Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

“Vua muối” miền Trung và chuyện khước từ cơ hội "làm quan"


>> Lòng tham và những bản án lệch lạc
>> Đất nước lắm “Hòa Thân”, nhân dân nhiều… “chị Dậu”!
>> Chất vấn về xe bí thư, nhà chủ tịch Đà Nẵng
>> Lái xe lên làm Chủ tịch Hội đồng khoa học và trách nhiệm Thứ trưởng Toàn?


Lê Thọ Bình
(Dân Việt) Khi đứng đầu ngành muối miền Trung, ông Phan Hộ không chỉ lo cái ăn, cái mặc cho một tập thể cán bộ nhân, viên dưới quyền có lúc lên tới gần 2.000 người, mà còn là “vị cứu tinh” của hàng triệu diêm dân ở khu vực từ Nghệ An tới Khánh Hòa suốt hàng chục năm trời ở một trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước (đầu những năm 80-90 của thế kỷ 20). Cũng chính vì thế mà ông được người dân miền Trung gọi với cái tên đầy trìu mến và cảm phục: “Vua muối”.

Khước từ cơ hội “thăng quan”

Sáng Chủ nhật, trung tuần tháng 3. Mưa phùn. Trời Hà Nội ẩm ướt. Chúng tôi tìm đến thăm ông - “vua muối” Phan Hộ, trong một con hẻm nhỏ của đường Trần Đại Nghĩa (Hà Nội). Ông ngồi đó, chậm chạp, tựa chú gấu già mệt mỏi sau một đời “chinh chiến” dọc ngang. Ở cái tuổi gần 80, lại qua cơn đại phẫu thuật tim, mà (như ông nói) chỉ có hơn mười phần trăm cơ hội sống sót, nên sức khỏe của ông yếu đi nhiều. “Sống được thế này là lãi lắm rồi”- ông nở nụ cười đôn hậu, xua tan đi cái không khí ảm đạm của buổi sáng Hà Nội ẩm ướt đem lại.

Ông đưa cho tôi ly nước vối nóng, hỏi chuyện thời sự, chuyện nhân tình thế thái. Giọng ông nhỏ nhẹ, yếu ớt. Tuy nhiên, khi chúng tôi nhắc tới những kỷ niệm mà cánh nhà báo chúng tôi, mỗi lần đi công tác miền Trung thường ghé “ăn vạ” Tổng Giám đốc Phan Hộ, được ông chiêu đãi, lúc thì mấy chai bia Vạn Lực (bia thời bấy giờ quý và hiếm lắm); lúc thì rượu quốc lủi với cua đồng rang giòn, “vua muối” bổng trở nên sôi nổi khác thường. Dường như con tim yếu ớt sau đại phẫu đang được tiếp thêm liều “đô ping” mới. Vẻ mặt ông thay đổi liên tục. Lúc ông cười, lúc chau mày, lúc bĩu môi, lúc tròn xoe con mắt theo từng câu chuyện.

Ông là người sống trung thực với chính mình, ghét thói xa hoa, nịnh bợ, xảo trá. Nếu muốn chọn một cuộc sống an nhàn, một con đường để có thể “thăng quan tiến chức” thì ông có thừa cơ hội. Từng là cán bộ trẻ đầy tiềm năng, tốt nghiệp Đại học Thủy sản, chuyên ngành kỹ thuật, kinh tế, được ông Nguyễn Kỳ Cẩm- Bí thư Nghệ An thời bấy giờ (sau này là Bộ trưởng Bộ LĐTBXH, Tổng Thanh tra Nhà nước, Trưởng ban Chống tham nhũng) “cưng chiều”, có ý định đưa ông về làm một trong những vị trí chủ chốt của Ban lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vừa tách ra, nhưng ông đã từ chối. Rồi thì không ít lần có cơ hội trở thành cán bộ Trung ương khi được các đời Bộ trưởng Thương mại như Hoàng Minh Thắng, Lê Văn Triết, Trương Đình Tuyển “ưu ái”; được Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Kế hoạch Nhà nước Hồ Việt Thắng, rồi Chủ nhiệm Ủy ban này Võ Văn Kiệt hết sức quan tâm.

Nhưng rồi ông lại chọn một công việc nặng nhọc nhất, ít “bổng lộc” nhất và, có thể nói, là cơ cực nhất: Làm muối. “Muối, nhiều năm liền, là mặt hàng chiến lược, là thứ không thể thiếu được trong cuộc sống của con người”- nhấp một ngụm nước, đặt cái ly xuống chiếc khay để trên giường, ông nhìn tôi đăm đăm.

Hỏi ông, trong cuộc đời hoạt động của mình (từ cán bộ kỹ thuật thủy sản (Hải Phòng), rồi cán bộ Ủy ban Kế hoạch tỉnh Nghệ Tĩnh, chuyên viên Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Giám đốc Công ty muối Nghệ Tĩnh, chuyên viên Tổng Công ty Muối miền Trung, chuyên viên Bộ Thương mại…) giai đoạn nào có ý nghĩa nhất, “vua muối” nở một nụ cười rất tươi: “Thời kỳ làm muối”.

Vâng, ông gắn bó với nghề muối suốt 16 năm trời, 14 năm làm Giám đốc Công ty muối Nghệ Tĩnh (từ 1983-1997), 2 năm là cán bộ nghiên cứu- kỹ thuật của Tổng Công ty Muối miền Trung.

Buôn vàng để nuôi… nghề muối

Trong buổi sáng ẩm ướt của mùa xuân Hà Nội hôm ấy, ông đã kể cho chúng tôi nghe về hạt muối, đúng hơn là câu chuyện về những giọt mồ hôi thấm đẫm nước mắt, thậm chí cả máu của người nông dân miền Trung đã chắt nên cái vị mặn cho đời:

“Nghề làm muối một sương hai nắng

Từ sáng mờ đêm vắng canh thâu

Còm lưng, bại gối, mỏi đầu

Làm ra hạt muối trắng màu tinh khôi”

Hay:

“Vai sờn nhuộm mặn áo nâu sòng

Tất bật đêm chiều hốt nước hong

Nắng gắt trên đồng phơi trắng muối

Mưa xa ở biển dọa đen sông

Nghề này bạc lắm thường mang nặng

Nghiệp ấy đen thay bị trận dông”.

“Vất vả là vậy, cơ cực là vậy, nhưng cuộc sống của người làm muối là hết sức bấp bênh, luôn luôn bị đe dọa. Cả tháng lăn lưng dưới trời nắng chang chang với những hạt muối, nhưng rồi chỉ một cơn bão bất thần ập đến, một cơn lũ tràn qua là bao nhiêu công sức đều đổ xuống sông xuống bể”- ông thở dài, ánh mắt đượm buồn.

Nghe ông kể, nhìn khuôn mặt buồn rười rượi của ông, không hiểu sao tôi bỗng nhớ  lại một thời báo giới từng nói về ông đại loại như “vua muối” Phan Hộ là người hiểu hạt muối đến mức chỉ cần đưa cho ông một nhúm muối ông có thể nói ngay muối này ở vùng nào, do diêm dân xứ nào làm ra...

Trong những năm tháng đứng đầu ngành muối miền Trung, ông không chỉ lo cái ăn, cái mặc cho một tập thể cán bộ nhân viên dưới quyền có lúc lên tới gần hai nghìn người, mà còn là “vị cứu tinh” của hàng triệu diêm dân chạy dài từ Nghệ An tới Khánh Hòa suốt hàng chục năm trời ở một trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước (đầu những năm 80-90 của thế kỷ 20). Cũng chính vì thế mà ông được người dân miền Trung gọi với cái tên đầy trìu mến và cảm phục: “Vua muối”.

Nhân cách ấy không ra đời ngẫu nhiên! Chưa tròn 14 tuổi, “cơn lốc” cải cách ruộng đất ập đến Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh quê ông. Cha ông- một cán bộ tiền khởi nghĩa bị quy kết thành phần địa chủ. 

Ông biết rằng, muốn thoát cái nghèo, cái khổ, cái ám ảnh của cơn lốc cải cách ruộng đất vừa tràn qua thì phải thoát ly khỏi quê hương. Nhưng đi đâu? Ông không biết. Chỉ biết là phải ra đi. “May mắn làm sao khi lên thị xã Hà Tĩnh tình cờ tôi gặp lại được cô giáo Thiều, người từng dạy học ở quê tôi và ở nhà tôi. Cô biết chuyện, cưu mang và nhờ thế tôi đã học và tốt nghiệp cấp 3”- ông Phan Hộ kể.

Có lẽ sinh ra và lớn lên như vậy nên ông đồng cảm và thương yêu những người nông dân châm lấm tay bùn, đặc biệt là những người làm ra hạt muối. Ông từng kể, có thời gian do cuộc sống của diêm dân quá khó khăn, ông đã phải làm đủ nghề để nuôi nghề… muối. Ông từng phải đi buôn săm lốp ôtô, xe đạp, thậm chí buôn cả… vàng. Có lần ông phải mò ra tận chợ trời (Hà Nội) để mua vải xô, vải màn về phân phối cho nữ công nhân và diêm dân. Hỏi “ông không sợ bị bắt vì buôn lậu à”, ông cười: “Vì cuộc sống của công nhân và diêm dân nên cũng phải liều thôi, chứ ai mà không sợ”.

Vượt 4 ải và 7 lần ra Thủ đô

Nếu có ai hỏi trong những năm tháng gắn bó với hạt muối của mình thì kỷ niệm nào đáng nhớ nhất đối với ông, chắc chắn “vua muối” sẽ kể lại câu chuyện ông vượt qua 4 cửa ải mới “lọt” được vào cuộc họp Chính phủ do Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì để được thuyết trình 30 phút “kêu đói” cho diêm dân miền Trung sau cơn bão số 7 năm 1987. “Mình muốn kêu với Chính phủ, nhưng không biết làm thế nào. Nhưng rồi cứ liều “cơm đùm, cơm nắm” ra Hà Nội. May gặp được thủ trưởng cũ là ông Nguyễn Kỳ Cẩm, khi ấy đang là Tổng Thanh tra Nhà nước, ông ấy “bày mưu” cho. Phải dùng đủ mọi “mưu trí” mới lọt qua được 4 cửa, từ văn phòng, đến các vụ chuyên môn để vào được cuộc họp Chính phủ. Ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt- NV) cho nói 15 phút, nhưng mình đã nói gấp đôi thời gian ấy. Sau đó Thủ tướng kết luận, giao cho Phó Thủ tướng Trần Đức Lương xem xét giải quyết”- ông Phan Hộ nhớ lại.

Nhưng rồi cũng phải mất gần nữa năm, 7 lần lọ mọ ra Hà Nội, gặp đủ các bộ, ban, ngành như Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại, Tổng cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước… cuối cùng ông cũng “xin” được 1 tỷ 750 triệu. “Số tiền ấy thời bấy giờ là to lắm. Cứu được tới 60-70% diêm dân miền Trung khỏi đói”- nét mặt “vua muối” trở nên rạng ngời.

Nét mặt rạng ngời ấy cùng với nụ cười tươi rói trên môi dường như đang làm cho con tim sau đại phẫu của “vua muối” đập rộn ràng hơn.  /.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: