Những biểu ngữ được người dân treo bên ngoài hàng rào nhà văn hóa thôn Hoành (xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội). Ảnh: Hoàng Như/Zing
Kết quả ấy có được sau một cuộc đối thoại vô tiền khoáng hậu, với cam kết 3 điểm của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trước sự chứng kiến của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội, Đại biểu Dương Trung Quốc, Bộ Công an, chính quyền các cấp... Ít nhất, cho đến thời điểm này, nguyện vọng của người dân Đồng Tâm đã được đáp ứng, bằng những quyết định: tạm đình chỉ thi công dự án, thanh tra toàn diện đất đai, điều tra hành vi bắt người của lực lượng công vụ của chính quyền TP Hà Nội.
Qua vụ việc, dễ dàng nhận thấy, những yêu cầu của người dân Đồng Tâm là chính đáng. Họ cần được minh bạch tình trạng pháp lý của ruộng đất, cũng như quá trình thu hồi đất của chính quyền. Để đạt được những nguyện vọng ấy, họ phải hành động quyết liệt, bắt giữ con tin và “bảo vệ lãnh thổ” của làng. Cho dù, biết rất rõ như vậy là vượt rào pháp luật, dân làng vẫn bất chấp những hậu quả pháp lý mà họ có thể đối diện.
Vậy, vì sao để đạt được sự đồng thuận xác đáng, thỏa lòng dân, hay có thể nói rộng hơn là công lý thì ông Chủ tịch Hà Nội và dân làng phải dùng một thỏa thuận “giấy tay” chưa hề có trong trình tự thủ tục pháp luật? Vì sao những bức xúc của người dân Đồng Tâm đã tích trữ thời gian dài, đã nhiều lần tràn lên các đơn thư khiếu nại nhưng họ vẫn thống thiết muốn được chia sẻ, được ai đó lắng nghe? Phải chăng, đó là hệ quả của một chính quyền cơ sở xa rời dân chúng, đến mức trở thành vô hiệu lực? Là hệ quả của các văn bản pháp luật về đất đai có những vấn đề bất cập?
Những bức xúc kiểu Đồng Tâm đang là thực tế nhức nhối trong xã hội hiện nay, một lần nữa đặt ra nhu cầu cấp thiết về hoàn thiện hệ thống luật pháp của nhà nước pháp quyền.
Đối thoại với dân về những bức xúc xã hội không phải là việc xưa nay hiếm. Có thể nhắc lại câu chuyện ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch - Quảng Bình) tháng 7 năm ngoái. Ngay sau khi thủ phạm Fomosa gây thảm họa môi trường biển miền Trung được công bố, người dân ở đây đã yêu cầu một cuộc đối thoại với chính quyền, để từ đó họ có những kiến nghị kịp thời đến cơ quan quản lý. Nhiều vụ việc khác cũng đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời sau những buổi đối thoại trực tiếp với người dân ở các địa phương trong thời gian qua.
Mặc dầu, về lý thuyết người dân có nhiều công cụ pháp lý để bày tỏ nguyện vọng của mình, đó là hoạt động bầu cử, tiếp xúc cử tri, khiếu nại, tố cáo... nhưng diễn biến của cuộc sống là vô cùng phong phú, do đó, có nhiều nơi, nhiều lúc, lãnh đạo chính quyền cơ sở quan liêu, cứng nhắc đã không lắng nghe kịp thời những đòi hỏi bức bách từ cuộc sống. Vụ việc Đồng Tâm đánh dấu một cột mốc quan trọng với phương cách giải quyết vấn đề của chính quyền trong tình huống tưởng chừng “một mất, một còn”. Nổi rõ qua vụ việc này là ý nguyện chính đáng của nhân dân được đặt lên vị trí số một, bởi ý chí chính trị bao trùm là chính quyền của dân, do dân và vì nhân dân như hiến định. Vụ Đồng Tâm còn là dịp để nhìn lại những bức xúc xã hội, thông qua các con số thống kê về khiếu nại, tố cáo. Tại cuộc họp ngày 17.4.2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết 70% đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề đất đai...
Với định chế “đất đai là sở hữu toàn dân”, hệ quả pháp lý là quyền tài sản của người dân về đất đai không được ghi nhận đầy đủ. Cho nên quá trình phân bổ lại nguồn lực này trong nền kinh tế thị trường, người dân luôn đứng ở thế bị động, thiệt thòi, và con số đơn từ khiếu nại, tố cáo như đã nêu là một phản ảnh sinh động.
Người dân luôn luôn đòi hỏi và giám sát quá trình thực thi pháp luật sao cho đúng đắn, công bằng, nghiêm minh. Nhưng đó chỉ là một vế của vấn đề. Từ thực tế đời sống, những nhà lập pháp cần chỉ ra các quy định bất cập chưa hợp lòng dân, hay còn nhiều lỗ hổng để những nhóm lợi ích tận dụng xâm phạm đến lợi ích của đa số dân chúng.
Những bức xúc kiểu Đồng Tâm đang là thực tế nhức nhối trong xã hội hiện nay, một lần nữa đặt ra nhu cầu cấp thiết về hoàn thiện hệ thống luật pháp của nhà nước pháp quyền, không chỉ là các quy phạm pháp luật chuyên ngành, mà còn là phải trao công cụ pháp lý cho chính người dân khi họ có nhu cầu bày tỏ nguyện vọng của mình: Luật Biểu tình vẫn nhiều lần trễ hẹn.
Duy Thông
http://nguoidothi.vn/vn/news/chuyen-hom-nay/binh-luan/7896/buoc-ngoat-dong-tam.ndt
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét