Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Giáo sư Văn Tạo và luận thuyết “Công minh lịch sử và Công bằng xã hội”


Phạm Tuyên
Lời dẫn của Phạm Tôn: Trang 8 báo Nhân Dân số ra ngày 12/4/2017 đăng thông báo: TIN BUỒN Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và gia đình thương tiếc báo tin: Giáo sư VĂN TẠO (tức Nguyễn Xuân Đào) sinh năm 1926, quê quán: huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương; trú quán P8 – 12A – 16 khu đô thị Times City, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, cán bộ lão thành cách mạng nguyên Viện trưởng Viện Sử học: Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba; huân chương kháng chiếng chống Mỹ, cứu nước hạng nhất; một Giải thưởng Hồ Chí Minh, hai Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; Huân chương Lao động hạng nhất: Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, đã từ trần hồi 12 giờ 35 phút ngày 10/4/2017. Lễ viếng từ 11 giờ 30 phút; lễ truy điệu và đưa tang lúc 12 giờ 30 phút ngày 13/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, quận Hai Bà Trưng, tp Hà Nội, hỏa táng cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển, Hà Nội.
—o0o—
Có lẽ không người dân nào ở một đất nước đầy biến động như nước ta lại không tán thành và mong ước việc thực thi luận thuyết đầy ý nghĩa này.
Giáo sư Văn Tạo, hơn nửa thế kỷ qua, bằng hàng trăm công trình và kiến nghị của mình viết về lịch sửVan tao 4 nước nhà đã được sự đồng tình và đánh giá cao của đông đảo giới Sử học trong và ngoài nước.
Thấm thoát đã qua mười lăm năm kể từ khi luận thuyết “Công minh lịch sử và công bằng xã hội” của giáo sư được công bố rộng rãi trên báoNhân Dân cuối tuần (5/5/1996), đã thu hút được sự quan tâm của giới trí thức và đặc biệt lớp trẻ. Nhiều nhà Sử học đã cảm thấy bụi thời gian đã che phủ không ít sự kiện và nhân vật góp phần làm nên lịch sử nước nhà, và cảm thấy đã đến lúc phải trả lại lịch sử như nó vốn xảy ra, gạt bỏ những nhận định sai lầm định kiến khi ở không ít quốc gia – trong đó có nước ta – có khi chính một số người tự nhận là viết sử, nhưng đã bóp méo lịch sử theo “lệnh” hoặc theo lợi ích của những nhà cầm quyền.
Tuy nhiên nhận thức đúng là một chuyện, nhưng cũng có những người, để cho an toàn, lại chỉ muốn dừng ở việc nghiên cứu nhưng sự kiện, nhân vật cách đây hàng mấy thế kỷ, mà vẫn còn đắn đo khi đề cập đến những vấn đề của lịch sử cận đại. Sự dè dặt đó khiến cho lớp bụi thời gian, tuy mới gần đây thôi, vẫn chưa được phủi sạch, để lại cho thế hệ trẻ ngày hôm nay không ít băn khoăn, lúng túng, hiểu lầm.
Điều đáng quý ở giáo sư Văn Tạo là ông không chỉ dừng ở việc nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan những dòng họ xưa kia bị quên lãng hoặc đánh giá không đúng (như họ Khúc, họ Trịnh, họ Hồ, v.v..) hay những nhân vật lịch sử như Trần Thủ Độ, Phan Thanh Giản, v.v… mà ông đã mạnh dạn, thẳng thắn đề cập đến những sự kiện, nhân vật lịch sử từ đầu thế kỷ 20 tới nay, trong đó không ít trường hợp bị quy kết, đánh giá không đúng, từ nhóm Tự lực văn đoàn, đến những chuyện manh động hồi đầu Cách Mạng Tháng Tám. Từ những sai lầm trong cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, từ không ít sự kiện “quan ta sát hại quân mình” đến vụ án “Nhân văn giai phẩm”, v.v… Giáo sư Văn Tạo đã thẳng thắn và dũng cảm bàn trực tiếp vào nhiều vấn đề và không ít trường hợp đã giải tỏa được những băn khoăn trăn trở của mọi người, được dư luận xã hội đồng tình.
Nhạc sĩ Văn Cao, người bạn vong niên của tôi, sau bao năm tháng lận đận nay đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhà thơ Lê Đạt, bạn học của tôi hồi học Pháp Lý ở chiến khu Việt Bắc, cuối đời sống trong cô độc và bị định kiến, thì nay cũng đã được tặng giải thưởng Nhà Nước. Tôi chợt nhớ tới hai câu thơ của anh, một tâm sự và cũng là một niềm tin:
“Lịch sử muôn đời duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời!”
Có công minh lịch sử thì mới có công bằng xã hội.
Riêng đối với thân phụ tôi – nhà văn hóa Phạm Quỳnh, chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Nam Phong – sau hơn nửa thế kỷ bị kết tội mà không có tòa án nào xét xử rồi bị sát hại, đã bị dìm trong quên lãng. Viện Văn học đã đôi lần đề nghị tổ chức hội thảo để có sự đánh giá thỏa đáng công tội của nhân vật lịch sử này nhưng bị cấp có thẩm quyền bảo thôi vì “chưa phải lúc”(!) Thậm chí có người trong giới văn hóa còn viết báo cho rằng không nên khui lại một vụ án đã có kết luận rồi (!). Thế nhưng đông đảo những nhà văn, nhà sử học của nước ta lại có một cách ứng đối tế nhị nhưng rất hiệu quả: Đó là từ hơn mười năm qua, hàng mấy ngàn trang viết của thân phụ tôi đã được biên tập, giới thiệu một cách khách quan và đúng đắn trên nhiều xuất bản phẩm của các nhà xuất bản uy tín trong cả nước (Nhà xuất bản Văn Học, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Nhà xuất bẳn Tri Thức, Nhà xuất bản Thế giới v.v…)
Tôi thực sự cảm ơn cách ứng xử của giới trí thức nước ta.
Đúng là “Không ai lừa được cuộc đời!
Riêng Giáo sư Văn Tạo thì ông đã viết hẳn một bài về “Phạm Quỳnh, chủ bút báo Nam Phong” (Tạp chí Khoa học và Ứng dựng, Hải Dương 2/2005), và được sự động viên của ông, nhà văn Khúc Hà Linh đã viết sách “Phạm Quỳnh – Con người và thời gian” (Nhà xuất bản Thanh Niên 6/2010).
Tôi thực sự xúc động khi dược dự một cuộc hội thảo trên Đài Phát thanh Truyền hình Hải Dương (6/2010) về Học giả Phạm Quỳnh và tạp chí Nam Phong được nghe 15 bản tham luận của các giáo sư Văn học và Sử học, mà người đề dẫn cho buổi hội thảo lại chính là Giáo sư Văn Tạo. Phải chăng khi tổ chức cuộc hội thảo này nhân ngày báo chí Việt Nam, Ban tổ chức đã chứng minh thêm sự đánh giá của đồng chí Trường Chinh khi báo Cờ Giải Phóngchuẩn bị ra số đầu tiên sau Cách Mạng Tháng Tám 1945 vói việc nhắc tới ba cột mốc của lịch sử báo chí nước ta là: “1917 – Nam Phong – 1932 Phong Hóa- Ngày Nay  và 1945 Cờ Giải Phóng” (Bài viết của nhà báo Thép Mới)
Sau hơn nửa thế kỷ vượt qua những định kiến của một thời “chủ nghĩa lý lịch”, tôi mới dần được chứng kiến sự giải tỏa bước đầu về thân phụ mình. Quê hương tôi (Hải Dương) từ tỉnh cho đến huyện, đến xã đã tự hào nhắc tới “Nhà văn hóa lớn Phạm Quỳnh”, mà người đồng hương quý mến của tôi là Giáo sư Văn Tạo đã góp phần cho sự “công bằng xã hội” đó.
Năm nay Giáo sư Văn Tạo bước sang tuổi 86.
Nhân ngày sinh của Giáo sư (29/4/2011) tôi chân thành chúc giáo sư luôn luôn mạnh khỏe, minh mẫn, tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho nền sử học của nước nhà, để lại cho thế hệ sau những công trình ngày càng có giá trị.
Hà Nội 21 tháng 4 năm 2011.
P.T.
Thu Pham Tuyen
Phần cuối bài viết của nhạc sĩ Phạm Tuyên gởi giáo sư Văn Tạo

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: