Từ năm ngoái đến thời điểm này của năm nay, chúng ta đều tiêu không hết tiền, trong khi lại kêu không có tiền tiêu và thiếu động lực tăng trưởng. Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thốt lên như vậy, và kiến giải cặn kẽ về các vấn đề nợ công, NSNN đang gây lo ngại nói chung tại phiên thảo luận của Quốc hội ở tổ về kinh tế-xã hội sáng 24-10. TBKTSG Online lược ghi phát biểu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng.
Vì sao tăng thu NSNN chỉ là 2,3%?
Tăng trưởng kinh tế năm nay theo kế hoạch 6,7% và dự toán thu NSNN dựa trên mức tăng trưởng này. Như vậy, nếu chúng ta đạt dự toán thu thì đã đảm bảo được chỉ tiêu 6,7% tăng trưởng. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Quốc hội, chúng tôi đã báo cáo là thu NSNN sẽ vượt dự toán 2,3%, tương ứng với 23.700 tỉ đồng, tức là con số còn cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP là 6,7%.
Khi xây dựng dự toán 2017, chúng tôi đánh giá thu 2017 tăng khoảng 10,1% (trong đó thu nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh tăng 14,1%) với công thức tỷ lệ tăng thu = GDP (6,7%) + lạm phạt (4%) = khoảng 10,7%.
Tính tới thời điểm này của năm nay, số thu đã vượt hơn so với dự toán là 2,3% (23.700 tỉ đồng), chủ yếu nằm ở phần ngân sách địa phương. Như vậy có nghĩa là dự toán thu đã được tính dựa trên nền tăng trưởng, lạm phát (10,7%) và thực tế con số dự toán thu đưa ra cao hơn (14,1%). Và đến nay, số thu NSNN đã vượt cả 14,1% và thực tế cuối năm còn cao hơn nữa. Do đó, tình hình thu NSNN đang cho kết quả rất tích cực.
Vấn đề thứ hai, Chính phủ đã đánh giá kinh tế chuyển biến tích cực, hoàn thành 13 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội, nhưng có ý kiến thu NSNN từ 3 khu vực chính là doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lại không đạt dự toán.
Năm nay, chúng tôi đánh giá, thu từ khu vực DNNN đạt 92,3%; từ khu vực doanh nghiệp FDI là 95,1% và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 97,2% dự toán. Thực tế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Về chủ quan, theo dự toán 2017, các khu vực này đều giao ở mức rất cao. So với thực hiện 2016, thì dự toán thu từ khu vực DNNN tăng 8,8%; doanh nghiệp FDI tăng 22,9%; và doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 23,8%. Do đó, đây là những con số được giao tăng thu cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Như vậy, đối với số thu tại 3 khu vực này, mặc dù không đạt như dự toán, nhưng con số thu thực tế thì rất tích cực. Trong số 3 khu vực này, số thu thực tế từ DNNN chỉ tăng có 0,4%, còn thu từ khu vực FDI tăng tới 16,9% so với số thu thực hiện 2016; và ngoài quốc doanh thì tăng 20,3%.
Như vậy, chúng tôi cho rằng, nguyên nhân khách quan là do chúng ta xây dựng dự toán cao quá. Nhưng thực thế thực hiện thì vẫn cao hơn mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (6,7%) cộng với lạm phát (4%). Tôi cho rằng, diễn biến này vẫn rất hợp lý.
Bên cạnh đó, mặc dù kinh tế có khởi sắc, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp rất khó khăn. Mặc dù con số công bố là có rất nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhưng thực tế thì “cứ 4 ông ra đời, thì có 3 ông giải thể, phá sản”. Trong khi đó, “ông ra đời” thì thường 1-2 năm mới phát sinh thuế, còn “ông giải thể, phá sản” thì thu thuế ngay lập tức bị mất.
Hiện nay, theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện còn hơn 600 nghìn doanh nghiệp và hộ kinh doanh có nợ đọng thuế ở dạng đóng cửa, giải thể hoặc chuyển khỏi nơi cư trú.
Bội chi và nợ công
Năm 2017, Quốc hội quyết số bội chi là 178.300 tỉ đồng, bằng 3,5% GDP kế hoạch đề ra (5,1 triệu tỉ đồng), trong đó, huy động từ nguồn trái phiếu Chính phủ 50.000 tỉ đồng, ODA là 60.000 tỉ đồng.
Điểm mới là chúng ta đã đưa trái phiếu Chính phủ vào bội chi, bởi trước 2016 trái phiếu Chính phủ không nằm trong bội chi.
Trái phiếu Chính phủ năm 2017, chúng ta có 50.000 tỉ đồng theo dự toán, cộng với 17.000 tỉ đồng của 2016 trở về trước chưa giao được là có 67.000 tỉ đồng, trong đó tới nay mới giao được 35.900 tỉ đồng. Như vậy, từ năm ngoái đến thời điểm này của năm nay, chúng ta đều tiêu không hết tiền, trong khi lại kêu không có tiền và thiếu động lực tăng trưởng. Những động lực tăng trưởng là ở đây chứ ở đâu? Đây là vấn đề rất quan trọng.
Trong khi đó, khi chúng ta quyết toán dự toán NSNN 2015, thì vẫn còn lại khoảng 5.300 tỉ đồng ODA đã giải ngân chưa đủ thủ tục. Đến hết năm 2016 và thời điểm này thêm 8.700 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng có khoảng 14.000 tỉ đồng. Chúng tôi cũng đã báo cáo với Chính phủ, với Quốc hội là trong khi chúng ta không tiêu hết được trái phiếu Chính phủ trong nước, thì cho tăng vốn đối ứng cho ODA vào trong dự toán 2017. Có nghĩa là giảm trái phiếu Chính phủ và tăng ODA, thì vẫn nằm trong tổng mức 178,3 nghìn tỉ đồng bội chi. Như vậy, bội chi năm nay sẽ quản lý được, không vượt số 178,3 nghìn tỉ đồng.
Làm được điều này thì đây là năm đầu tiên trong 10 năm chúng ta quản lý được bội chi, kể cả số tuyệt đối và tương đối. Đây là một điểm sáng trong năm nay.
Về vấn đề rất hệ trọng là nợ công, đến thời điểm này nợ công đã nhẹ nhàng hơn rất nhiều do quy mô dù vẫn tăng nhưng áp lực đã giảm rất lớn.
Vì sao? Dự tính cuối năm nay, nợ công vẫn trong giới hạn, ở mức 62,6% (dưới 65%) và cơ cấu nợ chính phủ rất tích cực. Năm 2011, trong cơ cấu nợ chính phủ thì nợ nước ngoài chiếm tới hơn 60%, nợ trong nước khoảng hơn 39%; nhưng đến thời điểm này thì ngược lại. Đây là một chuyển biến rất quan trọng và đang đi đúng hướng.
Cuối năm 2011, kỳ hạn nợ trái phiếu Chính phủ trong nước chỉ 1,84 năm; cuối năm 2013 được 2,8 năm; nhưng cuối năm 2016 là 8,7 năm. Qua 9 tháng năm 2017, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ đã lên tới 14,1 năm. Do đó, nếu như trước đây chúng ta lo lắng năm 2016, 2017 là đỉnh nợ, thì đến nay đã giảm áp lực đi rất nhiều và năm nay không còn là đỉnh nợ.
Lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ có chiều hướng giảm mạnh. Nếu như lãi suất năm 2011 là 12,1%/năm, thì đến cuối 2016 còn khoảng 6,28%/năm và tính tới thời điểm này chỉ còn khoảng 6,0-6,1%.
Như vậy, kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tăng lên 3-4 lần, lãi suất giảm 1 nửa, đồng nghĩa là nghĩa vụ trả nợ giảm.
Cuối năm ngoái, Bộ Tài chính làm đề án trình lên Chính phủ phê duyệt, tất cả các khoản vay của bảo hiểm xã hội (BHXH) từ xưa đến nay khoảng 364 nghìn tỉ đồng đều trái phiếu hóa. Do vậy, cuối năm 2016, cơ cấu tham gia chính phủ của hệ thống NHTM vẫn chiếm khoảng 78%, thì đến nay chỉ còn 54%. Chúng tôi đang chỉ đạo BHXH tham gia vào đấu thầu trái phiếu, khi đó sẽ thêm một nhà đầu tư dài hạn trên thị trường, tạo đối trọng để hạ lãi suất thị trường, bao gồm cả các khoản vay ngắn hạn. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư khác cũng tăng tỷ trọng tham gia như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm,… như đúng theo thông lệ.
Triển vọng năm 2018
Thu ngân sách gồm nhiều khoản: thu nội địa, thu dầu thô, thu cân đối xuất nhập khẩu, thu viện trợ,… Trong khi đó, dự toán thu dầu thô 2018 giảm 7,6 nghìn tỉ đồng so với 2017, do sản lượng khai thác giảm 1,97 triệu tấn. Thực tế điều hành có thể cao hơn nhưng giảm sản lượng khai thác thì số thu cũng sẽ giảm tương ứng.
Thu từ xuất nhập khẩu cũng giảm 1.000 tỉ đồng so với 2017, vì từ 1-1-2018, 90% dòng thuế của các hiệp định FTA giữa Việt Nam- ASEAN về “0”.
Về xăng dầu, cuối 2017, đầu 2018, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, kéo theo tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm xuống tương ứng và từ đó thuế thu nhập khẩu từ xăng dầu cũng giảm đi.
Như vậy, để đảm bảo tăng trưởng 6,5-6,7% và lạm phát 4% thì năm 2018, dự toán thu nội địa phải đạt 1.000.099 nghìn tỉ đồng, tăng 88 nghìn tỉ đồng, bằng 8,6% ước thực hiện 2017. Nhưng nếu loại trừ tiền thu đất, tiền xổ số kiến thiết, cổ phần hóa, cổ tức lợi nhuận sau thuế,… thì dự toán ước thực hiện năm 2018 vẫn là số cao hơn so với con số tăng trưởng kinh tế, cộng với lạm phát.
Tư Giang lược thuật
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét