Màn hình hiện lên tin nhắn “Xem ti-vi thấy khu vực đó sạt lở, nhỏ có sao không?”.
Tôi trả lời không hề gì và hỏi thăm hai vợ chồng anh dạo này ra sao. Thực tình tôi chỉ muốn hỏi thăm một mình Tri. Vợ anh nghe đâu đang muốn rũ bỏ anh như vứt một tấm giẻ. Có thể, vì anh giống một tấm giẻ thật nếu chỉ xét thương tật và ngoại hình.
Ngồi bâng khuâng rất lâu bởi cái tin nhắn đó. Hỏi thăm thông thường thôi mà. Cái lý là vậy, lý cho vợ anh, cho bà con, cho lối xóm, những người quen biết chung của chúng tôi. Sâu xa, không chỉ có cái lý ấy. Cho đọc tin, chồng nhắc “Tết này nhớ G7 với báo Tết qua đường bưu điện cho anh ấy”.
Từ chỗ mà Tri hay nhắn tin hỏi về sạt lở tới nhà anh già một ngày đường. Xa và bứt rứt vì chỗ Tri là quê tôi. Ai người Việt đều có những chữ quê hương nhau cuống trong lòng, tôi đoan chắc. Nhưng tôi và Tri, đâu chỉ có vậy.
Trong những hình ảnh về con sông quê nhà, chiếc xuồng của Tri day dứt tôi nhiều nhất. Không, chính xác là Tri với chiếc xuồng ấy, Tri làm ra nội tâm của chiếc xuồng, như nhân vật chính với sân khấu trong một vở bi. Nhỏ như chiếc lá cũ, chiếc xuồng ấy, người đàn ông còn cũ hơn. Hoàng hôn, biền lá, lục bình và chim bìm bịp, như thể hợp lực nhau để khắc họa cho kỳ được một số phận.
Một lần tôi chủ ý đi xe ôm từ Vị Thanh về vịnh nhà để ghé lại với Tri. Mọi khi, vợ chồng tôi và những bà con trên Sài Gòn và trên tỉnh hay về qua Vị Thanh, đi luôn ô tô sâu xuống bến phà nhỏ, gửi xe ở đó và qua sông, đi bộ về vườn nhà. Chồng động viên “Ừ, em ghé đi, Tri là món nợ đâu chỉ chuyện ân tình”. Vợ chồng tôi hiểu nhau từ những câu rất ngắn. Xe ôm là tách ra, đi quá lên bến phà, rẽ phải, đường lổn nhổn đất và đá hộc. Bên kia con sông máu thịt là vịnh nhà của tôi và cả của Tri. Nhưng anh đã theo vợ về bên này sông, không phải anh yếm thế mà ra vậy. Vợ anh là con gái rựou của một góa phụ có thổ cư rộng và anh “là con trai chứ không phải con rể”, theo lời nhà gái trong ngày cưới.
Lần đầu tôi bước vào nhà Tri cho dù chúng tôi gặp nhau rất thường, mỗi năm ở bên vịnh nhà, trong ngày giỗ dượng cả tôi mà Tri gọi là bác ruột. Tôi có lỗi với Tri không, khi mà cả hai đã vào lục tuần tôi mới lần đầu đặt chân vào ngưỡng nhà anh? Không biết nữa, chỉ thấy ngậm ngùi khi ghé qua và càng ngậm ngùi hơn khi chợt nghĩ đến.
Tri ở cạnh nhà má vợ, tốt, quá tốt, ở riêng với cái thế của anh đỡ tổn thương hơn. Một khuôn rào bằng cây xanh tương xứng với một cốt cách. Vòm cổng bằng hoa giấy nhiều màu, bạch, vàng, phớt đỏ. Khu thổ cư cho thấy anh thừa hưởng rất đậm gene làm vườn của ba mình, cây vú sữa, cây mãng cầu dai, cây dâu, cây bưởi, cây khế, cây chanh, cây thanh long, mọi thứ. Ngôi nhà bê tông nhỏ nhắn, bước vào chạm ngay những chậu bon-sai hàng hiên. Một cái thùng bằng inox có giá đỡ chứa nước bơm từ giếng lên cho hệ thống nước ống và la-va-bô. Không trực tiếp thấy, tôi cũng có thể hình dung ra một cuộc sống trầm tư, cầu toàn, say mê hoàn thiện.
Nghe tiếng người, vợ Tri từ một căn nhà lá cuối vườn bước lên. Thì ra bếp thường xuyên là ở đó. Mái bếp lợp lá dừa nước, vách thưng ván xẻ, những chiếc cà ràng, cái gác nhỏ cất lá dừa phơi khô để nhóm lửa, khu chứa củi ngăn nắp như thể triển lãm và một chiếc giá võng gợi cảm trên nền đất nện bóng như sừng. Ngôi nhà và chái bếp như vậy mà vợ chồng trục trặc sao? Chồng tôi từng ước một ngôi nhà tiếp đất để đôi tay siêng năng của anh trổ tài, nhưng chúng tôi trót cả đời với nhà chung cư, đơn giản vì không đủ tiền để thỏa nguyện.
Vợ Tri gọi tôi bằng chị, chúng tôi bên này sông, bên kia sông, nhưng biết nhau từ nhỏ. Vẻ con một của chị ta vẫn vậy, nhàn nhã, cớm nắng, và chắc chắn là ít siêng năng. Đến tai tôi nhiều lời bình về chị ta, ỷ lại, phó mặc, gần đây lại đứng núi này trông núi nọ. Trong chuyện đôi lứa, tôi nghĩ, người phụ nữ nào cũng có thể ngóng xa ngóng gần khi chồng mình là một người thương tật cột sống, cột sống là sinh mệnh của sức khỏe, khả năng làm chồng và những khát vọng nữa. Tôi thương cả hai, dĩ nhiên lòng tôi bao giờ cũng nghiêng về Tri. Đã ngoài năm mươi, tóc chị nàng vẫn dợn sóng và đen ánh như xưa. Bộ đồ màu mỡ gà trông hơi phô, khiêu khích. Người phụ nữ nói năng dè dặt, thăm dò, hẳn chị ta biết tôi có nghe chuyện Tri bị vợ dọa bỏ.
Vợ Tri nói anh đang kiếm cá trên sông. Đúng như tôi từng hình dung, sông vắng, chiều chạng vạng, lục bình nhúc nhắc, biền lá thở dài và một cánh bìm bịp bay sợt qua, sãi cánh nâu sồng. Tôi được mời lên nhà chính, người đàn bà đi pha cà phê G7. Nhìn nhanh vô phòng sát vách kê xa lông, thấy chiếc giường đơn, cái tủ nhỏ, chao đèn và quyển sách để mở. Không thấy dấu ấn đàn bà ở phòng này, chắc trong kia mới là phòng của nữ chủ nhân. Hai người không có mối dây con cái, nhà cửa có thể ngăn nắp nhưng nó mãi mãi như vậy, một không khí tĩnh, tệ hơn, một không khí chết.
Tầm mắt thẳng với bến sông. Quá đỗi yên bình. Lá dừa nước giao nhau như mái vòm, sàn nước đóng bằng những miếng cau lão ghép, trông kỹ lưỡng trên mức bình thường. Tôi ngắm vuốt ngôi nhà. “Đừng nói là chính tay ổng làm nhà này nghen” – tôi nói với vợ Tri. “Ảnh làm thiệt chớ, thiết kế, chỉ huy thợ, đi lựa gạch, đi mua đủ thứ. Cái nhà bếp thì một tay ảnh từ đầu chí cuối. Đó là hồi trước, giờ… hết hơi rồi ”. Đúng, ngày trước vợ sẽ tít toét nói về chồng, mấy chục năm đã qua, thánh cũng thành kẻ bình thường huống chi Tri chỉ là người sống không thể thiếu cây gậy gỗ. Chúng tôi đưa đẩy với nhau đề tài ngày xưa Tri đi làm mộc, đi dựng nhà lấy tiền công trang trải cuộc sống của đôi vợ chồng mới ra riêng. Vợ được cưng, vợ phải dành sức lực để đẻ con nhưng những đứa con lần lượt ra đi khi còn chưa ra đời. Tri nghĩ có thể do mình cằn cỗi và vợ thì lấy chồng muộn, hay do trời chưa thấu cái tình của anh dành cho vợ. Anh không nhận đi làm mộc xa nhà nữa, để đỡ đần vợ, xô nước, thau giặt, con cá, bữa cơm. Anh còn nuôi cả heo nái để có tiền đắp đổi, nuôi con vịt con gà, lấy trứng bồi bổ cho cả hai. Dân quê kháo, nuôi nái lợi về tiền nhưng tổn về đức, thảo nào vợ không sinh đẻ nổi! Tri buông chăn nuôi, tuyệt vọng, quay ra làm vườn, sống cuộc sống thanh bần.
Chiếc xuồng về bến. Tôi lặng người ngắm anh từ xa, để một lần thấy anh gác dầm, buộc dây mũi, nhấc gậy và bước lên không gian mấy chục năm chồng vợ của mình. Không biết nhà đang khách, anh làm mọi việc chậm rãi, u buồn, một ngư ông không dám ước cá vàng, thong thả, như thể giờ đã đến cõi, cứ xoay vần cho hết cỡ đi, đây đâu có ngán. Anh đứng lên, gầy hơn nên trông cao hơn trước, bộ quần áo rách, tả tơi, kiêu bạc.
Tôi bước nhanh ra. Tri rạng rỡ vì bất ngờ. Nếu mảnh pháo ở cột sống không làm hai chân anh teo như thể gấp khúc thì anh cao vót và hàng ria mép lãng tử không thua cánh minh tinh. Tôi thích nhất ở anh hàng ria rất công phu này, nó thông tin về một khí chất. Ông lão đánh cá với giấc mơ đạm bạc và bình yên.
“Nhỏ về vườn giỗ ông nội hả?”. Vợ anh cầm rổ đi lướt qua chúng tôi để đưa mớ cá dưới xuồng lên, không mừng không vui với thành quả của chồng. “Mấy khi nhỏ qua đây, ở ăn cơm với cá, nghen!”. Tôi lắc đầu. Sao cái gì ở anh, giọng nói, cách nói, những câu ngắn, những chữ thân thương lúc nào cũng làm tôi muốn trào nước mắt. Có thể ngồi ăn với vợ chồng anh được không, người đàn bà đang nổi loạn ấy? Tôi sợ những câu nói mất kiểm soát, ngại cả việc anh hay nhắn tin hỏi thăm tôi có thể bị hiểu lầm. Tôi nói không ở lâu được, mọi người đã về bên vịnh để cúng tiên thường. Anh không cầm giữ thêm, hướng tôi đi ra vườn. “Vậy để anh hái bưởi hái thanh long gởi về bển cúng ông”. Anh kéo chiếc thang tự đóng như thể mặt bàn nhiều nấc, chắc là chiếc bàn đặc biệt của gã thợ mộc đặc biệt. Anh làm được tất cả, trèo lên, hái trái và cẩn thận trèo xuống, không một lỗi nhỏ. Anh là vận động viên paralympic trong đường đua của chính mình.
Ông nội tôi và ông nội anh là bạn vườn tược, trà rượu từ thời thanh xuân. Sau đó ba tôi và ba anh là bạn trong ban đờn ca tài tử. Cuộc chiến giành độc lập trong tay người Pháp, ba tôi đi theo Việt Minh, ba anh ở nhà vì ông là ông giáo trường làng, bao nhiêu đứa trẻ cần ông. Sau năm 1954, ba tôi tiếp tục cuộc chiến thứ hai, ba anh vẫn là ông giáo, thầy của chị em nhà tôi. Tôi và anh cùng tuổi nhưng anh học sớm và học giỏi, lúc nào cũng ở lớp trên. Ngồi trong vườn thổ cư thấp thoáng bóng dáng khu vườn xưa nhà anh, duy hồi đó chưa có cây thanh long, chúng tôi im lặng hồi lâu, tuổi thần tiên của những đứa trẻ, không gì, không gì có thể quay ngược lại cho chúng tôi thời hoa trái ấy nữa
Năm Đồng khởi một chín sáu mươi, ba tôi bị người của phía Ngô Đình Diệm bắt, xử tù và đày đi đảo. Ở vịnh nhà, bỗng dưng ông giáo cũng bị bên trong bắt, đồn là chỉ điểm, đưa đi không tung tích. Ngẫu nhiên, ngẫu nhiên đến mức kỳ lạ, ngày ba tôi chết trong tù ngoài đảo thì cũng là ngày người của bên trong báo ba anh đã “đền tội”. Tội gì, không có câu trả lời. Xác đâu, mộ đâu, cũng không có câu trả lời. Chỉ có tin báo bằng miệng để gia đình biết ngày mà làm giỗ. Ông nội tôi đau buồn vì ba tôi là con một, thêm phẫn uất cho ba anh vì mọi chuyện rơi vào hoài nghi, mịt mùng. Có điều tạm gọi là an ủi – nếu đành nghĩ như vậy – thì ba tôi bị tra tấn chết chứ không bị lên máy chém, còn ba anh thì không chết bằng “mã tấu làm việc”!
Trường tan, vịnh nhà xơ xác chiến trận, nội của hai bên cũng lần lượt qua đời. Má tôi đẩy bầy con vào vòng tay đồng chí của chồng còn má anh thì đưa hai anh em Tri ra Vị Thanh ăn học tiếp. Bà giáo sống tạm trong vườn bà con ở vùng ven, anh trai Tri bị bắt quân dịch còn Tri, trong trận pháo kích của bên trong ra thị xã, một mảnh pháo đã giết chết ước nguyện học cao lên mãi của anh. Vườn hương hỏa nhà anh ở trong quê bị tịch thu, chia cho dân nghèo của xóm. Má tôi là gia đình có công cũng nhận được một suất ruộng nhà anh. Bà yêu cần nhận thổ cư, bà nói để nữa yên bình, sẽ trao nó lại cho bà giáo. Và đúng như bà dự định. Anh trai Tri sau thời gian học tập cải tạo ngắn trở về vịnh nhà, tạm bợ trên chút đất thổ cư má tôi giữ cho bấy lâu. Hai bà má sì sụp với khói hương bàn thờ nhà mình nhưng giỗ hai người cha thì không ai đi dự ở nhà ai được. Khắc nghiệt một cách kỳ quặc, cái ngày trùng hợp ấy luôn nhắc chúng tôi về cuộc chiến. Sau này anh trai tôi thỉnh bàn thờ ba lên tỉnh, má tôi và bà giáo lần lượt đến cõi, vườn nhà tôi thuộc về chị tôi và giỗ ông bà nội. Anh trai Tri làm nhiệm vụ con trưởng, trên mảnh đất nhỏ như bàn tay. Đám cưới Tri với cô gái lỡ thì bên kia sông tôi biết muộn, nghe nói cả xóm khóc mừng cho anh.
“Vườn anh năm nay trúng mùa dâu không?”. Năm ngoái, chúng tôi gặp nhau trong ngày giỗ bác ruột anh, dượng cả tôi. Anh bơi xuồng về vịnh, lên chỗ giỗ như thế nào tôi không hay, khi nghe mọi người gọi “Nhỏ ơi có quà” thì anh đã ngồi trang trọng ở hàng hiên, bên cây gậy bất ly thân. “Anh mang cho nhỏ mấy trái dâu ngon nhứt trong vườn nhà”. Dĩ nhiên là những chùm dâu ngon nhất. Mọi người vây quanh chúng tôi, xúm xít xem tình bạn bứt rứt này. Hai đứa từ nhỏ đều mê sách, anh mơ làm kiến trúc sư, tôi mơ làm cô giáo dạy văn. Nhưng chưa vào tuổi hoa niên thì cả hai đã rơi xuống hố. Chúng tôi lóp ngóp bên này với bên kia, vướng víu, cách trở, âm thầm. Hòa bình, hậu chiến xám xịt dài như vô tận, anh cam phận tàn phế, tôi như nghe tiếng anh trong hố, em trèo lên đi, em đi con đường của gia tộc em đi, đừng bận tâm anh. Tôi rời vườn, rời vịnh và rời anh từ hồi còn chiến tranh ấy chứ, má tôi chỉ chừa chị tôi ở lại với bà thôi. Tôi xa thêm vịnh nhà khi lấy chồng, lên thành, xa tít tắp. Anh là người được vợ chồng tôi hay nhắc để cảm thương, khâm phục. “Dâu rớt giá thê thảm, tại vườn họ mua có năm trăm đồng một ký, anh hạ hết dâu rồi. Đi, còn chừa đúng một cây, may ra có vài chùm chín nẫu”.
Chúng tôi ngồi lại trên những thân dâu già bị đốn hạ. Thấy cái dáng màu mỡ gà ra vô chỗ chái bếp và xộc ra mùi cá chiên nhiều tỏi. Bao nhiêu câu muốn hỏi về tình trạng hôn nhân và dự định khi việc đổ vỡ không ngăn được. Tri chưa kịp thay quần áo đi câu về, bộ cánh thật giống nhân vật Áo vũ cơ hàn trong vở cải lương mà hồi nhỏ chúng tôi thường mê mẩn nghe trên đài phát thanh Sài Gòn. “Có thật chuyện vợ anh muốn ly thân?”. Tôi buột miệng, thời gian thăm anh không còn nhiều. Tri cười nụ “Nhỏ thấy đó, mọi thứ đều có bàn tay anh. Anh sống bằng danh dự mà. Không bám víu, không buông xuôi, tự trọng cho đến lúc biết chắc không cứu vãn làm gì nữa. Có điều…”.
Ba tôi có mộ có bia đàng hoàng ở nghĩa trang của tù nhân trên đảo. Còn ba của Tri, câu chuyện mục nát dần với thời gian. Chỉ nghe loáng thoáng vụ đập chết ông cùng với hai người cùng bị qui là “chỉ điểm” nữa ở hướng đó đó. Bưng hay doi, trong biền lá hay trên một mô đất, sóng nước và sạt lở, làm sao lần ra được cái hố chung ấy? Vô vọng.
Rõ ràng chúng tôi đã trèo lên nhưng chuyện ba anh chưa mồ yên mả đẹp đã đẩy chúng tôi xuống. Ở anh là chữ hiếu, tâm tư đứa con trai út, và còn những gì nữa? Ở tôi và cả chồng tôi là cảm giác nợ và những tự vấn quái quỷ cứ khiến mình bất an, cười cũng không thể cười trọn vẹn được. Tôi đứng lên khỏi những thân dâu bị giết chết vì thời giá, tôi giúp anh đứng lên nhưng anh không quen được giúp, thấy như vướng víu. Tâm tư tôi nói với anh, đừng có bảo em bò lên khỏi hố, bỏ mặc anh nha. Không, không thể nào, khi anh còn ở dưới cái hố ấy thì em sẽ nhớ, sẽ thương, sẽ không an lòng và sẽ luôn cầu mong cho anh có một phép màu, anh có nghĩ vậy không?
Tôi đi vô bếp chào người đàn bà đang hồi xuân của Tri. Dĩa cá, tô canh chua, những cọng rau sống trong vườn nhà. Mâm cơm hấp dẫn lắm. Hy vọng vẫn còn. Bữa ăn còn có thể ngồi chung. Tôi từ biệt, cậu xe ôm vẫn ngồi đợi ở quán nước cách nhà anh một đỗi.
Áo vũ cơ hàn.
Dạ Ngân
Thanh Đa, tháng 12/2014
(từ: VV)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét