàn cái áng chừng có – áng chừng không, kiểu sắc sắc – không không.
3- Aristote: Xác định luật Khử Tam (hoặc Loại Tam), nghĩa là hoặc là A, hoặc là B, không có cái thứ Ba vừa là A vừa là B. (Hoặc là cưới cô Lý, hoặc là cưới cô Xoan, không thể cưới một cô Nụ vừa là Lý và Xoan)
Tam đoạn luận: Là phép logic căn bản nhất cho đến bây giờ không có cái ưu việt hơn để thay thế. Phép này như sau:
a- Tổng đề: Loài người phải chết!
b- Trung đề: Socrate cũng là người!
c- Kết đề: Socrate cũng phải chết.
Tôi xin đưa thí dụ cho mọi người dễ hiểu: Một lần có cha giảng trên cung thánh, ngài nói “đấy, điện giật qua nước, chết người, nó có theo tam đoạn luận gì đâu?!” Khi gặp tôi bảo với cha “thưa cha, con nghiên cứu việc này rất kỹ, con thấy cha nói thế là sai. Cụ thể như sau:
a- Tổng đề: kim loại thì dẫn điện
b- Trung đề: sắt là kim loại
c- Kết đề: sắt cũng dẫn điện.
Nếu nhét “nước của cha vào đây” thì phải có trung đề “nước là kim loại”?
Những kẻ ngụy biện rất yếu ớt, họ không bao giờ thắng được mà chỉ là thứ rêu mốc ăn theo, cù nhầy bám rây vào người khác, nhiều lắm thì họ chỉ làm ra “trông có vẻ hòa”. Vậy tại sao họ lại tồn tại đông đảo như thế trong lịch sử?
Vì vụ lợi! Giống bọn bán hàng giả có lãi nhiều.
Để đo ván loại ngụy biện, tôi đã thống kê 5 khẩu quyết trong cuốn tiểu thuyết Facebook “Thầy Đivoa dạy biện chứng pháp cho xứ vịt gà”. Giờ nhắc lại với các bạn ở đây:
1- Không nói ra miệng thì không phải trí tuệ!
Cho dù anh có bẻm mép nào thuyết tương đối, toán tập mờ, hay biện chứng pháp mà anh không thể trình bày bằng ngôn ngữ được, cái đó không thể được xem là trí tuệ.
2- Không biện luận thì không được kết luận!
Đừng có tự dưng xưng xưng mọc mọc nói người khác kém lắm, dốt lắm… hãy biện luận đi rồi hãy kết luận.
3- Không có tiêu chí không tìm ra người thắng cuộc!
4- Không so sánh thì không phải khoa học!
Đừng có không so sánh để diễn trò ai cũng như ai?!
5- Không phản biện được thì phải chấp nhận!
(Chớ đừng chầy cối không chấp nhận mà còn dèm pha dè bỉu).
Ngụy biện và làm hàng giả tồn tại dai dẳng bởi những biện pháp sau:
- Cậy quyền nói lấy được! Kiểu “cha nói oan, quan nói hiếp…”
- Trì hoãn vô tận!
Chính sự trì hoãn này mà người châu Á lạc hậu mấy nghìn năm dẫm chân tại chỗ. Người châu Âu có môn triết học vì có Socrate mở màn đối thoại và có người trả lời, giả sử nếu Socrate ở châu Á thì môn triết học hay suy lý không thể hình thành, vì ở đây người ta dùng ngôn ngữ để bao biện che chắn chứ không dùng để Hỏi và Đáp đơn giản.
Người Việt có câu “ngô ra ngô, khoai ra khoai”, việc đó với người Việt đã thiên khó vạn nan nói gì đến mở mang tri thức hay đi xa.
Thánh Gandhi có câu : “Nhẫn nhục bất công không có nghĩa là chấp nhận bất công”. Ở châu Á và Việt Nam bạn thường xuyên gặp cảnh ăn nói ú ớ ngụy tín dây cà ra dây muống dai như đỉa, bạn có thể phải chịu đựng để giữ hòa khí, nhưng trong thâm tâm hãy biết khinh bỉ nó. Các vĩ nhân thường khuyên ta khiêm tốn nhưng hình như tôi chưa thấy ai ngăn cản chúng ta biết khinh bỉ. Nếu chúng ta không biết khinh cái tầm thường thì liệu chúng ta có đạt tới tầm siêu việt?!
Paul Đức 04/10/2017

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: