Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Sự dối trá phải trả giá!




Bích Diệp 
(Dân trí) - Nhưng điều quan trọng ở đây, có lẽ ông Khải chưa nhìn ra được, đó là sự trung thực, là chữ “tín” trong kinh doanh, là sự tuân thủ pháp luật, tôn trọng người tiêu dùng. Không ai có thể thông cảm với hành vi cắt mác hàng Trung Quốc, đính tên thương hiệu vào để rồi trục lợi, bán ra với mức giá “trên trời” như thế.

Vẫn đang là những ngày tháng 10, tháng có ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) và thật khó khăn khi phải viết ra những dòng dưới đây, vào thời điểm mà nhẽ ra cần tôn vinh các doanh nhân Việt.

Câu chuyện bắt đầu từ chiếc khăn lụa tơ tằm được một doanh nghiệp ở Hà Nội mua về làm quà tặng cho đối tác. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như chiếc khăn đó không mang tới hai cái mác: một nhãn với nội dung “Khaisilk made in Vietnam” còn một nhãn nữa với nội dung “made in China”.

Có lẽ chẳng cần phải nói thêm, bạn đọc cũng biết sự nổi tiếng của thương hiệu Khaisilk là như thế nào. Nếu không phải là một doanh nghiệp thuộc loại “cây đa, cây đề” thì chiếc khăn ấy khó mà với tới 644.000 đồng/chiếc, một mức giá có thể mua cả 10 chiếc khăn kiểu dáng tương tự đang bày bán phổ biến trên thị trường.

Tôi từng cầu mong sao đây chỉ là một “tai nạn”, một sự nhầm lẫn mà thôi. Tôi trông chờ câu trả lời từ ông Hoàng Khải sẽ có thể làm rõ hiểu nhầm, có thể trấn an và khiến những người tiêu dùng như tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng không. Hoàn toàn không có sự hiểu nhầm hay nhầm lẫn nào cả! Ông Khải thừa nhận và xin lỗi…

Ông thừa nhận chỉ 50% hàng hóa Khaisilk là hàng Việt, 50% là hàng nhập. Ông cho biết sẽ bồi thường dù nhận thức có thể mất hàng mấy năm trời để gây dựng lại “sự mất mát đau đớn” này. Ông còn nói: Lẽ ra tại cửa hàng phải có “Khaisilk made in Việt Nam” và “Khaisilk made in Trung Quốc”, chứ không thể đánh lận con đen.

Vâng, người tiêu dùng chúng tôi dẫu sao cũng phải “cảm ơn” ông Khải. Cảm ơn ông đã không vòng vo chối tội mà nhận luôn sai lầm của doanh nghiệp mình. Ai đó còn cho rằng ông là người “dám làm, dám chịu”. Nhưng rất tiếc ông Khải ạ, thật khó để nhận lời xin lỗi của ông sau bao nhiêu năm ông đánh cắp niềm tin, lừa dối khách hàng.

Tôi thấy tiếc cho Hoàng Khải và tên tuổi Khaisilk với thương hiệu dày công dựng nên sau hàng chục năm lăn lộn. Tôi thấy tiếc cho niềm tin vụn vỡ mà người tiêu dùng từng đặt vào ông, tiếc cho một doanh nhân từng là cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp, tiếc cho những phát ngôn về đạo đức kinh doanh mà ông chia sẻ rất nhiều nay lại bị chính ông phản bội…

Và tất nhiên, những sai lầm đó chẳng thể một lời xin lỗi là xong. Gian dối là tối kỵ trong kinh doanh, nên doanh nghiệp gian dối nhất định phải trả giá trước pháp luật, trước chính quyền.

Sau khi vụ việc gây lùm xùm trên mạng xã hội và báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo yêu cầu Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ các thông tin trên; nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý. Chiều 26/10, một đội quản lý thị trường của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã khám xét và thu giữ một số sản phẩm của cửa hàng Khaisilk số 113 Hàng Gai.

Hành động của người đứng đầu Bộ Công Thương nhận được sự tán thưởng của đông đảo dư luận. Song, nhẽ ra (vâng, thật tiếc vẫn phải dùng từ này), đơn vị quản lý thị trường đưa vụ việc này ra ánh sáng sớm hơn, chứ không phải đợi đến bây giờ...

Nói một cách công bằng, “made in China” không hoàn toàn là xấu. Chúng ta vẫn biết rất nhiều hàng nhập từ Trung Quốc là phục vụ cho sản xuất, hay nói cách khác, chiếc áo “Made in Vietnam” ta mặc có thể chỉ được gia công trong nước mà thôi còn sợi vải là nhập từ nước bạn. Hàng Trung Quốc đúng như ông Khải nói, về mẫu mã, chất lượng rất khó phân biệt với hàng Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng ở đây, có lẽ ông Khải chưa nhìn ra được, đó là sự trung thực, là chữ “tín” trong kinh doanh, là sự tuân thủ pháp luật, tôn trọng người tiêu dùng. Không ai có thể thông cảm với hành vi cắt mác hàng Trung Quốc, đính tên thương hiệu vào để rồi trục lợi, bán ra với mức giá “trên trời” như thế.

Có thể đâu đó còn rất nhiều người như ông Khải, vẫn còn rất nhiều thương nhân, doanh nhân Việt chưa ý thức được những hành vi gian dối dù to, dù nhỏ của họ đang “dìm chết” hàng Việt Nam trên chính sân nhà – nơi hàng vạn, hàng triệu doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh chân chính khác đang phải nỗ lực ngày đêm để tìm chỗ đứng cho mình.

Nên thật mong, đây sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh, để nhắc nhở mỗi người kinh doanh về lòng tự trọng, về tinh thần tự tôn dân tộc, trước khi đòi hỏi “người Việt dùng hàng Việt”.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: