BÁO "VĂN NGHỆ" VÀ NHÀ VĂN...
Đặng Văn Sinh
Đã 10 năm nay tôi không dám đọc báo này cho dù mỗi tuần đều được phát không một tờ trừ thời gian bị cắt do Hội hết tiền. Báo, tạp chí do nhân viên bưu điện mang đến tận nhà, tôi thường xếp vào một chiếc hộp carton để chái bếp, đến khi chiếc hộp đầy không thể nhét được nữa, thì chuyển cho các bà đồng nát với giá rẻ mạt hoặc tặng lại bạn bè trong khi các ấn phẩm vẫn còn "nguyên đai nguyên kiện".
Các bạn nên nhớ rằng, giá báo "Văn nghệ" chỉ 9.800 VND một tờ 24 trang, nghĩa là chưa bằng một nửa bát phở bình dân, vậy mà ế đến mức hầu hết các đại lý đều lảng xa theo tinh thần "kính nhi viễn chi" của Khổng Tử đối với các loại quỷ thần.
Có một chuyện khá hài hước là, cách đây ít lâu, dù bị nói móc nhưng tôi lại không dám phản ứng với một chủ quầy báo lớn nằm kế ngay trung tâm thương mại thành phố. Chuyện là thế này. Trên các trang mạng xã hội (nhất là facebook) đồng loạt đưa tin tờ "Văn nghệ" đang chết lâm sàng, phóng viên 4 tháng liền không có lương, còn nhuận bút thì bà phó tổng biên tập phải lấy tiến nhà ra tạm ứng. Đúng vào lúc ấy, trang "Văn nghệ trẻ" điện tử đăng bài "Lại thêm một vụ cán bộ dùng xe công gắn biển giả" liên quan đến cậu ấm Nguyễn Xuân Anh, mà theo các cơ quan chức năng, là "có hành vi bôi nhọ cán bộ lãnh đạo". Thế là bị phạt vạ. Số tiến không lớn, chỉ 30 triệu VND, nhưng trên thực tế đó là một cú đòn dằn mặt đối với tổng biên tập vì dám "mó dái ngựa". Chuyện đúng sai ở đây đã rõ, vì đến thời điểm này, gã "thái tử đỏ" đã ngã ngựa, xin miễn bàn.
Muốn xem "Văn nghệ già" có chút thông tin nào về vụ scandal này không, tôi đạp xe đến ki ốt báo. Sạp báo trùng trùng những ấn phẩm với đủ loại, từ bói toán, tử vi đẩu số, xem tướng, cúng bái đến chọn ngày giờ tốt làm nhà, cưới hỏi làm hoa cả mắt. Tôi hỏi bà chủ quán tuy đã luống tuổi nhưng gương mặt vẫn còn lưu giữ những nét mặn mà của một thời xuân sắc:
- Chị cho mua tờ "Văn nghệ"...
Bà chủ sạp đánh mắt nhìn tôi rất lâu như là nhìn một bệnh nhân mắc chứng tâm thần phân liệt:
- Bác chỉ hay đùa...
- Tôi nói nghiêm túc đấy!
Chị ta bỗng đổi giọng:
- Vậy mời bác ra Hà Nội. Ở thành phố này, nhiều năm nay chúng em không nhập. Cả tuần chưa chắc bán được một tờ. Ế lắm. Nói thật với bác, thời buổi này chỉ có những ông dỗ hơi mới đọc thứ ấy...
Bà chủ sạp nói không sai. Hôm ấy, tôi tìm khắp các quầy sách báo trong thành phố nhưng không thẻ kiếm ra "Văn nghệ".
Thế đấy! Công chúng bạn đọc chính là người kiểm định chất lượng tờ báo. Một khi tôn chỉ mục đích của "Văn nghệ" được mặc định là phục vụ chính trị như nhà thơ Đỗ Trọng Khơi mới viết gần đây, thì chuyện báo chết "lâm sàng" không có gì là lạ. Tôi sợ rằng tình hình sẽ còn bi đát hơn cho dù trước mắt người ta đang tìm mọi cách kể cả dùng tiền thuế của dân đê "giải cứu". Nhưng liệu có "giải cứu" được tình trạng độc giả quay lưng lại với tờ báo?
Đ.V.S.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét