Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017

Nào ai có lòng với nước hơn ai? Nước ơi!

Lưu Trọng Văn


Trên trang web của nhà thơ Du Tử Lê, gã bất ngờ được đọc một bài của nhà thơ viết liên quan tới gã.
Du Tử Lê là một trong 10 nhà thơ nổi tiếng nhất của miền Nam trước năm 1975, ông cũng là nhà thơ có thơ phổ nhạc nhiều nhất trong các nhà thơ hiện nay, những bài hát có ca từ là thơ của ông nổi tiếng như: Khúc Thụy Du, Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển, Đêm nhớ trăng Sài Gòn…đồng thời ông từng là một sĩ quan của quân đội Việt Nam Cộng hòa, và ngày 17.4.1975 ông từng bị kết án tử hình vắng mặt trên Đài phát thanh Giải phóng của Mặt trận DTGP miền Nam cùng nhà văn Mai Thảo và nhạc sĩ Phạm Duy.
42 năm nay ông sống ở Mỹ và công việc đam mê nhất của ông vẫn là làm thơ. Ông là nhà thơ gốc châu Á duy nhất có thơ được chọn đăng trên hai tờ báo lớn nhất nước Mỹ là New York Times và Angeles Times. Năm 2015 ông ra mắt một tập thơ của ông tại Hà Nội.
Gã muốn giới thiệu về nhà thơ Du Tử Lê, với cái lý lịch điển hình của một người gọi là ở "phía bên kia" cùng đoạn trích bài viết của ông mới nhất trong những ngày tháng Tư buồn vui lẫn lộn này để bạn facebook của gã và chính gã có những suy nghĩ về hòa giải hòa hợp dân tộc - một khát vọng cháy bỏng của bất cứ ai yêu nước, thương nòi dù ở bất cứ đâu và dù từng là đối nghịch của nhau.
Gã xin nhắc lại trong câu chuyện với Phạm Duy, như nhiều lần gã khẳng định, gã thực ra chỉ là một cái cớ, để Phạm Duy mượn bài thơ của gã chìa bàn tay hòa giải hòa hợp dân tộc, chìa bàn tay hội tụ nước non mà thôi.
***
Lưu Trọng Văn, nổi tiếng với bài thơ “Về thôi”, viết tặng nhạc sĩ Phạm Duy mà sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy từng cho biết, bài thơ đó là một động lực quan trọng đưa ông tới quyết định, bỏ hết, để trở về Việt Nam.
Tuy nhiên, có một sự kiện, nếu không do chính nhà thơ Lưu Trọng Văn tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn dành cho Trọng Thắng Show, có thể nhiều người không tin rằng mãi tới năm 1966, khi đã 15 tuổi, tác giả “Về thôi” mới được đọc bài “Tiếng Thu” của thân phụ ông!!!
Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Ở thời điểm giữa thập niên 1960s ở miền Bắc thì tất cả thơ văn mà chúng ta quen gọi là “Thơ văn Tiền chiến”, vẫn còn bị chính quyền Hà Nội cấm phổ biến, cấm lưu trữ vì bị xếp vào loại văn chương lãng mạn đồi trụy, sản phẩm sa đọa của tiểu tư sản!
Khi biết được Lưu Trọng Văn là thứ nam của tác giả “Tiếng Thu”, một độc giả hâm mộ thơ Lưu Trọng Lư, đã gọi Lưu Trọng Văn về nhà, dẫn tới một gác bếp, với tay, lấy từ trên gác bếp đó một bọc giấy, nhiều lớp. Mà lớp trong cùng là một miếng lá chuối khô. Bên trong mảnh lá chuối khô, lại là một tấm giấy nhỏ… Vị độc giả hâm mộ thơ Lưu Trọng Lư bảo:
“Mày đọc đi!...”
Người con trai thứ của nhà thơ Lưu Trọng Lư cúi đọc những hàng chữ li ti trong miếng giấy nhỏ ấy…
Đó là nguyên vẹn bài “Tiếng Thu” của cha ông mà lần đầu tiên ông mới được đọc:
“Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?
(Lưu Trọng Lư)
Đọc xong bài thơ của cha mình, Lưu trọng Văn đã… bật khóc!
(Nguồn: Trọng Thắng PV Lưu Trọng Văn - Youtube)
Có thể nhiều người cũng sẽ không tin, nếu chính tác giả “Về Thôi” không kể lại rằng: Hai năm sau, tức năm 1968, ông mới được nghe lần đầu, bài hát “Tiếng Thu” do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của cha ông.
Tôi nghĩ, đó cũng là một duyên lành khác, trời đất dành cho Lưu Trọng Văn sau nhiều năm, không được quyền biết tới di sản trí tuệ của cha mình!
Vẫn theo lời kể của nhà thơ Lưu Trọng Văn thì một độc giả khác, ái mộ thơ Lưu Trọng Lư, chỉ hơn Lưu Trọng Văn một, hai tuổi, cho biết: Anh đã lén nghe đài phát thanh Saigon nhiều lần.
Một hôm tình cờ được nghe ca khúc “Tiếng Thu” phổ từ bài thơ cùng tên của thân phụ Lưu Trọng Văn, anh đã nhập tâm ca khúc ấy… Tới khi tình cờ đi cùng tầu, người thanh niên yêu thơ liều lĩnh, bất chấp nguy hiểm kia, đã đóng cửa, ghé tai tác giả “Về Thôi” tương lai, để hát cho ông nghe. (Nguồn: Nđd.)
Cũng trong cuộc phỏng vấn kể trên, trả lời câu hỏi của Trọng Thắng về sự hình thành, rồi tương tác giữa bài thơ “Về Thôi”, với nhạc sĩ Phạm Duy… Khiến tác giả ca khúc “Tình Ca: Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi”; quyết định, phải trở về, nhà thơ Lưu Trọng Văn cho biết, đại ý:
Đó là năm 1994, trong một chuyến đi Singapore, ông được nhạc sĩ Võ Tá Hân (khi đó còn làm việc tại Singapore), hỏi có muốn nói chuyện điện thoại với nhạc sĩ Phạm Duy ở Hoa Kỳ?
Tuy chưa bao giờ gặp mặt một trong những người bạn văn nghệ thân thiết nhất của cha mình, vì hoàn cảnh chia đôi đất nước năm 1954, nhưng dĩ nhiên, Lưu Trọng Văn rất muốn được nói chuyện với người bạn tài hoa của cha.
Chưa kể cá nhân ông, bằng cách riêng, cũng biết khá nhiều những ca khúc nổi tiếng Phạm Duy. Câu chuyện được hướng thẳng vào tâm nguyện riêng của hai người; không dè dặt. Không úp mở. Không quanh co.
Phần nhạc sĩ Phạm Duy cho biết, ông đã suy nghĩ rất nhiều về chọn lựa sinh tử “trở về” trước khi quá muộn. Ông rất muốn trở về không phải với chế độ mà với đất nưóc, dân tộc của mình.
Phía nhà thơ Lưu Trọng Văn, tựa như thay mặt người cha quá vãng nói thẳng với bạn của cha rằng, một khi đã nghĩ tới chuyện trở về thì, nên về ngay. Bởi vì theo ông làm gì có trăm năm mà đợi! Làm gì có kiếp sau mà chờ!
Sau đó, Lưu Trọng Văn viết và đọc qua điện thoại bài “Về Thôi” cho Phạm Duy nghe:
“Về thôi, người tình già ơi
Thôn nữ chị
đã qua cầu thóc lép
Thôn nữ em
trăng gầy tuột khỏi chồi tay
Thôn nữ út
lơ đễnh lên đòng nào biết
Khúc tình xưa
Xưa ấy
Xưa rồi
Về thôi
Làm gì có trăm năm mà đợi
Làm gì có kiếp sau mà chờ
Đất Mẹ – Đất Nàng
Con sáo sang sông
tha cọng rơm vàng lót ổ
Mười chín năm bến cũ
Người tình già ơi
Nhớ không?”
LTV. 14.10.1994 (Nđd)
Sinh thời, khi được hỏi về bài thơ “Về thôi” của Lưu Trọng Văn, cố nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013) từng cho biết:
“Mùa Thu năm 1994, khi bài thơ này được thi sĩ gửi từ Saigon tới Thị Trấn Giữa Đàng cho tôi, thì nó gợi trong tôi một câu ca dao cũ:
“Trăm năm dầu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa...
“Câu ca dao này đã từng là kỷ niệm cho nhiều cuộc tình xa xưa của tôi trên những con đò ở dòng Hương Thủy. Kể từ ngày xuất ngoại, xấp xỉ 30 năm rồi, tôi xa quê hương, xa Huế... Rất nhiều khi tôi có ý nghĩ trở về thăm quê cũ, trở về Huế, Saigon và Hà Nội... nhưng tôi cứ băn khoăn, ngại ngùng, lưỡng lự... Giờ đây Lưu Trọng Văn dùng những câu thơ:
“Làm gì có trăm năm mà đợi
Làm gì có kiếp sau mà chờ…
“… đi kèm với những câu:
“Con chuồn chuồn không lùng nhùng trong mạng nhện
“Con bướm vàng nằm xoài dưới chân ai...
“… để gọi một người trong nòi tình thì -- dù tôi không còn cái thú soạn ca khúc nữa - - tôi đã muốn phổ nhạc nó ngay.
“Bài thơ của Lưu Trọng Văn còn nhắc tôi rằng: đã nhiều năm rồi tôi cứ ngồi khoanh tay chờ đợi một cái gì đó, giống như nhân vật trong một vở kịch nổi danh của Samuel Beckett: En attendant Godot! Hơn nữa, theo tinh thần của câu ca dao kể trên, tôi còn thấy nếu cứ ngồi chờ đợi một con đò xa xưa thì, sau ba thế hệ làm nghề đưa đò, chắc chắn o đò nào cũng đã đi mô mất rồi!
“Thế là tôi không ngần ngại gì nữa, vào đầu năm 2.000, tôi đáp máy bay về Việt Nam, có lẽ cũng chỉ vì có tiếng gọi tha thiết của một thi sĩ, tiếng gọi mơ màng của một o đò, tiếng gọi nồng nàn của tình yêu…
“Và sau dăm bẩy lần về thăm quê hương, tôi quyết định sáng tác một serie mười ca khúc mới, gọi là Mười Bài Hương Ca. Tôi đem bài thơ "Về Thôi" phổ thành: Hương Ca số 1 với tên là Trăm Năm Bến Cũ…” (Nguồn Wikipedia- Mở) .
***
Cứ mỗi lần có chuyện không vui liên quan tới vận nước, liên quan tới dân gã oán than, liên quan tới lòng người phân ly, gã lại nhớ tới Phạm Duy và trong gã cái câu ca ấy lại vang lên cùng nước mắt:
Tiếng nước tôi 4.000 năm ròng rã buồn vui
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi
Thoắt nghìn năm thành tiếng lòng tôi,nước ơi
Tôi yêu tiếng ngang trời
Những câu hò giận hờn không nguôi
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai…
Những người như Phạm Duy, người đã phổ bài thơ Tiếng Thu của cha gã nhà thơ bên kia vĩ tuyến 17 chia cắt hai miền, hai chế độ, để đưa ra tuyên ngôn lớn nhất của người nghệ sĩ yêu nước là "chỉ cái đẹp mới hội tụ dân tộc", nào biết ai có lòng với nước hơn ai?
Và những người như Du Tử Lê:
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Đời lưu vong không cả một nấm mồ
Vùi đất lạ, thịt xương e khó rã
Hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Nước ngược dòng hãy đẩy xác trôi đi
Bên kia biển là quê hương tôi đó
Rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì…
Nào biết ai có lòng với nước hơn ai?
Nước ơi!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: