Tại Tây phương, khi nghệ thuật vươn đến sự hoàn mỹ và hài hòa cao độ trong thời kỳ Phục Hưng, thì trung tâm của nó nằm tại Rome, thành phố của các Giáo hoàng, các nhà thờ, cung điện, và các bức họa.
Người xưa tin rằng, mỗi nền văn hóa đều là một món quà quý giá mà thiên thượng truyền xuống cho nhân loại, mỗi nền văn minh đều khởi đầu nhờ sự dẫn dắt của chư Thần. Trong loạt bài viết tìm hiểu về nghệ thuật Phục Hưng, báo Trí Thức VN muốn giới thiệu tới độc giả nền văn hóa phương Tây ở thời kỳ đỉnh cao của nó – Thời kỳ Phục Hưng.
Bức tranh “Thằng mù lại dắt thằng mù” hay còn gọi là “Ngụ ngôn về thằng mù” là một trong những tác phẩm nổi tiếng theo trường phái Flemish thời kỳ Phục hưng của danh họa Pieter Bruegel bố, được hoàn thành vào năm 1568. Đây là bức tranh sơn dầu miêu tả câu ngụ ngôn về người mù trong Kinh Phúc Âm, hiện đang được lưu giữ trong bộ sưu tập của Viện bảo tàng nghệ thuật Museo di Capodimonte ở Naples, Ý.
Bức tranh này đã cho thấy con mắt quan sát tinh tế của Bruegel. Mỗi nhân vật trong tranh không chỉ đơn giản là mù, mà còn bị một loại bệnh về mắt khác nhau, từ chứng vảy cá làm mắt mờ đến chứng teo nhãn cầu, có người còn bị khoét mắt. Tất cả những người đàn ông mù trong tranh đều ngẩng cao đầu nhằm tận dụng tối đa các giác quan khác. Bố cục đường chéo của tranh củng cố thêm chuyển động không theo trật tự của cả sáu nhân vật mù trong tranh: từng người thi nhau ngã. “Thằng mù lại dắt thằng mù” được coi là tác phẩm bậc thầy về sự chính xác về chi tiết cũng như bố cục.
Bruegel vẽ bức tranh này một năm trước khi ông qua đời. Nó bộc lộ một tâm trạng có phần buồn bã, nguyên nhân có thể là do việc Chính quyền Habsburg thành lập Hội đồng giải quyết tranh chấp vào năm 1567. Hội đồng này đã ra quyết định bắt giữ và xử tử rất nhiều người nhằm áp đặt sự thống trị của Tây Ban Nha và xóa bỏ đạo Tin Lành.
Ngụ ngôn về thằng mù
Kinh Phúc Âm Matthew có viết rằng:
“Nếu một người mù dẫn dắt một người mù, thì cả hai sẽ cùng rơi xuống hố.”
Hoàn cảnh mà Kinh Thánh nhắc tới ngụ ngôn này là khi chúa Jesus nói tới các tín đồ của giáo phái Pharisees, một nhánh của Do Thái giáo. Nhưng ngụ ngôn này thực chất là một câu chuyện không chỉ xuất hiện trong Kinh Thánh. Nó có thể được tìm thấy trong nhiều tài liệu cổ khác nhau. Ví dụ như kinh Vệ Đà cũng có viết rằng:
“Sống trong ngu dốt, nhưng chúng lại cảm thấy mình khôn ngoan và hiểu biết, những kẻ ngốc đi từ chỗ này tới chỗ kia mà không định hướng, cũng giống như một người mù bị dắt bởi một người mù.”
Tương tự như vậy, một câu nói trong Phật giáo cũng được lưu truyền ở vùng Sri Lanka như sau:
“Có một hàng những người mù, người sau nắm lấy kẻ đằng trước: kẻ đi đầu không nhìn thấy gì, kẻ đi giữa không nhìn thấy gì, và kẻ đi cuối cũng không nhìn thấy gì.”
Erasmus xuất bản cuốn Adagia hai năm trước khi Bruegel vẽ bức tranh này, và trong cuốn Adagia cũng có trích câu “Caecus caeco dux” trong thơ của Horace, một nhà thơ La Mã sống vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công Nguyên. “Caecus caeco dux” có nghĩa là “Thằng mù dẫn thằng mù”.
Người xem tranh của Bruegel thời bấy giờ hẳn là rất quen thuộc với các tích trong văn học cổ điển hoặc tôn giáo.
Bức “Thằng mù lại dắt thằng mù” của Bruegel
Dựa vào Kinh Thánh, hoặc giả cuốn Adagia, Bruegel đã nâng số người mù trong câu nói ngụ ngôn này từ hai thành sáu. Khuôn mặt người mù đầu tiên không rõ nét; người thứ hai đang ở tư thế xoay đầu khi ngã, có thể để tránh mặt khỏi va vào đất; người mù thứ ba có đeo đồ bảo vệ ống chân, đang ở trạng thái chân kiễng đầu gối chùng, mặt ngửa lên trời, cầm chung gậy với người thứ hai, vì thế cùng bị kéo ngã xuống; những người khác chưa ngã, vẫn còn ở tư thế ổn định, nhưng dường như họ sẽ không thoát khỏi số phận tương tự.
Trong nhiều bức tranh cùng chủ đề, những người mù thường được vẽ với đôi mắt nhắm, nhưng ở đây mỗi người mù lại có một trạng thái khuyết tật khác nhau. Mắt người đàn ông đầu tiên bị mất thị giác; người thứ hai bị khoét mắt, mất luôn cả mi mắt; người thứ ba bị chứng vảy cá làm mắt mờ; người thứ tư bị teo nhãn cầu; người thì thứ năm hoặc bị mù, hoặc không có khả năng cảm nhận ánh sáng hoặc bị chứng sợ ánh sáng; người thứ sáu bị bệnh pemfigut hoặc bọng nước pemfigut.
Những người mù đang đi dọc theo một con đường mòn, một bên là sông, một bên là ngôi làng có nhà thờ. Bên cạnh đó còn có một người chăn bò trong bối cảnh, nhưng do thời gian làm hư hại nên người chăn bò không còn rõ nữa. Trong bức “Thằng mù lại dắt thằng mù” của Bruegel con chép lại của Bruegel bố, chúng ta có thể thấy rõ ràng hơn.
Mặt và thân hình của những người mù, cũng như bối cảnh bao gồm nhà thờ, được vẽ với các chi tiết vô cùng tinh tế, tỉ mỉ. Tư thế ngã ngửa lưng của người mù dẫn đoàn cho thấy khả năng vẽ hình không gian bậc thầy của Bruegel. Thông thường bối cảnh trong tranh của Bruegel là tưởng tượng không thật, nhưng trong bức tranh này, toàn bộ phong cảnh đều dựa trên thực tế. Ngôi làng trong tranh có tên là Sint Anna Pede, còn nhà thờ mang tên Sint Anna.
Về bố cục, có thể chia bức tranh làm chín phần, ngăn cách bởi một loạt các đường xiên chéo song song. Các đường này lại tiếp tục được chia bởi mạng lưới các đường thẳng từ các góc. Bố cục này giúp người xem theo dõi được hành động chứ không chỉ trạng thái đứng yên của từng nhân vật. Những người mù giống nhau về trang phục và nét mặt; và họ dường như có thể đi tiếp theo người khác trong một chuyển động đơn giản, và lên tới cực điểm là cú ngã, bắt đầu từ phía bên tay trái theo trật tự “đi lang thang, dò dẫm, lo sợ, sẩy chân, rồi vấp ngã”. Sự tiếp nối những mái đầu là tuân theo một đường cong, khoảng cách càng nới rộng, khi sự tiếp nối nhau bị kéo dãn, cho thấy người đi sau cần tăng tốc để bắt kịp người đi trước. Độ nghiêng của các mái nhà trong bối cảnh càng củng cố thêm cảm xúc của người xem về bố cục.
Một đặc điểm khiến các học giả cảm thấy Bruegel đang ám chỉ tới các vấn đề xã hội thời bấy giờ là vì những người mù này không ăn mặc trang phục nông dân, hay trang phục của người nghèo, mà đều ăn mặc khá đàng hoàng, ngoại trừ một vài chiếc áo choàng trông có vẻ hơi rách mướp ở bên ngoài. Có thể thông qua chi tiết này, Bruegel muốn ám chỉ tới những kẻ thuộc giới quý tộc đang mù quáng dẫn nhau xuống hố sâu của chính trị.
Trong số những người mù, đằng sau lớp áo choàng, chúng ta cũng có thể nhận ra hình ảnh của một vị linh mục, có thể Bruegel đang ám chỉ những người mang thiên chức mà lại phớt lờ lời răn của Chúa. Người ăn mày đi đầu còn mang theo đàn, vì thế có thể Bruegel ngụ ý về những nhạc sĩ đã quên đi trách nhiệm cất tiếng hát ngợi ca chư Thần.
Hình ảnh người mù trong nghệ thuật phương Tây
Ở thời Hy Lạp cổ đại, những người mù được mô tả là có những người năng khiếu thiên bẩm, nhận được quà tặng của Chúa trời, ví như các ca sĩ mù có giọng ca có thể với tới thiên thượng như Homer. Đến thời Trung cổ ở Châu Âu, người mù được mô tả là các nhân vật có khả năng đặc biệt, ví dụ Bartimaeus có khả năng chữa lành bệnh mù lòa ở gần Jericho trong Kinh Phúc Âm.
Sau này, tín ngưỡng phương Tây đã có sự phân cực khi nhìn nhận về vấn đề được cứu rỗi. Một số người cho rằng việc làm các điều thiện như bố thí cho người mù lòa và người nghèo là những việc tốt, cùng với đức tin thì sẽ giúp các con chiên được cứu vớt. Trong khi đó, một số người cho rằng nghèo ốm đau khổ cũng giống như khái niệm duyên số của phương Đông, vì vậy nếu cứ hữu ý đi làm phúc mà không chú trọng vào đức tin thì cũng không được cứu rỗi. Điều này cũng xảy ra tương tự ở phương Đông, khi các nhà sư quá chú ý tới việc xây chùa, giúp người nghèo, mà quên đi việc đọc kinh sách, ngồi thiền, tu luyện thì sẽ bị gọi là những người “hữu vi”, không phải là “vô vi”.
Việc nhìn nhận người mù cũng theo sự phân cực trong tín ngưỡng mà có sự thay đổi. Thậm chí trong một số tác phẩm văn học dân gian khi đó, người mù còn bị mô tả là những kẻ đểu cáng, ma cà bông, và là đối tượng của các trò chơi khăm.
Trong bức “Thằng mù lại dắt thằng mù”, Bruegel lại mượn hình ảnh người mù, những người thiệt thòi dễ bị tổn thương trong xã hội làm nhân vật trung tâm, để châm biếm nhân tình thế thái, châm biếm những biến động trong tín ngưỡng tôn giáo, trong xã hội thời bấy giờ. Nghệ thuật chân chính luôn bao hàm tầng tầng trăn trở của người nghệ sĩ…
Cát Hải / TrithucVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét