Nhóm sinh viên đang bán dưa bên đường
Cái tựa nghe có vẻ tung hỏa mù, vì sinh viên bán dưa thì cứ nói là bán dưa, cớ chi phải nói bán… dưa để người đọc hiểu nhầm! Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ bán dưa, bán nịt, bán áo quần bành, bán cà phê, bán chè, bán bún, bán bánh mì, vé số hay bán những thứ tế nhị khác. Mà thực sự là xã hội Việt Nam ngày càng trở nên rất hiếm hoi người tử tế. Và đôi khi, bi kịch ở chỗ người đứng ra chia sẻ, giúp đỡ lại khó khăn, nghèo khổ hơn kẻ nhận giúp đỡ!Không riêng gì câu chuyện các nhóm sinh viên đi bán dưa hấu giúp cho bà con nông dân ở Quảng Ngãi tôi gặp sáng nay mà hầu hết những bạn trẻ đi giúp cho người khác đều rất vô tư, trong sáng, tay phải làm không muốn để cho tay trái biết… Tôi thực sự cảm kích các bạn trẻ. Vui cũng nhiều mà buồn cũng không ít!
Vui mà buồn
Vui vì xã hội mà tôi đang sống, đã đi nhiều nơi, gặp nhiều bạn trẻ phải nói là họ quá tử tế, quá tốt bụng, đôi khi nhìn họ tử tế và tốt bụng với người khác cũng như với tôi, tôi cảm động đến ứa nước mắt. Và chỉ biết thương cho nhiều bạn trẻ tốt bụng, nhiều nhà hảo tâm chỉ cần nghe ai đó có hoàn cảnh éo le, cay đắng và không may mắn thì không cần biết xa hay gần, quen hay lạ, cứ xắn áo chuẩn bị giúp đỡ. Và những người tốt bụng cũng không ít lần bị lợi dụng.
Nhiều trường hợp nhà cửa đề huề, phải nói là giàu có, nhưng cứ giữ nguyên căn nhà rách nát để làm cần câu. Và khi gửi hình ảnh để kêu cứu, xin xỏ. Người ta gửi những hình ảnh căn nhà cũ rách nát. Ðiều đó khiến cho nhiều người phải thốt lên: “Lẽ nào xin bây giờ đã thành kỹ nghệ của người Việt! Kẻ biết lợi dụng những thông tin, hiểu các trang mạng xã hội, báo chí thì ngụy trang bằng hình ảnh nhà cửa, giấy tờ, kẻ không có kỹ năng internet, thông tin thì tự buộc tay, buộc chân thành tàn tật để xin?!”
Nhóm sinh viên thiện nguyện giúp nông dân bán dưa
Thực lòng mà nói, tôi từng chứng kiến nhiều bạn sinh viên, trong đó có tôi một thuở, khi đói, tiền ăn cơm trưa là cả một vấn đề, và không thiếu những tuần ăn mì tôm loại 20 cục bỏ trong một bao có kèm theo 20 gói nhưn. Loại này rất rẻ mà ăn xong thì đến mồ hôi cũng nghe có mùi mì tôm! Lúc như vậy, chẳng biết trông nhờ vào ai. Nhưng nghe có ai kêu gọi hiến máu hay đi làm việc thiện nguyện thì không cần suy nghĩ, đi là đi!
Và câu chuyện bán dưa của mấy sinh viên trường đại học nội vụ Hà Nội tại Quảng Nam sáng nay mà tôi gặp ở Ðiện Ngọc, Ðiện Bàn, Quảng Nam khiến cho tôi đặt câu hỏi: “Liệu lúc bán dưa cho người Trung Quốc tấn này, tấn nọ, bội thu, người nông dân có nghĩ đến nỗi khốn khó của các sinh viên? Liệu các sinh viên thiếu vitamin, thèm dưa hấu, ra chợ mua, thiếu vài ngàn đồng người ta có sẵn sàng bán cho như các bạn đã sẵn sàng?”.
Và bài học chơi với Trung Quốc lúc nào cũng giống như đánh bạc, vậy tại sao người nông dân không chịu suy nghĩ đến hậu quả này? Ðã có rất nhiều lần nông dân trắng tay vì Trung Quốc nhưng người ta vẫn cứ trồng các loại nông sản để bán cho Trung Quốc, khi bị Trung Quốc lật kèo thì kêu than, cầu cạnh đến sinh viên, đến cộng đồng?!
Làm là làm thôi, tụi em thương dân mình!
Ghé đến chỗ bán dưa hấu của các sinh viên một trường đại học tại Quảng Nam, nơi có chừng 10 sinh viên đang ngồi vừa đếm tiền vừa ghi sổ, trong lúc những bạn khác đang đứng mời người qua đường mua dưa. Tôi hỏi trong nhóm ai là “thủ lĩnh”. Một bạn đứng ra: “Dạ em, em xin giới thiệu, em tên Hùng, sinh viên năm cuối”.
Những sinh viên nữ được giao nhiệm vụ kiểm tiền và giao lại cho chủ dưa
“Anh tới đây không phải để mua dưa, vì cách đây ba hôm, anh cũng làm giống như mấy đứa em. Cũng mua một tấn dưa với giá mỗi ký 5 ngàn đồng, chở từ Quảng Ngãi về rồi bán cho bà con trong xóm với đúng giá này”.
“Ủa, anh chở về thì ai đi bán?”.
“Ừ, anh và bà xã anh, hai vợ chồng kéo xe bò đi bán, bán toàn cho người quen nên chỉ chưa đầy buổi thì hết sạch xe dưa?”.
“Vậy là anh thuê xe tải chở về””.
“Ờ không, trong xóm anh có người bạn có đến ba cái xe tải để chở hàng, anh mượn một chiếc, đổ xăng, tốn hết có 500 ngàn đồng là xong tất”.
“Vậy là quý rồi, tụi em chỉ bán giùm chứ không bỏ tiền ra, tiền cơm trưa thì xin nhà trường tài trợ…”.
“Em bán bao nhiêu một ký. Và nhà vườn có khấu hao lại cho tụi em đồng nào không? Cơm trưa nhà trường cho được bao nhiêu?”.
“Dạ em bán 4 ngàn đồng mỗi ký. Bán xong thì về giao hết lại cho nhà vườn, tụi em làm thiện nguyện giúp bà con nên không lấy bất kỳ thứ gì của bà con tặng. Nhà trường cho mỗi đứa 15 ngàn đồng ăn cơm trưa, buổi sáng và buổi tối thì tự lo. Bán xong, đến 5h chiều thì còn dư bao nhiêu bốc hết lên xe tải và cùng ngồi với dưa trên xe tải về lại chỗ cũ, sau đó đi xe máy về ký túc xá”.
Mua dưa ủng hộ, phần lớn vì cảm tình với sinh viên
“Cơm mười lăm ngàn đồng thì ăn làm sao cho no?”.
“Dạ, nếu chỉ nghĩ mình no hay không thì chắc chắn là không no rồi anh ạ. Nhưng em lại nghĩ đến những ngư dân quê em ở Quảng Bình, đang phải bữa đói bữa no, rồi nghĩ đến nhiều người không có cơm thì em thấy no!”.
“Em nói làm anh cảm động, phục tụi em quá! Thực sự là anh đến đây không phải để mua dưa hấu, giờ anh chỉ còn mấy trăm ngàn đây, anh tặng tụi em hai trăm, gọi là của ít lòng nhiều, trưa nay thêm vào ăn cơm trưa và uống ly trà đá! Lòng thành của anh, mấy đứa đừng từ chối nha!”.
“Dạ, em thay mặt bạn bè cám ơn anh chị nhiều lắm! Anh cho em bắt cái tay!”.
“Ờ, thì anh bắt tay với em, xã giao bình thường mà em cũng bảo “anh cho…”. Lẽ ra người xin bắt tay phải là anh mới đúng chứ!”
Tại sao người nông dân mình dễ bị ngã như vậy nhỉ! Tôi nghĩ vậy, rồi lại nghĩ lan man đủ thứ chuyện trên đường về. Bởi họ đã thấy chuyện Formosa, đã biết bao bận bị đứng hàng, bị lật kèo bởi các nhà buôn Trung Quốc, từ thanh long tới chuối bồ hương, sầu riêng, bưởi, tiêu non, rễ tiêu, cho tới bí đao, dưa hấu… Vậy mà năm nào cũng như năm nào, lại tái lặp kịch bản bị Trung Quốc lật kèo, phải cầu viện đến các em sinh viên, các bạn trẻ thiện nguyện!
Liệu lòng tốt các bạn trẻ có bị vắt tận trong những cuộc thiện nguyện dai dẳng và lặp đi lặp lại như vậy không? Một đất nước tốt đẹp không phải là đất nước có nhiều câu chuyện người giúp người, mà phải là một đất nước người ta tự biết mình nên làm gì để khỏi phải nhờ cậy đến người khác. Và hơn hết, một đất nước tốt đẹp không thể là đất nước mà những nhóm lợi ích tác oai tác quái, đạp lên lợi ích dân tộc, khi thất bại thì cầu cạnh người khác ban ân! Ðã đến lúc người nông dân suy nghĩ chín chắn hơn về chọn lựa trong sản xuất của mình!
http://baotreonline.com/sinh-vien-di-ban-dua/
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét