Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

CHU HOẠCH qua ký ức bạn bè cùng thời


Có những câu thơ, bài thơ, Chu Hoạch làm rồi quên, cho đến khi bạn bè đọc lại. Nhưng có những thứ "tình" mà khi nằm xuống, người ta không thể nào không nhớ. Quen thân với Chu Hoạch, có những cái tên nhắc đến nhiều người biết như nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, đạo diễn Phó Bá Nam…, và cả những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tên tuổi mà nay đã không còn. Hà Nội một thời, có những con người yêu nghệ thuật mà chịu đau đớn, nhưng cũng nhờ nghệ thuật mà được cứu rỗi. Sự cứu rỗi không chỉ bởi bản thân nghệ thuật mà bởi tình người, tình nghệ sĩ họ dành cho nhau.


CỐ NHÀ THƠ CHU HOẠCH QUA KÝ ỨC BẠN BÈ CÙNG THỜI

HẢI AN

Nhân 10 năm ngày mất của nhà thơ Chu Hoạch (1941-2007), ngày 13/10 vừa qua, bạn bè thân hữu đã về thăm lại phần mộ của ông ở Mỹ Đức, Hà Nội, nhắc nhớ những kỷ niệm Hà Nội một thời có những con người đã sống. Như rất nhiều bài thơ và bức tranh ông vẽ nay đã lưu lạc, Chu Hoạch hiện lên bằng nhiều mảnh ghép - mà ngay cả những người tưởng chừng thân hiểu ông nhất cũng không khỏi bất ngờ.

1.
.Được biết đến nhiều vào những năm 1990 qua những bài thơ đăng báo nhưng Chu Hoạch là một cái tên không xa lạ trong giới văn nghệ từ trước đó gần 30 năm. Năm 1963 ông đã viết bài thơ "Quê" được bạn bè truyền tụng.
Sau này, khi vào làm công nhân móc cống, Chu Hoạch đã viết nhiều câu thơ ám ảnh. Gia tài thơ Chu Hoạch, theo họa sĩ Đặng Huy Quyển - một người gắn bó thân thiết với Chu Hoạch gần 20 năm - ông sáng tác khoảng 500 bài, còn vẽ thì khoảng 200 bức tranh sơn dầu lẫn ký họa chì than. Nhiều bức tranh ông vẽ thất lạc, vì ông sống nay đây mai đó, chuyển từ nhà trọ này đến nhà trọ kia. Nhiều bài thơ ông viết đã mất, vì chính ông có lần đã tự tay đốt đi bản thảo.
Có những câu thơ, bài thơ, Chu Hoạch làm rồi quên, cho đến khi bạn bè đọc lại. Nhưng có những thứ "tình" mà khi nằm xuống, người ta không thể nào không nhớ. Quen thân với Chu Hoạch, có những cái tên nhắc đến nhiều người biết như nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, đạo diễn Phó Bá Nam…, và cả những nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tên tuổi mà nay đã không còn. Hà Nội một thời, có những con người yêu nghệ thuật mà chịu đau đớn, nhưng cũng nhờ nghệ thuật mà được cứu rỗi. Sự cứu rỗi không chỉ bởi bản thân nghệ thuật mà bởi tình người, tình nghệ sĩ họ dành cho nhau.
Thế hệ những người lớn lên và trưởng thành vào những năm 1960-1980, có một số người gặp ít nhiều khó khăn khi đến với nghệ thuật. Cái thời mà nói như nhà thơ Trúc Cương: "Tôi khốn khổ, tôi méo mó vì hai bữa ăn hàng ngày/ Cơm là điều tôi thích nhất/ mà em thì chỉ có lời ca".
Hoặc nói như họa sĩ Đặng Huy Quyển, "Ngày đó, những người không làm cố định ở đâu, không có tem phiếu, không dám về nhà. Vì về nhà ăn thì coi như ăn vào tiêu chuẩn của người khác. Và đi vẽ thì phải trốn gia đình". Chu Hoạch từng viết: "Tôi trốn con trai mình/ Anh bạn tôi rình trốn bố/ Hai đứa hẹn nhau trên phố/ Đi vẽ chân dung mùa thu".
Họ sống chủ yếu không lương mà họa phẩm lại đắt đỏ. Một tuýp sơn dầu bằng ngón trỏ trị giá 1/6 tháng lương, chỉ vẽ được 1-2 bức tranh. Giá tiền một cây bút chì than có thể ăn được hai bát phở, mà phở thì có khi nhịn đến mấy năm mới ăn. Toan vẽ không có, thường là vẽ trên vải bạt, bao tải, thậm chí "xin được cái quần kaki rách cũng xé ra được một mảnh để vẽ". Và "tranh vẽ ra không phải để bán, tặng người ta không lấy".
Nhưng một tháng không chỉ vẽ bằng 1 tuýp sơn dầu, vẽ từ năm này qua năm khác. Họ sống thế nào và lấy tiền mua họa phẩm ở đâu? Họa sĩ Đặng Huy Quyển kể lại rằng, khi ấy họ lang thang khắp nơi, sống nhờ bạn bè. Ngày thì ăn ở nhà thơ Trúc Cương, hôm thì ăn ở nhà nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc. Có cặp lồng cơm mẹ nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chuẩn bị cho anh mang đi ăn trưa thì thêm cả Chu Hoạch và Đặng Huy Quyển "ăn boóng vào". Đến nỗi khi bạn bè đến nhà, mẹ nhạc sĩ không biết, bảo "Nó gầy mà thầy cơm". Bà không biết là mấy năm liền như vậy.
Còn họa phẩm, tất cả những gì có thể bán được họ đều bán để lấy tiền mua. Một lần em trai của Chu Hoạch đi nước ngoài về mua tặng anh một cái áo màu mận chín rất đẹp. Chu Hoạch mặc vào, hỏi Đặng Huy Quyển là "ngắm có đẹp không". Xong một lời khen thì động tác tiếp theo ông liền ra phố Gia Ngư, cởi chiếc áo để Huy Quyển vắt lên vai, bán. Xong rồi ông ngồi khóc. Lần khác, khi người cha dượng vào Nam để lại cho ông chiếc xe đạp, thì "Hôm ông bán phanh trái, hôm bán phanh phải. Hôm khác đổi cái xích tồi hơn để lấy tiền chênh lệch"…
Những người như Hoàng Nhuận Cầm, Trúc Cương, Nguyễn Cường, Đặng Hữu Phúc, Lợi "què"… đã "gánh đến gù lưng" nuôi ăn từng bữa, từng ngày Chu Hoạch và Đặng Huy Quyển. Nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi "cái đói triền miên", chuyện họ đứt bữa là thường, thậm chí nhịn 3-4 ngày cũng bình thường.
Những bài thơ, những bức tranh vẽ ở giai đoạn này "trả giá bằng máu và nước mắt", "lấy cả tuổi thanh xuân để đánh đổi một cái không có gì". Để cuối cùng có được những bức tranh, mà "mang tiếng xấu với xã hội dù chẳng trộm cướp gì, cả gia đình khinh ghét"...
2.
Đặng Huy Quyển quen biết nhà thơ Chu Hoạch từ năm 1969 qua một người bạn. Hai người nhanh chóng thân thiết, gắn bó, đi vẽ hàng ngày với nhau đến năm 1986. Chu Hoạch tự học vẽ và nhận họa sĩ Bùi Xuân Phái là thầy, nhưng chủ yếu qua trao đổi, đàm đạo. Đặng Huy Quyển có lợi thế hơn một chút về hội họa cơ bản vì từng học ở Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Những lần đi vẽ chung, ngoài chung sở thích, đó có lẽ còn là chỗ dựa tinh thần cho cả hai. Họ mến nhau về tài và thương nhau hơn anh em ruột thịt.
Nhớ lại mùa đông năm nào, khi Đặng Huy Quyển "chán mình" húi trọc, thì Chu Hoạch đạp xe khắp Hà Nội đi tìm, chỉ để đưa một cái mũ biên phòng bảo "Thôi mày đội cái này cho đỡ rét". Cũng con người đó - một người có sức ảnh hưởng lớn, không muốn đàn em chịu ảnh hưởng của mình, thì "gây ra một chuyện, thôi mày một đường, tao một đường, anh em đừng gặp nhau nữa, mày phải là mày".
Đặng Huy Quyển nói với bạn bè anh em, rằng không có Chu Hoạch, không có ông ngày hôm nay. Chu Hoạch gần như một người anh đỡ đầu trong quãng đường đời tuyệt vọng nhất vì tốt nghiệp vào năm giảm biên chế, ra trường làm hậu đài, kéo màn ở đoàn ca múa Hà Nội. Được biết Chu Hoạch và qua Chu Hoạch biết nhiều văn nghệ sĩ khác, ông "vẽ đẹp lên, viết hay hơn, trở thành một người làm được nhiều việc". Và từ khi tách ra năm 1986, ông đã "trở thành chính mình".
Năm 2007 thì họ tách nhau hẳn, khi nhà thơ Chu Hoạch uống rượu về bị ngã, nằm viện 9 ngày, rồi mất. Nhưng những câu chuyện, những ẩn giấu về nhà thơ thì không phải ai cũng biết. "Mọi người cứ bảo cái thằng cha này nó lạ tính, nó đang thế, tự nhiên chơi mình một vố, vớ vẩn thôi để ghét ông ấy và xa cách đi". Nhưng "không phải thế đâu, trong bụng nghĩ khác hẳn". Cắt nghĩa điều này, họa sĩ Đặng Huy Quyển chia sẻ: "Chu Hoạch là người sợ lòng tốt mà suốt đời chỉ tốt với mọi người". Vì đến một lúc, thấy người ta tốt quá với mình, mà cứ nương nhờ lòng tốt đó thì chính mình cũng thấy ngại nên tìm cách xa lánh đi. "Nhưng, thế là một người rất tự trọng".
Trên cùng một chuyến xe, kể lại những chuyện về một con người, nhưng câu chuyện lại chạm đến đời sống của cả một thế hệ những người vô tư, tận hiến cho nghệ thuật. Cái thời đói khổ, nhiều định kiến nhưng vẫn cho người ta niềm tin về một điều cao cả, đẹp đẽ là tình bạn bè đùm bọc, chân thành và khát vọng nghệ thuật để sống và dâng hiến. Có lẽ vậy cho nên họ mới "yêu nghề, giữ nghề và quý trọng nghề đến thế".



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: