Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 24 tháng 10, 2017




HỒ TRUNG TÚ

Chiếc bình mới nào cho rượu mới ?
Ngày nay người ta phân biệt ra hai loại Thượng đế: Một Thượng đế của những nhà thần học dựa trên đức tin, và một Thượng đế của những triết gia dựa trên lý trí, và cách xác định này ít nhiều đã khiến vấn đề trở nên rõ ràng. Các quy luật, sự cân xứng, hài hòa của vũ trụ để tạo nên sự sống có trí tuệ như con người đã đi theo con đường tiến hóa ngẫu nhiên nào đi chăng nữa thì lý trí của con người cũng sẽ không thôi thán phục sự huyền nhiệm đó. Một Thượng Đế không như Kinh Thánh mô tả đã được các nhà khoa học tạo nên, gán cho ông ta nhiều vẻ đẹp lung linh hơn và quả thật loại rượu mới này đang cần đến một chiếc bình mới. Chiếc bình đó là gì vậy ?

Thật ra thì các nhà Thần học cũng vẫn còn chỗ để quy tất cả về một Thượng Đế kiểu cũ khi bảo các quy luật tại sao như thế này mà không như thế khác, và đó là chính ý chí của Thượng Đế. Ở đây có thể xác định ngay rằng khoa học tuy khá là đại ngôn nhưng thật ra vẫn còn rất gần với điểm xuất phát, vẫn còn rất nhiều bí ẩn và câu hỏi chưa có lời đáp. Một ví dụ cụ thể và dễ hiểu nhất là trường hấp dẫn, cái lực mà có thể lấy tay sờ được với một cảm giác rất vật lý và bao trùm toàn vũ trụ, nối kết vũ trụ lại thành một thể thống nhất để sự sống có thể hình thành và phát triển... thì cho đến nay mọi cố gắng từ Einstein cho đến Hawking và rất nhiều các nhà vật lý khác trong việc lượng tử tường hấp dẫn vẫn chưa đem lại kết quả nào khả dĩ. Một khi con người còn chưa biết quy luật được hình thành như thế nào, tại sao vật chất có thuộc tính này mà không có thuộc tính khác, thì bàn tay của Thượng Đế vẫn còn tác dụng.

Tuy vậy, một quan niệm mới về Thượng Đế vẫn cứ đang hình thành và cuộc tranh luận để “thống nhất các trường”(xin hiểu là hai Thượng Đế) vẫn cứ diễn ra và sẽ khó mà có hồi kết. Vấn đề thật ra không mới, các nhà triết học duy vật cổ đại cách nay trên 2000 ngàn năm đã nói đến rất nhiều. Đến thế kỷ 20, năm 1913 mấy chục triệu người chết vì dịch cúm và tai ương của các hai cuộc chiến tranh, cùng với sự phát triển của khoa học, và gần đây là các cuộc động đất vào gần ngày Giáng sinh, đã khiến niềm tin về một Thượng Đế nhân từ bị sút giảm. Tuy vậy, các nhà thần học trong bất cứ trường hợp nào cũng có thể tìm ra những lý luận mới, và còn lâu nữa một phát kiến khoa học nào đó mới có thể lật đổ hoàn toàn hình tượng này.

Hãy nếm một chút rượu cũ trước khi đi tìm chiếc bình mới cho loại rượu mới
Những lời trách móc về Thượng Đế khi con người gặp tai ương đã vang lên trước cả khi con người có một Thượng Đế nhân từ như đã biết. Và đứng trước sự phi lý không thể giải thích ấy các nhà thần học thường bảo con người không thể hiểu thánh ý Chúa. Chúa thường có cái lý của mình mà con người không thể đem các chuẩn mực đạo đức, luân lý của con người ra để đo lường, đánh giá. Và thường thì sau một thời gian rất dài nhìn lại con người mới hiểu phần nào cái thánh ý ấy.
Ví dụ được nhiều người nói đến là các cuộc tàn sát người Kitô giáo. Sự trách móc Chúa được nói lên nhiều nhất từ chính nơi miệng của những con dân Chúa, điển hình nhất là dưới thời Hoàng đế Nero của La Mã cổ đại. Nhưng kỳ lạ một điều rằng cứ mỗi lần như vậy thì đạo Chúa lại phát triển một cách bùng nổ và sự tử vì đạo của các con dân Chúa như được củng cố thêm.
Ví dụ trên thật ra đã cũ và vẫn còn nhiều cơ sở về tâm lý tập thể để giải thích. Ví dụ sau đây thì người viết bài này không hiểu sao cứ càng suy ngẫm thì càng thấy hình như quả thật có một bàn tay nào đó của Chúa vẫn đang can thiệp trong đời sống của con người hiện đại hôm nay. Đó là Hitler !
 Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao Hitler lại tàn ác đến mức kỳ cục, chưa có tiền lệ trong lịch sử toàn nhân loại, như vậy không ? Nero hay Tần Thủy Hoàng chỉ là chuyện đùa của trẻ con như vặt cánh con chuồn chuồn nếu đặt bên cạnh Hitler ! Và tại sao lại có cái thằng người quái gở như vậy vào đúng cái thời điểm mà ... không có hắn không được ! Thử nhìn lại mà xem, nếu lúc ấy không có Hitler thì sau đó hoặc bây giờ chắc chắn sẽ có một Hitler khác. Mà bây giờ mới có một Hitler thì dễ hình dung chuyện gì sẽ xảy ra ! Tính ngẫu nhiên và tất yếu của lịch sử trong trường hợp này dầu được hiểu theo cách nào đi nữa vẫn còn những khoảng trống kỳ ảo và bí ẩn. Nếu đêm hôm quân đồng minh đổ bộ xuống bãi biển Normandie cơn bão không bất chợt lặng đi thì Hitler kịp thời gian chuẩn bị để cầm cự và chỉ cần thêm một tháng nữa thì kế hoạch sản xuất bom hạt nhân của Hitler hoàn thành. Lúc đó thì lịch sử nhân loại sẽ ra sao ? Càng suy ngẫm thì càng thấy Hitler như một nước cờ của Thượng Đế, một nước cờ thấm đẫm nước mắt để nhân loại kịp học một bài học về tính ác trong chính bản thân mình trước khi làm chủ một năng lượng không hề có trong tự nhiên. Tại sao Hitler không có trước đó hoặc sau đó mà lại ngay trước cái đêm con người có làm ra bom nguyên tử ? Tại sao Hitler lại có thể sáng tạo ra cái lò thiêu người mà cơ thể của 2 triệu người Do Thái bị đốt cháy, bay lên những ngọn khói đen ngòm, khét lẹt khiến hàng ngàn năm sau con người cũng sẽ giật mình trước hình ảnh ấy ? Nếu nói về sự dữ thì lời khóc than, nguyện cầu, trách móc của 2 triệu người Do Thái con dân Chúa chắc chắn phải làm Chúa động lòng chứ ? Nếu một sợi tóc rụng trên đầu cũng do thánh ý Chúa thì thánh ý Chúa trong trường hợp Hitler là gì ? Và bài học ấy xem ra khá hiệu quả.
Suy nghĩ trên nhuốm màu thuyết định mệnh bình dân thế nhưng từ đó vẫn khó để bảo Chúa không có mặt đâu đó và vẫn can thiệp vào đời sống con người bằng cái cách mà thường là con người không thể hiểu nổi (?)

Có hay không một chiếc bình mới ?
Mặc dù vậy, ngay cả ví dụ trên nếu được công nhận của cả hai phía thì việc đi tìm một chiếc áo mới cho Thượng Đế cũ vẫn cứ được đặt ra, và mặc dù cố bảo vệ Kinh thánh nhưng các nhà thần học chắc chắn cũng phải đi tìm những lời giải thích khác cho những câu chuyện cũ. Vụ minh oan cho Galile muộn mằn sau 400 năm và những lỗ hổng trong thuyết tiến hóa cũng như sự xuất hiện bất ngờ của Homo Sapiens (trong khi đã có giống người Neanderthal) trong cây tiến hóa của loài người đã giúp Vatican tin tưởng hơn vào một bàn tay của Thượng Đế rất thật. Sáng thế ký đã được giảng lại theo một cách mới và cứ cái đà này thì cũng dễ hình dung rằng đến một lúc nào đó, ngàn năm nữa chăng, việc thống nhất hai Thượng Đế chắc chắn sẽ diễn ra, và như vậy thì chẳng cần đến một chiếc bình mới nào cả !

Việc cố công chứng minh có hoặc không có Thượng Đế xét ra cho cùng là chuyện lấy thước đo bầu trời. Con người hoàn toàn chưa có đủ công cụ cần thiết để có thể tìm hiểu về Thượng Đế có thật hay không có thật. Lý thuyết toán Hệ thống khẳng định, bản thân một hệ thống không thể tự phát hiện ra mâu thuẫn, con người dù tưởng tượng hoặc thông minh thế nào chăng nữa cũng vẫn thuộc về hệ thống vũ trụ này. Có hay không một vũ trụ khác nữa, một vũ trụ phi vật chất của các thần linh? Thượng Đế nếu có, là phi vật chất. Liệu con người đã có một ý niệm nào về một vũ trụ phi vật chất chưa ?
Các kiểu lý luận dù có lý thế nào chăng nữa cũng vẫn chỉ có thể chứng minh đúng trong hệ thống này nhưng vẫn còn những hệ thống khác con người chưa biết đến.

Một cách tiếp cận khác
Đó là cách tiếp cận của nhà Phật.
Có một ví dụ khá hay về một vũ trụ khác, thế giới quan khác là sự giác ngộ của đạo Phật. Sự giác ngộ của nhà Phật là không dựa trên nhận thức (bằng con đường lìa tri kiến). Tinh thần đạo Phật bảo : Thượng Đế có hay không có, không quan trọng; cái quan trọng là thái độ của ta khi đối diện với cái có hoặc không có Thượng Đế ấy. Thượng Đế có thì ta buồn hay vui ? Thượng Đế không có thì buồn hay vui ?
Nếu Thượng Đế không có thì đó là cái hố sâu đen ngòm, vô nghĩa của cái chết. Các nhà duy vật khi sống thì mạnh mẽ nhưng khi đối diện với cái chết thường hoảng sợ. Và chính vì chết là hết nên khi sống thường ít kìm giữ trước các cám dỗ hoặc điều ác. Và cái không có Thượng Đế này xem ra chẳng đem lại điều gì ích lợi cho con người. Và vì thế, ngay cả khi không có Thượng Đế thì sức mạnh tinh thần của con người cũng đòi hỏi xứng tầm với “Ta thay thế cho một Thượng Đế” (Duy Ngã độc tôn) của vũ trụ ấy. Và điều này cũng không hề dễ để có thể bảo Thượng Đế là không có !
Nếu Thượng Đế có, một hôm nào đó Thượng Đế hiện ra sáng lòa giữa không trung thì ta làm gì mới là quan trọng. Ta sụp lạy ư ? Tinh thần đạo Phật thì bảo lạy hoặc khúm núm bên bất cứ ai, cho dù đó là Thượng Đế, không đáng là người, hãy choàng vai Thượng Đế mà đi uống cà phê hoặc ngồi uống trà ngang hàng với ổng mà không một chút áy náy, mới là điều quan trọng cần đạt tới. Cần nhớ rằng sự ý thức không thể can dự được vào thái độ con người ta trong những trường hợp như thế. Đó là tâm thế của người giác ngộ, mà người giác ngộ thì ra sao xin được bàn trong một trường hợp khác.

Tóm lại, một hệ thống khác ngoài hệ thống vật chất của vũ trụ này có hay không, không biết, thế nhưng với công cụ mà Phật giáo đem lại chúng ta đã có thể hình dung về một tâm thế của con người khi có thể sánh ngang với Thượng Đế, và chính điều này hé lộ cho chúng ta một cách tiếp cận khác với cách tiếp cận qua kiểu duy lý hoặc trông cậy vào khoa học thường thấy.
Và hãy thử hình dung, khi con người có thể ngồi uống trà ngang hàng với Thượng Đế thì liệu chuyện Thượng Đế có thật hay không có thật, có còn là chuyện quan trọng đáng để bàn hay không ?


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: