PHẠM DUY
Trong một đoạn đời u uất của kiếp ca nhân trên đường lữ thứ, tôi đã được cứu rỗi bằng hình ảnh lá diêu bông, vườn ổi, cỗ bài tam cúc, con bê vàng lạc mẹ… của người bạn thi sĩ mang tên Hoàng Cầm.
Mối duyên kỳ ngộ
Từ sau Cách mạng tháng Tám, Hoàng Cầm, Văn Cao với tôi đã trở thành bạn thân, lúc nào, ngày nào cũng có nhau, khiến nhiều người gọi chúng tôi là “bộ ba bất khả ly”. Văn Cao với tôi xưng là “ông” – “tôi”, còn tôi và Hoàng Cầm thích gọi nhau là “tao” – “mày” vì tuổi chúng tôi chỉ chênh nhau vài tháng.
Kháng chiến chống Pháp nổ ra, tôi ở Lào Cai với Văn Cao ít lâu rồi khoác ba lô ra đi, chọn con đường làm kẻ hát rong.
Cuối năm 1947 đó, tôi và nhạc sĩ Ngọc Bích từ tỉnh lỵ Thái Nguyên bị tiêu hủy hoàn toàn đi bộ qua Bắc Giang, tìm về làng Lan Giới thuộc khu Nhã Nam, Yên Thế (Bắc Giang) để gia nhập đội Văn nghệ kháng chiến của Hoàng Cầm. Lúc ấy, đội văn nghệ chỉ có 7 – 8 người nhưng chúng tôi đi lưu diễn khắp những nơi có Vệ Quốc Đoàn đóng quân trong ba tỉnh Cao – Bắc – Lạng.
Tôi và Hoàng Cầm tính trái ngược nhau, trong khi tôi thích đùa giỡn thì anh giống như một ông đồ non, lúc nào cũng ngồi hút thuốc lào, rung đùi, trầm ngâm.
Lúc ấy, anh đang sống chung với Tuyết Khanh – người sinh ra Kiều Loan mà sau này duyên kỳ ngộ đã trở thành con gái đỡ đầu của tôi bên Mỹ. Cầm mơ mộng, nặng tình. Cho đến giờ tôi vẫn nhớ đêm vợ chồng Cầm – Khanh chia tay nhau để Cầm lên đường đi lưu diễn vùng kháng chiến, lần bên nhau cuối cùng của họ.
Trong bữa cơm đạm bạc tại Phố Nỉ (Bắc Giang), Hoàng Cầm ngồi rung đùi ngâm thơ bên cạnh người vợ mà sau đấy rồi đây anh sẽ không bao giờ gặp lại nữa, giọng ngâm buồn rười rượi…
Hồn thơ tranh đấu…
Với tôi, chỉ có thơ của Hoàng Cầm mới làm cho miền đất Kinh Bắc lung linh và hiển hách hơn bất cứ một giọng thơ nào khác. Thơ kháng chiến của anh không chỉ có hình ảnh Vệ Quốc Quân mà còn rất quan tâm tới người dân thường như người mẹ già, người vợ hiền, cô hàng xén răng đen, đàn trẻ nhỏ sột soạt quần nâu… Khi những bài thơ đó được ngâm lên, ai mà không muốn chiến đấu để gìn giữ cảnh vật và những con người thân yêu đó?
Những bài thơ kháng chiến như vậy đã được Hoàng Cầm và tôi diễn ngâm trong rừng sâu, trên đồi cao hay trong những hang đá dưới ánh đuốc bập bùng… Trong ba lô của bất cứ một Vệ Quốc Quân nào cũng có những bài thơ chép tay của Hoàng Cầm.
Tôi không có tham vọng đóng vai trò một nhà khảo cứu phê bình, tôi chỉ muốn hoá giải một nỗi buồn thương trong tôi mỗi khi nhớ tới Hoàng Cầm. Tôi muốn nói rằng: Trước hết, trong thi ca Việt Nam có một giai đoạn được gọi là ”thời kỳ kịch thơ” thì ai cũng phải công nhận đó là thời kỳ của Hoàng Cầm. So với các thi sĩ khác, kịch thơ của Hoàng Cầm chói lọi nhất (mặc dù về sau, kịch thơ không còn đất đứng).
Năm 2000, trở về Hà Nội, người tôi đến thăm đầu tiên là Hoàng Cầm. Khi tôi thổ lộ ý định muốn trở về định cư trên đất Mẹ, anh bảo dù cho còn chút hơi tàn cũng cố ký vào lá đơn để tôi trở về, vì người nghệ sĩ không thể nào sống thiếu quê hương. Anh đã sống một đời thơ như thế, câu nào, chữ nào cũng chan chứa hương vị quê hương.
Giờ đây phải vĩnh biệt anh, tôi càng thấm thía câu chuyện mà chúng tôi đã nói cùng nhau vào lúc cả hai đều gần đất xa trời, rằng rốt cuộc đều thấy đời mình chỉ là một cuộc chơi!
Cuộc chơi đã đưa hai đứa lên rất cao, rồi cũng đã dìm hai thằng xuống rất sâu nhưng cả hai kẻ lãng tử này đều được cứu rỗi bởi một sợi dây bí ẩn. Đó là sợi dây cảm nhận, rung động và sáng tạo nghệ thuật – nó làm cho chúng tôi, sau nhiều cơn vật vã vẫn có thể gạn đục khơi trong rồi làm ra những vần thơ điệu nhạc lung linh sức sống kỳ diệu của con người.
Vâng! Nghệ thuật đã rửa hồn chúng tôi, như Hoàng Cầm đã nói: “Ton art purifie ton âme” và đã giúp anh đi nốt con đường đã chọn: CON ĐƯỜNG TÌNH, tình nước, tình người.
__________
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét