Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam là ‘một chiến lược hấp dẫn’


Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tới Việt Nam và Philippines để tham dự các hội nghị thượng đỉnh quốc tế vào tháng 11, theo thông báo của Phó Tổng thống Mike Pence tại Indonesia.
Lần đầu tiên với tư cách nguyên thủ Hoa Kỳ, ông Trump sẽ có mặt tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 11-12 tháng 11. Tiếp đó, ông Trump sẽ tới Manila, thủ đô của Philippines, để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) vào ngày 13/11.
Phát biểu tại trụ sở của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở Jakarta hôm 20/4, ông Pence cho biết Tổng thống Trump hy vọng sẽ làm việc với ASEAN về các vấn đề an ninh, thương mại và tự do hàng hải ở Biển Đông, theo The Hill. Chuyến thăm của ông Trump trùng khớp với những dấu mốc đặc biệt của Hiệp hội: Kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ ASEAN – Hoa Kỳ.
Việc ông Trump tham dự các sự kiện tại Đà Nẵng và Manila đem lại một chiến lược khá hấp dẫn, theo The Diplomat, tạp chí chuyên về các vấn đề thời sự liên quan đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trước tiên, sự tham dự của Tổng thống Trump sẽ giúp trấn an mối lo ngại về cam kết của Mỹ đối với châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng, theo ông Prashanth Parameswaran, biên tập viên chuyên về Đông Nam Á của Diplomat trú tại thủ đô Washington (Mỹ). Chính quyền Trump với những biểu hiện khác với truyền thống, đã khiến các nước không chắc chắn về sự tham gia của Mỹ tại khu vực. Mối quan ngại này có thể được xoa dịu khi ông Trump tham dự cùng các quốc gia châu Á tại các hội nghị thượng đỉnh về kinh tế và chính trị hàng đầu của khu vực vào năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông.
Tổng thống Trump có thể đặt ra chiến lược đầu tư và thương mại của Mỹ ở châu Á thông qua các hội nghị tại Việt Nam và Philippines. Ông Trump đã tuyên bố từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do chính Mỹ khởi xướng. Đây được coi là một cú đánh vào Mỹ về mặt kinh tế và chiến lược, một điều khiến Trung Quốc phấn khởi còn khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì lo lắng, bài viết của Diplomat nhận định.
Để bù đắp vào khoảng trống của TPP, Mỹ cần tạo bước tiến nhanh đối với các thỏa thuận thương mại song phương với một số nước trong phạm vi TPP như Nhật Bản, vì đây cũng có thể là một kiểu mẫu cho các hiệp ước khác. Nhưng không chỉ có vậy, việc bù đắp khoảng trống cần được bổ sung bằng các sáng kiến rộng lớn hơn cũng như một ý thức rõ ràng về tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực, để tránh cho điều này lọt vào tầm kiểm soát của Trung Quốc, ông Parameswaran cho biết.
Sự có mặt của ông Trump tại APEC có thể làm sáng rõ các phương cách thay thế mà chính quyền của ông đang tìm kiếm đối với các vấn đề đầu tư và thương mại liên quan đến lợi ích của các nước và các doanh nghiệp trong khu vực, theo Diplomat.
Tạp chí này nhận định Việt Nam sẽ là một địa điểm hợp lý để thực hiện phương cách thay thế khi Việt Nam là một thành viên của TPP. Hơn nữa, việc Mỹ gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm ngoái đã mở ra những cơ hội mới cho các quan hệ giữa hai nước. Vào cuối tháng 3 năm 2017, Tổng thống Trump đã viết thư tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong đó “khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác về kinh tế, thương mại, và các vấn đề trong khu vực và quốc tế” với Việt Nam.
Đồng thời, thông qua hai sự kiện lớn tại khu vực, ông Trump có thể xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Điều này có vai trò quan trọng đối với sự tham gia về mặt an ninh của Mỹ tại tiểu vùng này, đồng thời giúp ông Trump hình thành một chiến lược rộng hơn nhằm kiểm soát cơ hội và rủi ro từ sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo Diplomat.
 Thu Phương /Daikynguyen

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: