Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2017

Đồng Tâm: Đất quốc phòng hay đất nông nghiệp?


18 tháng 4 2017 - Việt Nam có 33 triệu hectare đất nhưng trong số đó chỉ còn 6,9 triệu hectare (21%) là để dùng vào nông nghiệp và trồng lúa. Người dân nông thôn Việt Nam, nhất là những người sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp để có thu nhập chính, vẫn chiếm hai phần ba số người nghèo cả nước - Ngân hàng Thế giới (06/2016)

Cụ Lê Đình Kình giải thích trong một video về tình hình đất đai ở xã Đồng Tâm
Chủ đề tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã nhiều lần được truyền thông trong nước đề cập đến. Các tường thuật, cả dạng báo viết lẫn báo hình, đã được đưa từ nhiều năm trước.

Mới đây nhất, sau diễn biến 'chính quyền bắn dân dân bắt cảnh sát' hôm 15/4, sau hai ngày đầu không đăng tin, từ 17/4 nhiều báo có bài nói về tình trạng "vi phạm trên đất quốc phòng", sau khi Thành ủy Hà Nội chính thức ra thông tin vào chiều 16/4.

Tuy nhiên, dân địa phương cáo buộc chính quyền cấp xã và cấp huyện muốn lấy đất nông nghiệp để trao cho công ty Viettel làm dự án.

Chủ tịch Hà Nội 'không về Đồng Tâm'
Lãnh đạo Hà Nội và Viettel 'đã gặp cụ Kình'
Dân Đồng Tâm đối đầu với công an

BBC điểm lại một số thông tin đăng trên báo ở Việt Nam về vụ việc.
Nhập nhằng giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp

Hồi đầu năm 2016, báo Người Cao Tuổi có bài 'Chuyện lạ: Xẻ 'đất công' để bán?' dẫn nguồn đơn thư khiếu nại của dân địa phương theo đó nói hồi đầu thập niên 1980 Chính phủ có quyết định thu hồi 47,36ha đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm, cùng đất của một số xã khác lân cận để chuyển sang phục vụ mục đích an ninh quốc phòng.

Diện tích đất trên được giao cho Lữ đoàn 28 thuộc Quân chủng Phòng không, Không quan quản lý, với mục đích xây dựng sân bay Miếu Môn.

Do dự án không khả thi nên tới 2007, Lữ đoàn 28 đã bàn giao lại diện tích từng là đất nông nghiệp này lại cho UNBD Đồng Tâm, với việc xác định lại mốc giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp được tiến hành vào ngày 30/7 năm đó, báo Người Cao Tuổi viết.

Vụ việc lại được truyền thông trong nước đồng loạt nhắc lại sau khi Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ra tiếp thông tin vào sáng 18/4/2017.

Báo Thanh Niên cùng ngày 18/4 nói rằng vào tháng 10/2014, Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Phòng không Không quân tiếp tục sử dụng làm vị trí đóng quân cho Lữ đoàn 28 với "các mốc giới không thay đổi".

Tuy nhiên, các báo không nhắc tới việc bàn giao xác định mốc giới giữa địa phương và đơn vị Lữ đoàn 28 hồi 2007.
Đoạn video clip được cho là ghi lại buổi gặp đầu tiên giữa đại diện Viettel với đại diện dân xã Đồng Tâm về chuyện bàn giao đất dự án, hồi đầu năm 2017

Về phần mình, người dân địa phương từ nhiều năm nay nói rằng dựa vào giới mốc đã được xác định hồi tháng 7/2007 thì phần đất mà giới chức nói là dân vi phạm trên thực tế không thuộc đất quốc phòng mà nằm trong phần đất nông nghiệp của xã.

Báo Người Cao Tuổi trong bài đăng hồi 2016 mặc dù ghi nhận rằng theo một văn bản của Lữ đoàn 28 cũng như tuyên bố của cán bộ xã Đồng Tâm thì diện tích đất mà người dân khiếu nại 'là đất của quốc phòng', nhưng nói việc 'xác minh' của phóng viên cho thấy những lô đất này 'có dấu hiệu nằm ngoài mốc giới đất quốc phòng'.

Trong một video clip đăng trên mạng xã hội, một cụ ông cao tuổi, được cho là cụ Lê Đình Kình đại diện dân xã Đồng Tâm, giải thích rằng diện tích đất dân đang khiếu nại trước đây 'từng nằm trong dự án [an ninh quốc phòng]... nhưng chưa bị thu hồi' và đã được trao lại cho xã vào năm 2007.

Cụ ông cũng giải thích chỗ đất này hoàn toàn nằm ngoài khu vực 47,36ha đất mà xã Đồng Tâm đã giao cho nhà nước hồi 37 năm trước.

BBC được gia đình cụ ông Kình, người hiện đang nằm điều trị ở Bệnh viện Việt Đức sau vụ bị bắt đi hôm 15/4/2017 xác nhận rằng đoạn video đó được ghi cách đây khoảng hơn một tháng, khi đại diện Viettel lần đầu tiên tới tiếp xúc với người dân địa phương, với đại diện là cụ Kình, để trao đổi về vấn đề đất đai được giao cho Viettel.

Cụ Kình nói trong video clip là vào cuối 2016, chính quyền huyện Mỹ Đức đã đưa khoảng gần 600 công an, an ninh, cảnh sát cùng xe vòi rồng, xe thùng bắt người xuống cưỡng chế đất đang có khiếu kiện này, khiến người dân phản đối mạnh mẽ và từ đó dẫn đến hàng loạt vụ tranh chấp căng thẳng diễn ra vào đầu năm 2017.

Hôm 15/4/2017, chính quyền địa phương mời đại diện người dân trong xã 'ra khu vực đất đang tranh chấp để cùng đo đạc, xác định mốc, ranh giới giữa đất quốc phòng và đất nông nghiệp của xã Đồng Tâm".

Sau đó, đã xảy ra chuyện giới chức bắt chín người dân xã, và đổi lại, phía dân Đồng Tâm bắt hơn 30 công an, an ninh.

Tất cả người dân Đồng Tâm bị bắt hôm 15/4 đều đã được thả, trừ cụ ông Kình hiện đang phải nằm viện vì 'phải phẫu thuật xương đùi', một người cháu ngoại của cụ ông Kình nói với BBC hôm 18/4.

http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39626433

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: